Chủ tịch TP Đà Nẵng giải trình vụ “ém” 17.000 lô đất
Các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng chất vấn gay gắt lãnh đạo TP về vụ hơn 17.000 lô đất tái định cư bị “ém” trong thời gian dài khiến ngân sách phải bỏ ra hàng chục tỉ mỗi năm để thuê nhà cho người dân trong khi chờ đất tái định cư.
Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều ngày 7/7, các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã chất vấn UBND TP Đà Nẵng về trách nhiệm để các Ban QLDA “ém” hơn 17.000 lô đất tái định cư trong suốt thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình – Phó Chỉ huy Trưởng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng – cho rằng, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII ngày 11/12, vấn đề này đã được ông cùng nhiều đại biểu khác đề cập và yêu cầu làm rõ. Tuy nhiên đến nay, việc xử lý các cá nhân sai phạm vẫn chưa thảo đáng, cần xử lý thỏa đáng hơn để đảm bảo lòng tin trong nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình – Phó Chỉ huy Trưởng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng – chất vấn về vụ “ém” 17.000 lô đất TĐC
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình nói: “Tại sao thành phố không giao việc quản ý bố trí đất tái định cư cho một đồng chí lãnh đạo nào chịu trách nhiệm? Cần làm rõ trách nhiệm chứ không thể như thế này được. Kiểm tra thì có đến 5 đơn vị vi phạm nhưng rồi đâu lại vào đấy. Tôi không đồng ý công văn 129 của UBND TP về vấn đề này, phải làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo một cách rõ ràng, không thể như vậy được. Không thể như thế là xong. Ai ký, ai duyệt, tại sao duyệt? Phải có người chịu trách nhiệm chứ không thể để như vậy được. Không phải về hưu là xong”.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Thương – nguyên Chánh VP UBND TP Đà Nẵng (hiện là Bí thư quận Hải Châu) – trả lời thêm cho đại biểu được rõ: “Thực tế từ năm 2010 đến nay, năm nào TP cũng chỉ đạo rà soát, tuy nhiên do chủ quan nên xảy ra sự việc. Từ năm 2010, nguyên Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cũng đã có chỉ đạo tổng rà soát lại toàn bộ quỹ đất đất tái định cư trên toàn TP và có ý kiến chỉ đạo, đơn vị nào, chỉ cần phát hiện giấu 1 lô đất tái định cư thì sẽ kỷ luật thủ trưởng đơn vị”.
Theo ông Thương, thời điểm 2010 đến 2014, qua tổng rà soát, theo báo cáo của các BQL dự án thì có trên sơ đồ có khoảng 22.000 lô đất được duyệt nhưng thực tế thì chênh lệch. Nguyên nhân là do công tác quản lý những năm trước đây của Thường trực HĐND TP và UBND TP chưa nhất quán, thay đổi chủ trương qua các giai đoạn; giao cho quá nhiều đơn vị cùng quản lý đất tái định cư.
Video đang HOT
Ông Võ Văn Thương – nguyên Chánh VP UBND TP Đà Nẵng (hiện là Bí thư quận Hải Châu) trả lời thêm về vụ “ém” đất
Theo báo cáo của UBND TP, qua tổng rà soát tại 313 dự án cho thấy, tổng số lô đất theo sơ đồ quy hoạch được duyệt từ năm 2010-2014 là 32.010 lô, tổng số lô đất nợ chưa bố trí là 2.468 lô; tổng số lô đất thực tế là 17.702 lô. Trong số 17.702 lô đất thực tế có 1.367 lô do 6 đơn vị không thực hiện báo cáo và báo cáo thiếu tại 23 dự án (gồm 16 dự án không báo cáo và 7 dự án báo cáo thiếu). Trong đó, Công ty CP vật liệu xây dựng, xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng có 9 dự án không báo cáo với 175 lô và 5 dự án báo cáo thiếu 1.126 lô (tổng cộng 1.201 lô).
Về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc có đất tái định cư nhưng để nợ đất dân kéo dài là do công tác quản lý những năm trước đây của Thường trực HĐND TP và UBND TP chưa nhất quán, thay đổi chủ trương qua các giai đoạn; giao cho quá nhiều đơn vị cùng quản lý đất tái định cư. UBND TP chưa phân công lãnh đạo phụ trách cụ thể lĩnh vực đền bù giải tỏa và tái định cư.
Bên cạnh đó, việc thành lập Phòng Quản lý đền bù giải tỏa và tái định cư thuộc VP UBND TP nhằm giúp TP nắm lại quỹ đất tái định cư nhưng do không đủ nhân lực để kiểm tra các ban quản lý, các công ty, do vậy xảy ra tình trạng một số đơn vị không báo cáo hoặc báo cáo thiếu số liệu quỹ đất tái định cư nên không phát hiện kịp thời.
Về xử lý trách nhiệm các tập thể và cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng nợ đất tái định cư kéo dài, Chủ tịch TP Đà Nẵng chỉ đạo kiểm điểm tập thể Phòng và xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 2 cá nhân lãnh đạo Phòng Quản lý đền bù, giải tỏa và tái định cư thuộc VP UBND TP.
Đối với các cá nhân nguyên là lãnh đạo Công ty CP vật liệu xây dựng, xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng trong thời gian sai phạm: Đề nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tổ chức kiểm điểm và xử lý hình thức kỷ luật phù hợp với mức độ sai phạm đối với nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty và nguyên Trưởng phòng Dự án tái định cư và các cá nhân liên quan theo quy định.
Phê bình nghiêm khắc đối với 5 lãnh đạo đơn vị có dự án không báo cáo hoặc báo cáo thiếu số lượng đất tái định cư là: Công ty CP xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án xây dựng số 3 (BQL các dự án tái định cư cũ), Trung tâm Phát triển quỹ đất TP (bao gồm cả Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 cũ).
Công Bính
Theo Dantri
Các Ban quản lý "ém" 17.000 lô đất tái định cư của dân
Đó là tiết lộ của ông Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng tại cuộc làm việc với đoàn Ủy ban Kinh tế ngân sách Quốc hội ngày 8/4. Ông Khương cho hay, sau khi rà soát lại phát hiện các Ban quản lý còn nợ của người dân 17.000 lô đất tái định cư (TĐC).
Theo ông Khương, trong một thời gian dài, TP Đà Nẵng luôn nợ đất TĐC của người dân. Việc nợ đất TĐC khiến mỗi năm TP phải bỏ ra gần 20 tỉ đồng để thuê nhà cho người dân ở và tình trạng này kéo dài trong nhiều năm.
Các dự án TĐC còn thừa đất nhưng TP Đà Nẵng bỏ hàng chục tỉ đồng thuê nhà cho người dân ở chờ đất TĐC
Cuối năm 2014, TP Đà Nẵng chủ trương sáp nhập một số ban quản lý dự án về TĐC. Theo đó có tổng cộng 17 ban quản lý dự án TĐC được sáp nhập, các ban này thừa tổng cộng hơn 14.500 lô đất TĐC nhưng không bố trí cho người dân. Tuy nhiên, sau khi rà soát nhiều lần thì số lô đất TĐC trên toàn TP lại "lòi" ra 17 ngàn lô đất.
Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối năm 2014, Bí thư Đà Nẵng - ông Trần Thọ cũng đã thừa nhận việc TP nợ đất TĐC của người dân trong khi đó quỹ đất TĐC của các ban quản lý còn thừa 14.500 lô đất (Dân trí đã có bài phản ảnh: "Tôi đi thực tế mới lộ ra chuyện giấu đất tái định cư"). Tại phiên chất vấn của kỳ họp này, ông Khương cũng trình bày một số khó khăn, vướng mắt trong quá trình giải quyết đất TĐC cho người dân.
Trước sự việc này, các Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã yêu cầu xử lý hình sự các cán bộ có liên quan. Tuy nhiên, đến nay chưa có cán bộ nào bị xử lý.
Ông Khương cho rằng vì việc giấu đất của cán bộ các Ban quản lý dự án mà dẫn đến việc TP Đà Nẵng nợ đất TĐC dai dẳng của người dân. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đang chấn chỉnh việc này.
Tại cuộc làm việc với đoàn Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội vào ngày 8/4, ông Võ Duy Khương cho hay, các năm trước, nguồn thu từ đất chiếm từ 40-50% trong tổng nguồn thu ngân sách của Đà Nẵng; tuy nhiên trong năm 2014 vừa qua, tổng thu từ đất chỉ còn chiếm gần 20% và tiến tới giảm còn dưới 15%. "Đây là nỗ lực của lãnh đạo TP Đà Nẵng trong việc giảm thu từ nguồn từ nguồn quỹ đất để tập trung thu vào sản xuất, kinh doanh", ông Khương cho biết.
Cũng tại cuộc làm việc này, ông Võ Duy Khương đề nghị Chính phủ cần rà soát hoạt động thu hút vốn FDI vì nhiều doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam toàn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc chuyển giá để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, còn ngành thuế chỉ thu được một ít tiền thuế VAT.
Ông Khương cho hay, TP Đà Nẵng chủ trương từ chối thẳng các doanh nghiệp đầu tư có công nghệ cũ và gây ô nhiễm môi trường, trong đó hai ngành mà Đà Nẵng kiên quyết từ chối là dệt - nhuộm và sản xuất thép.
Lãnh đạo cảng Đà Nẵng từ chối vay ODA để mở rộng dự án cảng Tiên Sa giai đoạn 2
Về việc lãnh đạo cảng Đà Nẵng từ chối vay ODA của Nhật Bản để đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, thay vào đó sẽ tự huy động vốn để đầu tư mở rộng dự án, với cam kết khởi công dự án vào cuối năm 2015 và đưa vào khai thác giữa năm 2018, ông Võ Duy Khương cho rằng TP sẽ không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 nhằm biến cảng này thành trung tâm logistics là nhiệm vụ tối cần thiết, không chỉ phục vụ sự phát triển kinh tế của Đà Nẵng mà còn là động lực của khu vực miền Trung và Tây nguyên. "Nếu phía cảng Đà Nẵng tự huy động vốn phải đảm bảo được tiến độ của dự án như cam kết", ông Kiên nói.
Công Bính
Theo Dantri
Thành phố chi hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, khách vẫn chê xe buýt Ngân sách TP chi hơn nghìn tỷ đồng mỗi năm để trợ giá cho xe buýt hoạt động nhưng khối lượng hành khách đi xe đang giảm. Theo đại biểu HĐND TP, tài xế phóng nhanh, vượt ẩu; phụ xe quát nạt khách... là những lý do khiến người dân quay lưng với xe buýt. Ngày 25/6, Đoàn đại biểu Hội đồng Nhân...