“Chưa bao giờ tôi rơi vào cảnh sợ hãi thế này”: Tâm sự của người nước ngoài mắc kẹt lại Vũ Hán sau khi bị phong tỏa vì virus corona
Sáng ngày 25/1, số liệu mới nhất cho thấy con số thiệt mạng vì virus corona 2019-nCov gây dịch viêm phổi cấp đã lên tới 41 người.
Ở thời điểm hiện tại, có tới 13 thành phố của tỉnh Hồ Bắc đã bị phong tỏa, ngưng hoạt động toàn bộ hệ thống giao thông công cộng, hàng triệu người dân được yêu cầu không rời khỏi nơi cư trú trừ trường hợp khẩn cấp.
Những con người đang ở lại thành phố bị phong tỏa Vũ Hán, họ cảm thấy như thế nào?
Riêng thành phố Vũ Hán – nơi bắt nguồn dịch bệnh, 11 triệu người hiện đang trong tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đường phố trong dịp Tết âm lịch trở nên vắng lặng, hàng hóa tan hoang, không còn chút bóng dáng thường ngày của một thành phố vốn được xem là trung tâm kinh tế của tỉnh Hồ Bắc. Và đặc biệt, trong số những người kẹt lại Vũ Hán còn có cả người ngoại quốc.
“Tôi không thể rời Vũ Hán” – một người nước ngoài tại thành phố cho biết
Chongthan Pepe Bifhowjit – Ấn Độ, sinh viên ĐH Công nghệ Vũ Hán
“Tuần trước, tình hình vẫn còn khá ổn định, nhưng giờ thì hoàn toàn khác, và nó khiến tôi thực sự sợ hãi. Tôi chưa từng đối mặt với tình huống như vậy trong đời.”
“Nhưng nhà trường và chính quyền thì rất tốt. Họ quan tâm đến chúng tôi. Trường tôi hiện đang kiểm tra thân nhiệt của sinh viên mỗi ngày, phát miễn phí cho chúng tôi khẩu trang và mặt nạ. Trong trường có cả bệnh viện lẫn xe cứu thương.”
Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn
“Chúng tôi được khuyến cáo phải rửa tay sạch sau mỗi giờ, tránh ăn uống ngoài trời và luôn phải đeo khẩu trang khi rời khỏi phòng.”
“Chúng tôi chỉ còn biết ru rú trong phòng kí túc, và chỉ ghé thăm bạn bè phòng bên thôi.”
Nữ du học sinh giấu tên sống tại Vũ Hán 6 năm
“Tôi ở lại ký túc, nhưng rất nhiều người đã về nhà nên ở đây hiện khá yên tĩnh, không có nhiều người xung quanh.”
“Đây vốn là chuyện bình thường ở những năm trước, nhưng khi biết ngay cả ở ngoài đường phố cũng vắng như tờ thì khác. Rõ ràng, tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn.”
“Thực ra, lệnh phong tỏa lại khiến tôi thấy an toàn hơn, nhưng tôi cũng chẳng biết khi nào mọi chuyện mới trở lại như cũ.”
Video đang HOT
Ảnh minh họa
“Đôi khi thông tin trở nên nhiễu loạn, vì mọi người đăng bất kỳ thứ gì họ đọc được lên group chat mà không thể kiểm chứng tính đúng sai. Ví dụ như sau lệnh phong tỏa, có tin rằng chính phủ đang xịt khử trùng toàn thành phố, nhưng thực ra không có chuyện như thế xảy ra.”
“Chúng tôi chỉ còn cách chờ đợi chính phủ lên tiếng chính thức thôi.”
“Như hồi tháng 12, có luồng tin trong lớp cho rằng dịch SARS đang quay trở lại, và rồi chúng tôi nhận ra đó là một thứ hoàn toàn khác. Thông tin lan rộng ra, vượt ra khỏi phạm vi thành phố.”
“Ban đầu ai cũng tưởng chính phủ đang cố gắng kiểm soát thông tin. Nhưng thực ra họ hành động rất nhanh.”
Jan Robert R Go (Philippines), đã sống tại Vũ Hán kể từ khi theo học tiến sĩ tại ĐH Sư phạm Hoa Trung
“Du học sinh chúng tôi được khuyến cáo không rời khỏi phòng trừ trường hợp cần thiết, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa: giữ vệ sinh sạch sẽ, đeo khẩu trang khi ra ngoài…”
“Vì tôi sống trong ký túc, nhà trường cung cấp khẩu trang và xà phòng miễn phí cùng những vật dụng cần thiết. Họ giúp chúng tôi thấy an toàn hơn.”
Bác sĩ tại bệnh viện ở Vũ Hán
“Virus Corona hiện đang lây lan với tốc độ đáng báo động. Bệnh viện giờ đang quá tải với hàng nghìn bệnh nhân chờ được thăm khám. Bạn không thể tưởng tượng được sự hoảng loạn của họ đâu.”
“Ngày thường, Vũ Hán là một nơi tuyệt vời để sinh sống và làm việc. Chúng tôi tự hào về những gì mình đang làm, đó là phát triển ra phương pháp nhận diện, chẩn đoán và điều trị các coronavirus.”
“Nhưng giờ thì tôi đang rất sợ, vì đây là một chủng virus mới và những con số đang gây lo ngại.”
Daniel Pekarek – du học sinh ngành Kỹ sư phần mềm tại ĐH Vũ Hán
“Tôi cũng không biết mình nên làm gì, vì giờ tôi đơn độc tại Vũ Hán. Vài người bạn của tôi cũng ở đây, nhưng chúng tôi quyết định tất cả chỉ nên ở trong phòng thôi.”
“Tôi nghe tin về dịch bệnh từ tháng 12, nhưng ở thời điểm đó chẳng ai quan tâm. Giờ thì mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát.”
“Mọi người không thể đến Vũ Hán, cũng không thể rời đi dễ như trước. Tôi có thể ra khỏi phòng, có thể đi bộ quanh thành phố, nhưng giao thông công cộng thì đóng hết rồi.”
Cảnh sát chặn nhà ga tại Vũ Hán
“Tôi thậm chí có thể không mua được nước uống, vì mọi chuyện đang khá phức tạp. Tôi phải cầm thẻ để đến mua đồ tại những nơi chấp nhận thanh toán, nhưng tất cả mọi người đã rời đi. Tết mà! Tiếng Trung của tôi không đủ tốt để giao tiếp, cũng không có ai giúp đỡ vì cô bạn gái đã về quê mất rồi.”
“Tôi định chỉ giam mình trong phòng thôi. Tôi sợ đi tập gym, sợ ra ngoài.”
Du học sinh khác tại Vũ Hán bị mắc kẹt lại thành phố
“Tất cả các chuyến bay đến và đi tại Vũ Hán đã bị hủy.”
“Cảm giác thực sự hoang vắng. Taxi cũng không có. Hầu hết những người xuất hiện trong siêu thị là người nước ngoài, mua thực phẩm và đồ thiết yếu cho những ngày tới.”
“Người bản địa sẽ nắm được thông tin tốt hơn vì họ dùng Weibo – mạng xã hội của người Trung Quốc. Người nước ngoài thì không dùng.”
Không ai ra đường vào buổi tối nữa
“Trước khi trở về ký túc hoặc khách sạn, sẽ có người dí một thiết bị gì đó và giữa trán chúng tôi để ghi lại thân nhiệt. Tất cả người nước ngoài hiện chỉ ở trong phòng, không ra ngoài sau 17h.”
“Ở sân bay và các nhà ga, xe cảnh sát chặn luôn lối vào. Họ nói trừ phi có gì đó khẩn cấp, việc di dời là không được phép, đồng thời cung cấp cho chúng tôi số điện thoại khẩn cấp trong trường hợp thấy bản thân có triệu chứng bệnh. Chỉ cần gọi, họ sẽ tới giúp đỡ.”
Tham khảo: BBC
Theo helino.ttvn.vn
Phòng chống virus Vũ Hán: BS Phạm Nguyên Quý chỉ ra hậu quả tệ hại khi hắt xì lấy bàn tay che mũi, miệng
Đây là nội dung cực kỳ quan trọng, liên quan tới lịch sự khi ho, hắt hơi mà nhân viên y tế phải hướng dẫn cho bệnh nhân có triệu chứng cúm.
Phòng chống virus Vũ Hán: BS Phạm Nguyên Quý chỉ ra hậu quả tệ hại khi hắt xì lấy bàn tay che mũi, miệng
Bệnh viêm phổi cấp tính do chủng virus mới thuộc họ Corona (nCoV) đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới những ngày vừa qua. Được cho là khởi phát từ Vũ Hán từ cuối tháng 12 năm 2019, bệnh truyền nhiễm này đã lan đi nhanh chóng ra nhiều thành phố khác, được ghi nhận đã xuất hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và cả Mỹ. Ngày 23 tháng 1 năm 2020 vừa qua, các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy cũng vừa báo cáo phát hiện 2 người Trung Quốc nhiễm virus này tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của bệnh truyền nhiễm mới này làm người ta dễ liên tưởng đến đại dịch gây ra bởi 2 chủng coronavirus "đình đám" gần đây. Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (Severe Acute Respiratory Syndrome, SARS) năm 2003 đã làm 8098 người nhiễm bệnh, 774 người tử vong, trong khi hội chứng hô hấp Trung Đông (Middle East respiratory syndrome, MERS) năm 2012 đã làm 2494 người nhiễm bệnh, 858 người tử vong. Thiệt hại tài chính toàn cầu được ước tính lên tới vài chục tỉ USD.
Số ca mắc phải và tỷ lệ tử vong thực sự do virus mới này vẫn chưa được biết rõ, nhưng nhiều chuyên gia nói rằng những phương pháp hạn chế lây lan "kinh điển" vẫn là cách then chốt giúp chấm dứt dịch bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các bước cần lưu ý để giảm nguy cơ mắc bệnh như Hình 1 bên dưới, cụ thể bao gồm:
TS. BS Phạm Nguyên Quý (BV Đại học Kyoto, Nhật Bản)
- Rửa tay với xà phòng và nước hoặc chà tay bằng chế phẩm chứa cồn
- Che mũi và miệng khi ho, hắt xì bằng khăn/giấy dùng 1 lần hoặc khuỷu tay gập lại
- Tránh tiếp xúc với người có dấu hiệu/triệu chứng như cảm lạnh, cảm cúm
- Nấu chín kỹ thịt và trứng
- Không tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc gia cầm/gia súc sống mà không có phương tiện phòng hộ
Hình 1. Những phương cách giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus Corona.
Trong hướng dẫn này, nội dung số 2 là việc mà nhiều người có thể còn khó hiểu: "Che mũi và miệng khi ho, hắt xì bằng khăn/giấy dùng 1 lần hoặc khuỷu tay gập lại". Vì sao nên làm như vậy?
Hắt hơi và ho là hai triệu chứng rất hay gặp khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Đó là phản xạ tự nhiên của cơ thể giúp tống khứ "kẻ xâm lược" (trong trường hợp này là virus) ra ngoài. Tuy nhiên, ho và hắt hơi có thể làm virus phát tán xa rộng hơn, và chúng ta cần làm đúng cách để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan cho nhiều người khác.
Đây là nội dung cực kỳ quan trọng, liên quan tới lịch sự khi ho/hắt hơi mà nhân viên y tế phải hướng dẫn cho bệnh nhân có triệu chứng cúm. Thật vậy, một số nghiên cứu và thí nghiệm trực quan trên truyền hình (video clip bên dưới) đã cho thấy "hậu quả" rõ rệt của những cách hắt hơi khác nhau.
Hắt hơi không hề che chắnĐây là cách làm... thô lỗ nhất. Hắt hơi không che tay sẽ làm "bắn mầm bệnh" tán loạn, xa 3-4 m sang nhiều chỗ khác, nơi virus có thể sống trong nhiều tuần cho đến khi nhiễm tiếp vào người khác.
Hắt hơi với tay che miệngMặc dù đây là cách phổ biến, tốt hơn "là không làm gì" để virus không bắn khắp nơi, một lượng mầm bệnh sẽ vẫn văng ra và có thể xa tới 1-1.2 m. Cách làm này còn tệ hơn nếu bạn không chà rửa tay sạch sẽ ngay sau đó; vì mầm bệnh trong tay bạn sẽ dính tiếp vào máy tính, điện thoại, tay nắm cửa,... hoặc dính trực tiếp lên người khác khi bắt tay.
Vì thế, nếu bạn dùng tay để chặn mầm bệnh, hãy nhớ rửa tay ngay, sạch sẽ bằng xà phòng; tốt hơn là cọ xát dưới vòi nước trong ít nhất 30 giây. Sử dụng chất khử trùng tay không thay thế cho việc rửa tay này.
Hắt hơi trong khăn giấy Dùng khăn giấy "bắt virus" sau đó vứt đúng chỗ là cách tốt nhất để ngăn virus lây lan. Bạn cũng cần rửa tay sau đó để việc "đạt điểm 10" cho phép lịch sự giúp ngăn ngừa lây bệnh.
Hắt hơi với tay áo che miệngKhi không có khăn giấy ngay bên cạnh, việc sử dụng tay áo (tay dài) của bạn là một cách tốt để "bắt virus". Như video bên dưới, khi hắt hơi với khuỷu tay gập lại, mầm bệnh ít văng xa (15-20cm) và rủi ro truyền nhiễm cũng sẽ nhỏ hơn. Mặc dù đây không phải là cách tốt nhất để ngăn vi trùng lây lan, các chuyên gia cho rằng nó tốt hơn là dùng tay vì bạn sẽ ít dùng phần tay áo này chạm vào các đồ vật hoặc người khác. Tuy nhiên, cần chắc chắn là bạn dùng phần lớn tay áo để che mũi và miệng (nếu không mầm bệnh vẫn bắn ra xa như thuờng!) và... thay áo đi giặt ngay khi có thể.
Hi vọng phần trình bày trên giúp bạn đọc hiểu thêm lý do mà WHO khuyến cáo về cách ho/hắt hơi giúp giảm nguy cơ lây bệnh (Hình 2).
Hình 2. Cách ho và hắt xì "tốt": A.Dùng khăn giấy che miệng và mũi. B.Dùng mặt trong khủy tay khi mặc áo tay để dài che miệng và mũi
Tuy nhiên, từ "lời khuyên" tới thực tế là một khoảng cách lớn. Theo một khảo sát tại Mỹ năm 2014 trên 383 sinh viên, hầu hết có thói quen che miệng bằng tay (53.3%) hoặc không hề che gì (23.5%)! Tỉ lệ ho/hắt hơi như khuyến cáo là ít hơn 25%.
Dù thay đổi thói quen là một việc khó, nếu mỗi người trong chúng ta đều cố gắng tuân thủ các khuyến cáo nói trên, nhất là giữ lịch sự khi ho/hắt hơi, chúng ta sẽ tạo và giữ được phòng tuyến vững chắc trong cộng đồng, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và của do mầm bệnh mới.
Theo PV/TTVN
Bên trong "Thành phố ma" Vũ Hán: Nơi 11 triệu người bị cách ly hoàn toàn, lương thực cạn kiệt, gia đình ly tán, mọi người bàng hoàng lo sợ cầu cứu Sau khi chính phủ Vũ Hán đưa ra quyết định cách ly hoàn toàn 11 triệu dân của thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, người dân nơi này bắt đầu rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ. Theo các chuyên gia, với quyết định đóng cửa thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hiện đang phải thực...