Chủ tịch tỉnh Sơn La lý giải nguồn tiền xây dựng tượng đài “nghìn tỷ”
Ông Cầm Ngọc Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định, không có chuyện xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc trị giá 1.400 tỷ tại Sơn La. Tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ với mức kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.
Trước thông tin tỉnh Sơn La công bố đề án xây dựng công trình tượng đài gắn với quảng trường trị giá nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận, trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh cho biết, tổng số tiền 1.400 tỷ trong đề án nhắc tới bao gồm việc xây dựng một loạt công trình với tổng diện tích dự kiến khoảng 20ha, bao gồm: Quảng trường (san lấp mặt bằng, hệ thống thoát nước, đường giao thông…), tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, xây mới Trung tâm hành chính của tỉnh, khu tái định cư và giải phóng mặt bằng, đền thờ Bác Hồ (dự kiến sẽ dùng nguồn vốn xã hội hóa) và bảo tàng, cây xanh…
Trụ sở hành chính UBND tỉnh Sơn La cũng được nhắc đến dự kiến sẽ di dời để thực hiện kèm với các công trình xây dựng tượng đài có kinh phí tổng thể lên đến khoảng 1.400 tỷ đồng.
“Tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ trong đề án này, với kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng. Trước mắt, địa phương sẽ ưu tiên xây dựng và hoàn thiện 2 công trình quảng trường, tượng đài Bác vào dịp 7/5/2019 để kỷ niệm sự kiện 60 năm bác hồ về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc” – vị lãnh đạo tỉnh cho biết.
Việc xây tượng đài sẽ phân kỳ đầu tư, trong đó có cả hình thức xã hội hóa, chứ không thể dùng toàn bộ ngân sách. Tuy nhiên, chủ trương vẫn trên tinh thần tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả và đúng quy định. “Trung tâm hành chính thì chúng tôi sẽ tiến hành từng bước. Việc huy động nguồn vốn xã hội hoá từ các doanh nghiệp thì thực hiện theo theo hình thức BT. Riêng 200 tỷ đồng kinh phí dự kiến xây dựng tượng đài, trong đó có huy động cả xã hội hoá chứ không sử dụng ngân sách Nhà nước 100%” – Chủ tịch tỉnh Sơn La phân trần.
Khu đất mới tại tổ 4 phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La được sử dụng để xây dựng tượng đài Bác Hồ và phục vụ việc di dời dân từ Công viên 26/10 sang tái định cư.
Lý giải về việc xây mới Trung tâm hành chính, ông Chủ tịch tỉnh nói thêm, hiện nay trụ sở HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội và các sở, ngành đều nằm trên đồi Khau Cả, TP Sơn La. Khu đồi này thuộc quy hoạch Khu di tích cấp Quốc gia, đặc biệt Nhà tù Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó Trung tâm hành chính sẽ được di dời xuống địa điểm mới để phục vụ cho khu di tích nhằm giáo dục truyền thống cách mạng. Trung tâm hành chính sẽ được xây dựng hoàn thiện theo từng bước, tùy thuộc vào số tiền từng thời điểm.
Theo lý giải của ông Minh, tỉnh Sơn La hiện nay chưa có quảng trường, do đó cần thiết phải xây dựng để phục vụ các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và các hoạt động chung khác của tỉnh.
Video đang HOT
Khu phố dãy lẻ kéo dài gần 1km đường Điện Biên, trung tâm thành phố Sơn La sẽ được di dời để phục vụ cho việc thi công xây dựng công trình tượng đài Bác Hồ và các hạng mục liền kề khác.
Theo đề án, tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc được đặt tại quảng trường Tây Bắc nằm ở phường Chiềng Cơi, phường Tô Hiệu, phường Quyết Thắng – TP Sơn La, thuộc quy hoạch lô số 01, 02 khu đô thị mới gắn với dự án thoát lũ suối Nậm La, TP. Sơn La.
Công trình bao gồm các hạng mục chính như đền thờ Bác Hồ (trong đó có tượng Bác Hồ cao từ 5m-8m); đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; bảo tàng tổng hợp; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh, quảng trường có sức chứa 20.000 người…
Theo lời ông Minh, dự kiến nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Sơn La (10/10/2015), địa phương sẽ tổ chức lễ động thổ và công bố khu quy hoạch cụ thể về dự án này. Những công trình trên hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sơn La, từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2020.
Công văn đồng ý của Chính phủ về việc bổ sung tượng đài: “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La được phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt cuối năm 2014.
Ông Cầm Ngọc Minh cũng lý giải thêm rằng, việc xây dựng công trình tượng đài là thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở khu vực Tây Bắc. Năm trước, tỉnh Sơn La đã xin chủ trương của Ban Bí thư về việc xây dựng tượng đài nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu. Qua đó, nâng cao và để giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ.
“Kinh phí xây dựng tượng đài của tỉnh Sơn La cũng tương tự như kinh phí xây dựng tượng đài Bác Hồ mà tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện. Công trình này có ý nghĩa lớn về mặt giá trị văn hóa và lịch sử, không chỉ là nơi dành riêng cho đồng bào Tây Bắc mà còn là nơi phục vụ cho việc nhân dân địa phương, trong nước tham quan; ngoài ra còn là công trình phục vụ cho việc đối ngoại với một số tỉnh Bắc Lào thân thiết với Sơn La” – ông Minh khẳng định.
Q. Đô
Theo Dantri
"Tôn kính Bác Hồ không nhất thiết phải xây tượng đài hoành tráng"
"Bác Hồ được nhân dân tôn kính nhưng không phải vì thế mà xây tượng đài thật hoành tráng. Theo tôi nghĩ tôn kính Bác, phải học tập làm theo tấm gương của Bác đó là giản dị, tiết kiệm, biết lo cho dân", ông Tráng A Pao - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nói.
Trước thông tin tỉnh Sơn La đưa ra kế hoạch xây dựng tượng đài Bác Hồ với kinh phí khoảng 1.400 tỷ đồng, ngày 5/8, chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Tráng A Pao - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho rằng, nếu làm tượng đài to quá sẽ lãng phí và không hợp với lòng Bác vì đồng bào dân tộc còn rất nghèo khổ.
Ông Tráng A Pao - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội. (Ảnh: Lao Động)
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa cho biết, tỉnh này đã lập và thông qua đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại thành phố. Theo ông, thể hiện lòng tôn kính Bác có nhất thiết phải xây dựng một tượng đài thật hoành tráng hay không?
Đầu tiên tôi muốn chia sẻ, nếu tính cả Tây Bắc thì Sơn La chưa phải là tỉnh đại diện để nói rằng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Vì còn nhiều tỉnh khắc như Cao Bằng, Điện Biên ở Tây Bắc có những sự kiện gắn liền với Bác với cả lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tỉnh Sơn La muốn thể hiện lòng tôn kính Bác là đúng, tuy nhiên đời sống nhân dân hiện nay còn khó khăn, thu nhập của tỉnh cũng không được bao nhiêu mà xây tượng đài hoành tráng quá lại trở thành lãng phí không thiết thực.
Khu phố trung tâm thành phố Sơn La sẽ được di dời để phục vụ cho việc thi công xây dựng công trình tượng đài Bác Hồ và các hạng mục liền kề khác (Ảnh Quốc Cường)
Với địa bàn một tỉnh miền núi, đời sống nhân dân khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hàng năm vẫn được ngân sách Trung ương hỗ trợ. Là người từng gắn bó với vấn đề dân tộc, miền núi, ông đánh giá thế nào kế hoạch chi 1.400 tỷ đồng xây dựng tượng đài Bác Hồ của tỉnh Sơn La?
Theo tôi nghĩ không phải cứ xây tượng đài thật lớn là thể hiện lòng tôn kính Bác. Vì nhiều nơi, nhiều vùng Bác Hồ chưa đặt chân đến thế nhưng tại sao nhân dân, đồng bào vẫn luôn nghĩ, nhớ về Bác.
Hiện giờ, thu nhập của dân còn thấp, nhất là dân vùng sâu, vùng xa còn nghèo lắm nên tôi thấy không cần xây tượng đài hoành tráng như vậy. Qua dư luận tôi cũng nhận thấy nhân dân chưa đồng tình ủng hộ kế hoạch của tỉnh Sơn La đâu.
Sinh thời Bác Hồ là người có lối sống giản dị, luôn nghĩ đến cơm no, áo ấm cho nhân dân. Vậy xin ông cho biết, việc xây tượng đài như vậy có hợp với mong muốn của Bác hay không?
Đương nhiên là không hợp lòng Bác. Dân còn nghèo mà mình làm tượng đài hoành tráng quá làm sao thuận lòng Bác được. Số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng, tỉnh Sơn La huy động ở đâu, từ Trung ương, địa phương hay xã hội hóa thì cũng đều là tiền nhân dân đóng góp cả mà thôi.
Theo ông, HĐND tỉnh Sơn La nên quyết số tiền khoảng 1.400 tỷ đồng vào mục đích gì là phù hợp với lòng dân nhất lúc này?
Theo tôi tỉnh Sơn La nên chi 1.400 tỷ đồng đó vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Hiện giờ, đường sá xuống nhiều thôn, bản còn chưa có, do vậy một phần số tiền đó có thể xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nhân dân bớt khổ là tốt nhất.
Khi không xây dựng tượng đài, tỉnh Sơn La nên làm gì để thể hiện lòng tôn kính với Bác Hồ?
Bác Hồ là người được nhân dân mến, tôn kính nhưng không vì thế mà xây tượng đài thật to. Nếu muốn để toàn dân thành kính Bác Hồ thì phải nâng cao nhận thức học tập tấm gương của Bác. Đó là phải biết tiết kiệm để lo cho dân, nâng cao đời sống nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Biểu tượng cho niềm tin mãi mãi với Bác Hồ Sáng 17.5, Thành ủy TP.HCM tổ chức khánh thành và báo cáo với nhân dân, Đảng bộ TP.HCM về việc hoàn thành đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1 (ảnh). Đây là một trong những hoạt động quan trọng nhất của TP.HCM nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ...