Chủ tịch Trung Quốc rục rịch cải tổ nhân sự cấp cao
Bên cạnh những nỗ lực chống tham nhũng, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cũng đang tiến hành đợt cải tổ nhân sự trên quy mô lớn, hứa hẹn tạo ra sự thay đổi lớn trên chính trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Mở đầu cho việc làn sóng cải tổ nhân sự này là việc ủy viên Bộ Chính trị Tôn Xuân Lan, người đang giữ chức bí thư thành ủy Thiên Tân được điều sang giữ nắm ghế trưởng ban Mặt trận Thống nhất Trung ương, chức vụ đang để trống sau khi ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra do liên quan đến tham nhũng.
Bà Tôn Xuân Lan hiện được đánh giá là một trong những nữ chính trị gia cấp cao nhất của Trung Quốc. Theo Caixin, trước khi được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội 18 năm 2012, bà Tôn từng là cấp dưới trực tiếp của Thủ tướng Lý Khắc Cường, khi đó là bí thư tỉnh ủy (2004-2007).
Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là biến động nhân sự cấp cao đầu tiên của Bộ Chính trị Trung Quốc kể từ sau Đại hội 18 và ông Tập Cận Bình đang có những bước đi chuẩn bị cho nhân sự cấp cao tại kỳ Đại hội 19.
5 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến sẽ về hưu sau Đại hội 19 (từ trái sang phải): Vương Kỳ Sơn, Trương Cao Lệ, Lưu Vân Sơn, Trương Đức Giang và Du Chính Thanh.
Một cái tên đáng chú ý khác là ông Hoàng Hưng Quốc, hiện đang giữ chức thị trưởng thành phố Thiên Tân. Ông Hoàng sẽ kiêm nhiệm luôn cả chức vụ bí thư thành ủy mà bà Tôn để lại. Trước đó, ông Hoàng từng có thời gian dài công tác tại tỉnh Chiết Giang và là cấp dưới trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tờ South China Morning Post nhận định, việc ông Hoàng Hưng Quốc được đề bạt kiêm nhiệm 2 vị trí quan trọng nhất của thành phố Thiên Tân, cũng như mối quan hệ gần gũi của ông với giới lãnh đạo cao hàng đầu của đất nước cho thấy chính khách này là ứng viên tiềm năng của Bộ Chính trị nhiệm kỳ sắp tới.
Video đang HOT
Bộ Chính trị Trung Quốc đang đứng trước thời điểm sắp có sự xáo trộn lớn bởi theo quy định, các ủy viên Bộ Chính trị không được phép tái cử nếu tuổi đời từ 68 trở lên.
Như vậy, sẽ có 5 ủy viên thường vụ và 6 ủy viên đương nhiệm của Bộ Chính trị sẽ về hưu sau Đại hội 19 dự kiến diễn ra vào năm 2017. Điều này dự báo sẽ có một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các chính trị gia Trung Quốc để được ngồi vào 11 chiếc ghế bỏ trống của “cơ quan đầu não quan trọng nhất” Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiến hành nhiều cải tổ nhân sự trong thời gian tới.
Giáo sư Steve Tsang đến từ trường đại học Nottingham nhận xét, số lượng quan chức nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng lớn đế việc thay đổi nhân sự cấp cao trong Đại hội 19 sắp tới và “Chủ tịch Tập Cận Bình biết rõ điều này hơn bất kỳ ai”.
Trong khi đó, Giáo sư Zhang Ming, một chuyên gia về khoa học chính trị của trường đại học Renmin lại cho rằng, ông Tập sẽ tận dụng Đại hội 19 sắp tới để củng cố hơn nữa quyền lực của mình.
Chủ tịch Tập được cho là nhà lãnh quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc kể từ sau thời kỳ của cựu Chủ tịch Đặng Tiểu Bình.
“Các thay đổi nhân sự sẽ tiếp tục diễn ra trong hai năm sắp tới, đặc biệt là tại các hội nghị trung ương nhóm họp định kỳ mỗi năm một lần”, ông kết luận.
Còn giáo sư Xiayu Pu đến từ trường đại học Nevada lại nhận định, mặc dù cuộc đua tranh giành những chiếc ghế vào Bộ Chính trị và ủy ban thường trực trong Đại hội 19 sắp tới sẽ được quyết định bằng nhiều yếu tố nhưng “Ông Tập hẳn là đã có danh sách những ứng cử viên của riêng mình”.
“Thời gian sắp tới là lúc chủ tịch Tập Cận Bình thử thách năng lực và lòng trung thành của các ứng cử viên”, giáo sư Pu nhận xét.
Theo NTD
Nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục đánh "hổ lớn"
Tới nay, công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo thế hệ thứ 5 ở Trung Quốc đã đánh đổ 4 con "hổ lớn", gồm 1 quan chức giữ chức trưởng ở cấp nhà nước và 3 quan chức giữ chức phó ở cấp nhà nước...
Tờ "Đông phương Nhật báo" của Hong Kong số ra ngày 15/1 cho rằng nếu gọi nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Chính pháp Trung ương Trung Quốc Chu Vĩnh Khang là "hổ siêu lớn", thì nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Tô Vinh (người từng làm Bí thư Tỉnh ủy) và nguyên Trưởng Ban Mặt trận Thống nhất Trung ương Lệnh Kế Hoạch (người từng làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc) chính là "hổ lớn".
Tới nay, công cuộc chống tham nhũng của lãnh đạo thế hệ thứ 5 ở Trung Quốc đã đánh đổ 4 con "hổ lớn", gồm 1 quan chức giữ chức trưởng ở cấp nhà nước và 3 quan chức giữ chức phó ở cấp nhà nước nêu trên. Không chỉ có vậy, hàng chục "con hổ thông thường" là các quan chức cấp tỉnh, bộ (giữ hàm từ Thứ trưởng trở lên) cũng đã bị hạ bệ. Đây là thành tích tốt chưa từng có trong lịch sử "đánh hổ", chống tham nhũng của Trung Quốc. Thành quả đấu tranh chống tham nhũng mấy chục năm qua của Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương gộp lại cũng không được huy hoàng như vậy.
Kết quả chống tham nhũng trong một năm còn hơn cả mấy chục năm của lãnh đạo thế hệ thứ 5 sẽ để lại dấu tích quan trọng trong lịch sử Trung Quốc nói chung và lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nói riêng. Tuy nhiên, lãnh đạo thế hệ thứ 5 không vì thế mà thỏa mãn, ngược lại, họ sẽ tiếp tục tăng cường chống tham nhũng và trong năm 2015 này sẽ đưa cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đi vào chiều sâu.
Ông Chu Vĩnh Khang (giữa) rời Tứ Xuyên đi Bắc Kinh đảm nhận chức vụ mới trong Chính phủ trung ương năm 2002 (ảnh AFP/TTXVN)
Trước tiên là do cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có dấu chấm hết, không có điểm cuối cùng, cần được tiến hành mãi mãi. Hai là, tình hình hiện nay được đánh giá là vẫn rất phức tạp, không thể coi thường khả năng các thế lực tham nhũng phản ứng, "quay đầu vồ lại".
Trở lực đối với việc điều tra các vụ án tham nhũng là rất lớn, rủi ro rất cao, tính mạng của nhân viên điều tra bị uy hiếp, thủ đoạn chống trả của thế lực tham nhũng rất tàn độc, khó phòng chống. Tới thời điểm hiện nay, lãnh đạo thế hệ thứ 5 và Ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương vẫn phải cảnh giác về các nguy cơ cũng như hậu quả nghiêm trọng của cuộc chiên chống tham nhũng, đồng thời quyết tâm không để "thua" trong cuộc chiến này.
Bên cạnh đó, trải qua hai năm tiến hành thanh tra, điều tra, vẫn còn những vụ án lớn, vẫn thấy bóng dáng của những con "hổ siêu lớn", "hổ lớn" và "hổ thông thường". Cần phải xử lý vấn đề này như thế nào? Tên đã được bắn ra không thể trở lại cung nữa! Nếu lãnh đạo thế hệ thứ 5 và Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương dừng cuộc chiến chống tham nhũng lại sẽ làm mất niềm tin trong đảng, trong quân đội và trong nhân dân, hậu họa rất khó lường.
Ngoài ra, thành tích đạt được trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay vẫn chưa đủ để lãnh đạo thế hệ thứ 5 hoàn toàn kiểm soát đại cục, có được đại quyền chỉ định người kế nhiệm tại Đại hội Đại biểu Đảng Toàn quốc lần thứ 19, thực hiện bố trí quyền lực (như mong muốn). Nó cũng chưa đủ để lãnh đạo thế hệ thứ 5 hoàn thành đại kế hoạch đầy tham vọng là "thúc đẩy cải cách kinh tế toàn diện".
Xuất phát từ các nguyên nhân nêu trên, tờ "Đông phương Nhật báo" cho rằng điều khiến dư luận suy đoán và tin tưởng là cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc năm nay sẽ còn khiến "hổ lớn" giữ chức phó ở cấp nhà nước, thậm chí là "hổ siêu lớn" giữ chức trưởng ở cấp nhà nước, bị đánh đổ. Tuy nhiên, số lượng có vượt qua năm 2014 hay không tạm thời rất khó nói. Chỉ có điều nếu như không đánh đổ được "hổ lớn", cái gọi là "duy trì áp lực cao trong cuộc chiến chống tham nhũng, không lơi lỏng" mà lãnh đạo thế hệ 5 vừa tuyên bố ngày 13/1 tại Hội nghị Toàn thể lần thứ 5 Ban Kiểm tra Kỉ luật Trung ương khóa 18 sẽ bị mất đi nửa phần tin tưởng.
Theo TTK/baotintuc.vn
Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai "kết bè kéo cánh" Truyền thông Trung Quốc lần đầu công khai nói rằng cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang đã "kết bè kéo cánh" với nhau. Hai "hổ lớn đã sa lưới" từng muốn "điều chỉnh" chính sách mở cửa kinh tế của lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Chu Vĩnh Khang (trái) và Bạc Hy Lai...