Chưa có tên Trịnh Xuân Thanh trên trang web truy nã của Interpol
Sáng nay, 19.9, trang web của Tổ chức Cảnh sát quốc tế – Interpol vẫn chưa đăng tải thông tin truy nã quốc tế với bị can Trịnh Xuân Thanh. Một sự trùng hợp là bị can Trịnh Văn Thảo (nguyên Giám đốc PVC – ME) dù bị truy nã quốc tế từ năm 2012 nhưng cũng không có tên trên trang web này (?).
Sau khi Bộ Công an ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị can Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VP Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trình tự thủ tục truy nã quốc tế với bị can này gồm có một số giai đoạn quan trọng.
Trước tiên, quyết định truy nã phải được gửi đến: Công an xã, phường, thị trấn, Công an cấp huyện nơi đăng ký thường trú, tạm trú, nơi ở và quê quán của người bị truy nã; Công an cấp tỉnh nơi người bị truy nã có khả năng lẩn trốn hoặc gửi đến tất cả Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; Cục Cảnh sát truy nã tội phạm Bộ Công an; Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an cấp tỉnh; Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ (nơi đăng ký hồ sơ nghiệp vụ); Quyết định truy nã được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, phát hiện, bắt giữ đối tượng bị truy nã.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Trong trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Cục Cảnh sát truy nã tội phạm tiến hành các biện pháp nghiệp vụ và thông báo rộng rãi trên website của Cục Cảnh sát truy nã để cho nhân dân, các cơ quan, tổ chức được biết phát hiện thông báo hoặc bắt giữ theo quy định của pháp luật.
Sau đó, khi đã có căn cứ xác định bị can đã bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan truy nã sẽ gửi Lệnh truy nã cùng các giấy tờ pháp lý có liên quan đến Văn phòng Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát. Đây là cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm của lực lượng Cảnh sát Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol).
Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol ra quyết định truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh.
Video đang HOT
Hiện tên và ảnh của đối tượng Giang Kim Đạt vẫn còn trên trang web các đối tượng bị truy nã của Interpol.
Sáng nay, 19.9, trên trang web của Tổ chức Cảnh sát quốc tế – Interpol tại địa chỉ (www.interpol.int/notice), theo ghi nhận của PV vẫn chưa thấy đăng tải hình ảnh và thông tin về việc truy nã đối với Trịnh Xuân Thanh. Lý giải điều này, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng để đăng tải thông tin của đối tượng bị truy nã quốc tế cũng cần phải có quy trình và phía Interpol cũng cần thời gian để thẩm định lại yêu cầu truy nã của các nước thành viên.
Tuy nhiên, điều khó hiểu là bị can Trịnh Văn Thảo, nguyên Giám đốc Công ty CP thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME) – đơn vị thành viên của PVC (100% vốn của PVC), người cũng bị khởi tố về tội Cố ý làm trái… như Trịnh Xuân Thanh vào tháng 9.2012 nhưng do bỏ trốn nên bị công an truy nã quốc tế – cũng chưa có tên trên trang web này (?).
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV, hiện trên website vẫn có thông tin truy nã quốc tế đối với 148 đối tượng là người Việt Nam, bị công an Việt Nam ra quyết định truy nã. Trong số đó có cả những đối tượng đã bị công an Việt Nam phối hợp với Interpol bắt giữ như Giang Kim Đạt – nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinline. Giang Kim Đạt bị lực lượng chức năng bắt giữ vào tháng 7.2015 sau nhiều năm lẩn trốn ở nước ngoài.
Trong nhóm đối tượng nữ bị truy nã, nổi bật có bị can Phạm Thị Tuyết Mai – nguyên Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam. Đối tượng này đã bị Bộ Công an phát lệnh truy nã đặc biệt từ năm 2010 về tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trả lời báo chí, Thượng tá Đào Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP Hà Nội cho biết: “Lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh sẽ được Tổ chức Interpol thẩm định, rồi đăng tải trên website của tổ chức này để phát trên toàn cầu. Các nước tham gia tổ chức Interpol sẽ có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam truy bắt Trịnh Xuân Thanh trên phạm vi toàn thế giới”.
Được thành lập trên cơ sở Uỷ ban Cảnh sát Hình sự quốc tế (1923), với 190 quốc gia thành viên, hiện Interpol là tổ chức quốc tế đa phương toàn cầu lớn thứ hai sau Liên hợp quốc về số lượng thành viên tham gia. Việt Nam là thành viên chính thức từ ngày 04.11.1991. Ngày 28.5.1993, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định thành lập Văn phòng Interpol Việt Nam trực thuộc Tổng cục Cảnh sát (nay là Tổng cục Cảnh sát PCTP). Qua hơn 20 năm gia nhập Tổ chức Interpol, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã hợp tác có hiệu quả với Cơ quan của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC), lực lượng công an, cảnh sát các nước thành viên của Tổ chức Interpol, Aseanapol để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến Việt Nam như tội phạm về ma túy, mua bán người, khủng bố quốc tế, truy nã tội phạm, rửa tiền, bắt truy nã…
Theo Danviet
Ai đã tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn?
Khi Trịnh Xuân Thanh bị Bộ Công an phát lệnh truy nã, nhiều người đã liên tưởng đến vụ án Dương Chí Dũng cách đây vài năm. Điểm giống nhau của hai nhân vật này là khi Lệnh khởi tố và bắt tạm giam được đưa ra thì họ đã cao chạy xa bay.
Nhớ lại vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines mà Dân Việttừng phản ánh (Hành trình bỏ trốn của Dương Chí Dũng) giống như thước phim hành động ly kỳ.
Như lời khai của Dương Chí Dũng, sau khi nhận được tin "mật báo" của một "ông anh" ở Bộ Công an, ông Dũng đã thông báo cho em trai là Dương Tự Trọng. Ông Trọng lúc đó đang là đại tá, Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng đã đứng ra tổ chức và nhờ các thuộc cấp thân tín cùng một số anh em ngoài xã hội, trong đó có cả giang hồ giúp cho Dũng vượt biên.
Lệnh truy nã Trịnh Xuân Thanh khiến nhiều người liên tưởng tới vụ án Dương Chí Dũng cách đây 3 năm.
Dương Chí Dũng đã vượt biên trót lọt, tuy nhiên do không nhập cảnh được vào Mỹ vì có lệnh truy nã quốc tế nên đành quay về Campuchia và bị bắt sau 4 tháng lẩn trốn ở nước ngoài.
Đối với Dũng, sau khi lên chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, việc bị cơ quan tố tụng "sờ gáy" vì những sai phạm thời còn làm lãnh đạo ở Vinalines với ông ta khá đường đột. Chính vì thế Dương Chí Dũng cần được "một ông anh" mật báo để chạy trốn.
Đối với Trịnh Xuân Thanh, việc trượt dốc trên con đường sự nghiệp khác hẳn với Dương Chí Dũng. Bắt đầu từ sai phạm đi xe tư nhưng dùng biển số công, ông Thanh bị báo chí khui rõ, mổ xẻ kỹ càng trách nhiệm thời còn làm lãnh đạo Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, đến khi xin chuyển về tỉnh Hậu Giang làm Phó chủ tịch tỉnh này.
Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc. Sau khi Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng ra kết luận lần thứ nhất, ông Trịnh Xuân Thanh đã bị Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách đại biểu Quốc hội (ông Thanh trúng cử ở Hậu Giang).
Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng, Tổng Bí thư tiếp tục chỉ đạo làm rõ hơn nữa. Trong 4 nội dung công việc được Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ, có nội dung đáng chú lý là: Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TƯ chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở PVC thời ông Thanh còn làm lãnh đạo.
Có lẽ ông Thanh cũng sớm đoán trước về kết cục của mình. Dấu hiệu "lánh đi đâu đó" của ông Thanh bộc lộ khá rõ khi xin ra nước ngoài trị bệnh. Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, Tỉnh ủy không đồng ý với đề nghị của ông Thanh vì thời điểm không phù hợp. Thế nhưng sau đó ông Thanh đã bặt vô âm tín.
Đến nay, việc ông Thanh đang ở đâu vẫn chưa được làm rõ, tuy nhiên trong những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện những bằng chứng cho thấy Thanh đang ở nước ngoài dù không được Tỉnh ủy Hậu Giang, cơ quan trực tiếp quản lý ông cho phép.
Như lời thiếu tướng Lê Xuân Viên - Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh, Tổng cục An ninh (Bộ Công an) khi trả lời báo chí, ông chưa nhận được thông báo về việc cấm xuất nhập cảnh đối với ông Thanh.
Còn Thiếu tướng Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục An ninh Cửa khẩu (Bộ Công an) - đơn vị trực tiếp phụ trách việc xuất nhập cảnh - cũng xác nhận điều này.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã có phân tích rất đáng chú ý: Tại khoản 1, Điều 21 nghị định 136/2007 của Chính phủ quy định về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam đã nêu rõ: Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc "có liên quan đến công tác điều tra tội phạm".
Có thể thấy từ chỉ đạo của Tổng Bí thư và kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ, kết luận của Thanh tra Chính phủ thì ông Thanh là người đang "có liên quan đến công tác điều tra tội phạm". Tại sao trong bối cảnh như vậy ông Thanh lại "mất tích" cách khó hiểu như vậy?
Có lẽ trước khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, việc cần làm trước mắt là xem xét trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân đã không giám sát chặt chẽ hoặc có biện pháp ngăn chặn kịp thời để Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn giữa lúc cơ quan tố tụng đang vào cuộc, làm rõ trách nhiệm.
Để xảy ra việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn trong bối cảnh sắp bị khởi tố, bắt tạm giam, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, phải chăng có sự tiếp tay cho Trịnh Xuân Thanh? Bởi nếu làm một cách chặt chẽ, khó có chuyện Trịnh Xuân Thanh "đi đâu không rõ".
Nếu vấn đề này không được sớm làm rõ, dư luận sẽ có nhiều băn khoăn, suy nghĩ trái chiều, thậm chí ít nhiều suy giảm niềm tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện một cách quyết liệt và triệt để.
Theo Danviet
Bị truy nã, có thể phong tỏa tài sản của Trịnh Xuân Thanh? Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn phong tỏa tài sản của bị can Trịnh Xuân Thanh hoàn toàn có thể được thực hiện nếu chứng minh được đó là tài sản do phạm tội mà có. Như Dân Việt đã thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ...