Chủ tịch TP HCM thị sát, bàn cách ‘giải cứu’ Tân Sơn Nhất khỏi ngập
Đến các đoạn kênh bị tắc, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu ứng kinh phí giải tỏa nhà dân lấn chiếm để khơi thông dòng chảy, hạn chế ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Chiều 16/9, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo các sở ngành xuống thị sát những đoạn kênh bị lấn chiếm khiến sân bay Tân Sơn Nhất ( quận Tân Bình) rơi vào cảnh ngập mỗi khi mưa lớn.
Theo Phó giám đốc Trung tâm chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng, kênh A41 bị lấn chiếm nặng khiến nước mưa từ sân bay Tân Sơn Nhất không thể thoát được. “Đã có dự án mở rộng và cải tạo kênh này, do quận Tân Bình làm chủ đầu tư, đang cắm ranh và thuê tư vấn xác định khả năng thoát nước; đồng thời xác định khu vực nào lấn chiếm, không lấn chiếm để có giải pháp bồi thường”, ông Dũng nói.
Trước đó, dự án cải tạo mương A41 đã có chủ trương của HĐND TP HCM gồm hai giai đoạn: 2016-2018 làm công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng với kinh phí 400 tỷ đồng; 2017-2019 là 160 tỷ đồng.
Ông Dũng cho biết thêm, mương Nhật Bản – một hướng thoát nước khác cho sân bay Tân Sơn Nhất – dự kiến tháng 10 hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giúp thoát nước một phần cho khu vực này.
Lãnh đạo TP HCM thị sát đoạn kênh A41 bị lấn chiếm khiến sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập. Ảnh: Hữu Công
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải – cho hay, việc duy tu mương A41 trước đây được chia làm 3 phần. Trong sân bay do sân bay quản lý, phần qua đất quốc phòng do nhà máy A41 quản lý, Trung tâm chống ngập TP HCM lo phần bên ngoài. Nhưng trong cuộc họp mới đây các bên đã thống nhất chuyển toàn bộ dự án về cho Trung tâm chống ngập.
Cũng theo ông Cường, chỉ 1/10 khu vực bãi đỗ 80 ha của Tân Sơn Nhất thoát nước ra kênh A41 bị ngập, không ảnh hưởng đến việc khai thác sân bay. Cơn mưa lớn ngày 11/9 làm máy bay không hạ cánh được là vì gió giật, tầm nhìn hạn chế.
Còn theo đại diện quận Tân Bình, địa phương đang chuẩn bị công tác đầu tư dự án cải tạo mương A41. Cái khó hiện nay là do HĐND mới phê duyệt nên trong kế hoạch sử dụng đất của quận không có phần này.
“Quận đề nghị được điều chỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất và tạm ứng nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thẩm định giá. Nếu công tác phê duyệt đơn giá bồi thường được làm nhanh, năm 2019 có thể hoàn thành dự án”, lãnh đạo quận Tân Bình cam kết.
Video đang HOT
Vẻ sốt ruột, ông Phong đề nghị quận Tân Bình sớm báo cáo UBND thành phố về đơn giá bồi thường, còn đối với những hộ lấn chiếm trái phép thì có phương an hỗ trợ. “Để cho người dân lấn chiếm, giờ hỗ trợ bồi thường cũng tốn rất nhiều tiền. Đó là do công tác quản lý của chúng ta chưa tốt”, ông Phong nói và yêu cầu Sở Tài chính tạm ứng kinh phí để dự án sớm được triển khai.
Theo ông Phong, trong khi chờ dự án hoàn thành, các sở ngành cần hạn chế tối đa ngập như làm thông thoáng dòng chảy, vận động người dân không xả rác, “có nơi người dân còn làm nhà vệ sinh trên dòng kênh”.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng khơi thông dòng chảy, trả lại đường thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hữu Công
Sau tuyến kênh A41, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong tiếp tục thị sát các điểm lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn các quận 12 và Gò Vấp. Ông yêu cầu Trung tâm chống ngập phối hợp với các quận liên quan nhanh chóng lập và triển khai các dự án để xóa ngập cho các khu vực này.
Theo Trung tâm chống ngập TP HCM, sân bay có 3 hướng thoát nước chính: hướng bắc thoát về kênh Hy Vọng – Tham Lương thuộc quận Tân Bình đang được nạo vét nên thoát nước tốt, không gây úng.
Hướng Nam thoát về mương A41 đang bị lấn chiếm nghiêm trọng khiến lòng mương bị bóp méo nên hạn chế thoát nước (mương này có hai nhánh thoát từ sân bay đến đường Cộng Hòa – Út Tịch ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chưa đảm bảo) và hướng Đông Nam từ sân bay thoát về mương Nhật Bản, từ tường rào sân bay đến công viên Gia Định dự kiến cuối tháng 9 sẽ hoàn thiện.
Hữu Công
Theo VNE
Sân bay Tân Sơn Nhất có thể đóng cửa vì một con kênh
Có nhiệm vụ tiêu thoát 50% lượng nước trong sân bay nhưng kênh A41 đang tắc nghẽn, trong khi nhiều nhà cửa và công trình xung quanh Tân Sơn Nhất cũng bao vây lối thoát khác.
Kênh A41 thoát 50% nước cho sân bay nhưng nhiều đoạn bị lấn chiếm chỉ còn 0,8 m. Ảnh: Duy Trần
Kênh A41 thuộc phường 4 (quận Tân Bình, TP HCM) sáng 16/9 đầy xà bần, rác sinh hoạt và cả tấm nệm, ghế salon, thùng mút... vương vãi nhiều chỗ, nhất là ở cửa các cống.
Dài 2 km, kênh xuất phát từ đoạn cống hộp gần 400 m trong sân bay trước khi thoát ra con kênh hở bên ngoài gần góc đường Phan Thúc Duyệt. Dòng nước từ đây chảy ngoằn ngèo trong khu dân cư về hướng đường Cộng Hòa trước khi chảy qua cống ngầm ra kênh Nhiêu Lộc. Có nhiệm vụ tiêu thoát 50% nước ở sân bay Tân Sơn Nhất ra ngoài, song A41 đang bị nhà dân lấn chiếm, nhiều đoạn thu hẹp chỉ còn 0,8 m.
"Trước kia kênh rất rộng, hai bên bờ thông thoáng nhưng sau đó nhiều hộ xả rác, lấn chiếm xây dựng khiến lòng kênh bị bồi đắp, không còn đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước trong khu vực", ông Tam (70 tuổi) - sống cách kênh A41 chừng 200 m, cho biết.
Tân Sơn Nhất còn 2 hệ thống thoát nước khác là kênh Hy Vọng (giúp thoát nước khu vực hành chính, khu sân golf hướng đường Phạm Văn Bạch ra kênh Tham Lương); còn lại là mương Nhật Bản (từ sân bay đến đường Nguyễn Kiệm) đảm trách việc thoát nước khu vực nhà ga quốc tế và khu vực sửa chữa máy bay.
Theo một lãnh đạo Tân Sơn Nhất, tình trạng ngập nghiêm trọng đang xảy ra trong sân bay mỗi khi có mưa lớn như hiện nay nguyên nhân chính là do kênh A41 không đảm bảo được việc thoát nước. Dòng chảy bên ngoài nhỏ, bị rác làm tắc nghẽn khiến nước ùn ứ không thoát ra kịp.
"Toàn bộ khu vực bãi đỗ máy bay (gần đường Phan Thúc Duyệt), nhà ga hàng hóa, kho hàng phụ thuộc vào kênh A41. Nếu không kịp thoát nước, khu vực này sẽ tái diễn ngập như những trận mưa trước. Phía sân bay đã kiến nghị UBND TP HCM cùng quận Tân Bình có biện pháp nạo vét, cải tạo kênh này để gấp rút cứu ngập cho Tân Sơn Nhất", ông này nói.
Cống thoát nước của kênh A41 trong sân bay, đoạn này sẽ đi ngầm 400 m trước khi ra ngoài. Ảnh: A.X
Nói về tình trạng Tân Sơn Nhất ngập nặng mỗi khi mưa lớn, ông Nguyễn Ngọc Thiệp - Phó tổng thư ký Hội nước và môi trường TP HCM - loại trừ lý do triều cường bởi sân bay cao hơn mực nước biển 7-10 m. Không chỉ ra kênh A41 là "thủ phạm" duy nhất, song ông khẳng định nguyên nhân sân bay ngập là do hệ thống thoát nước bên trong và ngoài có vấn đề.
"Mưa với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều nhưng hệ thống tiếp nhận, tiêu thoát nước xung quanh sân bay bị bồi lắng phần đáy. Thực vật và rác nổi phần mặt, thậm chí một số đoạn bị lấn chiếm kiểu 'thắt cổ chai' nên dòng chảy tắc nghẽn, giảm năng lực thoát nước", ông Thiệp phân tích.
Trước đây, quanh Tân Sơn Nhất là vùng đất nông nghiệp, thấp hơn trong sân bay nên khả năng tiêu thoát nước tốt. "Do đô thị hóa, người dân nâng cao nền, bêtông hóa bề mặt, nước mưa tập trung về kênh mương rất nhanh nên áp lực tiêu thoát rất lớn. Nước không thể thoát kịp cho khu bên ngoài thì sân bay ngập là điều tất yếu", ông Thiệp đánh giá.
Đồng quan điểm, GS TSKH Lê Huy Bá cho rằng, vùng sân bay là đất phù sa cổ, nền cao, có độ dốc nên ngày xưa không có chuyện ngập trước. Đến trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có diện tích gấp 4-5 lần hiện nay, nước mưa dễ dàng tiêu thoát trên diện rộng và không gây ngập.
"Tuyến đường xung quanh được nâng lên nhưng hệ thống thoát nước của các đường này không kết nối với sân bay, khiến nhiều lối tiêu thoát nước của Tân Sơn Nhất bị chặn phá, gây tình trạng ngập bên trong", ông Bá nhận định.
Sân bay Tân Sơn Nhất trong trận mưa ngày 11/9. Ảnh: Duy Trần
Ngoài ra, GS Bá còn đưa ra giả thuyết Tân Sơn Nhất ngập do diện tích teo lại, cùng với việc sân golf đang ảnh hưởng đến diện tích thoát nước của sân bay. Trong đó, hàng loạt công trình phục vụ cho sân golf như nhà hàng, khách sạn và hệ thống thoát nước chỉ phục vụ cho việc tiêu thoát nước khu sân golf.
"Diện tích đất tự nhiên tiêu thoát nước mưa của sân bay một lần nữa lại bị thu hẹp. Hơn thế, hệ thống thoát nước của sân bay cũ bị lấn chiếm và bồi lắp đã khiến nhiều khu vực bên trong ngập nặng", ông Bá nói.
Thời gian gần đây, nhiều trận mưa lớn đã nhấn chìm bãi đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất đến 30 cm, hàng loạt chuyến bay buộc hạ cánh nơi khác, nghiêm trọng nhất có thể phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế trong trạm điện.
Về giải pháp tiêu thoát nước cho Tân Sơn Nhất, TP HCM đã có nhiều phương án. Trong đó có việc chi 360 tỷ đồng cải tạo kênh A41 nhưng dự kiến đến năm 2019 mới hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Người dân tại khu vực này cho biết sẽ sẵn sàng di dời nếu nhận được mức bồi thường hợp lý. Kênh Hy Vọng cũng sẽ được cải tạo trong giai đoạn 2017-2019.
Riêng mương Nhật Bản (đoạn từ tường rào sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Nguyễn Kiệm) được Trung tâm chống ngập cải tạo, dự kiến đến tháng 9 sẽ hoàn thành.
Duy Trần - Ngọc Hậu
Theo VNE
Sân bay Tân Sơn Nhất có thể đóng cửa vì ngập Nhiều trận mưa lớn đã nhấn chìm bãi đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất đến 30 cm, hàng loạt chuyến bay buộc hạ cánh nơi khác, nghiêm trọng nhất có thể phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế trong trạm điện. TP HCM đang vào cao điểm mùa mưa khiến sân bay quốc tế Tân Sơn...