Chưa đến Tết nhưng tôi đã hoang mang nghĩ cảnh… lo Tết nhà chồng
Gần tới Tết là tôi lại lo lắng không yên, chẳng biết có tiền lo Tết cho gia đình không. 4 năm làm dâu là 4 năm tôi lấy tiền của bố mẹ đẻ mình lo Tết cho… nhà chồng.
Chưa đến Tết nhưng tôi đã hoang mang nghĩ cảnh… lo Tết nhà chồng. Ảnh minh họa
Hai vợ chồng tôi cưới nhau đã được 4 năm. Tôi quê ở Phú Thọ, chồng tôi quê ở Vĩnh Phúc. Khoảng cách hai gia đình không xa là mấy, nhưng với tôi Tết lại trở thành nỗi lo lắng, thậm chí ám ảnh. Trong khi bạn bè lo lắng Tết này về đâu ăn Tết, đi lại như thế nào, mua sắm Tết ra sao cho bản thân thì tôi lo lắng làm sao có tiền để lo Tết nhà chồng.
Tôi làm nhân viên hành chính, chồng tôi cũng thế. Hai vợ chồng tôi tháng chỉ tổng cộng có khoảng 17, 18 triệu đồng. Ngần ấy ngoài nuôi con, thuê nhà, để một khoản nhỏ phòng ốm đau chúng tôi gần như chả bao giờ dư dả. 4 năm kết hôn, sắp đến cái Tết thứ 5, nhưng từ ngày về làm dâu, tôi phải lo hết cho bố mẹ chồng, gia đình nhà chồng.
Nhà chồng tôi hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ chồng tôi khi sinh chồng tôi lúc họ đã nhiều tuổi nên mọi gánh nặng bây giờ cũng đều dành.. con út. Cụ thể, các chị gái chồng đều lấy chồng quanh xã nhưng hoàn cảnh cũng không dư giả gì. Chính vì thế, bố mẹ đều do vợ chồng tôi lo lắng, chu cấp.
Mỗi tháng, chúng tôi gửi biếu ông bà 1 triệu tiền thuốc men, đôi khi là những phát sinh lặt vặt cũng tốn kha khá như tiền hiếu hỉ, tiền mua đồ lặt vặt về cho hai ông bà ở nhà. Đặc biệt, đến Tết do bố mẹ chồng đã già không có tiền nên vợ chồng tôi phải sắm sửa tất cả, khiến tôi cảm thấy mệt mỏi.
Ngoài tiền về sắm Tết, quà cáp cho họ hàng, tiền mừng tuổi các cụ và các cháu khiến những khoản lương để dành hay thưởng Tết của chúng tôi chẳng thấm vào đâu.
Video đang HOT
Đã qua 4 năm, nhưng năm nào cũng vậy cứ từ tháng 7, tháng 8 là tôi đã bắt đầu… lo Tết. Có năm, chúng tôi chi tiêu mua sắm rất tằn tiện để cố dành ra được những khoản tiền nho nhỏ mừng tuổi, biếu ông bà nhưng rồi các cháu ngày càng đông hơn, những khoản lo Tết cũng vì thế mà trở nên căng kéo.
Cuộc sống vợ chồng chúng tôi chẳng khi nào ổn cả, hàng ngày chẳng còn đồng ra đồng vào để màn xông xênh đi cafe hay sinh hoạt với bạn bè. Bản thân tôi dù sắp xếp, vu vén đến mấy mà vẫn thấy mình không quản nổi tiền, bởi có tiền đâu mà quản.
Các bạn có tin không, có năm chiều 29 Tết mẹ đẻ tôi còn phải gửi xe khách tiền xuống Hà Nội cho tôi, vì mẹ lo tôi Tết nhất không có tiền và gọi là giúp đỡ tôi thêm để có tiền về sắm Tết… nhà chồng. Bởi lúc nào, mẹ cũng lo cho tôi và bố mẹ sợ tôi không chu đáo với nhà chồng.
Tôi thấy mệt mỏi khi nghĩ đến lo Tết nhà chồng và có năm đã cự cãi với chồng rằng, hay 2 vợ chồng mình ở lại Hà Nội ăn Tết một năm. Các anh chị ở quê dù khó khăn nhưng gì tới mức không chăm lo đươc 1 cái Tết cho bố mẹ? Nhưng chồng tôi đã giận tím mặt và nói rằng, anh có được trên đời là do bố mẹ đẻ thêm và anh biết ơn điều ấy. Nhưng nghĩ cảnh Tết về nhà chồng là tôi lại… thấy sợ.
Nói đâu xã xôi, mới năm ngoái, hai vợ chồng cả lương tháng 1, tháng thứ 13 được hơn 20 triệu đồng. Tưởng Tết vui vẻ, dư giả thì đến chiều mừng 1 Tết, bố chồng tôi bị ốm. Thế là cả nhà lo vào viện chăm ông, mất hết Tết. Dù có BHYT, nhưng tiền viện phí, thuốc men, đi lại chúng tôi cũng phải lo hết khiến chúng tôi quay như chong chóng vì mệt và vì… hết tiền.
Mùng 3 Tết, hai mẹ con tôi về nhà ngoại chúc Tết mà nước mắt tôi cứ lăn dài khi mẹ đẻ hỏi thăm. Về nhà ngoại mà tôi chẳng còn đồng nào để lì xì các cháu mình, khiến mẹ tôi biết ý còn phải dúi cho tôi mấy đồng để gọi là quà Tết cho các cháu.
Mẹ tôi biết tôi không có tiền, nên có năm bà còn chuẩn cả ít bao lì xì bảo mang đi mừng tuổi các cháu cả 2 bên nội ngoại, cả bên nhà chồng không mang tiếng cô ở Hà Nội về mà lại chẳng có gì thì họ hàng họ cười cho. Cứ như thế, tôi đếm đầu ngón tay cả 4 cái Tết, không cái Tết nào bố mẹ đẻ của tôi không phải hỗ trợ tôi để lo cho nhà chồng cái Tết tươm tất.
Năm nay, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết rồi, tôi tính đầu, tính đuôi cũng phải mất hơn 20 triệu đồng mới đủ. Nhưng năm nay giá cả leo thang, thịt lợn đang đắt vậy thì việc mua bánh chưng hay giò thôi đã đủ đau đầu lấy đâu ra tiền mà quất đào với cả biếu Tết nhiều hơn chút ít so với năm ngoái.
Cứ nghĩ đến Tết là tôi đã hoang mang, lo sợ. Cứ nghĩ đến cảnh Tết đến như này, không biết bao giờ vợ chồng tôi mới tiết kiệm được chút gọi là phòng ốm đau chứ đừng nghĩ tới mua nhà Hà Nội. Càng buồn hơn, khi gánh nặng Tết nhất tôi lại đang “đổ thừa” lên chính vai bố mẹ đẻ của mình. Mới nghĩ Tết thôi là tôi đã cảm thấy vô cùng mệt mỏi và chán ghét Tết.
Nguyễn Lan Anh (Hà Nội)
Theo infonet.vn
Em chồng 3 năm liền về ăn Tết nhưng không chi tiền, chỉ hạch sách
Tôi về nhà chồng 4 năm thì 3 năm chứng kiến em chồng đưa 2 con về ăn Tết cùng bố mẹ đẻ. Nhưng năm nào cũng vậy em chỉ hạch sách mà không chịu chi ra bất cứ đồng tiền nào.
Tôi năm nay 29 tuổi, lấy chồng được 4 năm và có con gái hơn 3 tuổi. Hiện chúng tôi đang sống cùng bố mẹ chồng.
Việc sống chung đôi lúc có mâu thẫu nhưng tôi biết nhẫn nhịn nên không khí gia đình không quá căng thẳng. Tuy vậy, đã 3 năm nay, cứ vào dịp Tết, tôi lại thấy bức xúc trong lòng.
Em chồng 3 năm liền về ăn Tết nhưng không chi tiền, chỉ hạch sách. Ảnh VietNamNet
Bố mẹ chồng tôi sinh được 3 người con: 1 trai, 2 gái. Cô em út lấy chồng miền Nam, kinh tế khó khăn nên ít khi về thăm nhà. Cô em thứ 2 lấy chồng miền Trung, người chồng đi xuất khẩu lao động nên 3 năm nay, cô ấy đều đưa con về ngoại từ chiều 27 tháng Chạp đến mùng 5 Tết.
Kinh tế nhà cô ấy khá, có phòng trọ cho thuê, lại có tiền gửi tiết kiệm nhiều. Thế nhưng, năm nào về ăn Tết, cô ấy cũng dẫn 2 con đi tay không.
Đến nơi, thấy vợ chồng tôi chưa trang hoàng nhà cửa, chưa mua đào, quất, mai ... là cô ấy ý kiến, bảo chúng tôi phải sắm sửa cho có không khí Tết.
Năm 2017, bố chồng tôi ốm 'thập tử nhất sinh', vợ chồng tôi lao đao vì vừa phải chăm con nhỏ, vừa chăm sóc bố, lo viện phí thuốc men cho bố. Gần Tết, thấy vợ chồng cô em ở miền Nam báo sẽ về, hai vợ chồng phải nài nỉ hàng xóm bán chịu cho 1 con lợn để cả nhà ăn uống đón năm mới.
29 Tết, kiểm tra thực phẩm thấy chỉ có món chủ đạo là thịt lợn, cô em thứ 2 nói với chồng tôi bằng giọng giận dỗi: 'Mấy khi các em về đông đủ mà 2 bác sắm Tết đạm bạc quá'.
Chiều hôm đó, chồng tôi phải cầm chỉ vàng cuối cùng trong nhà đi bán, mua thêm vài kg thịt bò, 3 con gà và 1 con cá to về nướng.
Mùng 2 Tết, tôi xin phép bố mẹ chồng được ở lại nhà ngoại của mình. Sáng mùng 3 Tết trở về, tôi bị cô em chồng thứ 2 nói té tát. Cô ấy bảo tôi cố tình bỏ việc nhà chồng. Các em về ăn Tết, không ở nhà lo cơm nước mà trốn đi biệt. Tôi tức nghẹn cổ nhưng vẫn im lặng để không khí gia đình vui vẻ.
Cận Tết năm ngoái, mẹ đẻ của tôi ốm. Tôi phải túc trực ở bệnh viện nên việc sắm Tết không được chu đáo. Mùng 1, theo phong tục quê nhà, chồng tôi lấy quà đi chúc Tết thì phát hiện tôi mua thiếu quà của bà cô - em bố chồng tôi.
Bố mẹ và chồng tôi chưa lên tiếng chê trách nhưng cô em chồng đã nguýt dài, bảo tôi là: 'Có mỗi việc mua sắm cũng làm không nên hồn'. Tôi rất tức giận. Hôm đó, chồng tôi phải can ngăn hai chị em to tiếng.
Năm nay, còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán nhưng cô ấy đã nhắn tin, bảo chồng tôi hẹn mua thịt thú rừng để cả nhà ăn Tết cho ngon.
Tôi bảo chồng: 'Nếu cô ấy muốn ăn ngon thì mua mang về đây, mình ở quê biết tìm đâu mấy loại đặc sản đó'. Nói xong, tôi quay mặt đi nhưng chồng tôi hiểu ý vợ nên có vẻ rất hậm hực. Hai vợ chồng vì thế mà lại cãi nhau.
Bây giờ tôi cảm thấy rất ngán ngẩm và chán Tết. Có ai chung tâm trạng với tôi hay không?
Độc giả có bài viết chia sẻ về chủ đề Tết Nguyên Đán, xin gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài viết phù hợp sẽ được lựa chọn để đăng tải. Trân trọng cảm ơn!
T.M (Hà Nam)
Theo vietnamnet.vn
27 tuổi, tôi có tình yêu trong sáng nhưng toàn nỗi đau Là bạn học từ nhỏ rồi lớn lên bên nhau, sau đó là yêu, em từng nghĩ chỉ cần yêu, thương, tôn trọng nhau thì dù thế nào vẫn bên nhau. Thế nhưng, sau bao năm tháng, áp lực cuộc sống, tiền bạc, em nhận ra yêu là làm khổ nhau. 27 tuổi, có lẽ không còn trẻ cho những sai lầm, vụng...