‘Chú Trung Dân ơi, nghệ sĩ ít view thì đừng tham gia gameshow chú nhé!’
Câu chuyện Hương Giang Idol xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân đang làm dậy sóng dư luận. Nghệ sĩ Trung Dân cũng có một phần lỗi vì ông không hot và ít view nên phải chịu thôi.
Câu chuyện Hương Giang Idol xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân trên sóng truyền hình đã gây phẫn nộ dư luận. Thậm chí giới nghệ sĩ còn kêu gọi tẩy chay nữ ca sĩ vì hành động trịch thượng đối với bậc tiền bối trong nghề. Câu chuyện này đưa công chúng đến những khía cạnh sâu cay hơn của nghệ sĩ lẫn nhà sản xuất các chương trình truyền hình.
Hương Giang Idol bị kêu gọi tẩy chay vì có hành động hỗn hào với nghệ sĩ Trung Dân.
Một người bình thường hẳn phải biết, có những điều nghĩ trong đầu được nhưng không được phép phát ra thành lời. Bởi đó là sự ý nhị trong văn hoá ứng xử đã được cha mẹ dạy dỗ từ bé, được thầy cô tích luỹ trau dồi trên ghế nhà trường. Người nghệ sĩ càng cần sự ý nhị đó bởi họ mong manh và dễ tổn thương lắm. Hương Giang lại làm điều đó với bậc cha chú trong nghề.
Cô biện giải rằng, bản thân đã quay hình liên tục 5 số, trả lời 100 câu hỏi nên mệt mỏi đến mụ người nên mới có phát ngôn sai như thế. Trước khi xảy ra sự việc, nhiều người vẫn khen Hương Giang thông minh và duyên dáng. Nhưng hẳn phải suy nghĩ lại, đó là tự nhiên hay là cố học để diễn.
Vì chữ “cầu tiêu” xuất phát từ miệng cô quá tự nhiên. Và ngôn ngữ phản xạ là thứ phản ánh rõ nhất văn hoá của cá nhân. Nó cho thấy bạn duyên dáng hay thô kệch. Lỡ gây ra lỗi thì phải xin lỗi cho đàng hoàng, hẳn một bậc tiền bối như nghệ sĩ Trung Dân cũng không nỡ giận cô.
Video đang HOT
Tuy nhiên, khi sự việc được đăng tải trên mặt báo, thay vì xin lỗi và giải thích ngay với nghệ sĩ Trung Dân, Hương Giang lại viết trên trang cá nhân mình với nhiều ám chỉ rằng: “Một nửa sự thật không phải là sự thật”. Cô cũng cho biết sẽ tự lựa chọn và liên hệ báo nào khi muốn trả lời.
Không chỉ tự cho mình cái quyền xúc phạm bậc cha chú với lập luận “có quyền có suy nghĩ riêng”, cô lại tuyên bố mình có quyền ban phát lời vàng ngọc ở bất kì kênh truyền thông mà mình muốn. Sau đó nữa, Hương Giang tổ chức một “lễ” xin lỗi online như cốt để thanh minh và tìm sự đồng cảm của khán giả là chủ yếu.
Cái “thâm” của nữ ca sĩ chưa dừng lại ở đó, cô còn hỏi ngược bậc cha chú mà cô đã làm tổn thương rằng: “Nếu Giang có thể hỏi chú Trung Dân, Giang sẽ hỏi rằng những tổn thương từ những câu nói mà Giang và gia đình đang chịu lấy có thể bù đắp được cho chú không?”.
Thử hỏi một người có lối suy nghĩ và cách dùng ngôn từ quá “tinh” và khôn như thế thì ai tin nổi cô lại mụ người đến nỗi dùng sai từ trong gameshow – nơi thể hiện hình ảnh của mình?
Có lẽ sự xúc phạm nghệ sĩ Trung Dân trước đó cũng không thể thâm và nặng nề như sự đổ tội, vấy bẩn danh dự ông một cách cố tình trong buổi trả lời báo chí như thế. Tổn thương mà Hương Giang gánh chịu là do cô tự tạo ra, không ai ép hay xúi cả. Cô nên tự chịu và hối lỗi hơn là tiếp tục ăn thua với bậc tiền bối.
Đáng trách hơn cả, chuyện của bản thân mình không tự giải quyết được, Hương Giang còn đem cả sự sống, sinh mạng của cha mẹ mình ra thề thốt chỉ để mọi người tin. Có thể những người yếu lòng sẽ tin sái cổ. Nhưng những người sáng suốt lại càng coi khinh cô hơn bởi vì muốn thoả mãn mục đích của riêng mình, cô nỡ mang sinh mạng bố mẹ ra để thề thốt, ngã giá với dư luận.
Trách Hương Giang một thì trách nghệ sĩ Trung Dân mười. Vì sao ư? Cũng tại chú là nghệ sĩ chân chính, đi lên từ tài năng và sự nỗ lực của chính mình. Chú yêu nghệ thuật và tin tưởng vào nó quá đỗi. Chú không biết thời thế đã đổi thay khiến nghệ thuật cũng biến đổi.
Công nghệ lăng xê khiến người ta xem thường giá trị đạo đức. Cái thời diễn trên sân khấu với những ngón nghề tung tẩy, duyên dáng trong “Tiếng vạc sành” cùng nghệ sĩ Hữu Châu năm nào giờ bị đẩy lùi về dĩ vãng. Người ta đổ dồn tiền vào gameshow. Nghệ sĩ sân khấu cũng dần điều chỉnh hướng mưu sinh cho hợp thời đại. Đâu phải ai cũng muốn tham gia gameshow nhưng họ phải làm để nuôi cái nghiệp diễn đã ăn vào máu.
Thế hệ kế nghiệp bắt đầu công cuộc mang sân khấu lên truyền hình và khiến cho những khán giả chưa có dịp đến sân khấu lầm tưởng đó là sân khấu. Sân khấu trên thực tế đâu lấy cảm xúc chớp nhoáng, mua vui hay lấy nước mắt dễ như ăn kẹo. Thế nhưng đã là thị hiếu thì càng nhiều người xem, càng nhiều tiền đổ về quảng cáo, các chương trình xuất hiện dày đặc như những cú đấm giáng thẳng vào sân khấu.
Nhiều người nghệ sĩ đang vô tình chung tay “giết chết” cái nơi mà họ thành danh.
Xem hàng loạt gameshow với sự góp mặt của những nghệ sĩ như: Thanh Thuỷ, Trung Dân, Minh Nhí, Hồng Vân… mà đau lòng. Đấy đâu phải là chỗ cho những nghệ sĩ kì cựu, đó cũng chẳng phải nơi ánh đèn sân khấu thực thụ rọi vào để người nghệ sĩ sống hết mình.
Chú Trung Dân cứ nghĩ ai làm nghệ thuật, ai yêu sấn khấu thì đều nghiêm túc như chú. Và lầm tưởng hơn khi nghĩ gameshow cũng là một thể loại nghệ thuật nghiêm túc mà người nghệ sĩ phải ra sức cống hiến và chỉn chu từ hình thức đến ngôn từ. Không đâu chú ơi, khi giá trị đồng tiền và sức mạnh của các chiêu trò lăng xê lên ngôi đã khiến nhiều nghệ sĩ đôi phần biến chất và mất đi sự tự trọng của nghề. Họ diễn điên cuồng đến mức không biết mình nói gì, họ ra sức chạy show để đủ cát xê cuối tháng.
Họ không màng đến khán giả có thể tiếp thu những gì hay đang phải ngốn những tạp từ mà họ nhả ra từ khuôn miệng.
Sở dĩ có thế hệ nghệ sĩ bất chấp đó cũng bởi có những nhà sản xuất bao che và bất chấp không kém. Bất cứ một chương trình nào lên sóng đều cần sự gọt giũa kịch bản cẩn thận. Trong quá trình quay ê kíp càng phải thận trọng trong từng chi tiết, nếu thấy không phù hợp phải điều chỉnh cắt bỏ. Và quan trọng hơn cả là sự trân trọng đối với người nghệ sĩ tham gia chương trình.
Chuyện phân biệt sao hạng A, sao hạng B… đã không còn quá xa lạ trong mỗi đoàn ghi hình. Những sao hot tất nhiên phải được trân trọng và đối xử ưu ái hơn bởi họ là “cần câu” khán giả của cả chương trình. Vậy đồng nghĩa những sao kém hot hơn phải chịu thiệt, chịu ngậm đắng nuốt cay để kiếm cơm qua ngày. Thế mới có chuyện, một ngôi sao hạng A đến trễ hàng giờ liền để cả một ê kíp gần một trăm người chờ đợi ở thời điểm anh ta nổi nhất đó thôi.
Quả thật, chú Trung Dân không hot. Những khán giả vùng quê và yêu sân khấu mới thích chú nhưng họ không phải cuồng nhiệt và rảnh rỗi chia sẻ về chương trình hàng phút hàng giờ trên mạng xã hội.
Còn ngược lại, fans của Hương Giang lại thuộc hàng trẻ trung và sành điệu, có tính đại chúng hơn. Tất nhiên, cân nhắc nặng nhẹ, nhà sản xuất phải “cưng” Hương Giang hơn. Nhà sản xuất “Siêu sao đoán chữ” sẵn sàng cắt bỏ số của nghệ sĩ Trung Dân, cho ông “ra rìa” để giữ lại Hương Giang Idol chỉ vì cô kí hợp đồng nhiều số nên có quyền lợi hơn. Đơn giản họ cần view và rating vẫn quan trọng hàng đầu.
Lỗi của việc ngừng chương trình lại quay ngược về phía nghệ sĩ Trung Dân. Câu chuyện hài hước đến chảy nước mắt khi người bị hại, bị xúc phạm thành kẻ quấy rối đáng ghét. Nhiều người ước rằng, nhà sản xuất quyết liệt hơn, thử cắt sóng Hương Giang để răn trăm người vì hành động xúc phạm nặng nề thì còn ai dám to tiếng nói rằng mình lỡ lời vì quay nhiều số quá?
Họ bắt tay nhau người tung kẻ hứng để diễn màn kịch quá đỗi quen thuộc trước dư luận. Bẽ bàng thay cho chú quá, chú Trung Dân ơi!
Thôi thì lỡ một lần tin và nếm trái đắng, chú nên quay lại “thánh đường” nghệ thuật của mình với tài năng trác tuyệt cống hiến cho những khán giả yêu thương chú, trân trọng chú và tung hô tên tuổi chú hơn là miệt mài ở nơi chỉ có công nghệ, tiền bạc mà quên đi giá trị thực của người nghệ sĩ: Mang đến nghệ thuật và văn hoá cho con người đẹp hơn mỗi ngày.
Theo GĐVN