Chủ tịch TP.HCM: “Thành phố hết lòng vì quyền lợi chính đáng của dân”
“Hôm nay, chúng ta muốn nghe thêm người dân trong 4,3ha, sau đó nghe thêm người dân ngoài 4,3ha. Thành phố sẵn sàng lắng nghe, trên cơ sở chúng ta đạt được sự đồng thuận. Đối với dân thì không tính toán, thành phố hết lòng vì quyền lợi chính đáng của dân”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Người dân đòi ngoài ranh lớn hơn 4,3ha
Sáng 18.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp các hộ dân Thủ Thiêm có nhà đất ở khu 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An, quận 2), khu đất nằm ngoài ranh quy hoạch.
Dự buổi tiếp xúc này có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, đại diện Thanh tra Chính phủ (TTCP) và các sở ngành TP.HCM…
Về phía người dân Thủ Thiêm, có đại diện 22 hộ dân có nhà đất ở khu 4,3ha.
Được mời phát biểu, ông Lê Văn Lung – hộ dân nằm trong 4,3ha cho rằng bà con 5 khu phố thuộc 3 phường ngoài ranh khiếu nại nhưng hôm nay chỉ được mời 2 người. “Về tính chất, kết luận của Thanh tra Chính phủ không phải là kết luận về khiếu nại của chúng tôi”, ông Lung chỉ ra mâu thuẫn.
Sau phát biểu trong Hội trường, ông Lê Văn Lung sang hội trường báo chí giãi bày thêm. Ảnh: H.V
Ông Lung cũng cho biết, đơn của bà con được Thủ tướng thụ lý rồi, chỉ đạo với các ban ngành tiếp xúc dân. Điều ông Lung không hiểu là Thanh Tra chính phủ cho rằng dân khiếu nại chỉ một ô phố 4,3ha là bất hợp lý. Một khi không xác định được ranh giới trong quyết định phê duyệt ban đầu của Thủ tướng thì làm sao xác định được, cơ sở nào đối chiếu, kết luận trong Thanh tra.
“Năm 2009, TP dùng nhiều lập luận khập khiễng, bất cập để bác khiếu kiện của chúng tôi. Chúng tôi từng yêu cầu, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo nhưng Thanh tra Chính phủ chỉ tiếp xúc với UBND TP, không tiếp xúc với dân, thì sao mà kết luận đúng được”, ông Lung bức xúc.
“Bà con chúng tôi căn cứ vào các chứng cứ, kiên quyết không nhận bồi thường và đấu tranh 10 năm nay. Tha phương, mất việc làm ăn, tốn tiền đi khiếu kiện, mất nhà cửa… , chúng tôi từng đề nghị đổi ngang đất cho chúng tôi, nhưng không ai đồng ý”, ông Lung phân tích thêm.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng cũng đồng tình khi cho rằng dân không khiếu kiện đòi 4,3ha mà đòi 5 khu phố, thuộc 3 phường nằm ngoài ranh. “Kết luận Thanh tra mà không tiếp xúc với người dân, người dân không chấp nhận bị áp đặt như vậy”, bà Phượng nói.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, không hiểu Thanh tra Chính phủ căn cứ quyết định nào, bản đồ nào để biết 4,3ha nằm ngoài ranh. Nhiều khu phố khác cũng nằm ngoài mà không công bố, lại chỉ đi sâu vào 4,3ha. “Tôi đấu tranh từ những ngày đầu, nếu lần ra 4,3ha là cả khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài. Tôi chấp nhận 4,3ha, nhưng không nói chung chung như kết luận Thanh tra, phải xác định rõ ranh ở đâu”, ông Thành nói.
Với dân thì không tính toán
Video đang HOT
Sau khi nghe các ý kiến, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo ngay Sở Tài nguyên – Môi trường xem kỹ ý kiến ông Thành, ông Lung và những người khác. “Căn cứ vào những chứng cứ ông Thành nói để giải quyết thấu đáo quyền lợi của dân”, ông Phong chỉ đạo.
Trước đó, ông Nguyễn Long Tuyền, Chánh Thanh tra TP.HCM, điểm lại các sai phạm xảy ra ở Thủ Thiêm mà TTCP đã kết luận. Trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề ranh quy hoạch, tái định cư, đền bù giải tỏa, giao đất dự án…
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho biết qua rà soát của tổ công tác, vấn đề Thủ Thiêm còn tồn tại 11 vấn đề.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: “Với người dân thì không tính toán”.
Trong 11 vấn đề tồn tại của Thủ Thiêm, chủ yếu là vấn đề đền bù, giải tỏa. Trong đó, có 10 vấn đề trong toàn Khu đô thị mới Thủ Thiêm, 1 vấn đề nằm trong khu đất 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2. Về vấn đề này, ông Phong nói: “Người dân Thủ Thiêm gắn bó nơi này lâu đời, cung cấp thêm nhiều tài liệu và TP.HCM cầu thị xem xét để giải quyết. Với dân thì không tính toán, TP hết lòng vì quyền lợi chính đáng của bà con”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2 cho biết tổ công tác về Thủ Thiêm vẫn đang khẩn trương rà soát pháp lý từng trường hợp nhà đất có phát sinh khiếu nại ở Thủ Thiêm.
Riêng về khu 4,3 ha, ông Nguyễn Phước Hưng cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa xác định cụ thể được là có bao nhiêu hộ dân. Lý do là vì trước đây, bản đồ quy hoạch được cho là kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng (phê duyệt Thủ Thiêm vào năm 1996) là bản đồ vẽ tay, chưa có tọa độ xác định cụ thể. Ranh vẽ trong bản đồ trước đây cũng chỉ mang tính tương đối. Để có thể xác định được ranh chính xác tuyệt đối, phải có tọa độ cụ thể. Để làm rõ vấn đề này, cần thời gian và sự phối hợp giữa TP.HCM và các bộ ngành Trung ương mới có thể xác định được ranh giới, cắm mốc và làm cơ sở để tính toán cụ thể ranh giới 4,3ha ở vị trí nào, trong khu vực đó có bao nhiêu ô phố, bao nhiêu hộ dân.
Tuy nhiên, về phương án tổng thể đền bù nhà đất bị ảnh hưởng liên quan đến khu đất 4,3ha, ông Nguyễn Phước Hưng cho biết tổ công tác đã tính toán theo nguyên tắc hoán đổi đất. Trong khu 4,3ha này, có nhiều loại hình sở hữu nhà đất: sở hữu tư nhân về đất ở, sở hữu tư nhân về đất nông nghiệp, sử dụng đất công… Mỗi loại hình sở hữu có một phương án cụ thể riêng, khi được HĐND TP.HCM thông qua sẽ triển khai.
Buổi tiếp dân vẫn tiếp diễn, PV Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật…
Theo Danviet
Chủ tịch TPHCM gặp gỡ người dân Thủ Thiêm công bố kết luận thanh tra
Ngày 18/10, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ hơn 20 cử tri Thủ Thiêm (quận 2) để thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến khiếu nại của người dân về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Tham dự buổi gặp gỡ còn có Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp.
Ông Nguyễn Long Tuyền - Chánh Thanh tra TP thay mặt chính quyền TP thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung liên quan đến khiếu nại của các hộ dân đến dự án.
Người dân căng băng rôn bên ngoài Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 2.
Nghe tin có đoàn thành phố đến làm việc, những người dân nhiều năm đeo đuổi khiếu kiện đến tham dự
Nhưng do khu vực công bố hạn chế nên nhiều người dân không được vào.
Báo chí ngồi khu vực riêng theo dõi qua màn hình
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số khoản đã được thành phố vận dụng hỗ trợ thêm ngoài quy định theo hướng có lợi cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất. So với mức hỗ trợ, đền bù tại cùng thời điểm thì mức hỗ trợ, đền bù tại khu đô thị mới Thủ Thiêm có giá trị lớn hơn các dự án khác.
UBND TP cũng thông tin những vi phạm trong quá trình thực hiện khu đô thị mới Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhất là liên quan đến ranh quy hoạch 4,3 ha tại khu phố 1, phường Bình An, quận 2 làm phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài.
Cụ thể, về ranh quy hoạch, các văn bản thẩm định của UBND TP, Bộ Xây dựng và Quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thủ tướng Chính phủ nêu không đầy đủ, cụ thể về ranh giới, vị trí quy hoạch. Đồng thời, tại thời điểm lập quy hoạch có nhiều bản đồ khác nhau.
Theo đó, bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng 1/5.000 khu đô thị mới Thủ Thiêm ghi ngày 12/6/1995 có đóng dấu của các liên quan cho thấy một số lô đất, trong đó có phần diện tích 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An chỉ thể hiện ở bước nghiên cứu, đề xuất quy hoạch, trên bản đồ quy hoạch thể hiện các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch là không đúng với quy định.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất (từ 5-10 năm) với tỷ lệ 1/5.000 lập ngày 20/11/1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan không xác định một phần khu phố 1, phường Bình An thuộc phạm vi lập quy hoạch.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tại cuộc gặp gỡ
Thành phố thống nhất nhận định của Thanh tra Chính phủ về việc UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 tại quyết định 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998, trong đó điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, tăng 4,3ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Về thu hồi đất, theo UBND TP, từ việc xác định ranh không đúng, UBND TP đã ban hành quyết định thu hồi đất với phần diện tích 4,3ha để thực hiện một số dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770ha) chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về khu tái định cư 160ha, sau khi có quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 và văn bản 190/CP-NN ngày 22/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP chưa chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố lập, thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung 1/5.000 đối với khu tái định cư.
Rất đông người dân tập trung trước điểm công bố kết luận thanh tra.
Một số người dân ngồi ngoài cửa hội trường theo dõi buổi công bố kết luận qua ti vi
Bên cạnh đó, trong một số dự án thành phố giao đất cho doanh nghiệp không đúng giấy phép kinh doanh, không đúng thẩm quyền, không có quy hoạch chi tiết 1/2.000 được duyệt, giao đất công không qua bán đấu giá...
Tổng diện tích đất đã được UBND quy hoạch, bố trí tái định cư phục vụ cho khu đô thị mới Thủ Thiêm đúng theo quy hoạch phê duyệt là 46,1ha, còn thiếu 113,9ha chưa được quy hoạch, bố trí tái định cư nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong phạm vi 5 phường ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (Bình An, Bình Khánh, An Khánh, An Lợi Đông, Thủ Thiêm) để xây dựng khu tái định cư theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 190/CP-NN, UBND TP đã giao đất cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng... với tổng diện tích 144,6ha.
UBND TP đã không thực hiện lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 trước khi giao đất cho dự án nhưng phê duyệt chi tiết 1/500 để các dự án đầu tư xây dựng. Thay vì tạm dừng giao đất cho các dự án không cấp thiết, quản lý chặt chẽ sự biến động quỹ đất trong khu vực đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch, UBND TP chấp thuận chủ trương, tạm giao cho 6 dự án với diện tích 27,7ha và quyết định giao đất chính thức cho 45 dự án với tổng diện tích khoảng 116,9ha.
Quốc Anh - Phạm Nguyễn
Theo Dantri
Căng thẳng trước buổi Chủ tịch TP.HCM tiếp người dân Thủ Thiêm Sáng 18.10, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi tiếp công dân, chủ yếu để gặp gỡ và đối thoại với người dân Thủ Thiêm tại quận 2 nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề đền bù, giải tỏa gây bức xúc thời gian qua. Ngoài ông Nguyễn Thành Phong còn có bà Nguyễn Thị...