Chủ trại hổ vồ bé trai: Đàn hổ chứ có phải lợn đâu mà làm thịt!
Theo thông tin mà phóng viên Dân Việt có được, bé Mai Văn Chiến (13 tuổi, thôn 14, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) bị hổ vồ đã xuất viện về nhà.
Liên quan đến vụ bé Mai Văn Chiến (13 tuổi) ở xã Quảng Phú (Thọ Xuân) bị hổ trong trại nuôi nhốt của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến (xã Xuân Tín, Thọ Xuân, Thanh Hóa) vồ mất một bắp chân, bà Lê Thị Hồng (là vợ ông Nguyễn Mậu Chiến, chủ trại hổ) đã dành cho Dân Việt cuộc chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Hồng, trại hổ này đã hết phép nuôi nhốt từ ngày 22.5.2017. Gia đình bà đã làm đơn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép gia hạn nuôi nhốt hổ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng cũng chưa có quyết định cấp giấy phép gia hạn nuôi nhốt đàn hổ cho gia đình bà.
“Gia đình tôi đã làm đơn đề nghị được cấp có thẩm quyền gia hạn nuôi nhốt đàn hổ. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa được cấp phép trở lại. Gia đình đang chờ chồng tôi về để tìm hướng giải quyết. Tôi là đàn bà con gái nên không thể xử lý được việc này”, bà Hồng nói.
Đàn hổ trong trại nuôi nhốt của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến, ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Ảnh: Hồng Đức
Cũng theo bà Hồng, trại nuôi nhốt hổ của gia đình bà được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh trưởng, sinh sản từ ngày 22.5.2012, trong thời hạn 5 năm (tức đến ngày 22.5.2017) là hết hạn. Do đó, ông Nguyễn Mậu Chiến (chủ trại hổ là chồng của bà Hồng) đã làm giấy ủy quyền cho bà Hồng là người đại diện hợp pháp, làm chủ trại nuôi sinh trưởng, sinh sản trại hổ này.
“11 con hổ thuộc nhóm động vật hoang dã quý hiếm chứ có phải đàn lợn để đem ra làm thịt được đâu. Vì thế, tôi phải chờ chồng tôi về để tìm hướng giải quyết”, bà Hồng cho biết thêm.
Hồi cuối tháng 4.2017, ông Nguyễn Mậu Chiến đã bị Bộ Công an bắt giữ vì liên quan đến một đường dây buôn bán động vật hoang dã với số lượng lớn.
Video đang HOT
Về vụ bé Mai Văn Chiến bị một con hổ trong trại nuôi nhốt của gia đình vồ mất bắp chân, bà Hồng nói: “Thực tình, khi cháu Chiến leo lên tường đứng xem đàn hổ rồi không may xảy ra tai nạn thì người trông coi đàn hổ và cả gia đình tôi không ai biết. Mấy ngày sau, khi gia đình tôi biết được việc này, chúng tôi cũng đã đến bệnh viiện thăm hỏi và hỗ trợ kinh phí để gia đình chữa trị vết thương cho cháu. Hiện nay, cháu Chiến đã xuất viện về nhà để tiếp tục điều trị phục hồi chức năng. Tôi cũng hứa với gia đình cháu, sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho cháu trở lại bình thường”.
Phóng viên Dân Việt đã kiểm chứng thông tin với ông Mai Văn Khắc (bố của Chiến), ông Khắc xác nhận con ông đã xuất viện từ Hà Nội về nhà và phía gia đình bà Hồng cũng qua lại hỏi han.
Theo Danviet
Lạnh sống lưng ở trại hổ vồ trẻ 13 tuổi
Liên quan đến vụ việc một bé trai 13 tuổi (trú tại xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, tinh Thanh Hóa) bị hổ vồ vào chân trọng thương, phóng viên Dân Việt đã về tìm hiểu trại hổ tư nhân có một không hai tại Thanh Hóa này.
Lạnh sống lưng trong trại hổ
Chiều tối 7.6, phóng viên Dân Việt đã vào trại nuôi hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến (ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân), nơi có cháu bé bị hổ vồ trọng thương.
Nhìn từ xa, trại nuôi nhốt hổ này rộng khoảng hơn 3ha. Xung quanh được bao tường, rào sắt và bao bọc bằng thép B40. Trại nuôi hổ được chia thành 4 ngăn rộng để nuôi nhốt hổ.
Cá thể hổ tại trại nuôi của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân. Ảnh: Hồng Đức
Ông Nguyễn Ngọc Vui, người canh giữ trại nuôi hổ, cho biết: Hiện nay, trong trại hổ này có 11 con, mỗi con nặng gần 2 tạ. Do trại nuôi hổ rộng lớn, xung quanh lại được rào lưới sắt, thép bảo vệ nên khi hai cháu bé trèo lên xem hổ, ông Vui không thể biết được. Vì vậy, khi cháu bé Mai Văn Chiến bị hổ vồ vào chân, mấy ngày sau ông Vui mới biết sự việc.
Quan sát trong trại hổ, chúng tôi thấy những cá thể hổ to lừng lững (cả hổ đực lẫn hổ cái) được thả trong những khu bao quanh bởi khung lưới sắt thép kiên cố. Thức ăn của chúng hăng ngày là đầu và cổ gà công nghiệp. "Mùa đông, mỗi ngày 11 con hổ này ăn hết 60kg cổ và đầu gà công nghiệp đông lạnh. Còn mùa hè, thì chúng ăn ít hơn, khoảng 50kg thôi. Bình thường, chúng không tỏ ra là hung dữ kể cả khi tôi vào chuồng cho chúng ăn. Không hiểu sao, hôm đó con hổ vồ cháu Chiến lại hung dữ như vậy" - ông Vui nói.
11 cá thể hổ mỗi cá thể nặng 2 tạ cứ lởn vởn đi quanh khu chuồng được quây bằng thép và lưới B40 đã cũ khiến người đối diện cảm thấy lanh sông lưng.
Nhớ lại giây phút kinh hoàng đó, cháu Phạm Văn Trung (thôn 14, xã Quảng Phú; người đi cùng và chứng kiến vụ việc) kể lại: "Khi chúng cháu tò mò trèo tường rào để xem hổ thì bỗng dưng một con trong đàn nhảy lên vồ trúng chân của bạn Chiến khiến phần bắp thịt bị xé nát và máu tuôn xối xả. Lúc ấy, cháu hoảng quá, cởi áo băng vết thương cho Chiến. Cháu gọi chú Mai Văn Khắc (bố của Chiến) để đưa Chiến đi viện".
Cháu Phạm Văn Trung (thôn 14, xã Quảng Phú) kể lại giấy phút kinh hoàng khi hổ vồ vào chân bạn Chiến.
Trại nuôi hổ đã hết phép
Trao đổi với Dân Việt, ông Thiều Văn Lực - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa - cho biết: Trại nuôi hổ của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến, ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã hết thời hạn cấp phép từ ngày 22.5.2017.
"Trại nuôi hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến được cấp phép từ ngày 22.5.2012, có hiệu lực đến 22.5.2017. Do đó, ngày 18.5.2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra trại nuôi hổ nêu trên để căn cứ quy định của pháp luật, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét đề nghị của bà Lê Thị Hồng (vợ ông Nguyễn Mậu Chiến) xin gia hạn việc nuôi hổ" - ông Lực nói.
Giấy phép nuôi hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến đã hết hiệu lực từ ngày 22.5.2017. Ảnh: Hồng Đức
Ông Lê Bá Lộc - Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân) cho biết thêm chi tiết sự việc: Chiến bị hổ tát vào chân gây trọng thương, nhưng gia đình lại không báo cáo lên chính quyền. Vài ngày sau, gia đình cháu Chiến mới báo cáo vụ việc này lên xã. Hiện nay, cơ quan chức năng và gia đình đang phối hợp với chủ trại nuôi hổ để làm rõ sự thể.
Được biết, trại nuôi hổ của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến được nuôi nhốt trái phép từ năm 2006, ở ngay trong vườn của gia đình. Đến năm 2012, ông Chiến mới được Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp phép và di dời chuồng nuôi ra khu vực cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân.
Ngay sau sự việc, theo ông Lực, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân, các đơn vị liên quan và gia đình bà Lê Thị Hồng (vợ ông Nguyễn Mậu Chiến) tiến hành kiểm tra, rà soát trại hổ nêu trên.
"Theo kết quả kiểm tra, trại nuôi hổ của gia đình bà Lê Thị Hồng hiện nay đang có 11 cá thể hổ, với trọng lượng khoảng hơn 100kg/cá thể. Sau khi kiểm tra, đơn vị chúng tôi đang căn cứ vào các quy định của pháp luật để tham mưu cho UBND tỉnh về việc có gia hạn cấp phép nuôi hổ cho gia đình bà Hồng nữa hay không. Về việc cháu bé 13 tuổi ở xã Quảng Phú bị hổ trong trại nuôi này tát vào chân gây trọng thương, đoàn công tác cũng đã yêu cầu chủ trại hổ phải có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho cháu. Gia đình bà Hồng cũng đã hứa với đoàn công tác sẽ có trách nhiệm với cháu bé bị nạn" - ông Lực cho hay.
Địa điểm cháu Mai Văn Chiến và bạn trèo lên xem hổ. Ảnh: Hồng Đức
Ngày 21.4.2017, ông Nguyễn Mậu Chiến đã làm giấy ủy quyền cho bà Lê Thị Hồng (vợ của ông Chiến) là người đại diện hợp pháp, làm chủ trại nuôi sinh trưởng, sinh sản của trại hổ nêu trên. Còn ông Chiến đã bị khởi tố, bắt giam do tình nghi tham gia một đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia hồi cuối tháng 4.2017.
Theo Danviet
Gần 100 chiến sĩ bộ đội giúp dân chuẩn bị đón giáng sinh Gần 100 cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 762, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp về với giáo dân Hữu Lễ, xã Thọ Xương , huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cùng ăn, cùng ở, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ giáo dân cũng như chính quyền địa phương trong mùa giáng sinh. Trong những ngày...