Chưa có Luật Biểu tình, nhân dân khó thể hiện lòng yêu nước?
Nhắc lại các vụ gây rối ở Vũng Áng và Bình Dương, nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, do chưa có Luật Biểu tình nên nhân dân khó thể hiện lòng yêu nước. Một số khác lại cho rằng nếu có luật rồi, sự việc càng phức tạp hơn.
Chiều ngày 21/5, Quốc hội thảo luận tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội… Tại buổi thảo luận, một số đại biểu cho rằng hiện nay nước ta chưa cần có Luật Biểu tình.
Không có luật, dân khó biểu hiện lòng yêu nước?
Phát biểu tại tổ Nghệ An, đại biểu Phạm Văn Quý cho rằng, cần có Luật Biểu tình để tránh tình trạng diễn ra như thời gian vừa qua, đám đông công nhân bị kẻ xấu lợi dụng gây hậu quả xấu. Đại biểu Quý đề nghị Quốc hội sớm xem xét Luật Biểu tình vì luật này ngoài việc quản lý được an ninh trật tự còn tạo điều kiện để người dân thể hiện quan điểm của mình.
Người Việt tại Áo biểu tình trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc. (Ảnh: Đức Vũ)
Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, nếu có quy định chặt chẽ trong Luật Biểu tình thì khó có thể xảy ra những vụ việc có hậu quả như vừa qua. Do vậy, đại biểu Hiền nhận định Luật Biểu tình ra đời là cần thiết.
Đại biểu Phan Đình Trạc (đoàn Nghệ An) cho rằng nếu không có luật thì ít ra cũng phải có Pháp lệnh Biểu tình rồi sau đó nâng dần lên.
Video đang HOT
Tại tổ Hà Nội, nhiều đại biểu tranh luận việc nên hay không nên đưa ra Luật Biểu tình trong thời điểm này. Từ tình hình thực tiễn những ngày qua trên cả nước, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng cần sớm có Luật Biểu tình. “Tình hình biển Đông thời gian qua, người dân muốn biểu hiện lòng yêu nước cũng khó vì chưa có cơ sở pháp lý nào, lực lượng công an cũng vất vả theo”, ông Thảo nói.
Chưa cần thiết có Luật Biểu tình
Mang quan điểm thời điểm này chưa cần thiết có Luật Biểu tình, đại biểu Lê Hiền Vân (đoàn Hà Nội) nói: “Tôi đồng tình rất cao với việc Quốc hội bỏ luật này ra khỏi chương trình. Vì có thể nói Luật Biểu tình lúc này là chưa hợp. Ý kiến đề xuất của các đại biểu tôi cũng không đồng tình vì Luật Biểu tình ở nước ta hiện nay chưa cần thiết”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại buổi thảo luận tổ
Cũng quay trở lại vấn đề ở Bình Dương, Vũng Áng (Hà Tĩnh), đại biểu Vân cho rằng nếu có Luật Biểu tình thì sẽ còn nhiều nơi xảy ra hiện tượng gây rối. Đại biểu cũng băn khoăn với việc công an, quân đội hay cả hệ thống chính trị cùng quản lý biểu tình. Đại biểu Vân lấy ngay ví dụ từ Thái Lan, hệ thống chính trị rất khủng hoảng vì một phe ủng hộ Chính phủ, một phe chống Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh cũng nhận định, trong tình hình hiện nay không nên đưa ra Luật Biểu tình. “Biểu tình có thể quy định trên giấy tờ như biểu ngữ làm sao, đi đứng thế nào… Nhưng khi hàng nghìn người ra đường, họ rút từ trong người ra biểu ngữ khác, lúc đó ai cấm được, còn lời người dân nói từ miệng ra ai kiểm soát được?”, đại biểu Thanh bày tỏ băn khoăn.
Trước các ý kiến khác nhau ở tổ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phân tích rõ thêm vấn đề. Ông Son cho rằng, trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm chủ quyền của Việt Nam, người dân đã bức xúc, biểu lộ tình cảm, trách nhiệm qua việc tuần hành tự phát trên đường phố, đó là hành động thể hiện lòng yêu nước. “Chúng ta không có quyền ngăn cản lòng yêu nước của nhân dân, nhưng tất cả phải hoạt động theo pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng nhu cầu cuộc sống cần có Luật Biểu tình, nhưng chương trình Quốc hội kỳ này đã có khá nhiều luật. Nếu cố gắng xây dựng Luật Biểu tình cũng được nhưng chất lượng không cao. Khi chưa có Luật Biểu tình, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng có thể thực hiện theo Nghị định 38 (năm 2005).
“Nếu có Luật Biểu tình chỉ là ở mức cao hơn Nghị định, còn nội dung cũng không ngoài việc bảo vệ trật tự nơi công cộng và thể hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết.
Quang Phong
Theo Dantri
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi họp báo với Tổng thống Philippines
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Tổng thống Philippines Aquino diễn ra vào cuối giờ chiều ngày 21/5.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines Aquino tại Phủ tổng thống Philippines.
Tôi và Ngài Tổng thống Aquino vừa có buổi hội đàm rất thực chất và đạt nhiều kết quả quan trọng trên tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi đã kiểm điểm tình hình hợp tác giữa hai nước và cùng nhất trí cho rằng quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp. Hai Bên đều coi trọng tăng cường quan hệ hợp tác với nhau và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác theo tinh thần "Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo", cũng như các thỏa thuận cấp cao đã có giữa hai nước.
Trước hết, chúng tôi nhất trí triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đã đạt được; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trong chương trình Hành động Việt Nam - Philippines giai đoạn 2011-2016 đúng thời hạn; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thông qua các cơ chế Ủy ban hợp tác song phương; tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; hợp tác ở các kênh Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân nhằm thắt chặt hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, trong đó có việc xúc tiến lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Philippinesvà Hội Hữu nghị Philippines- Việt Nam.
Tôi và Ngài Tổng thống Philippines cũng đã nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được về quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định Dẫn độ; nghiên cứu thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm hậu cần, công nghiệp quốc phòng; tích cực tham vấn, ủng hộ nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực về quốc phòng an ninh như ADMM, ADMM , ARF... Chúng tôi cũng tái khẳng định hợp tác biển đại dương là một trụ cột trong quan hệ hai nước; nhất trí tiếp tục thường xuyên trao đổi, phối hợp lập trường, hợp tác có hiệu quả tại các cơ chế song phương như Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác biển và đại dương, Nhóm Chuyên gia pháp lý về các vấn đề hợp tác trên biển; thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển, khí tượng thủy văn và bảo vệ môi trường biển.
Về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư và các lĩnh vực khác, chúng tôi nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3 tỷ USD vào năm 2016; tạo thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tiếp xúc, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư; tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực và mong muốn hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dịch vụ... đồng thời khuyến khích tăng cường và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng khác như văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và du lịch...
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp hiện có, chúng tôi nhất trí cần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam- Philippines, đưa quan hệ hai nước phát triển toàn diện lên tầm cao mới theo đó, chúng tôi nhất trí lập Ủy ban công tác chung do hai Bộ Ngoại giao đứng đầu để xây dựng lộ trình tiến tới quan hệ Đối tác Chiến lược, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung của khu vực để sớm trình Lãnh đạo Cấp cao hai nước quyết định.
Bên cạnh hợp tác song phương, chúng tôi cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước ASEAN khác, phấn đấu xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh vào năm 2015; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Về tình hình Biển Đông, tôi và Ngài Tổng thống cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, xâm phạm nghiêm trọng vùng biển của các quốc gia ven biển, nhất là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông. Hai bên kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm nêu trên, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Cuộc hội đàm giữa tôi và Ngài Tổng thống đã thành công tốt đẹp, chúng tôi đã đạt được những nhận thức chung quan trọng về phương hướng phát triển quan hệ song phương cũng như hợp tác ở khu vực trong thời gian tới.
Xin cảm ơn.
Theo Dantri
Việt Nam-Philippines quan ngại sâu sắc tình hình đặc biệt nguy hiểm trên Biển Đông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino hôm 21/3 cùng chia sẻ quan ngại sâu sắc tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông trước việc Trung Quốc tiến hành nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống...