Chủ tịch Tập Cận Bình đi theo “con đường” Mao Trạch Đông
Chuyến thị sát của ông Tập Cận Bình tới các nhà máy và nông trại trong tháng này ở Trung Quốc dường như là cơ hội để ông xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo như ông Mao Trạch Đông trước đây.
Chủ tịch Tập Cận Bình cầm bông lúa và nói chuyện với những người nông dân. Ông đứng bên cạnh các công nhân làm việc trong một nhà máy dầu và nói về việc xây dựng đất nước Trung Quốc “vô địch”. Ông kêu gọi đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia “tự lực tự cường” trong bối cảnh phải đối mặt với với cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tất cả những hình ảnh là một phần trong chuyến đi của Chủ tịch Tập Cận Bình tới khu vực đông bắc Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin đây là chuyến thị sát kéo dài 3 ngày của nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, theo New York Times, chuyến đi này mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Đây là cơ hội để Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mình ở vị thế ngang hàng cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo “lấy dân làm gốc”, đồng thời ngầm “phản pháo” Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như các chính sách kinh tế bảo hộ.
Vị thế lãnh đạo
Ảnh trên: Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát vùng Đông Bắc Trung Quốc – Ảnh dưới: Cố lãnh đạo Mao Trạch Đông thăm nông dân Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
Trước đây, hình ảnh ông Mao Trạch Đông thường xuất hiện nhiều trong các bối cảnh nông thôn Trung Quốc. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng sử dụng những bức ảnh hoặc bài hát để nêu bật mối quan tâm của ông Mao Trạch Đông dành cho những người lao động bình thường, cho thấy ông là một nhà lãnh đạo luôn chăm lo cho người dân.
Ngày nay, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang xây dựng hình ảnh như cách ông Mao Trạch Đông từng làm. Trong một bức ảnh chụp chuyến đi của ông Tập tới một nông trại ở tỉnh Hắc Long Giang mới đây, nhà lãnh đạo Trung Quốc sải những bước đi đầy tự tin trong khi xung quanh ông là những người nông dân đang cười nói vui vẻ.
Người xem có thể dễ dàng nhận ra nét tương đồng về bối cảnh giữa bức ảnh được chụp gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình với tấm áp phích được chụp từ thập niên 1950 của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông.
Theo David Bandurski, đồng giám đốc Dự án truyền thông Trung Quốc – một chương trình nghiên cứu liên kết với Đại học Hong Kong, đây là tín hiệu về mặt hình ảnh cho thấy vai trò cầm quyền hiện nay của ông Tập Cận Bình, đồng thời cũng là cách để ông Tập thể hiện tầm vĩ đại trên cương vị lãnh đạo đất nước Trung Quốc. Chuyên gia David nhận định sự xuất hiện của các máy gặt ở phía sau lưng ông Tập Cận Bình trong bức ảnh cũng cho thấy những tiến bộ về mặt công nghệ của Trung Quốc.
Giáo sư Pang Laikwan tại Đại học Hong Kong Trung Quốc nói rằng, ông Tập Cận Bình, người lớn lên trong giai đoạn nhiều biến cố của Cách mạng Văn hóa, dường như đã học hỏi nhiều từ việc xây dựng hình ảnh cá nhân của ông Mao Trạch Đông, bao gồm cả cách ông Mao Trạch Đông lôi cuốn những người dân Trung Quốc.
“Bản thân ông Mao Trạch Đông thực sự quan tâm tới việc kết nối với những người dân bình thường và điều này đã tạo nên sự cuốn hút của ông (trong mắt quần chúng)”, Giáo sư Pang nhận định.
Tự lực cánh sinh
Video đang HOT
Trong đoạn video ghi lại chuyến thị sát gần đây của ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã trò chuyện với một công nhân làm việc tại một cơ sở sản xuất thiết bị ở Hắc Long Giang.
“Tất cả những nguyên liệu thô đều được sản xuất nội địa à?”, ông Tập hỏi.
“Vâng, tất cả đều được sản xuất trong nước”, người công nhân trả lời. Ông Tập Cận Bình đáp lại bằng cái gật đầu.
Chủ tịch Tập Cận Bình coi chuyến thị sát gần đây của ông là dịp để kêu gọi Trung Quốc tiến nhanh hơn trên con đường phát triển công nghệ của riêng nước này, nhằm bớt phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước ngày càng tăng nhiệt và có nguy cơ đe dọa tới chuỗi cung ứng, ông Tập Cận Bình thường xuyên đề cập tới sự cần thiết của việc Trung Quốc phải tự mình phát triển công nghệ vi mạch, phần mềm cũng như các công nghệ khác. Đây là một phần trong chiến lược đưa Trung Quốc trở thành siêu cường hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21.
Trong suốt chuyến thị sát, Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần kêu gọi tinh thần “tự lực cánh sinh” của người dân Trung Quốc. Có một lần, ông cầm trên tay bát gạo và nói: “Gạo này là của Trung Quốc, bát gạo này cũng của Trung Quốc”. Câu nói mang hàm ý nhắc lại lời kêu gọi người dân Trung Quốc tự sản xuất mọi sản phẩm để tiêu dùng trong nước.
“Việc vực dậy đất nước Trung Quốc phụ thuộc vào sự cạnh tranh về kinh tế của chúng ta. Chỉ bằng cách như vậy Trung Quốc mới vô địch mãi mãi”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói khi các công nhân vỗ tay ủng hộ ông.
Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát một nông trại ở Hắc Long Giang ngày 25/9 (Ảnh: Xinhua)
Theo chuyên gia Ding Shuang, một nhà kinh tế học Trung Quốc, Bắc Kinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự trông cậy vào chính mình trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao vì những cánh cửa giúp Trung Quốc tiếp thu công nghệ tiên tiến từ các nước trên thế giới đã đóng lại.
“Trên trường quốc tế, ngày càng khó khăn hơn (cho Trung Quốc) để có thể giành được những công nghệ tiên tiến và các bí quyết quan trọng. Chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại ngày càng mạnh mẽ, buộc chúng ta phải lựa chọn cách tiếp cận tực lực cánh sinh. Đây cũng không phải là điều xấu”, Chủ tịch Tập Cận Bình nói.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2012, ông Tập Cận Bình đã đối mặt với sự chỉ trích về việc chưa có nhiều động thái để tái thiết các doanh nghiệp nhà nước đang ngày càng có xu hướng phình to. Các doanh nghiệp này chiếm vị thế áp đảo trong một số ngành như viễn thông hay thép.
Trong chuyến thăm tới vùng đông bắc – nơi các doanh nghiệp nhà nước gần như “phủ sóng” toàn bộ, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng ông không có ý định thay đổi đường lối phát triển của các doanh nghiệp này.
“Bất kỳ suy nghĩ hay ý tưởng nào tỏ ra ngờ vực hoặc bôi nhọ danh tiếng của các doanh nghiệp nhà nước đều là sai lầm”, ông Tập nói trước những người công nhân tại nhà máy ở tỉnh Liêu Ninh hôm 27/9.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thường bị chỉ trích vì tập trung quá nhiều vào việc duy trì công ăn việc làm cho người lao động, thay vì sáng tạo các mô hình kinh doanh đổi mới. Theo ông Tập Cận Bình, mặc dù khối doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò hỗ trợ vững chắc, các doanh nghiệp nhà nước vẫn cần tiếp tục phát triển “mạnh hơn, tốt hơn và lớn hơn”.
Thành Đạt
Theo Dantri/NYT
Trung Quốc "lấy lòng" các nước giữa lúc căng thẳng với Mỹ
Trung Quốc đã tăng cường mở rộng quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả những nước được xem là "đối thủ", trong lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng căng thẳng.
Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Kể từ khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu "tăng nhiệt" trong năm nay, các thị trường của Trung Quốc đã sụt giảm khoảng 20%, đồng nội tệ thiếu ổn định và xuất khẩu bị chững lại. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang giành được một chiến thắng khác: đó là mối quan hệ với các nước.
Theo Washington Post, dưới sức ép từ cuộc chiến áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch "tấn công quyến rũ" trong phạm vi ngoại giao của mình. Trung Quốc sẵn sàng dàn xếp các bất đồng trong quá khứ và xích lại gần các đối tác mà nước này cho rằng có thể giúp Bắc Kinh đối phó với cuộc chiến thương mại của Washington.
Đức, quốc gia từng nhiều lần "lên lớp" Trung Quốc về các rào cản trong việc tiếp cận thị trường, gần đây đã cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc nắm cổ phần lớn hơn trong các dự án liên doanh với sự nhượng bộ rất lớn. Hàn Quốc, quốc gia từng trở thành mục tiêu tẩy chay của Trung Quốc hồi năm ngoái sau khi cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ, nay chứng kiến sự tăng trưởng trở lại về doanh thu trong ngành du lịch cũng như trong các giao dịch ô tô.
Tuần này, mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nước được coi là "đối thủ" trực tiếp của Bắc Kinh trong khu vực, đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sau cuộc gặp tại hội nghị thượng đỉnh ở Nga, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo Trung Quốc sẽ chào đón ông Abe trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Bắc Kinh vào tháng tới.
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế Viễn Đông ở Nga ngày 12/9 (Ảnh: Xinhua)
Hình ảnh ông Tập và ông Abe vui vẻ chụp ảnh cùng nhau trái ngược hoàn toàn so với 4 năm trước khi hai nhà lãnh đạo gần như tránh mặt. Đây được xem là động thái "tan băng" trong quan hệ Trung - Nhật sau nhiều năm căng thẳng liên quan tới vấn đề tranh chấp lãnh thổ cũng như các chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nhật Bản tới ngôi đền gây tranh cãi.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã (Trung Quốc), trong cuộc gặp tại Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Abe rằng hai nước nên "bảo vệ vững chắc cơ chế đa phương, hệ thống thương mại tự do và các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới nhằm thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu mở rộng". Sau đó, một quan chức ngoại giao Nhật Bản đã nói với báo Mainichi Shimbun rằng Tokyo có thể đóng vai trò "trung gian hòa giải" trong tranh chấp hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sau Trung Quốc, Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Trump hiện vẫn chưa "đối đầu" trực tiếp với Nhật Bản - đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tokyo chưa chắc đã nằm ngoài tầm ngắm của nhà lãnh đạo Mỹ.
Nhà Trắng gần đây đã dọa sẽ nâng thuế nhập khẩu lên 25% đối với mặt hàng ô tô cũng như thiết bị ô tô và Tổng thống Trump tháng này cũng tuyên bố ông đã lên kế hoạch thông báo với nhà lãnh đạo Nhật Bản về số tiền họ phải thanh toán. Đây được cho là nguy cơ tiềm tàng dẫn đến tình hình căng thẳng trong quan hệ song phương.
"Mặt trận" ngoại giao của Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình và Tổng thống Putin nâng ly trong cuộc gặp tại Vladivostok khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Nga dự hội nghị hôm 11/9 (Ảnh: Reuters)
Trong khi Mỹ gây căng thẳng với hàng loạt quốc gia, bao gồm cả đồng minh, "đối thủ chiến lược" của Washington là Trung Quốc đã tranh thủ thắt chặt quan hệ với nhiều đối tác. Quân đội Trung Quốc vừa tham gia cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh với Nga trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin cùng nhau nâng ly rượu tại một hội nghị thượng đỉnh. Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo nhà nước Trung Quốc, đã nhanh chóng ngầm công kích Mỹ.
"Trong khi quan hệ Nga - Trung phát triển tốt đẹp, cả hai đều có mối quan hệ căng thẳng với một nước lớn phương xa. Các quốc gia nên nghĩ lại xem vì sao họ không thể trở thành những người bạn tốt của Bắc Kinh và Moscow", bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu viết.
Tuy vậy, theo Washington Post, hiện vẫn chưa rõ liệu chính sách ngoại giao của Trung Quốc có mang lại những mối quan hệ liên minh lâu dài cho Bắc Kinh hay không.
Tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Hàn Quốc và Nhật Bản, thường liên quan tới chủ quyền lãnh thổ và gắn với vấn đề lịch sử phức tạp. Mâu thuẫn giữa Trung Quốc với EU trong việc tiếp cận thị trường và thương mại công nghệ có thể sẽ không giúp hai bên duy trì mối quan hệ thân thiết hiện thời dù cả hai đang cùng đứng trên "chiến tuyến" đối đầu chính quyền Trump. Trung Quốc cũng đang tranh thủ lấy lòng Ấn Độ, song rất ít người cho rằng hai đối thủ ở khu vực châu Á này có thể dàn xếp ổn thỏa các bất đồng, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ và tầm ảnh hưởng, để xây dựng một tình hữu nghị lâu bền.
Trong bối cảnh Tổng thống Trump đang kéo Mỹ vào thế cô lập và tự tách mình khỏi dòng chảy đa phương, Chủ tịch Tập Cận Bình không lãng phí thời gian của mình. Ông Tập đã có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi năm ngoái và đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu tại sự kiện này. Tại diễn đàn, ông Tập đã thể hiện bản thân là một nhà lãnh đạo ủng hộ thương mại tự do, đồng thời chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế Trung Quốc là nhờ cải cách thị trường và mở cửa.
Tuần tới, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến sẽ lặp lại thông điệp trên của Chủ tịch Tập trong bài phát biểu tại diễn đàn "Davos Mùa hè" ở Thiên Tân. Ông Lý Khắc Cường có thể sẽ nhấn mạnh tới "sự thịnh vượng chung" và "các giá trị chung", song thực chất thông điệp của ông sẽ nhắm tới Nhà Trắng và các chính sách thương mại của Mỹ mà Trung Quốc coi là "mối đe dọa chung".
Thành Đạt
Theo Dantri/ Washington Post
Ông Tập Cận Bình trấn an "Vành đai và Con đường" không phải liên minh quân sự Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên tiếng bênh vực Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn hoài nghi về mục đích thực sự của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD của Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình (thứ 5 từ phải sang)...