Chủ tịch tỉnh Bình Phước lên tiếng xin lỗi
Ngày 6/12, kỳ họp HĐND tỉnh Bình Phước nóng lên với phần xin lỗi của ông Trương Tấn Thiệu, chủ tịch UBND tỉnh, đối với các đại biểu và bà con cử tri.
Ngày 6/12, phát biểu tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Bình Phước, ông Trương Tấn Thiệu, chủ tịch UBND tỉnh, đã xin lỗi đại biểu, bà con cử tri vì đã để xảy ra sai sót trong quản lý, điều hành.
Ông Thiệu nói: “Với vai trò bí thư Ban cán sự Đảng, chủ tịch UBND tỉnh, trong thời gian qua bản thân tôi đã có hạn chế, khuyết điểm trong quản lý, điều hành của UBND tỉnh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án phát triển kinh tế – xã hội, quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng, việc thực hiện quy chế làm việc và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Chậm triển khai thực hiện các kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy, chủ quan thiếu thận trọng, thiếu kiểm tra giám sát, tin tưởng tham mưu, đề xuất của các cơ quan chuyên môn. Không phát hiện kịp thời những sai sót, vi phạm của các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ được giao. Với vai trò người đứng đầu cơ quan hành chính cấp tỉnh, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm và xin lỗi vì đã để xảy ra những khuyết điểm, yếu kém trước bà con cử tri. Hiện UBND tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo các sở ngành liên quan khắc phục hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến cụ thể trên từng lĩnh vực”.
Quốc lộ 14 đoạn qua xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng (Bình Phước) xuống cấp nặng – Ảnh: ĐOÀN ANH
Như tin đã đưa, trước đó kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Kiểm tra trung ương khóa XI (từ ngày 12 đến 19/11) đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trương Tấn Thiệu, đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thi hành kỷ luật cảnh cáo về chính quyền và cho thôi chức chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đối với ông Thiệu.
Theo Ủy ban Kiểm tra trung ương, trong thời gian làm chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Thiệu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban thường vụ Tỉnh ủy làm trái các quy định của pháp luật trong việc giao đất đối với một số dự án, thay đổi chủ đầu tư, phương thức đầu tư cùng một số sai phạm khác gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thu nhiều tỉ đồng của ngân sách, gây dư luận bất bình trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Video đang HOT
Cùng ngày, trả lời chất vấn của đại biểu về nguyên nhân việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 đoạn thị xã Đồng Xoài – Cây Chanh (theo hình thức BOT) chậm, không đúng thiết kế, gây khó khăn cho người dân nhiều năm qua, ông Hồ Văn Hữu – giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước – nói: “Do công tác giải phóng mặt bằng chậm, cơ quan chức năng thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt năng lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng và thời gian hoàn thành dự án”. Cũng theo ông Hữu, hiện Sở Giao thông vận tải tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương khắc phục các vị trí mất an toàn giao thông, tổ chức thi công cuốn chiếu dứt điểm từng đoạn một, tránh làm tràn lan gây hư hỏng kết cấu mặt đường hiện hữu như trước đây.
Các đại biểu đặt câu hỏi để xảy ra tình trạng đường sá ngổn ngang, không biết bao giờ hoàn thành thì trách nhiệm thuộc về ai, ông Hữu lúng túng trả lời vòng vo, không đi vào nội dung câu hỏi của đại biểu. Tuy nhiên, sau đó ông Hữu khẳng định để đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh sẽ dùng nguồn vốn ngân sách cho vay 50 tỉ đồng, thời hạn hai năm không tính lãi, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án quốc lộ 14, đoạn từ cầu 38 đến Cây Chanh.
Bình Thuận: Giá dịch vụ y tế bằng 60,92% khung giá của liên bộ Y tế – Tài chính
Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX bế mạc ngày 6/12, đã thông qua 11 nghị quyết.
Trong đó, đáng chú ý là nghị quyết về giá thu một số dịch vụ khám chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh, thực hiện từ ngày 1/4/2013. Theo đó, có tổng cộng 647 dịch vụ khám chữa bệnh có cơ cấu giá bình quân bằng 60,92% khung giá theo thông tư liên tịch của liên bộ Y tế – Tài chính. Ông Nguyễn Văn Nhơn, giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết mức điều chỉnh của Bình Thuận tăng 3,2 lần so với giá đang thực hiện, nhưng thuộc nhóm tỉnh, thành tăng giá thấp của cả nước. Ban văn hóa – xã hội HĐND tỉnh đánh giá trong điều kiện đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 54% thì việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế như trên là hợp lý.
Đồng Nai: Ra nghị quyết về bảo vệ và phát triển rừng
HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua các nghị quyết về mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2013 (bao gồm cả nội dung quy định về giá các loại đất năm 2013). Ngoài ra, HĐND còn ra nghị quyết về công tác quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và điều chỉnh nghị quyết của HĐND về đề án bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt…
Trước đó, ông Đinh Quốc Thái – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – đã giải trình thêm một số nội dung về xác định giá đất ở vùng giáp ranh, vốn vay ngân hàng. Theo ông Thái, năm 2013 Đồng Nai tập trung phát triển tám chương trình kinh tế – xã hội như xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, trồng rừng… Ông Thái cho biết tỉnh tiếp tục chú trọng bảo vệ môi trường ở sông Đồng Nai, khu bảo tồn, vườn quốc gia Cát Tiên… và di dời các khu vực ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.
Theo 24h
"Hạ sát" rừng để đòi... rừng
Bức xúc vì không được giao rừng, hơn 100 người dân xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã ra tay "hạ sát" khoảng 30.000 cây thông mã vĩ do chính mình trồng và chăm sóc từ những năm 2003-2004.
Một người dân ở Bản Luồng kể lại chuyện những đồi thông bị chặt - Ảnh: Quang Thế
Nguyên nhân của vụ việc đau xót này bắt nguồn từ chủ trương giao rừng cho người dân quản lý, trông coi, nhưng cách thực hiện thiếu minh bạch, không thông qua họp dân.
Rừng xanh thành rừng "cụt"
Sáng 2-6, khi phóng viên Tuổi Trẻ có mặt tại các địa điểm đồi Tàng Háng, Nà Niếng, Nà Giáo, thuộc thôn Bản Luồng, xã Tú Mịch, người dân thôn Bản Luồng vẫn xôn xao sau vụ rừng thông bị chặt hạ hàng loạt. Những đồi rừng thông mã vĩ xanh mướt hôm nào bỗng chốc biến thành rừng "cụt", hàng loạt đồi thông rộng cả chục hecta chỉ còn trơ gốc.
Chị Hoàng Thị Thúy, thôn Bản Luồng, quả quyết nguyên nhân của sự việc đau lòng này là do việc phân bổ chỉ tiêu giao rừng cho các hộ dân trong thôn không công bằng. Chị Thúy kể: "Năm 2001, gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác nhận trồng thuê rừng cho Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình. Khi đó việc trồng thuê rừng với mục đích để lấy tiền, nhưng sau đó công ty có nói sẽ ưu tiên những người có công trồng rừng để xét giao rừng cho quản lý, trông coi. Vậy mà khi phân bổ chỉ tiêu giao đất rừng cho người dân trông coi mới đây, chỉ có số ít người được xét duyệt".
Theo chị Thúy, toàn thôn có 165 hộ nhưng đội lâm nghiệp Tú Mịch chỉ thông báo xét cho 20 hộ được nhận trông coi rừng là không ổn.
Ông Hoàng Văn Trưởng - trưởng thôn Bản Luồng - lý giải: "Khi có chủ trương về giao đất rừng cho người dân quản lý, trông coi thì chị Thi Thị Nẩm - đội trưởng đội lâm nghiệp Tú Mịch - thông báo chỉ có 20 hộ dân được nhận rừng quản lý, trông coi. Chị ấy nói không cần phải họp dân, thôn cứ xét theo tiêu chí nhà có nhiều người, có đất ruộng gần rừng. Vậy nên thôn lập ban xét duyệt chọn lấy 21 hộ. Đến ngày 22-5, khi thôn lập danh sách đề xuất lên đội thì những hộ còn lại trong thôn phản ứng vì lý do nhà được nhận rừng, nhà không được".
Một cán bộ sai, tan hoang cả rừng
Chiều 2-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Văn Đông, chủ tịch UBND xã Tú Mịch, cho biết việc người dân chặt hạ thông là sai, nhưng đau xót là việc làm sai đó lại bắt nguồn từ cái sai trong thực hiện chủ trương giao rừng cho người dân trông coi. "Tình hình trong ngày 25-5 rất nóng bỏng. Sau khi cán bộ đội lâm nghiệp không vào gặp dân, người dân bức xúc nên chặt hạ thông hàng loạt. Đến chiều mọi việc tạm dịu xuống nhưng đến sáng 26-5 lại tiếp tục chặt. Trưa 26-5, chủ tịch UBND huyện và các ngành phải chủ trì họp dân trong thôn nhưng đến chiều 26-5 vẫn còn hiện tượng người dân chặt hạ thông" - ông Đông nói.
Ông Đông cho biết tại cuộc họp giữa UBND huyện, các ngành trong huyện với người dân trong thôn vào trưa 26-5, huyện đã cho ý kiến về cách làm của đội lâm nghiệp Tú Mịch thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình là sai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Vương Văn Thi, phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình, thừa nhận việc làm của đội lâm nghiệp Tú Mịch là không đúng chủ trương của công ty. Ông Thi khẳng định: "Cách thực hiện là phải họp dân để người dân đăng ký theo nhu cầu và khả năng. Vì cách làm của đội lâm nghiệp Tú Mịch không đúng nên công ty đã đình chỉ công tác đối với đội trưởng Thi Thị Nẩm, đồng thời dừng toàn bộ việc xét chọn giao quản lý, trông coi rừng mà đội lâm nghiệp Tú Mịch đang thực hiện. Tới đây sau khi điều tra xong việc chặt phá rừng thông, công ty sẽ họp dân và xét giao rừng theo nhu cầu".
Theo Tuổi trẻ