Chủ tịch VFF: Tạm dừng giải đấu không phải tạm dừng công việc
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải nhấn mạnh bóng đá phải tạm dừng để đảm bảo an toàn nhưng các đơn vị quản lý, tổ chức không được ngừng công việc.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam ( VFF) Lê Khánh Hải gửi thư chia sẻ, động viên các tổ chức thành viên, các đội bóng và trung tâm đào tạo trẻ chung tay vượt qua khó khăn, đồng thời góp sức vào cuộc chiến của toàn xã hội đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Trong thư, ông Lê Khánh Hải gọi những thử thách mà bóng đá Việt Nam cũng như thế giới phải đối mặt trong giai đoạn này là “khó khăn chưa từng có”. Lần đầu tiên trong lịch sử các giải đấu trong nước và quốc tế, quy mô từ địa phương đến toàn cầu đều phải tạm hoãn vô thời hạn.
“An toàn sức khỏe của con người là quan trọng hơn tất cả và việc tạm dừng các giải đấu là cần thiết để bóng đá chung tay, góp sức cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh”, Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải
Ông nhấn mạnh rằng bóng đá chỉ trở lại khi nào dịch bệnh được kiểm soát tốt, đời sống xã hội trở lại bình thường, đặc biệt là có sự cho phép của Chính phủ và các ban ngành liên quan. VFF cũng gửi thông điệp của LĐBĐ thế giới ( FIFA) và châu Á (AFC) tới các thành viên về sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tuân thủ các khuyến cáo, quy định của nhà nước, của cơ quan y tế để phòng chống và chiến thắng đại dịch.
Tuy nhiên trong thời gian các giải đấu tạm nghỉ, các thành phần tham gia nền bóng đá vẫn phải làm việc với nhau để tìm ra các giải pháp ứng phó, chủ động trước tình thế.
“Tạm dừng các giải đấu không đồng nghĩa với việc chúng ta tự cho phép mình tạm dừng công việc, ở thế bị động trong các kế hoạch hướng tới tương lai”, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải viết trong thư.
“Chúng ta đang sống chậm lại, đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét những việc đã làm, cũng như suy nghĩ cho tương lai. Làm thế nào để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng sự đồng lòng, để làm tốt hơn những gì chúng ta đã làm trước đây”.
Video: Hành trình 5 năm đưa Quang Hải thành ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam
Ông Lê Khánh Hải cho biết bên cạnh việc chung sức phòng chống dịch COVID-19, VFF cũng tập trung, theo sát chỉ đạo giải quyết những khó khăn về lịch thi đấu bóng đá trong nước, tập huấn thi đấu của các đội tuyển quốc gia.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là đảm bảo an toàn. Tuy nhiên để chuẩn bị cho thời gian tới, FIFA, AFC và các Tổ chức bóng đá quốc gia khác trên thế giới cũng đều thường xuyên liên hệ và thảo luận tìm ra các giải pháp. Bóng đá Việt Nam cũng không là ngoại lệ”, ông Lê Khánh Hải chia sẻ.
Ông cũng khẳng định VFF sẽ làm hết sức để hỗ trợ các tổ chức thành viên vượt qua khó khăn, nhấn mạnh rằng bóng đá là môn thể thao tập thể, cần sự hỗ trợ của tất cả các bên để duy trì được giá trị.
“Chúng ta cần xác định đây là sân chơi chung, mỗi thành viên cần có một phần trách nhiệm, cần có kế hoạch chu đáo, dự phòng cho mọi khả năng có thể xảy ra”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhắn nhủ.
“Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm chúng ta cùng thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, niềm tin, khát vọng, chia sẻ, suy nghĩ, hành động thiết thực để cùng nắm tay nhau vượt qua thử thách trước mắt, hướng đến kết quả, giá trị tốt đẹp trong thời gian sắp tới. Nội lực, sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm và hành động, sự tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau sẽ là chìa khóa để giúp bóng đá Việt Nam đứng vững và phát triển trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
TIỂU CƯỜNG
Kiếm đâu ra 14 đội đá Hạng nhất?
VFF và VPF muốn xóa bỏ nghịch lý giải Hạng nhất, Hạng nhì quốc gia có số đội tham dự còn ít hơn V-League, nhưng quyết định nâng lên con số 14 đội ở mỗi hạng kể từ mùa 2021 xem chừng vội vã
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải hôm 8-4 đã ký quyết định về số lượng các đội tham dự các giải bóng đá quốc gia giai đoạn 2021-2023. Theo đó, 3 giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam là V-League, Hạng nhất và Hạng nhì quốc gia đều có 14 đội.
Điều này có nghĩa là nếu mùa giải 2020 vẫn diễn ra sau khi khống chế được dịch Covid-19, giải Hạng nhất quốc gia sẽ tăng số đội từ 12 đội lên 14, còn giải Hạng nhì quốc gia từ 13 đội tăng lên14 đội, bằng với số đội dự V-League. Quyết định cũng nêu rõ, đội đứng thứ 12 (cuối cùng) của giải Hạng nhất 2020 sẽ phải xuống chơi ở Hạng nhì 2021. Còn 3 đội có thành tích tốt nhất ở giải Hạng nhì 2020 sẽ lên chơi ở giải Hạng nhất 2021. Riêng suất lên hạng V-League mùa 2020 vẫn giữ nguyên là 1,5 suất, sau đó sẽ lên thành 2 suất chính thức ở mùa 2021.
Những trận đấu thưa thớt khán giả ở giải Hạng nhất, làm sao thu hút được doanh nghiệp đầu tư? Ảnh: MINH TRẦN
VFF hy vọng việc nâng cả hai hạng đấu xếp dưới V-League lên có 14 đội tranh tài là cách để xóa bỏ nghịch lý phát triển theo kiểu "kim tự tháp ngược", tức giải đấu "phình" lớn ở hạng mạnh nhất, trong khi các hạng dưới teo tóp dần số CLB tham gia. Điều đó cho thấy, VFF và VPF muốn xây dựng một chiến lược nâng tầm bài bản bóng đá chuyên nghiệp, mô hình quen thuộc ở các giải bóng đá mạnh trên thế giới. Tuy nhiên, với những cách tồn tại theo kiểu "ăn xổi, ở thì" tại rất nhiều CLB hiện nay, con số 14 dường như trở thành một gánh nặng, bởi ai cũng hiểu cốt lõi nhất vẫn là kinh phí hoạt động.
Nhìn vào giải Hạng nhất, hiện tại có 12 CLB tham dự, trong đó Bình Định, Phố Hiến, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Sanna Khánh Hòa BVN được nhận định sẽ tranh 1,5 suất thăng hạng V-League mùa 2021. 8 đội bóng còn lại, trừ Long An của ông bầu Võ Quốc Thắng được bảo đảm duy trì sự tồn tại nhờ vào tiềm lực kinh tế và trang thiết bị sẵn có, cứ nhắc đến bóng đá Bình Phước, Huế, An Giang hay Cần Thơ..., những nhà tổ chức lại hồi hộp, không biết họ muốn bỏ giải, tự giải thể lúc nào. Thậm chí, năm 2019, một năm trước khi được Tập đoàn Hưng Thịnh tài trợ, CLB Bình Định từng có ý định giải tán ngay trước thềm mùa bóng. Khi đó, nếu không có Bình Dương trợ lực bằng tài chính và cả nguồn cầu thủ trẻ, có lẽ Bình Định đã không trụ được đến thời điểm tìm được "bầu sữa" ổn định.
V-League đã nâng số đội lên thành 14 từ năm 2015, duy trì tính ổn định đến nay nhưng giải Hạng nhất trồi sụt liên tục, lúc cũng có 14 đội (2012) nhưng rồi 1 năm sau chỉ còn 8 CLB (2013-2015). Những tưởng năm 2016 tăng lên thành 10 đội sẽ là bước chạy đà cho việc phát triển đồng đều, thì đến 2017 lại giảm còn một nửa V-League. Tương tự, giải Hạng nhì quốc gia có số lượng đội không ổn định, hiện tại đang duy trì ở mức 13 đội nhưng tham vọng thăng hạng, đồng nghĩa với việc phải bổ sung một nguồn tài chính dao động ổn định từ 15-20 tỉ đồng/mùa đã khiến nhiều đội ngán ngẩm.
Dự báo hậu quả của dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, việc đưa ra giải pháp tăng số đội dự giải Hạng nhất và Hạng nhì quốc gia ở thời điểm này là hoàn toàn không thực tế. VFF và VPF có mong muốn tốt nhưng kiếm đâu ra doanh nghiệp có tâm và lực để làm bóng đá, nhất là ở những giải đấu mà người hâm mộ lác đác, trực tiếp truyền hình còn không có người xem!
Anh Dũng
VFF bỏ mô hình 'siêu mẫu' Sau rất nhiều năm sử dụng mô hình "siêu mẫu" cho các giải vô địch quốc gia, VFF từ mùa bóng sau dần đoạn tuyệt với kiểu tổ chức không giống ai để đi theo xu hướng... cả làng cùng vui. Đã rất lâu rồi, giới chuyên môn kêu gọi các nhà làm bóng đá Việt Nam cần bãi bỏ cách tổ chức...