Chú trọng nâng cao chất lượng mô hình khuyến nông
Sáng 5/1, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tổ chức hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2018, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2019.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo sở NN&PTNT, lãnh đạo Trung tâm khuyến nông Nghệ An và các Trạm khuyến nông cơ sở. Ảnh: Quang An
Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho thấy: Năm 2018, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh đã xây dựng 5 dự án nông nghiệp được Trung ương hỗ trợ ngân sách. Trong đó dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền trung” do Trung tâm Khuyến nông Nghệ An làm chủ trì.
Ông Nguyễn Văn Lập – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá cao những kết quả mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh đạt được trong năm 2018. Ảnh: Quang An
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng được 14 mô hình trồng trọt ở 20 điểm triển khai với tổng kinh phí 995 triệu đồng; 4 mô hình lâm nghiệp tại 5 điểm triển khai với tổng kinh phí 165 triệu đồng; xây dựng 3 dạng mô hình chăn nuôi ở 5 điểm với tổng kinh phí 228 triệu đồng; 8 mô hình thủy sản, với tổng kinh phí 900 triệu đồng.
Ngoài ra, các trạm khuyến nông đã tổ chức tập huấn cho nông dân đạt 100% kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ và nội dung. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng. Kết quả thi cuối khóa có trên 95,2% học viên tốt nghiệp được cấp chứng chỉ.
Video đang HOT
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Trung tâm Khuyến nông Nghệ An. Ảnh: Quang An
Tuy nhiên, trong năm Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhận thấy một số tồn tại, hạn chế: Công tác tham mưu, phối hợp giữa trạm Khuyến nông với địa phương ở một số đơn vị cơ sở chưa được tốt. Chưa xây dựng được mô hình tương xứng áp dụng công nghệ cao, quy mô lớn. Công tác gắn kết hoạt động của Khuyến nông với phong trào xây dựng Nông thôn mới vẫn còn hạn chế…
Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An chú trọng nâng cao chất lượng, quy mô các mô hình khuyến nông. Thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ cao. Nâng cao năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ khuyến nông…
Trao giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong năm 2018. Ảnh: Quang An
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trong năm 2019. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất những khó khăn vướng mắc tại các đơn vị.
Trong đó, tập trung đổi mới nội dung và hình thức xây dựng mô hình trong tình hình mới. Chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp. Huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động khuyến nông. Kinh nghiệm xây dựng mô hình cánh đồng lớn có sự tham gia của 4 nhà…
Mô hình trồng ổi cho thu nhập cao tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Quang An
Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 1 cá nhân; Sở Nông nghiệp – PTNT tặng Giấy khen cho 7 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến nông trong năm 2018./.
Quang An
Theo Baonghean.vn
Độc đáo: Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng, chưa ai bị thua lỗ
Đó là thông tin và đánh giá của nhiều đại biểu tại hội thảo tổng kết dự án "Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi năm 2016-2018". Hội thảo do Trung tâm Khuyến nông (TTKN) quốc gia tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 18.12.
Hàng trăm hộ dân nuôi có lợi nhuận cao
Theo TTKN Quốc gia, trong 2 năm qua (2016-2018), dự án đã triển khai được 15 mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa, trong đó có 4 mô hình luân canh tại TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và 11 mô hình nuôi xen canh ở TP.Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Người dân huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) thu hoạch tôm càng xanh nuôi trên đất lúa. H.X
"Mỗi mô hình có 20ha, tổng các mô hình là 300ha với 233 hộ dân tham gia (tổng vốn đầu tư là 10,7 tỷ đồng). Những hộ tham gia sẽ được cán bộ khuyến nông, chuyên gia hướng dẫn về mặt kỹ thuật nuôi, được hỗ trợ tôm giống, lúa giống, thức ăn tôm và các loại vật tư có liên quan như: Chế phẩm sinh học, phân bón, vô,..." - ông Nguyễn Quang Hạnh - Chủ nhiệm dự án thông tin.
Theo ông Hạnh, với mô hình xen canh, hộ dân tham gia dự án thu lợi nhuận 73 triệu đồng trên vốn đầu tư 77 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận đạt 0,92%), trong khi đó các hộ không tham gia, tức là sản xuất theo cách truyền thống khi đầu tư 53 triệu chỉ thu lợi nhuận 35 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận đạt 0,65%).
Với mô hình luân canh, khi người dân đầu tư 163 triệu đồng cho 1ha, lợi nhuận đạt được 150 triệu đồng (đạt tỷ suất lợi nhuận 0,92%); còn nuôi theo dạng đại trà chỉ ở mức lợi nhuận 88 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 0,67%).
Theo nhiều đại biểu, trước đây, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đã triển khai tại nhiều địa phương ĐBSCL nhưng phần lớn việc áp dụng kỹ thuật trong quá trình nuôi ít được quan tâm và không phải ai cũng biết. Trong khi đó, việc nuôi tôm càng xanh toàn đực như trong dự án lại mang lại nhiều lợi nhuận, chưa có hộ nào bị thua lỗ. Ngoài lợi nhuận tôm đạt cao, mô hình còn giúp nâng cao lợi nhuận trồng lúa.
Đại diện TTKN tỉnh Bến Tre cho hay, sau 2 năm thực hiện dự án, năng suất tôm đạt từ 550-600kg/ha, sản lượng tăng khoảng 30% so với hộ ngoài dự án, còn năng suất lúa ước đạt đạt từ 4-4,5 tấn/ha, tăng khoảng 10% so với hộ ngoài dự án. Sở dĩ đạt thành công trên là do áp dụng đúng kỹ thuật, người dân bón phân cân đối, sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm cao, có thay nước trong quá trình nuôi.
Cần thiết nhân rộng
Theo đại diện TTKN tỉnh Bến Tre, nuôi tôm càng xanh trên đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh, nhất là giúp mở rộng thương hiệu lúa gạo sạch Thạnh Phú. Nguyên nhân là mô hình có tính khép kín, có tính hỗ trợ nhau (giữa con tôm và cây lúa) và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Do đó, địa phương đang hướng đến việc nhân rộng.
Về dự án trên, ông Phạm Trường Yên - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ khẳng định là hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất và nhu cầu người tiêu dùng. "Dự án này đã giúp cho nhiều hộ dân tiếp cận được tiến bộ khoa kỹ thật mới, có điều kiện cải thiện cuộc sống. Tùy theo nhu cầu tiêu thụ mà ở mỗi địa phương đưa ra phương hướng sản xuất tôm càng xanh cụ thể" - ông Yên chia sẻ.
Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc TTKN quốc gia nhận định: "Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi tốn ít thức ăn (tôm có thể ăn thức ăn tự nhiên), không ô nhiễm môi trường, phù hợp với hộ nông dân có kinh phí vừa phải, không có vốn đầu tư lớn. Mô hình này cũng tạo tư duy mới cho người dân tham gia, góp phần thay đổi nhận thức theo hướng mới, thích ứng với biến đổi khí hậu (tôm càng xanh có thể chịu độ mặn đến 15)".
"Hiện nay, cách nuôi tôm càng xanh trên đất lúa là một bước đột phá trong sản xuất, giúp tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng do trong quá trình nuôi cũng như sản xuất không sử dụng hóa chất độc hại. Do vậy, người tiêu dung có thể an tâm về chất lượng và đảm bảo về sức khỏe. Theo quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của Bộ NNPTNT và Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển ngành tôm Việt Nam thì hình thức sản xuất này rất có tiềm năng để nhân rộng" - ông Tiêu nói thêm.
Theo Danviet
Miền núi phía Bắc: Nhiều cơ hội "hốt vàng" từ nuôi cá lòng hồ Hội thảo sơ kết nhân rộng mô hình nuôi cá lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm một số tỉnh miền núi phía Bắc được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên tổ chức mới đây nhằm đánh giá hiệu quả và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong chăn nuôi các loại cá có...