Chùa Hương sẵn sàng cho ngày khai hội
Ngày mai, ngày 10/2/2019 (tức mùng 6 Tết Kỷ Hợi), Lễ hội Chùa Hương ( xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), một trong những lễ hội lớn nhất của năm chính thức khai hội.
Dù chưa khai hội, nhưng lượng khách đổ về chùa Hương vẫn rất đông.
Thông tin từ Ban tổ chức (BTC) Lễ hội chùa Hương năm 2019 cho biết, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tăng cường các công tác kiểm tra và đảm bảo cho lễ hội chùa Hương xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra văn minh, an toàn.
Dù chưa đến ngày khai hội, nhưng từ đầu năm mới, lượng du khách đi lễ đầu năm rất đông. Mùa lễ hội năm nay, di tích vẫn tiếp tục thực hiện miễn phí vé thắng cảnh trong 3 ngày, từ ngày mùng 4 đến mùng 6/2 (từ 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất đến mùng 2 Tết Kỷ Hợi), và từ 0 giờ ngày 7/2, việc bán vé thắng cảnh tại di tích bắt đầu được thực hiện.
Thống kê từ BTC cho biết, chỉ tính riêng trong 3 ngày từ mùng 7 đến mùng 9/2/2019 (tức ngày mùng 3 đến mùng 5 Tết Kỷ Hợi), lượng khách đi lễ chùa, vãn cảnh đạt 124.350 lượt người, tăng 3.450 lượt người so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, trong ngày khai hội, sẽ đón trên 50.000 khách về trẩy hội.
Lễ hội chùa Hương 2019 sẽ chính thức khai hội sáng ngày 10/2/2019 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại chùa Thiên Trù, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.
Theo đại diện BTC, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, đảm bảo người dân có một mùa du xuân, lễ phật an toàn.
Video đang HOT
Chùa Hương đã sẵn sàng cho ngày khai hội.
Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Phó Trưởng BTC lễ hội chùa Hương 2019, Trưởng Ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài, do vậy, lượng khách về trẩy hội chắc chắn sẽ đông.
Mùa lễ hội 2019, các loại vé thắng cảnh, vé thuyền đò, vé trông giữ xe ô tô, xe máy được quản lý theo quy định thống nhất. Đối với vé đi đò vẫn giữ nguyên giá là 50.000 đồng/người/lượt, khách hàng trực tiếp thanh toán cho người chèo đò. Duy nhất chỉ có một loại vé tăng giá đó là vé cáp treo 160.000 đồng/vé 2 chiều/người (tăng 20.000 đồng so với mọi năm)
Năm 2019 là năm đầu tiên huyện Mỹ Đức tổ chức lễ hội sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn – chùa Hương là Di tích quốc gia đặc biệt. Do vậy, lễ hội năm nay sẽ có nhiều đổi mới trong tổ chức triển khai.
Về dịch vụ, BTC lễ hội không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực BTC tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, khu vực sân cổng động Hương Tích. BTC cũng cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.
Hơn 300 gian hàng kinh doanh trong mùa lễ hội chùa Hương 2019 đều được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh có tủ bảo quan thực phẩm đặt ở vị trí phù hợp, không treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Riêng với đò vận chuyển khách, huyện Mỹ Đức đã tổ chức 4.000 đò hoạt động trên suối Yến, bảo đảm yêu cầu về an toàn đường thủy như phao cho du khách, bố trí giỏ đựng rác…
Để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, huyện Mỹ Đức đã huy động sự tham gia của hàng trăm chiến sĩ công an tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phân luồng giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó chú trọng các đối tượng trộm cắp, móc túi… nhằm đảm bảo cho một mùa lễ hội an toàn.
Theo Phương Hà/Báo Tin tức
Hàng trăm ngàn tàu thuyền nhỏ trốn đăng kiểm
Theo quy định của Luật Giao thông Đường thủy nội địa (ĐTNĐ), các phương tiện thủy loại nhỏ phải đăng ký, đăng kiểm mới được tham gia giao thông...
Phương tiện thủy loại nhỏ hoạt động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Thế nhưng, sau 17 năm triển khai luật, đa phần các phương tiện loại này chưa chấp hành đăng kiểm hoặc không quay lại đăng kiểm định kỳ...
Từ lách luật đến... trốn tránh
Khu danh lam thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương, xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) hiện có hơn 3.600 phương tiện thủy (đò) chèo tay chở khách du lịch trên suối Yến. Trong khoảng 3 tháng lễ hội đầu năm, hầu như tất cả các phương tiện đều được đưa vào chở khách. Thời gian còn lại do không có khách nên chỉ một số phương tiện luân phiên hoạt động.
Những chiếc đò trên làm bằng vỏ tôn, khung sắt, được chính quyền địa phương, Ban tổ chức lễ hội quy định chỉ chở tối đa 12 người. Đây cũng là mức phương tiện thô sơ không phải đăng kiểm kỹ thuật mà chỉ cần quản lý bằng đăng ký. Quy định là vậy nhưng thực tế nhiều đò được thiết kế và chở 20-30 khách. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, thực tế có 4 loại đò: Chở đến 6 người, 10-12 người, chở 20-25 người và đến 40 người.
Theo quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ có hiệu lực từ năm 2005, các phương tiện không có động cơ, sức chở trên 12 người đều thuộc diện phải đăng kiểm. Dẫu vậy, nhiều năm qua, chưa đò nào tại chùa Hương có chứng nhận đăng kiểm. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, nguyên nhân vì các phương tiện đều do người dân tự đóng, không có hồ sơ nguồn gốc, thiết kế kỹ thuật nên không đủ điều kiện đăng kiểm.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhằm giải quyết vướng mắc trên, nhiều năm trước, Cục Đăng kiểm VN đã tổ chức thực nghiệm đánh giá thực tế phương tiện để làm cơ sở cấp chứng nhận kiểm định, nhưng cũng đành... bó tay. Bởi, theo lãnh đạo Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN, kết quả thử nghiệm là phương tiện không đảm bảo tính ổn định khi hoạt động, chưa kể kết cấu khung phương tiện không đảm bảo vững chắc, độ dày vỏ phương tiện không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Từ đó đến nay, nhiều phương tiện ở khu vực trên vẫn chở quá 12 người dù không có chứng nhận đăng kiểm nhưng không bị xử phạt, đình chỉ hoạt động.
Theo Cục Đăng kiểm VN, không chỉ chùa Hương, tại nhiều địa phương trên toàn quốc cũng đang phổ biến tình trạng phương tiện thủy loại nhỏ không chấp hành quy định đăng kiểm. Lãnh đạo một số đơn vị đăng kiểm thủy phía Nam cho biết, hầu hết phương tiện chở hoa quả, hàng hóa nông sản, ghe máy phục vụ đi lại hàng ngày của người dân chưa có chứng nhận đăng kiểm hoặc đã hết hạn đăng kiểm nhưng không quay lại kiểm định.
Ông Lê Văn Biếu, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Tiền Giang cho biết, lực lượng đăng kiểm đến trực tiếp huyện, xã để đăng kiểm phương tiện tại chỗ cho người dân, nhưng đa phần chủ phương tiện không đưa phương tiện đến đăng kiểm. "Nhiều chủ phương tiện là người nghèo, đi chở thuê, chở mướn trái cây nên cũng chẳng muốn mất tiền để đăng kiểm phương tiện", ông Biếu nói.
Ông Dương Văn Chú, nguyên lãnh đạo đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy tại Bắc Kạn cũng cho biết, trên địa bàn chủ yếu có phương tiện thủy loại nhỏ, trung bình chở nông sản, khách trên hồ Ba Bể nhưng việc tuyên truyền, vận động chủ phương tiện chở hàng thực hiện kiểm định rất khó khăn.
Theo Cục Đăng kiểm VN, trong điều kiện hiện nay, cần xem xét sửa đổi Luật Giao thông ĐTNĐ theo hướng không bắt buộc đăng kiểm đối với phương tiện thủy loại có trọng tải toàn phần 5-15 tấn, công suất máy 5-15 CV để quản lý phù hợp với thực tế.
Đề xuất không bắt buộc kiểm định
Từ năm 2005, Luật Giao thông ĐTNĐ quy định tại Khoản 2, Điều 24, phương tiện thủy không có động cơ trọng tải toàn phần từ 5-15 tấn, có động cơ tổng công suất máy chính từ 5-15CV phải đăng ký, đăng kiểm mới được tham gia giao thông. Quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ nhất đối với loại phương tiện cỡ nhỏ này, góp phần hạn chế TNGT.
Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm VN, sau hơn 17 năm triển khai, còn số lượng lớn phương tiện chưa thực hiện đăng kiểm lần đầu hoặc không quay lại đăng kiểm. Cụ thể, theo kết quả tổng điều tra năm 2007, toàn quốc có khoảng 235.000 phương tiện thủy nhóm trên, nhưng đến nay mới có 150.000 chiếc đã chấp hành đăng kiểm. Tuy nhiên, trong số các phương tiện đã đăng kiểm, có tới 70% (105.000 chiếc) không quay lại đăng kiểm định kỳ. Như vậy, thực tế có khoảng 190.000/235.000 phương tiện loại trên không thực hiện đăng kiểm theo quy định của luật.
Theo ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, những năm qua giao thông đường bộ phát triển nên phương tiện nhóm trên không còn nhiều như số liệu thống kê cách đây hơn 17 năm. Song thực tế là số lượng lớn phương tiện chưa thực hiện quy định về đăng kiểm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó liên quan đến điều kiện kinh tế, nhận thức của chủ phương tiện.
"Phương tiện loại này chủ yếu hoạt động trong phạm vi hẹp, trong khi chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng chưa kiểm soát được rộng khắp và quyết liệt trong xử lý vi phạm về đăng kiểm phương tiện. Mặt khác, phương tiện nhỏ chủ yếu của người dân nghèo, kinh tế khó khăn và nhận thức hạn chế về pháp luật giao thông đường thủy nên cũng là nguyên nhân khiến đăng kiểm đạt tỷ lệ thấp", ông Trần Kỳ Hình nói và cho rằng, cần đánh giá, xem xét lại quy định về đăng kiểm đối với phương tiện nhóm trên cho phù hợp thực tế.
Hồng Xiêm
Theo atgt
Cầu phao già cỗi rệu rã trong mùa mưa bão Cây cầu phao qua sông Đáy già cỗi hàng ngày kẽo kẹt, dập dềnh mỗi khi có phương tiện qua lại. Người dân xã 2 Vạn Kim (huyện Mỹ Đức) và Phù Lưu (huyện Ứng Hòa - TP Hà Nội) vẫn hàng ngày qua lại bằng cầu này vì đây là con đường ngắn nhất nếu không muốn phải đi vòng xa 7km....