Chủ tịch UBND TP.HCM chấp thuận mô hình điều hành dự án đường vành đai 3 TP.HCM
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chấp thuận đề xuất mô hình chỉ đạo dự án vành đai 3 TP.HCM.
Mô hình điều hành được kỳ vọng sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án giao thông đường bộ có vốn đầu tư lớn nhất ở phía Nam từ trước nay.
Đường vành đai 3 TP.HCM sẽ kết nối đường cao tốc Bến Lức – Long Thành và TP.HCM – Trung Lương tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An – Ảnh: TỰ TRUNG
Cụ thể, tổ công tác dự án vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các vấn đề quan trọng, mang tính chất liên tỉnh như vấn đề kỹ thuật, vật liệu, chính sách bồi thường… Tổ công tác họp (khi cần thiết) theo nội dung yêu cầu công việc cần phối hợp giữa các địa phương hoặc giữa địa phương với các bộ ngành…
Ban chỉ đạo dự án của TP.HCM được thành lập có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết ngay các vấn đề phát sinh cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện các dự án thành phần của TP. Đây là cơ quan đầu mối, trao đổi, phối hợp với tổ công tác Chính phủ giải quyết các vướng mắc chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh…
Thành lập ban chỉ huy dự án là cơ quan thường trực của ban chỉ đạo. Chức năng, nhiệm vụ của ban chỉ huy là điều hành giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Lãnh đạo TP giao Sở Tài nguyên và môi trường TP khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Đồng thời, hướng dẫn TP Thủ Đức và các huyện thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tham mưu và đề xuất TP trước ngày 30-6.
Video đang HOT
Sở Giao thông vận tải TP khẩn trương phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan lập kế hoạch chi tiết hội nghị triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư là 75.378 tỉ đồng, đi qua 4 địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 16-6. Con đường dài 76,34km có thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Hiện kế hoạch phối hợp triển khai dự án giữa các địa phương đã được xây dựng và chuẩn bị ký kết. Trong đó, các mốc thời gian được xác định rõ ràng: tháng 7-2022 khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; quý 4-2022 bàn giao ranh dự án để triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cuối năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Tất cả các công việc đều phải triển khai đồng bộ, khẩn trương để đảm bảo khởi công dự án vào cuối năm 2023.
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội thông qua: Xắn tay triển khai dự án
Sáng 16-6, với 475/478 (chiếm 95,38%) đại biểu Quốc hội tán thành đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM với tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỉ đồng.
Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện Bến Lức, tình Long An) kết nối với dự án vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đây là tin vui mà hàng triệu người dân ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mong chờ suốt nhiều năm qua, vậy kế hoạch triển khai sẽ ra sao?
Nhiều cơ chế đặc thù
Theo nghị quyết, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khoảng 76,34km đường vành đai 3, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Về giải phóng mặt bằng toàn tuyến sẽ thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (tỉnh Bình Dương) đã đầu tư.
Dự án cũng được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể như về nguồn vốn đầu tư sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 17.146 tỉ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về các địa phương để thực hiện, trong đó TP.HCM là 10.627 tỉ đồng, Đồng Nai là 856 tỉ đồng, Bình Dương là 4.266 tỉ đồng và Long An là 1.397 tỉ đồng. Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách trung ương và địa phương theo tỉ lệ vốn góp đầu tư.
UBND TP.HCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong 2 năm kể từ khi nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; các gói thầu bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...
Thời gian tới triển khai ra sao?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho hay TP rất vinh dự được giao nhiệm vụ làm cơ quan chuẩn bị, lập chủ trương đầu tư và là cơ quan đầu mối điều phối dự án.
Ở bước tiếp theo, ông Lâm cho biết TP sẽ phối hợp với các địa phương để trình Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai dự án, đồng thời bàn giao hồ sơ cho các địa phương. Vành đai 3 có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm 2 dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Các địa phương sẽ chỉ đạo thực hiện nhanh từng phần liên quan đến mình, đảm bảo tiến độ chung. TP.HCM là nơi điều phối chung để đảm bảo thống nhất về tiến độ, các yếu tố kỹ thuật, chất lượng công trình...
Ông Lâm cho biết hiện kế hoạch phối hợp triển khai dự án đã được xây dựng, dự kiến các địa phương sẽ ký kết trong đầu tháng 7. Các mốc thời gian được xác định rõ ràng: tháng 7-2022 khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; quý 4-2022 bàn giao ranh dự án để triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cuối năm 2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Tất cả các công việc đều phải triển khai đồng bộ, khẩn trương để đảm bảo khởi công dự án vào cuối năm 2023.
Cũng theo ông Lâm, dự án vành đai 3 sẽ có mô hình tổ chức lãnh đạo, điều hành dự án tương ứng để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Trong đó, tổ công tác dự án vành đai 3, vành đai 4 do TP.HCM thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng sẽ chỉ đạo các vấn đề quan trọng, mang tính chất liên tỉnh như vấn đề kỹ thuật, vật liệu, chính sách bồi thường..., còn địa phương sẽ thành lập ban chỉ đạo dự án thành phần. Cùng với đó sẽ có ban chỉ huy dự án vành đai 3 do TP.HCM là cơ quan thường trực để điều hành giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
Để tư vấn cho Ban chỉ đạo dự án, TP sẽ mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và am hiểu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, tổ chức thi công, đấu thầu... tham gia hội đồng cố vấn dự án. Còn để điều hành dự án, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, cần thiết phải áp dụng công nghệ thông tin để quản lý. Nếu đơn vị nào, khâu nào để chậm trễ làm ảnh hưởng tiến độ, ứng dụng sẽ tự động nhắc việc và báo cáo Ban chỉ đạo theo dõi, đôn đốc. Nếu tiếp tục bị chậm trễ thì sẽ bị xử lý, như vậy mới đáp ứng được yêu cầu cấp bách của dự án này.
"Dự án vành đai 3 đã được Quốc hội cho áp dụng các cơ chế đặc biệt, ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ và các bộ ngành. TP.HCM và các địa phương sẽ nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành công trình đúng theo tiến độ cam kết", ông Lâm nói.
TP.HCM khẩn trương điều chỉnh quy hoạch
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản khẩn yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan rà soát điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với dự án tuyến đường vành đai 3 TP.HCM. Theo đó, Sở GTVT và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP được giao trong 5 ngày làm việc cung cấp thông tin, dữ liệu ranh dự án mới nhất để TP Thủ Đức và các huyện rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
UBND các địa phương trong 10 ngày làm việc thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể của công tác tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch. Sau đó, báo cáo để Sở Quy hoạch - kiến trúc tổng hợp trình TP trong 7 ngày làm việc. Các địa phương được yêu cầu chủ động thực hiện các thủ tục, hồ sơ cụ thể để tiến hành điều chỉnh theo quy định.
Sở Tài nguyên và môi trường TP trong 7 ngày làm việc hướng dẫn huyện Củ Chi về đơn giá lập quy hoạch sử dụng đất để huyện phê duyệt dự toán và tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn triển khai đồ án quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn theo quy định. Sở Tài nguyên và môi trường TP trong 5 ngày làm việc có ý kiến hướng dẫn các địa phương về cơ sở pháp lý của dự án nhằm phục vụ công tác cắm mốc giới và thu hồi đất.
Chủ tịch UBND TP.HCM chốt tiến độ rà soát quy hoạch đường vành đai 3 Ngày 15-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản khẩn yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan về việc rà soát điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với dự án tuyến đường vành đai 3 TP.HCM. Khu vực kết nối giữa đường vành đai 3 TP.HCM, đường cao tốc TP.HCM -Trung Lương và cao tốc Bến...