Chủ trọ Đà Nẵng giảm tiền thuê nhà, tặng gạo, khẩu trang cho sinh viên
Thấy các sinh viên thuê trọ gặp khó khăn khi dịch bùng phát, chị Thu Hạnh (Đà Nẵng) tự tay đi mua lương thực, khẩu trang đóng gói và mang đến phòng trọ tặng cho từng người.
Ngay khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước, các bạn sinh viên thuê phòng tại khu trọ của chị Nguyễn Thị Thu Hạnh ( phường Hòa Khánh Bắc, Đà Nẵng) đều được giảm 50% tiền phòng.
Ngoài ra, mọi người còn được cô chủ tốt bụng đi mua gạo, mì gói, dầu ăn, khẩu trang mang tới hỗ trợ.
Cô chủ trọ tốt bụng giảm tiền thuê nhà, tặng lương thực cho sinh viên.
Chia sẻ với Zing, chị Hạnh cho biết khi dịch bệnh bùng phát, nhiều sinh viên và công nhân thuê trọ gặp khó khăn vì mất việc làm, không có nguồn thu nhập. Do đó chị đã quyết định giảm 50% tiền thuê phòng cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định, đồng thời hỗ trợ một phần lương thực.
“Tôi sợ các em không có đồ ăn. Ngoài ra, do đợt dịch này đến nhanh quá, sợ nhiều em đi ra ngoài rồi nhiễm bệnh thì khổ. Tôi mua gạo, mì gói, dầu ăn để khuyến khích tụi nhỏ ở nhà nấu ăn vừa đảm bảo, lại vừa an toàn”, cô chủ trọ nói.
Khu trọ của gia đình chị Hạnh có 27 phòng, mỗi phòng có giá thuê từ 1,5 – 2 triệu đồng.
Thân thiết, quý mến nhau như thành viên trong gia đình, chị Hạnh còn lập một nhóm gồm tất cả các bạn sinh viên thuê trọ để thường xuyên nhắc nhở đeo khẩu trang, cách phòng dịch, và chia sẻ thông tin các ca bệnh.
Chị Hạnh tự tay đi mua gạo, dầu ăn, khẩu trang… tặng cho các bạn sinh viên khó khăn.
Tài chính gia đình chị Hạnh không mấy dư dả. Ảnh hưởng do dịch nên các cửa hàng kinh doanh của chị phải đóng cửa, khoản thu nhập đến từ khu phòng trọ chiếm vị trí khá quan trọng. Tuy nhiên, chị quan niệm vẫn còn nhiều người khó khăn hơn mình, mọi người cùng đùm bọc nhau chống lại mùa dịch bệnh.
Cô chủ trọ Đà Nẵng cho biết thêm nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì sẽ tiếp tục duy trì việc hỗ trợ nhu yếu phẩm như hiện nay cho sinh viên và người thuê phòng.
Trong đợt dịch bệnh và giãn cách xã hội trước đó, chị Hạnh cũng giúp đỡ, giảm tiền thuê trọ cho sinh viên, mua khẩu trang và nhu yếu phẩm tới bệnh viện để trao cho những người khó khăn.
Một nam sinh thuê trọ – được nhận sự giúp đỡ của chị Hạnh – cho biết cậu rất xúc động và biết ơn tấm lòng của cô chủ.
“Sự chia sẻ kịp thời của cô Hạnh đã giúp đỡ cho chúng mình rất nhiều khi bị mắc kẹt ở Đà Nẵng do dịch. Chúng mình mong muốn lan toả việc làm tích cực này tới nhiều người để cùng chung tay vượt qua dịch bệnh và những khó khăn do dịch”.
Trước đó, để người dân không chủ quan trong việc giãn cách xã hội, một nữ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Cường Bắc, Đà Nẵng chở loa đến từng hẻm, khu dân cư để nhắc nhở.
Hay trong những ngày Đà Nẵng cách ly xã hội toàn thành phố, người dân liên tục chở hàng tiếp tế đến khu vực đầu đường Ngô Gia Tự, đối diện Bệnh viện C Đà Nẵng để tiếp sức cho các “chiến binh áo trắng” đang tham gia chống dịch.
Dịch lan rộng, Bộ Y tế đưa lực lượng lớn chưa từng có tiền lệ đến Đà Nẵng
Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết với ổ dịch Đà Nẵng, Bộ đã "tung" lực lượng tinh nhuệ và lớn chưa từng có tiền lệ tới hỗ trợ chống dịch.
Sáng 2/8, tại Bộ Y tế, GS TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 2 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng.
Lực lượng chưa từng có
Ông Long cho biết, hiện có khoảng 1,4 triệu người từng đến Đà Nẵng trong tháng 7. Riêng với khu vực 3 bệnh viện thì có tới 800.000 lượt người đến. Đây là mức độ được đánh giá cần phải hết sức quan tâm.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Để ứng phó nhanh nhất tình hình dịch ở Đà Nẵng, Bộ Y tế đã "tung" lực lượng rất lớn chưa từng có trong tiền lệ. Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế cử những đoàn tinh nhuệ nhất, có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị, xét nghiệm, truy vết, điều tra dịch tễ, truyền nhiễm... vào Đà Nẵng.
Đồng thời Bộ chỉ đạo các bệnh viện cử liên tục cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM, Đại học Y Hà Nội... tăng cường cho Đà Nẵng, Quảng Nam.
"Bệnh viện Bạch Mai đưa gần 40 chuyên gia, giáo sư của các lĩnh vực vào hỗ trợ Đà Nẵng và Quảng Nam. Bởi các chuyên gia đánh giá nguy cơ ở Quảng Nam cao, thực tế là ở tỉnh này ngày càng phát hiện ra nhiều ca nhiễm.
Bộ Y tế cũng gửi một loạt công điện, chỉ đạo gửi các địa phương làm sao tăng tốc truy vết tất cả những người đã đi đến Đà Nẵng, xét nghiệm những người đến những điểm đã khuyến cáo, đồng thời phải giám sát chặt chẽ", ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương thưc hiện khá nghiêm túc và khẩn trương. Nhưn đợt dịch lần này tốc độ lây nhiễm cao hơn lần trước. Đó là lý do Bộ Y tế hành động quyết liệt như vậy.
Do đó, người đứng đầu Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải tăng tốc hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt và nhanh hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Mọi cơ sở đều xét nghiệm COVID-19
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, mới đây, Bộ Y tế phối hợp BHXH ban hành hướng dẫn về mặt xét nghiệm. Đây là động thái Bộ mong muốn mở rộng xét nghiệm cho các cơ sở khám chữa bệnh có hợp đồng BHXH, BHYT. Hiện cả nước có khoảng 2.500 đơn vị.
"Chúng tôi mong xét nghiệm được thực hiện ở mọi cơ sở y tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Khi người dân có yếu tố nguy cơ đến các cơ sở này sẽ được xét nghiệm và BHYT chi trả cho người đó", ông Long nói.
Để công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn nữa, ông Long đề nghị các địa phương, dù có thể chưa có ca nghi nhiễm, ca nhiễm nhưng phải chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch, làm sao khi có ca bệnh thì sẽ triển khai ứng phó một cách nhanh nhất, không bị lúng túng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Bộ Y tế).
Theo ông Long, chỉ nôm qua 1/8, số lượng xét nghiệm cao hơn cả thời gian cao điểm nhất trong tháng 4, tuy nhiên vẫn phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ này. Vì vậy, các cơ sở y tế, đặc biệt Sở Y tế phải tập huấn ngay cho các cơ sở y tế trên địa bàn về cách thưc lấy mẫu, cách phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế và các cơ sở khác.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế có ký hợp BHYT đều phải thực hiện việc xét nghiệm dưới nhiều hình thức (lấy mẫu, gửi về cơ sở có đủ điều kiện...), cơ sở này có thể là nhà nước, tư nhân, khối Y tế dự phòng, quân đội, thú y... Phải mở rộng cơ sở được làm xét nghiệm. "Phát hiện ổ dịch sớm chừng nào thì khống chế kiểm soát tốt chừng đó", ông Long nhấn mạnh.
Không để dân đợi 3, 4 ngày
Tại buổi giao ban, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố còn 8 bệnh nhân đang điều trị, trong đó bệnh nhân số 510 biểu hiện mệt, có đờm. Chiều qua, 90/162 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp đang được cách ly theo dõi đã có kết quả âm tính. Công suất xét nghiệm tối đa của tất cả các đơn vị trên địa bàn trong một ngày là 8.000-9.000 mẫu.
Xác định là nơi có nguy cơ cao, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị TP.HCM lập danh sách tất cả các bệnh viện được đón tiếp bệnh nhân, các đơn vị làm được xét nghiệm SARS-CoV-2 đến thời điểm này. Cùng với đó, Sở cũng cần xây dựng kế hoạch chi tiết, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh làm xét nghiệm này.
"Nơi nào có đủ máy móc, trang thiết bị thì có thể triển khai làm. Trường hợp phát hiện dương tính sẽ chuyển mẫu đến Viện Pasteur TP.HCM để khẳng định. Thành phố không được để tình trạng tình trạng người dân gọi điện đến cơ sở A, cơ sở B để được xét nghiệm nhưng phải đợi 3-4 ngày", ông Long nói.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh cũng cho rằng việc nâng cao năng lực xét nghiệm là chiến lược cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay để phát hiện sớm các ca bệnh. Các ca bệnh hiện nay được phát hiện chủ yếu trong bệnh viện. Nếu không phát hiện sớm ca mắc thì sẽ phải tiến hành cách ly toàn bộ bệnh viện.
Video: Người dân cần làm gì khi COVID-19 quay trở lại?
Đà Nẵng - tình người gửi vào 'tiền tuyến' chống dịch "Đà Nẵng tình người" - đó là tên bài hát nổi tiếng của tác giả Đình Thậm và trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tình người Đà Nẵng lại thêm gắn bó, tình yêu thương lại càng thêm lan toả và như cơn gió mát làm dịu đi sức nóng của dịch bệnh đang hoành hành tại đây. Hàng hoá do người dân...