Chủ tịch xã mất chức vì chiếm đất công, đưa người thân vào hộ nghèo
Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa ra quyết định cách chức đối với ông Hoàng Quang Trung – Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch vì liên quan đến việc chiếm đất công, đưa người thân vào hộ nghèo.
Ngày 15.10, Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa ra quyết định cách chức hàng loạt cán bộ xã Hoàn Trạch liên quan đến việc hợp thức hóa đất công thành tài sản cá nhân và đưa nhiều người thân quen vào danh sách hộ nghèo.
Trụ sở UBND xã Hoàn Trạch ( huyện Bố Trạch) – nơi xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khiến nhiều cán bộ bị kỷ luật.
Theo đó, Huyện ủy Bố Trạch cách chức đối với ông Hoàng Quang Trung – Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch, cảnh cáo ông Hoàng Mạnh Hùng – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam xã Hoàn Trạch, cách chức ông Hoàng Minh Tài – cán bộ Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã, khiển trách ông Hoàng Minh Sáng – Trưởng công an xã, khiển trách ông Hoàng Minh Tường – Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hoàn Trạch.
Quá trình thanh, kiểm tra tại xã Hoàn Trạch, cơ quan chức năng huyện Bố Trạch xác nhận, nhiều cán bộ, lãnh đạo xã Hoàn Trạch đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác điều tra, rà soát hộ nghèo.
Được biết, có tổng cộng 153 khẩu không nghèo ở xã Hoàn Trạch được đưa vào danh sách hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ nhà nước. Các đối tượng này hầu hết đều là người thân, bà con của lãnh đạo, cán bộ xã.
Cụ thể, bà Trần Thị Hoa (vợ ông Hoàng Văn Đức – nguyên Chủ tịch UBND xã), bà Trần Thị Đường (vợ ông Hoàng Quang Trung – Chủ tịch UBND xã đương nhiệm), bà Nguyễn Thị Thu (vợ ông Nguyễn Minh Tuấn – Chỉ huy trưởng Quân sự xã…).
Cũng theo kết quả kiểm tra của huyện Bố Trạch, sai phạm của ông Hoàng Quang Trung có sự tiếp tay, bao che của nguyên Chủ tịch xã – Hoàng Văn Đức, người đang bị cơ quan Công an tỉnh Quảng Bình điều tra trong một vụ án tham nhũng, gây bức xúc dư luận tại địa phương.
Tại thửa đất 348, tờ bản đồ địa chính số 14, tại khu vực thôn 6, xã Hoàn Trạch có diện tích 818m2. Thửa đất này do Hợp tác xã Tứ Hoàn quản lý, từ năm 1987 đến năm 1991, chính quyền địa phương xây dựng nhà mẫu giáo trên đất. Năm 1994, Hợp tác xã Tứ Hoàn giải thể, khu đất được giao lại cho UBND xã Hoàn Trạch quản lý.
Năm 2003, UBND xã Hoàn Trạch tổ chức bán đấu giá nhằm thanh lý đất và nhà mẫu giáo Tứ Hoàn với số tiền 8,5 triệu đồng. Ông Hoàng Quang Trung lúc đó đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Hoàn Trạch trúng đấu giá. Sau đó, để được cấp sổ đỏ, ông Trung khai báo sai nguồn gốc thửa đất là đất khai hoang, sinh sống ổn định từ năm 1986 đến nay.
Cơ quan chức năng huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình xác định, khi đấu giá, UBND xã Hoàn Trạch không có văn bản đề nghị thanh lý tài sản cùng các hồ sơ, giấy tờ liên quan để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Việc đấu giá chỉ diễn ra bằng miệng và trái pháp luật. Hiện tại, định giá theo thị trường thì thửa đất có giá trị rất lớn.
Theo Danviet
Trẻ dùng Smartphone sớm dễ bị xâm hại
Theo thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen; Trên thế giới cứ 4 bé gái, một bé bị xâm hại tình dục. Các bé trai cũng không an toàn khi trung bình cứ 6 em, một bị xâm hại. Nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng quấy rối, xâm hại tình dục chỉ xảy ra ở bé gái.
Thông tin trên được ông Nguyễn Huy Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Giảng viên- Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em đưa ra tại Hội thảo: "Bảo vệ con khỏi xâm hại, cha mẹ cần làm gì".
Người thân quen dễ xâm hại trẻ
Mở đầu buổi hội thảo, ông Nguyễn Huy Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Giảng viên- Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em, đưa ra hình ảnh một số trẻ bị bạo hành thể xác và tinh thần ngay chính trong gia đình mình- đặc biệt nỗi đau về bạo hành tinh thần.
Cả khán phòng lặng đi, nhiều giọt nước mắt đã lăn trên khuôn mặt của phụ huynh khi một học sinh vừa khóc vừa kể về câu chuyện trong một lần tức giận, trong đêm, bố đã lôi hai con ra giữa sân, bắt quỳ xuống và quát to: "Hai đứa chúng mày không phải là con tao".
"Có thể lời mắng nhiếc diễn ra trong cơn thịnh nộ của ông bố nhưng cú sốc tinh thần ấy sẽ ám ảnh cuộc đời của hai đứa trẻ sau này", ông Tùng chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, trong một lần dạy ở quận Hà Đông, một cô giáo đã đưa cho ông xem cuốn nhật kí của học sinh lớp 5. Em viết: "Bố thường sờ soạng vào người con, con không thích hành động đó của bố, bố là một con dê già". Dẫn giải những câu chuyện này, ông Tùng cho rằng, đối tượng xâm hại trẻ, phần lớn là người thân quen hoặc chính trong gia đình.
Ông Nguyễn Huy Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Giảng viên- Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em.
Qua thống kê ông Tùng đưa ra, từ năm 2011- 2015, có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở Việt Nam. Trong đó, có hàng loạt vụ án nghiêm trọng như, ông cụ 79 tuổi ở Hà Nội lĩnh án 8 năm tù khi dâm ô trẻ 3 tuổi năm. Năm 2018, đối tượng Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu lĩnh án 3 năm tù cũng vì hành vi tương tự.
Đáng sợ nhất là năm 2016, vụ án hai bé gái (9 và 10 tuổi) mất tích tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nhiều tháng sau, nguyên nhân được làm rõ: Gã hàng xóm rủ 2 bé về nhà, cưỡng hiếp, rồi sát hại, giấu thi thể nạn nhân trong vườn. Người xâm hại các bé khá thân quen, ngay gần nhà hai bé. Hắn còn giả vờ cùng gia đình nạn nhân đi tìm kiếm hai bé rất nhiệt tình trong những ngày chưa bị lộ tội ác.
Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi tại sao trẻ em dễ bị dụ dỗ và đối tượng dụ dỗ là ai, Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em đã cho hơn 30.000 trẻ em tại 8 quận ở Hà Nội làm bài kiểm tra. Kết quả cho thấy, khoảng 87% trẻ cho rằng đó là người xa lạ, chỉ 4% là người thân quen.
Tuy nhiên, theo thống kê của Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen; trên thế giới cứ 4 bé gái, một bé bị xâm hại tình dục. Các bé trai cũng không an toàn khi trung bình cứ 6 em, một bị xâm hại. Nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng quấy rối, xâm hại tình dục chỉ xảy ra ở bé gái.
Dạy trẻ em "mẹo thoát hiểm" bằng cách giãy giụa, la hét và đạp mạnh vào chân kẻ xấu khi bị xâm hại.
Người lớn dễ phát hiện tình trạng bé gái bị xâm hại hơn so với bé trai. Điều này gây hậu quả trẻ không muốn tiếp xúc người khác giới, tự thu mình lại, lệch lạc giới tính.
Theo diễn giả này, từ 3 tuổi, cha mẹ cần dạy con bài học về kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục từ quy tắc lòng bàn tay, quy tắc đồ lót, lâu dần trẻ sẽ có khả năng tự vệ. Con cần hiểu cơ thể là riêng tư, không ai được phép động chạm vào, kể cả bố mẹ nếu con thấy khó chịu và đau đớn.
Dạy con nói "không" và kĩ năng kêu cứu
Cũng theo ông Tùng: "Trong một lần giảng dạy ở quận Cầu Giấy, một bé kể cho tôi nghe câu chuyện bé đi thang máy cùng chú hàng xóm, là bố của bạn Vân, bạn thân cháu.
Chú bảo con, sao con cùng tuổi con chú mà con phổng phao vậy? Con có tập thể dục hay chơi môn thể thao nào không? Nói rồi, chú xin vạch áo xem ngực con xem thế nào để về nhà hướng dẫn bạn Vân tập thể dục.
Mãi sau này, con mới biết đấy chính là hành vi xâm hại tình dục. Người mẹ của cô bé không chỉ sốc mà gần như suy sụp sau khi nghe câu chuyện tôi kể lại về con chị. Cũng may, đây là trường hợp sớm phát hiện ra, nếu để kéo dài, không biết sự thể sẽ đến đâu", ông Tùng kể lại.
Kĩ năng vặn tay để thoát hiểm khi bị kẻ xấu tấn công.
Ông Tùng cho rằng, đối với các hành động quấy rối trực tiếp như trên đây, cha mẹ cần dạy con nói không, về kể ngay với người thân cận hoặc mạnh hơn là kêu cứu và chạy đến chỗ gần nhất, đông người để được bảo vệ.
Cha mẹ cần hướng dẫn con một số "mẹo thoát hiểm" đơn giản. Chẳng hạn, khi bị nắm tay kéo đi, trẻ cần quẫy đạp vào chân đối tượng, miệng vừa kêu cứu thật to. Hoặc khi trẻ bị túm tóc thì cần làm gì để chạy trốn...
"Độ tuổi dậy thì của bé gái từ 9-11 tuổi. Do đó, cần dạy con các kỹ năng bảo vệ thân thể cần thiết ngay từ khi 3 tuổi, nếu không sẽ quá muộn", ông Tùng nói.
Kĩ năng "thoát hiểm" khi trẻ bị kẻ xấu túm tóc phía trước.
Chia sẻ về các nguyên nhân, hành vi dễ dẫn tới dụ dỗ xâm hại trẻ em, ông Tùng cho biết, hiện khoảng hơn 50% bé gái bị dụ dỗ thông qua các trò chơi được yêu thích là làm bác sĩ. Trò chơi này dẫn đến cả hai phía tiếp xúc, động chạm vào cơ thể, trong khi trẻ không biết đây là hành vi sai trái.
Việc cho trẻ sớm dùng Smartphone hoặc các thiết bị điện tử hiện đại thường có nguy cơ rất cao bị xâm hại bởi dễ có đường link phản cảm, ấn phẩm xấu gửi đến mạng xã hội.
Chỉ một lần click vào, trẻ sẽ bị lôi cuốn và cuối cùng bị ép hoặc dẫn dụ trẻ quan hệ tình dục, gây ra nhiều hệ lụy, gây sang chấn tâm lý nặng nề.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Quảng Bình: Hàng loạt cán bộ xã 'dính' sai phạm về rà soát hộ nghèo UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa có kết luận thanh tra số 1384/KL-CT về việc chấp hành các quy định của pháp luật về rà soát hộ nghèo và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn xã Hoàn Trạch giai đoạn 2011 - 2015. Theo kết luận thanh tra, tại thời điểm đoàn thanh tra làm việc tại...