“Chưa bao giờ, người ta bị lăng nhục nhiều và dễ dàng như thế!”
“Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế” – TS Đặng Hoàng Giang phát biểu tại Hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững” được tổ chức tại Hà Nội ngày 12.4.
Lăng nhục trên mạng đang thành “phong trào”
Theo nghiên cứu của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Việt Nam hiện có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình dành cho mạng xã hội khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Bên cạnh những mặt tích cực, phát ngôn gây thù ghét (hate speech) ngày càng phổ biến và gây ra không ít rắc rối cho người dùng cá nhân cũng như doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết thời gian qua, Bộ TTTT đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ bao gồm ban hành các quy định mới phù hợp với diễn biến thực tại của mạng xã hội và tiến hành đối thoại, kêu gọi sự hợp tác và trách nhiệm hơn nữa từ các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT phát biểu tại Hội thảo.
Ông Lâm cũng đánh giá, hội thảo là một cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, cộng đồng và doanh nghiệp cùng thảo luận các giải pháp khả thi để hướng tới các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Dưới góc nhìn khoa học, bằng những ví dụ cụ thể từ cuốn “Thiện, ác và smartphone”, TS Đặng Hoàng Giang đã đưa ra thực trạng của văn hóa lăng nhục công cộng thời mạng xã hội tại Việt Nam: “Chúng ta đang chứng kiến sự phục sinh đáng kinh ngạc của hiện tượng làm nhục công cộng. Trong thời đại của Internet, chưa bao giờ con người lại bị lăng nhục nhanh, nhiều và dễ dàng đến thế. Sự vô hình của những cư dân mạng khác cũng làm chúng ta có xu hướng thờ ơ với nỗi đau của họ. Chúng ta không hình dung ra đằng sau cái bình luận hay cái avatar đó là một con người bằng xương bằng thịt”.
Còn GS.TS. Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định: “Mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho “công dân toàn cầu” tự do kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, nó cũng trở thành công cụ miễn phí và vô hình mà bất cứ ai có thể sử dụng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận (hate speech) đối với cá nhân và tổ chức. Tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng và đang tạo nên một thách thức lớn không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu”.
Không để mạng xã hội trở thành “vùng vô luật”
Trong khi đó, TS Lê Thị Thiên Hương – Đại học Poitiers, Pháp chia sẻ một số giải pháp cho vấn nạn phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội tại Pháp, trong đó nhấn mạnh: “Giải pháp đầu tiên chính là đặt ra khuôn khổ luật pháp rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc cho phát ngôn trên mạng xã hội. Không thể để mạng xã hội trở thành “vùng vô luật”.
TS Đặng Hoàng Giang đưa ra những đánh giá khá “sốc” về thực trạng sử dụng mạng xã hội.
Giải pháp khác, ở quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn, theo TS Thiên Hương chính là việc năm 2016 Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một “Bộ luật ứng xử”, trong đó các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu. Rõ ràng, ngoài các quy định pháp lý cụ thể và nghiêm khắc, các biện pháp nhằm vào việc xử lý nhanh chóng thông báo vi phạm, xóa nội dung vi phạm là điều cần thiết”.
Tuy nhiên, bà Thiên Hương cũng cho rằng việc cấm phát ngôn thù hận trên mạng không phải là giải pháp “đủ”. Giáo dục chính là một trong những giải pháp bổ sung và không kém phần quan trọng.
Đại diện cho các doanh nghiệp, bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Phó Tổng Giám đốc cấp cao của Suntory PepsiCo Việt Nam thông tin: “Vừa qua gần đây, có nhiều tin giả và phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội nhắm vào một số nhãn hàng của công ty. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín và doanh thu của công ty cũng như các công ty trong chuỗi cung ứng mà còn ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của hàng nghìn người lao động”.
Do vậy, bà Liên cũng đề nghị cần có một hành lang pháp lý cho việc xử lý tin giả và thông tin gây thù ghét là cần thiết để bảo vệ cá nhân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần có trách nhiệm với dịch vụ/nền tảng họ cung cấp để góp phần tạo ra một môi trường lành mạnh trên mạng xã hội.
Gần 80% người dùng là nạn nhân Theo kết quả nghiên cứu VPIS, 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định đã từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. 61,7% người sử dụng mạng xã hội đã từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và tỉ lệ này ở những nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%.
Theo Danviet