Chủ tịch TPHCM: Thêm cơ chế cho thành phố không ảnh hưởng “túi tiền” cả nước
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phân tích, Quốc hội trao cho thành phố các cơ chế, chính sách đặc thù nhưng giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 18% nghĩa là không động đến cân đối vĩ mô của ngân sách Trung ương. Còn thành phố thì có thêm được cơ chế để thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển.
- Có mặt tại Quốc hội trong phiên thảo luận về dự thảo Nghị định cơ chế, chính sách phát triển TPHCM sáng nay, trên cương vị người đứng đầu chính quyền thành phố hẳn ông nóng lòng, sốt ruột lắm?
- TPHCM vừa qua vẫn tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại. Vì vậy, thành phố muốn đề xuất cơ chế chính sách để tạo xung lực mới để thúc đẩy tăng trưởng. Giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố là 9,6%/năm nhưng từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ còn 8,05%/năm. Năm nay, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng 8,4 % nhưng không thể đạt được. Vừa qua, sơ bộ tính toán, mức tăng cao nhất cũng chỉ 8,25%.
Năm 2017, Trung ương giao thành phố chỉ tiêu thu ngân sách 347.000 tỷ đồng. Thành phố đã nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ này nhưng gặp nhiều khó khăn. Những tháng còn lại, thành phố sẽ cố gắng thêm các giải pháo để có thể đạt chỉ tiêu đặt ra nhưng nói chung là khó khăn.
Chủ tịch UBND TPHCM tại hành lang Quốc hội sáng 20/11.
- Tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương tăng thêm 5% từ năm ngoái có gây khó khăn cho thành phố, có phải là nguyên nhân khiến mức tăng trưởng của TPHCM chậm lại?
- Tất nhiên là có khó khăn. Trước đây tỷ lệ ngân sách TƯ để lại cho thành phố là 23%, nay chỉ còn 18%. Trong khi đó, phần chi cho đầu tư phát triển cao nhất cũng chỉ được 35% , còn lại thành phố phải chủ động bằng các phương thức để huy động nguồn lực từ bên ngoài, hoàn thiện chính sách, môi trường đầu tư.
TP đã tìm mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai để có nguồn đầu tư cho hạ tầng, nếu hành lang pháp lý được tạo thuận lợi sẽ thêm cơ sở vững chắc để tạo động lực phát triển cho TPHCM. TPHCM sẽ nỗ lực hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, chủ động tìm kiếm các phương thức đầu tư để phát triển.
Còn giảm tỷ lệ ngân sách điều tiết cho thành phố và việc giảm tốc độ tăng trưởng chỉ là một phần, còn những tác động khác nữa. Tôi đã báo cáo việc thu động các nguồn vốn khác nhưng ví dụ, muốn triển khai các dự án TPP thì phải có vốn mồi. Theo tính toán, 1 đồng vốn mồi từ ngân sách thì thu được 14 đồng vốn xã hội.
Video đang HOT
Vậy nên, việc có cơ chế đặc thù cho thành phố để tranh thủ được các nguồn lực thì hiệu quả tạo ra lớn hơn. Lúc đó, quy mô GRDP của thành phố tăng lên thì phần tuyệt đối của tỷ lệ 18% ngân sách để lại cũng sẽ lớn hơn. Và quan trọng là thành phố có thêm được cơ chế để thu hút các nguồn lực khác ngoài ngân sách.
- Thành phố đã tính đến bài toán cơ chế đặc thù nếu được chấp nhận sẽ tác động thế nào đến ngân sách quốc gia?
- Giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách 18% nghĩa là không động đến cân đối vĩ mô mà Quốc hội đã đề ra. Khi trình cơ chế, TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đề xuất 4 nhóm vấn đề về quản lý đầu tư, quản lý đất đai, cơ chế đầu tư, ủy quyền và thu nhập. Đó là những vấn đề nếu được Quốc hội thông qua thì sẽ tạo đột phá cho thành phố.
Đề xuất việc tự quyết mức thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, chuyên gia, nhân tài của thành phố, sau lần điều chỉnh mới nhất từ ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ, đã có một mức trần được đưa ra là tăng không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ?
Sau khi cơ chế được thông qua, TPHCM sẽ có hướng dẫn cụ thể. Việc tăng thu nhập này được tính đến cả đối tượng viên chức. Một mặt chúng ta thực hiện Nghị quyết của Trung ương 6 về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nhưng việc này cần có lộ trình.
Nội dung cơ chế là cho phép HĐND thành phố được quyết định mức tăng lương đó nhưng mức tối đa là bao nhiêu với từng khu vực phải có một đề án cụ thể. Phải nhắc lại là, tăng lương mới giải quyết được vấn đề.
- Việc khống chế lại mức tăng này như vậy có còn nhiều ý nghĩa với TPHCM so với nguyên lý chỉ cần đảm bảo để việc tăng lương này không làm ảnh hưởng đến ngân sách trung ương, còn lại thì để thành phố tự quyết?
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng để thành phố tự quyết như vậy thì tạo ra chênh lệch quá lớn với các địa phương khác nên mới đề nghị quy định mức trần là không quá 1.8 lần. Chứ còn nếu có được cơ chế như vậy thì tốt quá.
- Nhiều ý kiến cũng lo ngại, tăng lương khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng tại TPHCM tiếp tục được đẩy lên, gây áp lực lên mặt bằng chung cả nước?
- Vấn đề này cũng thuộc trách nhiệm của thành phố. Thành phố phải quản để sao giá tiêu dùng không tăng quá mức chứ nếu tăng lương, tăng thu nhập mà giá cả cũng tăng lên thì mức lương thực tế đâu có ý nghĩa gì. Vậy nên vấn đề còn lại là phải kiềm chế làm sao để giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm không bị đẩy theo lên để ảnh hưởng đến đời sống người dân.
- Xin cảm ơn Chủ tịch!
P.Thảo
Theo Dantri
"Tăng thu nhập cho công chức để tránh tình trạng... sách nhiễu"
Ủng hộ đề xuất cơ chế cho phép nâng thu nhập cho cán bộ công chức của TPHCM, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phân tích, khối lượng công việc tại địa bàn thành phố rất lớn so với địa phương khác. Tăng thu nhập là cần thiết để tạo động lực cho cán bộ công chức để tránh tình trạng sách nhiễu...
Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 14/11.
Hà Nội cần cơ chế đặc thù. Các đặc khu kinh tế tới đây cần cơ chế đặc thù. Và TPHCM cũng đang xin cơ chế đặc thù để phát triển. Quan điểm của ông về việc này?
TPHCM có vị trí rất đặc biệt trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong những năm vừa qua, thành phố có mức tăng trưởng rất cao so với trung bình của cả nước (1,5 - 1,6 lần), đóng góp 21% GDP, 28% thu ngân sách. Nhưng so với vị trí, vai trò, so những lợi thế của mình thì thời gian vừa qua, TPHCM cũng đã có sự tăng trưởng chậm lại. Để phát huy sự đóng góp của thành phố với đất nước cũng như thể hiện sự quan tâm của đất nước với TPHCM thì cần có một cơ chế đặc thù, đột phá để khai thác tiềm năng lợi thế của thành phố đầu tàu này.
Nguồn lực cho phát triển chúng ta đang thiếu và giải pháp đặt ra là phải đưa ra các cơ chế, chính sách đột phá làm nguồn lực, động lực cho sự phát triển của thành phố. Ví dụ, đất đai là nguồn lực rất quan trọng của TPHCM mà một đơn vị diện tích đất nơi đây có thể tạo ra giá trị gia tăng cao hơn các địa phương khác. Cho phép việc chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa thành đất dịch vụ là một việc rất cần thiết. Vậy nên cần có đặc thù cho TPHCM để làm những việc như vậy.
Nhiều cơ chế được đề xuất, đưa ra trong dự thảo Nghị quyết khác với quy định của pháp luật hiện hành, thậm chí có vấn đề được xem là "vượt quyền" Quốc hội. Đâu là giới hạn trong trường hợp này, thưa ông?
Một trong những nguyên tắc rất quan trọng là đặc thù nhưng không được trái Hiến pháp, không được trái các điều ước quốc tế mà Việt nam đã tham gia.
Trên nguyên tắc này, có thể cho phép TPHCM phê duyệt các dự án nhóm A. Đây là việc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nhưng phân cấp cho thành phố để đơn giản thủ tục hơn nhằm thúc đẩy những dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Hay việc quyết định các mức phí, lệ phí đặc thù hoàn toàn có thể giao thẩm quyền cho thành phố. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu một số loại thuế tài sản...
Vấn đề này báo cáo thẩm tra của UB Tài chính ngân sách cũng đặt vấn đề giao Chính phủ sớm trình Quốc hội dự án luật thuế tài sản và cho phép thí điểm trước hết ở TPHCM. Chuyện thuế tài sản, cần đánh giá tác động rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng cũng như phương pháp tính thuế để vẫn đảm bảo sự phát triển bình thường, không làm giảm đi yếu tố cạnh tranh của TPHCM so với địa bàn khác.
2 đề xuất khác dường như thuyết phục các đại biểu Quốc hội hơn là việc trao quyền chủ động để thành phố quyết định mức lương, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, chuyên gia cũng như thêm những nguồn thu để lại cho thành phố để đầu tư phát triển hạ tầng?
Cơ chế cho phép nâng thu nhập cho cán bộ công chức của thành phố tôi rất ủng hộ vì khối lượng công việc tại địa bàn như TPHCM rất lớn so với địa phương khác. Tăng thu nhập là cần thiết để tạo động lực cho cán bộ công chức, tránh tình trạng sách nhiễu. Theo đó, thành phố vẫn bảo đảm mức lương cơ sở như cả nước nhưng có tỷ lệ điều tiết lại để nâng cao thu nhập cho cán bộ.
Còn việc giữ lại nguồn thu từ đất đai, cổ phần hoá DNNN... để có dư địa cho thành phố sử dụng nguồn lực để phát triển, đảm bảo khả năng trả nợ của TPHCM. Vấn đề là sử dụng nguồn lực tài chính đó làm sao cho hiệu quả thì sự phát triển của TPHCM cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Ông vừa nói đến cơ chế động lực để thu hút nhân tài nhưng có ý kiến là tăng lương chưa phải là yếu tố cốt yếu để giữ chân người tài mà cần có cơ chế để lựa chọn, tạo điều kiện cho việc tự quyết định bộ máy, tổ chức thế nào cho hiệu quả?
Theo tôi, việc này phải làm "rộng tay" hơn nữa vì chính quyền đô thị khác chính quyền nông thôn. Ví dụ, Chính phủ đã quy định số lượng cụ thể các sở, ngành ở địa phương, nhưng TPHCM có thể tổ chức nhiều hơn, ít hơn. Cần giao cho thành phố tự chủ sắp xếp bộ máy của mình để công việc hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo(ghi)
Theo Dantri
Chủ tịch TP.HCM: "Không được cử người đi họp thay, bệnh thì nghỉ" "Không cử người đi họp thay, đây là phiên họp thành viên Ủy ban, đồng chí nào bệnh thì thôi. Họp thay về đâu triển khai được, mà cũng phải báo cáo lại thủ trưởng cơ quan", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã lên tiếng chấn chỉnh tại cuộc họp UBND TP.HCM sáng nay (28.7). Sáng nay, Chủ tịch UBND TP.HCM...