Chủ tịch Trung Quốc phản đối một hội nghị hòa bình Ukraine đơn phương
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định bất kỳ cuộc đối thoại hòa bình nào cũng cần phải được cả Nga và Ukraine công nhận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Trùng Khánh, ngày 23/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh truyền hình RT, trong một tuyên bố ngày 6/5 khi đang có chuyến công du tới Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ ông sẽ ủng hộ một hội nghị hòa bình Ukraine quốc tế nếu như hội nghị đó được Moskva và Kiev công nhận và có sự tham gia bình đẳng từ các bên.
Trước đó, Thụy Sĩ thông báo đã mời hơn 160 quốc gia tới dự một hội nghị tìm ra giải pháp cho xung đột Ukraine theo yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Hội nghị dự kiến tổ chức vào ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock. Các phái đoàn tham dự đến từ các nước thành viên G7, G20, BRICS, EU. Tuy nhiên, theo Bern, ở giai đoạn này, Nga không nằm trong danh sách các đoàn được mời. Dẫu vậy, Thuỵ Sỹ vẫn tin rằng một tiến trình hòa bình mà không có Nga là không thể được.
Video đang HOT
Trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris ngày 6/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh đang đóng “vai trò tích cực” trong việc cố gắng tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
“Trung Quốc phản đối việc sử dụng cuộc khủng hoảng này để đổ trách nhiệm lên một nước thứ ba và làm hoen ố hình ảnh của nước này cũng như kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu trước các phóng viên trong một cuộc họp báo chung.
Ông Tập Cận Bình lưu ý cần có sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên và thảo luận công bằng về tất cả các kế hoạch hòa bình.
Từ lâu Trung Quốc luôn hối thúc các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, đồng thời hồi tháng 2/2023, nước này cũng đã giới thiệu một kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm chấm dứt tình trạng giao tranh sau một năm xung đột. Sáng kiến bao gồm lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh, tình trạng thù địch, nối lại đàm phán hòa bình, từ bỏ “tâm lý Chiến tranh Lạnh” và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia.
Về phần mình, Moskva gọi hội nghị do Thụy Sĩ đề xuất là “vô nghĩa” và cho biết họ sẽ không tham gia, ngay cả khi được mời.
Trái ngược với đề xuất chấm dứt giao tranh của Bắc Kinh, công thức hòa bình 10 điểm của Kiev – được Tổng thống Zelensky đưa ra lần đầu vào mùa thu năm 2022 – yêu cầu lực lượng Nga rút hoàn toàn và vô điều kiện khỏi tất cả các vùng lãnh thổ của Ukraine, Moskva trả tiền bồi thường. Nga đã bác bỏ các đề xuất này vì cho rằng nó không thực t và là dấu hiệu cho thấy Kiev không sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Nga nêu quan điểm đối với hội nghị về Ukraine tại Thụy Sĩ
Ngày 2/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Nga sẽ không tham dự hội nghị về Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ vào tháng 6 tới, cũng như bất kỳ sự kiện nào khác liên quan đến "công thức hòa bình" của Kiev, cho dù Moskva được mời tham dự những diễn đàn như vậy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS/TTXVN
Trong tuyên bố, người phát ngôn Zakharova cho rằng Thụy Sĩ không thể là diễn đàn cho một cuộc đối thoại tìm giải pháp vì nước này đứng về phía Ukraine đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi Thụy Sĩ thông báo đã mời trên 160 đoàn nước ngoài tham dự hội nghị hòa bình Ukraine vào tháng 6 tới, trong đó có Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và một số tổ chức quốc tế.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết "trong giai đoạn này" Nga không nằm trong số các nước được mời tham dự. Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, Bern đã để ngỏ khả năng mời Nga tham dự hội nghị này nhưng Moskva không có ý định tham dự. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cũng nêu rõ quan điểm của nước này cho rằng Nga cần tham gia tiến trình hòa bình tại Ukraine.
Theo kế hoạch, hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 15 - 16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock gần thành phố Lucerne, miền Trung Thụy Sĩ. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ nhấn mạnh tất cả các bên tham dự hội nghị cần đóng góp ý tưởng và tầm nhìn vì một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine.
Chuyên gia Nga đánh giá về chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pháp nhằm hàn gắn sự chia rẽ với EU. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (phải) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái, phía trước) tại sân bay Orly, thủ đô Paris, ngày 5/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp, chặng đầu...