Chủ tịch TP.HCM: “Rất khủng khiếp nếu heo tiêm thuốc an thần lên bàn ăn”
“Nếu không phát hiện sớm thì 4.000 con heo tiêm thuốc an thần đã nằm trên bàn ăn của người dân. Điều này chắc chắn rất nguy hại. Nói vậy để thấy rằng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.
Có sự buông lỏng trong quản lý giết mổ
“Cho nên, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thành phố thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP. Đây là một chủ trương đúng đắn”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã nói như vậy tại buổi làm việc với Ban quản lý ATTP TP.HCM sáng 12.12.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: “Có sự buông lỏng trong quản lý giết mổ”. Ảnh: Hồ Văn.
Theo ông Phong, qua báo cáo của Ban này, 9 tháng đầu tiên hoạt động đã đạt được ưu điểm nhất định. Đó là: Công tác phối hợp xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, an toàn từ trang trại đến bàn ăn; Tạo sự nhất quán từ khâu cấp phép quản lý đến giám sát mối nguy chất lượng thực phẩm; Hình thành các đội quản lý ATTP tại 24 quận huyện, tạo ra mạng lưới quản lý trực tiếp ở các địa phương; Công tác truyền thông phát huy hiệu quả và có sự lan tỏa…
“Nhưng đây là đánh giá của Ban, bước đầu cho thấy sự nỗ lực chứ chưa phải tuyệt đối. Vì vậy lộ trình dài hạn 3 năm thí điểm vừa làm vừa bổ sung, hoàn thiện”, ông Phong đánh giá.
Tuy nhiên, ông Phong cũng cho hay sẽ còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn, khâu phối hợp giữa ba bên liên quan là Ban ATTP, Sở NNPTNT, Sở Công Thương… vừa qua cho thấy không hiệu quả. Việc 4.000 con heo mà vào bàn ăn của dân thì khủng khiếp thế nào? Điều này chắc chắn rất nguy hại! Riêng việc này đã có giải pháp kiên quyết rồi, rút kinh nghiệm, đặt camera lò mổ, đẩy nhanh quy hoạch lò mổ hiện đại. Không để lò mổ thủ công còn nhiều. Có một số khâu buông lỏng trong giết mổ, không cấp phép…
Phó giám đốc Sở NNPTNT Trần Ngọc Hổ giải trình với Chủ tịch UBND TP về quản lý lò mổ Xuyên Á. Ảnh: Hồ Văn.
Ông Phong cũng yêu cầu Ban quản lý ATTP cùng các Sở, ngành phải quản lý chặt chẽ ATVSTP. Nhất là quản lý các KCX-KCN, tuyệt đối không để nghộ độc xả ra. Đồng thời, phải có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn nữa ở các bếp ăn trường học.
“Hãy nhìn thành phố 13 triệu người (chứ không nhìn thống kê thường xuyên 8,4 triệu người – NV). Một công nhân đến thành phố làm việc, góp phần xây dựng thành phố thì họ cũng mang theo người thân, nên dân số tăng cơ học lớn lắm. Trường học ngày càng mở rộng, chưa nói các bệnh viện hiện nay hơn 50% là người dân các tỉnh khác đến khám chữa bệnh. Tất cả họ phải ăn, sử dụng thực phẩm hàng ngày, cần hết sức chặt chẽ trong quản lý, thông qua truyền thông tuyên truyền cho người dân biết để tránh thực phẩm bẩn”, ông Phong chỉ đạo.
Video đang HOT
19 tỷ xây dựng phần mềm quản lý
Trả lời phóng viên Dân Việt về phản ứng của các nhà đầu tư về việc cho phép sự tồn tại của lò mổ thủ công, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban ATTP TP cho biết: “Trong khi phản ứng thì chúng ta thấy có lò mổ hiện đại, công nghiệp nào được xây dựng chưa, toàn là kế hoạch? Cái này Sở NNPTNT phải trả lời cho thành phố vì làm quá chậm. Còn nói lò mổ thủ công không an toàn, có ai dám tin chắc các lò mổ công nghiệp, hiện đại nếu hoạt động thì không thể xảy ra chuyện như lò mổ Xuyên Á hay không? Ở đó có gắn camera mà vẫn để xảy ra – Chủ tịch thành phố phê bình là có sự buông lỏng quản lý đấy thôi. Phải chấp nhận sự tồn tại tạm thời của lò mổ thủ công khi chưa đẩy nhanh được quy hoạch lò mổ công nghiệp, nhưng phải gắn camera và có biện pháp quản lý chặt chẽ”, bà Phong Lan đề nghị.
Bà Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị nhiều vướng mắc tại buổi làm việc. Ảnh: Hồ Văn
Về 142 học sinh ở Trường Tiểu học An Phú (quận 2) bị nghi ngộ độc thực phẩm, bà Lan cho biết có nhiều khả năng này nên phải lấy mẫu xét nghiệm và cần có thời gian để kết luận. Cũng không loại trừ ở đây có một ổ dịch nào đó phát sinh, vì học sinh bị sốt cao và sốt đồng loạt một lúc.
Trước đó, Báo cáo sơ kết 9 tháng hoạt động thí điểm của Ban ATTP, trưởng Ban Phạm Khánh Phong Lan cho biết còn quá nhiều khó khăn và vướng mắc để Ban hoạt động hiệu quả.
Về nhân sự, hiện nay Ban vẫn chưa đủ số lượng định biên ban đầu, hiện có 445/488 người quản lý một khối lượng công việc lớn không làm xuể. Trình độ nhiều cán bộ từ quận, huyện chuyển về chưa tự tin về chuyên môn. Về thanh tra, hiện nay đang hoạt động theo quyết định thanh tra chuyên ngành chứ không phải thanh tra nhà nước như các Sở, ngành theo dự kiến ban đầu.
“Vì thế, hoạt động kiểm tra, giám sát và xử phạt còn hạn chế, chưa được sự tôn trọng, chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm trong ATVSTP. Cần sớm kiến nghị Chính phủ cho phép hoạt động như thanh tra nhà nước”, bà Phong Lan kiến nghị.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Văn Làm tham mưu cơ chế nhân sự cho Ban quản lý ATTP. Ảnh: Hồ Văn
Ngoài nhân sự, Bà Lan cũng yêu cầu cấp kinh phí hoạt động, trụ sở cho Ban cũng như các đội tại quận huyện. “Kiến nghị UBND TP cho phép sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế để thực hiện dự án trang thiết bị tin học và phần mềm ứng dụng, dự kiến khoảng 19 tỷ đồng”, bà Lan kiến nghị với Chủ tịch Nguyễn Thành Phong.
Trả lời việc đề nghị 19 tỷ đồng của Ban, đại diện Sở Tài chính cho biết hàng năm đã rót kinh phí về cho Sở TT-TT, Ban nên làm việc với bên đó để tìm kinh phí.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng phần kinh phí sẽ chỉ đạo Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến làm việc với Ban và Sở TT-TT; về nhân sự sẽ bàn với Sở Nội vụ và trình ý kiến với Bộ Nôi vụ; về cơ chế hoạt động của thanh tra ATTP cũng sẽ kiến nghị ra Thanh tra Chính phủ xin hoạt động theo cơ chế thanh tra nhà nước.
“Nói chung, Chính phủ ủng hộ mạnh mẽ việc thí điểm hoạt động của Ban quản lý ATTP của thành phố. Tuy mới hoạt động 9 tháng, nhưng đã có hiệu quả tốt trong việc kiểm soát ATTP, cung ứng chuỗi thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn… Còn gì cấp thiết hơn là ATVSTP cho người dân, thành phố đáng sống thì chất lượng thực phẩm cũng phải an toàn, xanh, sạch”, Chủ tịch Phong khẳng định.
Theo Danviet
Giám đốc Sở NN TP.HCM: "Không có chuyện ưu ái cho lò mổ thủ công"
Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM khẳng định, không có chuyện Sở này ưu tiên cho phép lò giết mổ thủ công của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn ở xã Xuân Thới Thượng hoạt động.
Cuối tuần qua, Sở NNPTNT đã ban hành Công văn số 2924/SNN-KHCN, lấy kiến các sở, ban, ngành và UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) về việc Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn xin được hoạt động dây chuyền giết mổ thủ công, với công suất giết mổ 2.000 con/ngày, cơ sở giết mổ Xuyên Á được hoạt động trở lại với công suất giết mổ 500 con/ngày.
Ngay sau đó, một số đơn vị, chủ đầu tư các nhà máy giết mổ công nghiệp đã gặp mặt một số phóng viên báo chí để phản đối Sở NNPTNT TP.HCM.
Sở NNPTNT TP.HCM kiên quyết lộ trình giết mổ công nghiệp để đảm bảo nguồn thịt sạch cho người tiêu dùng thành phố. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trả lời PV báo Dân Việt chiều 13.11, ông Trung cho rằng, việc Sở NNPTNT ban hành công văn chỉ là để lấy ý kiến các đơn vị, ban ngành liên quan về đề xuất của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, sau đó Sở NNPTNT sẽ báo cáo UBND TP.HCM.
"Không hề có chuyện Sở ưu tiên cho cơ sở giết mổ thủ công ở Xuân Thới Thượng hoạt động trong khi các cơ sở khác thì bị dẹp. Quan điểm của Sở là kiên quyết loại bỏ các lò mổ thủ công và tạo điều kiện tốt nhất để các lò mổ công nghiệp sớm đi vào hoạt động", ông Trung khẳng định.
Ông Trung cũng cho biết, trước đó, Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn liên tục có ý kiến, thúc ép các cơ quan chức năng cho phép lò mổ thủ công trong khuôn viên quy hoạch lò mổ công nghiệp của đơn vị này được hoạt động.
Cũng liên quan tới vấn đề lò mổ của Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, ông Trung cho biết, đây là 1 trong 8 cơ sở giết mổ công nghiệp đang được quy hoạch trong phương án quy hoạch giết mổ đến năm 2020 của TP.HCM, theo Quyết định số 2032, trong đó tổ chức 8 cơ sở giết mổ (gồm 6 ở huyện Củ Chi và 2 ở huyện Hóc Môn).
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công ty này chỉ làm đến nhà xưởng thì chấm dứt, và đề nghị phần diện tích còn lại (lưu trữ thú sống) để làm nhà máy giết mổ thủ công. Đến giữa năm 2016, UBND xã Xuân Thới Thượng đã ra quyết định đình chỉ thi công, buộc phải tháo dỡ toàn bộ cơ sở này. Nhưng lò vẫn tồn tại từ đó đến nay.
"Tôi khẳng định lại là không tồn tại khái niệm giết mổ "bán công nghiệp". Sau khi công ty này nhiều lần kiến nghị, chúng tôi cũng có văn bản báo cáo, cùng các sở ngành liên quan để xuống kiểm tra làm việc, giải thích cho chủ đầu tư nghe để thông cảm và tập trung tiến hành hệ thống công nghiệp, đảm bảo đúng tiến độ có sản phẩm sạch cho người tiêu dùng thành phố", ông Trung nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) có lò mổ Nam Phong cũng đã bị niêm phong do ô nhiễm môi trường. Doanh nghiệp này cũng từng đặt vấn đề được đưa lò mổ bị niêm phong về xã Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi) để làm tiếp nhưng Sở NNPTNT không đồng ý.
Việc đặt lò mổ ở xa thị trường TP.HCM cần xem xét tính hiệu quả kinh tế. Ảnh: Nguyên Vỹ
"Nếu chúng ta cứ dễ dãi cho phép các lò thủ công chỉ cần di chuyển ra ngoại thành rồi tiếp tục giết mổ thủ công sẽ phá vỡ toàn bộ tiến độ và mong muốn có nguồn thịt sạch của TP bấy lâu nay", ông Trung cho biết.
Ông Trung cho rằng, ông cũng rất tâm tư khi nhiều lần Công ty Chế biến thực phẩm Hóc Môn gửi kiến nghị cho lò mổ thủ công hoạt động, thì một số chủ đầu tư khác lại ý kiến rằng nếu giải quyết cho lò Hóc Môn hoạt động thì họ sẽ xem xét ngừng dự án nhà máy giết mổ công nghiệp.
"Nếu đánh đổi cho một công ty làm thủ công mà mất đi cả hệ thống hiện đại đang xây dựng là một điều đáng tiếc, nên tôi vẫn kiên quyết đề xuất lãnh đạo thành phố đề nghị doanh nghiệp Hóc Môn tập trung xây dựng lò mổ công nghiệp", ông Trung nói.
Còn về việc triển khai hệ thống giết mổ hiện đại có phần chậm trễ, ông Trung cho biết, Sở cũng đã rút kinh nghiệm, lấy ý kiến các ngành liên quan để hệ thống lại rồi cùng góp ý thêm lần nữa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn trục trặc, do áp dụng Luật Đầu tư công lại có những phát sinh mới cần giải quyết.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban ATTP TP.HCM cũng thông tin, đơn vị này vừa nhận công văn của Sở NNPTNT, tuy nhiên, chỉ là để lấy ý kiến về đề xuất của doanh nghiệp ở Hóc Môn nói trên. Chưa hề có quyết định hay chủ trương nào về việc sẽ ưu tiên cho phép lò mổ thủ công ở Xuân Thới Thượng hoạt động trở lại. Còn nếu có cho phép thì đây cũng chỉ là biện pháp tình thế!
Là một trong những người phản đối việc Sở NNPTNT cho phép lò mổ thủ công ở Xuân Thới Thượng hoạt động, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) nêu quan điểm, bản thân bà đã kiên quyết không cho 13 hộ bị phát hiện tiêm thuốc an thần vào heo hồi tháng 10 vừa qua tiếp tục giết mổ tại lò Xuyên Á, để đảm bảo ATTP. Còn lại 8 hộ làm đúng quy trình nhưng đến nay vẫn chưa được cấp phép cho mổ lại nên phải "chạy lông bông" khắp nơi tìm chỗ giết mổ.
"Trong số 13 hộ vi phạm thì có đến 2/3 số hộ có cổ phần tại lò giết mổ ở Hóc Môn. Khi cho phép lò thủ công này hoạt động, các hộ đó sẽ lại kéo về Hóc Môn, như thế là rất bất công cho 8 hộ không vi phạm. Sau đó bất công cho các lò mổ khác đã đầu tư tiền của tiến lên quy trình giết mổ công nghiệp hiện đại", bà Thắm phản hồi.
Theo Danviet
Xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra bạo hành tại địa phương Chiều 6.1, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã thay mặt UBND TP.HCM giải thích thêm những vấn đề mà đại biểu HĐND đặt ra tại phiên chất vấn. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ xử lý người đứng đầu tại địa phương nếu để xảy ra bạo hành ngược đãi trẻ tại địa phương đó. Xém xét, kỷ luật...