Chưa đủ sức sát thương giặc “nội xâm” tham nhũng
Trò chuyện cùng Tiền Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng việc chống tham nhũng (PCTN) vẫn dàn trải, thiếu trọng tâm vì vậy chưa đủ sức sát thương “giặc nội xâm” – tham nhũng.
Ông Lê Như Tiến.
Công khai quá trình xử lý án tham nhũng
Tại cuộc họp thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp, khó phát hiện, ông có bình luận gì về nhận định này?
Đúng như nhận định của Thường vụ Quốc hội, qua tiếp xúc cử tri, và nhân dân vẫn chưa hài lòng và cho rằng công tác PCTN vẫn còn yếu, nhiều vụ tham nhũng lớn và điển hình vẫn chưa được đưa ra và xét xử, giặc tham nhũng chưa bị ngăn chặn và đẩy lùi. Và những vấn đề được bàn thảo trong phiên họp lần này đã được đại biểu Quốc hội nói tới trong nhiều năm nay, sẽ tiếp tục được thảo luận trong kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII vào tháng tới.
“Để việc kê khai tài sản hiệu quả, đích thực là “một viên đạn” bắn vào giặc tham nhũng chúng ta phải công khai bản kê khai đó… Chỉ có như vậy, mới tạo điều kiện cho tai, mắt của nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng. Nếu không, coi như chúng ta đã bịt mắt, che tai người dân” – ĐBQH Lê Như Tiến.
Trước đây PCTN còn yếu kém, chúng ta cho rằng do hệ thống chính sách pháp luật bất cập, bộ máy chưa hoàn thiện, nhưng nay luật đã sửa, cơ quan chuyên trách đã có và được tổ chức đồng bộ từ T.Ư tới địa phương. Bên cạnh các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán, giám sát, chúng ta có cơ quan chuyên trách là Ban Nội chính T.Ư và Ban Nội chính các tỉnh.
Nói cách khác, tới thời điểm này chúng ta đã bày binh bố trận rầm rộ, nhưng giặc tham nhũng vẫn chưa bị tiêu diệt được bao nhiêu. Vì vậy, cũng có cử tri đặt câu hỏi có phải chúng ta đang án binh bất động vì còn “ém quân” chờ thời?
Tôi cho rằng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng cần có cơ chế công khai theo thời hạn hàng tháng, hàng quý để người dân biết, dân kiểm tra. Nếu không người dân sẽ tiếp tục hoài nghi về PCTN.
Có phải tình hình chống tham nhũng đang rơi vào tình trạng “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, vì vậy giặc tham nhũng vẫn nằm ngoài tầm bắn?
Trong kinh tế, thời gian vừa qua vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải phân tán nguồn lực và kém hiệu quả. Trong PCTN, tôi cũng có cảm giác chúng ta vẫn chưa đánh vào trọng tâm, trọng điểm. Hay, nói như đại biểu Dương Trung Quốc, chúng ta chống “giặc nội xâm” – tham nhũng rất rầm rộ nhưng “chưa có viên đạn nào gây sát thương giặc”.
Hiện nay, việc xét xử những vụ tham nhũng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, tha hóa đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước chưa được làm rốt ráo. Như các vụ án Vinashin, Vinalines… đã được báo chí, nhân dân nói đến rất nhiều, nhưng việc xử lý mới dừng lại ở những người đứng đầu các Tổng công ty đó. Theo tôi một mình các Tổng Công ty đó không thể gây ra hậu quả làm thiệt hại, thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng nếu không có sự buông lỏng, tạo kẽ hở, thậm chí tiếp tay của các cơ quan quản lý ở cấp cao hơn.
Vì thế công tác PCTN mới dừng ở thân, ngọn, chứ chưa tới gốc rễ của vấn đề. Muốn dò tới ngọn nguồn của tham nhũng, phải truy trách nhiệm của những người đứng đầu.
Video đang HOT
Chúng ta có nhiều cơ quan có chức năng chống tham nhũng nhưng lại thiếu cơ chế kết nối vì vậy để lỗ hổng cho tội phạm tham nhũng “lọt lưới”. Và để việc PCTN hiệu quả, tôi đề nghị cần có cơ quan PCTN độc lập.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ năm vừa qua phát hiện 73 vụ, nhưng chỉ có 4 người bị xử lý hình sự. Vậy việc xử lý trách nhiệm những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng dường như còn “giơ cao, đánh khẽ”?
Mặc dù luật nêu nơi nào để xảy ra tham nhũng, người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu.
Phần lớn người đứng đầu có tâm lý không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Vì vậy khi cơ quan có tham nhũng, họ liền tìm cách che chắn, đậy điệm cho khéo, nếu không chính họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Vì thế, xảy ra hiện tượng chính người đứng đầu lại bao che, biến báo, nhào nặn để tội phạm tham nhũng trở thành những người chỉ mắc khuyết điểm, xử lý nội bộ ở mức phê bình, nhắc nhở. Điều này dẫn đến hệ quả, năm nào cũng đánh giá tham nhũng ngày càng “tinh vi, phức tạp”, nhưng khi được hỏi lại có câu trả lời “cơ quan của tôi không có tham nhũng”.
Hành chính hóa các vụ có liên quan đến tham nhũng
Mặc dù công tác thanh tra phát hiện rất nhiều sai phạm nhưng hầu như việc chuyển sang cơ quan điều tra lại rất hạn chế. Vậy có chuyện “nắn dòng, bẻ ghi” làm chuyển hướng trong quá trình thanh tra điều tra không, thưa ông?
Theo thông tin tôi nắm được, trên 64 nghìn vụ thanh tra của các cấp các ngành trên toàn quốc trong những năm vừa qua, mới chuyển cơ quan điều tra 464 vụ (chiếm 0,6% tổng số vụ). Trong những tháng đầu năm của năm 2013, phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng, nhưng mới chuyển cơ quan hình sự 11 vụ.
Tôi cho rằng có một xu hướng hành chính hóa các vụ có liên quan đến tham nhũng. Nếu có xử lý lại theo hình thức chuyển công tác hoặc phê bình, nhắc nhở. Nhiều vụ được đưa ra xét xử lại ở dưới khung hình phạt, hoặc cho hưởng án treo. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi “có tham nhũng trong cơ quan phòng chống tham nhũng hay không?”.
Tôi cho rằng là có. Vì một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ đã vào vòng lao lý do tham nhũng, hối lộ, bị xử lý. Tuy nhiên, theo lý giải của Thanh tra Chính phủ đó là do trình độ của cán bộ còn hạn chế. Nhưng theo tôi không phải lý do trình độ yếu kém của thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán mà còn có những điều “khó nói”, khó lý giải.
Mặc dù rất nhiều người có thông tin chạy án, nhưng để “bắt tận tay, day tận trán” thì không dễ, bởi như chúng ta nhận định tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, luôn luôn giấu mặt, giấu tay.
Về minh bạch tài sản, thu nhập năm 2012, đã có hơn 113 nghìn người kê khai lần đầu, hơn 519 nghìn người kê khai bổ sung, nhưng chỉ có 3 trường hợp được xác minh là không trung thực. Ông có bình luận gì về con số này?
Hiện nay, kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, vì kê khai mà chưa có công khai. Bản kê khai tài sản được niêm phong và cất vào tủ hồ sơ của các cơ quan quản lý cán bộ. Điều này tạo kẽ hở cho nhiều đối tượng “rửa” tài sản, như khai báo không trung thực để người thân đứng tên. Và vì thế việc kê khai tài sản không còn mấy ý nghĩa.
Để việc kê khai tài sản hiệu quả, đích thực là “một viên đạn” bắn vào giặc tham nhũng chúng ta phải công khai bản kê khai đó. Cần công khai bản kê khai tài sản ở nơi công tác, nơi cư trú và tại nơi ứng cử (đối với các đại biểu dân cử). Chỉ có như vậy, mới tạo điều kiện cho tai, mắt của nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng. Nếu không, coi như chúng ta đã bịt mắt, che tai người dân.
Nói đến tai mắt của nhân dân, hiện nay có ý kiến cho rằng người dân đã không còn mặn mà tới việc PCTN?
Có môt nghịch lý bộ máy PCTN tầng tầng lớp lớp nhưng nhiều vụ tham nhũng lại do chính người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện.
Nhưng hiện nay, có hiện tượng người dân đã thờ ơ, không còn nhiệt huyết phòng chống tham nhũng. Thứ nhất khi người dân phát hiện ra tham nhũng, cung cấp thông tin cho cơ quan có trách nhiệm nhưng không được xử lý, không được phản hồi. Thứ hai, người đứng lên đấu tranh PCTN lại là nạn nhân của kẻ tham nhũng. Bởi kẻ tham nhũng vốn có sẵn tiền và quyền trong tay, lại không thiếu gì mưu mô, không từ một thủ đoạn nào để dằn mặt, trả thù những người tố cáo.
Trên thực tế nhiều người đứng ra tố cáo, thông tin về tham nhũng, chống tham nhũng trở thành những người “đơn thương độc mã”. Vì vậy tạo ra một thực tế “người ngay sợ kẻ gian” và tạo ra tâm lý “mặc kệ nó”.
Ngay cả đối với những nhà báo vào cuộc chống tham nhũng đôi khi cũng bị cản trở, đe dọa. Vì vậy cần phải coi việc nhà báo tham gia mặt trận PCTN như những người thi hành công vụ; và cản trở nhà báo khi tác nghiệp PCTN là cản trở chính những người thi hành công vụ.
Đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp cũng phải tích cực tham gia giám sát. Bởi hơn ai hết họ là những người thay mặt nhân dân, có vị thế, có vị trí, bộ máy và được trao quyền. Họ chính là người phải tích cực giám sát và tổ chức giám sát tại cơ quan, địa phương mình. Nếu không sẽ không thể đòi hỏi trách nhiệm của nhân dân và bản thân họ cũng không thể đại diện cho nhân dân.
Xin cảm ơn ông.
Theo N.C.KHANH
'Đại biểu Quốc hội phải làm gương về ứng xử'
"Mỗi đại biểu có trách nhiệm phải bảo vệ hình ảnh của mình như là các công dân tiêu biểu. Bản thân họ phải làm tấm gương ứng xử có văn hóa", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đào Trọng Thi nói về bài viết trên blog của đại biểu Hoàng Hữu Phước.
Ông Đào Trọng Thi. Ảnh: Tiến Dũng.
- Nhìn nhận câu chuyện đại biểu Hoàng Hữu Phước viết trên blog cá nhân một số nội dung đối với đại biểu Dương Trung Quốc, ông có bình luận gì?
- Áp vào điều kiện cụ thể của hai đại biểu vừa rồi, việc đại biểu viết blog như thế (mà có người quan niệm là nhật ký riêng), chúng ta phải có cách tiếp cận khác. Không thể xem blog như là trang hoàn toàn riêng tư của một người, cho dù anh trình bày là không có ý chia sẻ rộng rãi.
Đã là blog, chuyện phát tán ra dư luận là rất lớn. Bởi vậy, mỗi người khi viết blog không thể xem đây là viết của riêng mình. Viết phải với tinh thần trách nhiệm, ứng xử có văn hóa, có ý thức xây dựng, như viết một văn bản mà anh muốn công bố với công chúng.
Tôi nghĩ cái thiếu sót đáng tiếc vừa qua trong câu chuyện này là ở chỗ đó. Cứ xem như đây là trường hợp đại biểu vô tư viết riêng cho mình thôi cũng phải rút kinh nghiệm. Ai viết nhật ký thì cũng phải viết với một tinh thần văn hóa, dù là chỉ cho riêng mình đọc. Bởi biết đâu người thân của mình, bạn bè của mình đọc thì sao.
- Từ câu chuyện ứng xử đó, có người đặt vấn đề to tát hơn bởi những người trong câu chuyện này là đại biểu Quốc hội - là hình ảnh đại diện cho cử tri?
- Có một số người đặt vấn đề lớn hơn, tức là phải xử lý gì đó, nhưng tôi nghĩ cái này chắc là không phải phạm trù mang tính chất hành chính. Đây là phạm trù đạo đức, phạm trù về quan hệ xã hội, quan hệ giữa con người với con người. Tất nhiên, đã là đại biểu Quốc hội thì phải thấy mình có vị thế xã hội, với vị thế đó mình phải có trách nhiệm hơn. Có lẽ không nên đặt vấn đề có quy định riêng về ứng xử, trao đổi giữa các đại biểu Quốc hội với nhau. Vì giữa con người với nhau đã phải có ứng xử trong một khuôn khổ nhất định. Đại biểu Quốc hội càng nên gương mẫu hơn chứ.
Nếu đưa ra xem xét, giả sử trong trường hợp này đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cảm thấy những lời lẽ kia xúc phạm mình đến không thể chấp nhận được thì có thể khởi kiện ra tòa. Tòa sẽ xử theo pháp luật nếu sự xúc phạm ấy đến mức phải xử.
Tôi nghĩ như thế chứ không cần phải có quy định riêng về ứng xử, trao đổi giữa các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội là những người có địa vị, có tư cách, mình đi quản lý cả chuyện người ta trao đổi với nhau sao? Đối với đại biểu Quốc hội nên tôn trọng tính tự chịu trách nhiệm của họ trước xã hội. Bản thân họ cũng phải có trách nhiệm, phải làm tấm gương ứng xử có văn hóa trong xã hội.
Có ý kiến cho rằng, cơ quan của Quốc hội phải vào cuộc, phải xử lý thì tôi nghĩ không cần phải như vậy.
- Ông có cho rằng có vấn đề đại biểu Hoàng Hữu Phước viết trong blog có thể chưa được tranh luận đến tận cùng tại Quốc hội?
- Tôi nhớ là thảo luận tại Quốc hội khi xem xét thông qua Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh, có những luật liên quan đến nội dung mà các anh ấy đề cập. Các anh ấy và đại biểu Quốc hội đều đã có nhiều cơ hội để thảo luận, thể hiện quan điểm của mình. Trong trường hợp cụ thể, anh Quốc và anh Phước đều có phát biểu tại Quốc hội rồi. Những gì mà anh ấy nói lại ở đây cũng không có gì mới.
Đại biểu Quốc hội có quyền phát biểu ở ngoài nghị trường với tư cách là công dân. Nhưng phát biểu ở nghị trường thì có một giá trị khác. Là diễn đàn chính thức của Nhà nước, cho nên phát biểu tại đó có tác động ảnh hưởng rất lớn. Dù đã phát biểu tại nghị trường rồi, các anh ấy vẫn có quyền phát biểu ở đâu đó hay trên mạng là quyền của các anh ấy.
- Đại biểu Quốc hội viết trên blog với ứng xử như trong chuyện này là một trường hợp hiếm gặp, điều này ảnh hưởng như thế nào đến hình ảnh của đại biểu?
- Tất nhiên là có ảnh hưởng. Mỗi đại biểu có trách nhiệm phải bảo vệ hình ảnh của mình như là các công dân tiêu biểu. Lời ăn tiếng nói một người bình thường đã phải chú ý, đại biểu Quốc hội càng phải chú ý.
Ông Phước gửi thư xin lỗi ông Dương Trung Quốc
Ngày 20/2, đại biểu Hoàng Hữu Phước đã trực tiếp đến Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM nhờ chuyển thư xin lỗi của ông đến đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai). Ông Phước cũng có thư gửi Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM song nội dung của cả hai lá thư nói trên chưa được tiết lộ. Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ông cũng muốn để câu chuyện này lắng xuống.
Theo VNE
Phải đưa "chạy công chức" ra Quốc hội "Chạy 100 triệu đồng tôi nghĩ còn ít đấy, chứ tôi thấy người ta nói còn tốn hơn thế gấp nhiều lần nữa cơ", ông Lê Như Tiến thẳng thắn chia sẻ. Chạy công chức là bệnh kinh niên Liên quan đến kết luận thanh tra về ý kiến cho rằng chạy công chức ở Hà Nội mất hơn 100 triệu đồng, ông...