Chưa đủ điều kiện, nhiều quán karaoke vẫn ngang nhiên hoạt động
Mới đây, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, rà soát đã phát hiện và đình chỉ hoạt động 892 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố không bảo đảm các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, hiện nhiều quán karaoke trên địa bàn thực hiện chưa nghiêm việc này.
Nhiều quán Karaoke trong “ danh sách đen” vi phạm PCCC vẫn hoạt động. Ảnh: T.V
Phớt lờ quy định
Ngày 24.8, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, tại một số quán karaoke bị liệt vào “danh sách đen” không bảo đảm các điều kiện về PCCC trên địa bàn quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm và quận Bắc Từ Liêm vẫn hoạt động bình thường. Một số quán mặc dù đã hạ biển nhưng bên trong vẫn còn hoạt động.
Tại quán Karaoke 112 tại số 134 Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy), vào 10h sáng ngày 24.8, bên ngoài quán vẫn đề các biển hiệu liên quan đến dịch vụ. Khi thấy có sự xuất hiện của chúng tôi đã có một nhân viên ra “mời chào” khách vào hát. Tại đây, chủ quán cho đặt trước phòng hát cho 10 người với giá 400.000đ/giờ.
Video đang HOT
Tiếp tục khảo sát trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, tại quán Karaoke Flanmenco (có địa chỉ số 5, Văn Tiến Dũng, phường Phúc Diễn), bên ngoài, quán này gỡ hết tên biển giống như không hoạt động. Tuy nhiên, khi vào bên trong, cả nhân viên và chủ quán cho biết quán vẫn hoạt động bình thường.
Sau đó chủ quán còn nhiệt tình dẫn PV đi xem trước phòng hát và cho biết mức giá 200.000 đồng/giờ. Tại quán Karaoke Hoàng Anh (số 80 Cầu Diễn, phường Phúc Diễn), khi PV đề nghị được đặt trước phòng lúc 21h tối, chủ quán đồng ý đặt trước với giá 200.000đ/giờ. Quán vẫn có biển và ghi mức giá hát (cụ thể, hát ngày 80.000đ/giờ, hát đêm là 130.000 đ/giờ)…
Kiên quyết xử lý nghiêm
Liên quan tới vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên KTS Trưởng thành phố – cho hay: Vừa qua xảy ra rất nhiều vụ cháy khiến nhiều người dân lo lắng. Do đó cần rà soát lại các yêu cầu PCCC.
“Về mặt phòng cháy, hiện đã có đầy đủ các cơ sở pháp lý để triển khai công tác này. Ngay trong thiết kế ban đầu của các công trình, dự án được duyệt đã có hệ thống PCCC. Đó là tính an toàn thiết yếu phải bảo đảm cho người dân. Luật PCCC cũng quy định rõ về trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Do vậy, cần có biện pháp mạnh để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan” – TS Nghiêm nói.
Tại hội nghị giao ban trực tuyến Quý II/2018, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an TP. Hà Nội nhận định, cháy nổ trên địa bàn tiềm ẩn nguy cơ hết sức nguy hiểm. Ông Khương đề nghị, trước hết ngay tại trụ sở các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành đúng các quy định về PCCC. Cùng đó, chế tài xử lý, xử phạt phải nghiêm khắc hơn, công tác kiểm tra xử lý sai phạm phải kiên quyết và dứt khoát hơn.
Chẳng hạn qua kiểm tra các công trình xây dựng nếu phát hiện không đảm bảo an toàn PCCC hay các giải pháp về PCCC chưa đảm bảo thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước. “Nếu chúng ta không có một giải pháp dứt khoát, một thái độ cứng rắn thì tôi nghĩ rằng, thảm họa về cháy nổ trên địa bàn thành phố là nhãn tiền” – ông Khương – nhấn mạnh.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Hoài Nam từng phát biểu: “Khi xảy ra vụ cháy ở Cầu Giấy, chúng ta bắt đầu ngồi kiểm điểm với nhau. Sau đó, mới chỉ ra phải thế này, thế kia, nhưng sau một thời gian im ắng lại đâu vào đấy. Các cơ sở karaoke vẫn bật đèn sáng choang, các biển quảng cáo vẫn che hết.
Các chung cư, chúng ta yêu cầu các lồng phải cắt ra, làm ô cửa đề phòng khi xảy ra cháy còn cứu người được. Nhưng vừa rồi, xảy ra cháy lại phải dùng kìm cộng lực để cắt ra. Do vậy, công tác phòng cháy phải được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, không để những thiệt hại đáng tiếc xảy ra”. C.Nguyên
VƯƠNG TRẦN – PHẠM ĐÔNG
Theo Laodong
Tăng cường phòng chống cháy nổ tại nhà ở
Sau gần một năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh về tăng cường trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua đó, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp, phương án phòng ngừa cũng như giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ.
Theo báo cáo của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh, trong 3 năm (từ 2015 đến 2017) đã xảy ra 1.173 vụ cháy, trong đó nhà ở hộ gia đình là 578 vụ; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (gọi chung là hộ kinh doanh) là 595 vụ. Thiệt hại về tài sản hơn 3 tỷ đồng và làm chết 24 người. Hiện toàn thành phố có 1.335.126 nhà ở hộ gia đình (không gồm các căn hộ chung cư, nhà ở các khu đô thị, khu dân cư mới chưa thành lập tổ dân phố) với 57.241 căn nhà có nguy hiểm về cháy, nổ do được xây dựng bằng vật liệu dễ cháy và có hệ thống điện không an toàn.
Theo nhận định của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố, qua điều tra nguyên nhân các vụ cháy, nổ xảy ra thời gian qua cho thấy, ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ cơ sở, chủ hộ gia đình không nghiêm, người dân còn chủ quan, lơ là với việc phòng cháy và chữa cháy, xem nhẹ sự an toàn cho chính bản thân và gia đình mình như: Vi phạm các quy định an toàn trong sử dụng điện; sơ suất, bất cẩn trong việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; sắp xếp hàng hóa không đủ khoảng cách an toàn, lấn chiếm lối thoát nạn...
Trước những nguy cơ cháy, nổ cao tại nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố, ngay từ đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều kế hoạch cùng các giải pháp cụ thể hướng đến mục tiêu kiềm chế, kéo giảm 10% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy và chữa cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh) cho hay, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; đồng thời tiếp tục duy trì công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình toàn bộ công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh trên địa bàn. Để góp phần giảm các vụ cháy, nổ xảy ra, người dân cần quan tâm đến việc phòng cháy và chữa cháy nơi mình sống như: Tìm hiểu kiến thức, tham gia tập huấn chữa cháy, trang bị bình cứu hỏa mi ni; thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình và cẩn thận khi thắp hương, thờ cúng trong nhà, không để bàn thờ sát những đồ vật dễ cháy...
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố và Bộ Công an xây dựng ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng cháy và chữa cháy nhằm tiếp tục kéo giảm tình hình cháy trên địa bàn; tham mưu UBND thành phố ban hành, triển khai thực hiện quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh, cũng như tổng kiểm tra, rà soát xử lý các cơ sở nguy hiểm cháy, nổ xen cài trong khu dân cư; đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đẩy mạnh tuyên truyền; cảnh báo, khuyến cáo người dân về nguy cơ cháy, nổ...
Để hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn xảy ra, nhất là những nhà ở kết hợp kinh doanh, hơn ai hết các chủ hộ kinh doanh phải tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tại các chung cư, người dân cần bảo quản tốt các thiết bị chữa cháy đã được trang bị, nếu phát hiện hỏng hóc phải báo ngay cho ban quản lý tòa nhà.
Thanh Tàu
Theo hanoimoi
Điểm tựa của người dân Bức thư cảm ơn của anh Đinh Văn Đạt, tổ dân phố Xuân Lộc 1, Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đến Trung tá Lê Văn Toàn, Trưởng CAP Xuân Đỉnh và Trung úy Nguyễn Tiến Sỹ - CSKV CAP Xuân Đỉnh chứa đựng một tình cảm đặc biệt của người dân dành cho CBCS Công an đã cứu cả nhà...