Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển: “Tôi thực sự lo cho người đi đường ở Hà Nội”
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân Trí, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, ông Urban Ahlin, cho hay: Ông thực sự lo cho người tham gia giao thông ở Hà Nội. Trong buổi sáng ngày 31/3, trên đoạn đường khoảng 8km ở Hà Nội, ông đã chứng kiến 3 vụ tai nạn, va chạm giao thông.
Ông Ahlin dẫn đầu đoàn Nghị sĩ Thụy Điển sang dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-132) được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 28/3-1/4.
Sáng ngày 31/3, ông đã tham dự hoạt động tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn tại Hà Nội của đoàn Nghị sĩ Thụy Điển. Nhiều Nghị sĩ đã trực tiếp đi xe máy từ Đại sứ quán Thụy Điển đến Bộ Giao thông Vận tải để làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng. Bên lề hoạt động này, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trò chuyện với ông Ahlin.
Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, ông Urban Ahlin (ẢnhNam Hằng)
Xin ông có thể cho biết cảm nhận của ông về giao thông ở Hà Nội? Chắc hẳn, ông đã rất nhạc nhiên về giao thông ở đây?
Tôi đã chứng kiến cảnh giao thông đông đúc tại Hà Nội ngay từ hôm đầu tiên tôi đến đây để tham dự Đại hội đồng IPU-132. Bạn biết không, sáng 31/3, trên đường tôi đi từ khách sạn JV Marriot tới Đại Sứ quán Thụy Điển, tôi gặp 3 vụ tai nạn, va chạm giao thông. Hai vụ thì không có ai bị thương, chỉ là xây xước nhẹ, nhưng một vụ, nạn nhân bị thương khá nặng.
Hôm 30/3, tôi đến thăm Nhà máy biến áp của Công ty Cổ phần Máy biến thế ABB Việt Nam (Tập đoàn ABB Thụy Điển) tại tỉnh Bắc Ninh và được biết có hai công nhân của nhà máy bị thiệt mạng do tai nạn giao thông trong hai tháng vừa qua.
Thật đáng buồn khi phải nghe về những chết thương tâm như vậy. Hà Nội cần có những giải pháp cấp bách để cải thiện tình hình như tập trung phát triển các phương tiện giao thông công cộng: xe buýt, tàu điện ngầm…
Đến Hà Nội, tôi ngồi ô tô và được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt nên không phải căng thẳng như tự đi, tuy nhiên, tôi thực sự lo cho những người khác trên đường phố Hà Nội, đặc biệt là những người đi xe máy.
Sáng 31/3, đoàn nghị sĩ Thụy Điển đã trực tiếp đi xe máy từ Đại sứ Quán đến Bộ Giao thông Vận Tải để tuyên truyền cho người dân Hà Nội về đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn. Sau đó chúng tôi có buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Vì lý do an ninh, tôi chỉ đi cùng với đoàn một đoạn sau đó tôi ngồi ô tô để đến Bộ Giao thông Vận tải.
Video đang HOT
Ông thấy sự khác nhau giữa đường phố Hà Nội và đường phố Stockholm là gì, thưa ông?
Đúng là có sự khác biệt là rất lớn giữa giao thông ở hai thủ đô. Ở Stockholm, mọi người chủ yếu đi bằng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm hay tàu điện trên cao…chứ không có nhiều người tự lái xe trên đường như ở Hà Nội.
Từ hôm đến Hà Nội, tôi gặp tắc đường khá nhiều. Có nhiều tình huống chúng tôi cho là tắc đường nhưng có thể các bạn lại không vì các bạn cho rằng tắc nghẽn giao thông phải là hàng dài xe cộ nối đuôi nhau khó bề di chuyển.
Ông Urban Ahlin tại hoạt động tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn sáng 31/3 tại Hà Nội (Ảnh Nam Hằng)
Đã có những trải nghiệm giao thông ở Hà Nội, ông có nhận xét gì về chất lượng mũ bảo hiểm ở Việt Nam?
Tôi thấy nhiều trường hợp tham gia giao thông ở Hà Nội không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Về loại mũ mỏng mà các bạn gọi là mũ thời trang, tôi thấy rất nguy hiểm cho người đi đường vì nó thật sự kém chất lượng, không đạt chuẩn.
Tôi nghĩ rằng người dân cần tự biết bảo vệ mình khi ra đường và đừng nghĩ rằng cứ đội mũ bảo hiểm là xong hay để chống đối với cảnh sát mà điều quan trọng là phải đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng và đeo đúng cách.
Để giải quyết tình trạng này, theo tôi, chính quyền cần cấm các cửa hàng bán mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, đồng thời có hình phạt thích đáng cho những người vi phạm cũng như người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm kém chất lượng.
Xin ông có thể cho biết mục đích của buổi làm việc giữa đoàn Thụy Điển và Bộ Giao thông Vận tải?
Chúng tôi bàn về hợp tác để giúp Việt Nam giảm thiểu tai nạn giao thông. Đoàn cũng chia sẻ một số kinh nghiệm về an toàn giao thông cho Việt Nam vì trước đây chúng tôi cũng từng gặp nhiều thách thức về giao thông.
Trong nhiều năm qua chúng tôi đã dành sự tập trung lớn để làm sao đảm bảo an toàn cho giao thông bằng việc phát triển hệ thống xe buýt, tàu điện ngầm, phân làn đường…
Chúng tôi có chương trình “Tầm nhìn về KHÔNG” (Vision Zero) nhằm mục đích hướng tới không có trường hợp nào tử vong hoặc bị thương nghiêm trọng trên các tuyến đường. Hiện nay, Thụy Điển là một trong nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất liên quan đến giao thông đường bộ.
Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ Việt Nam về chính sách quản lý, công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông.
Nam Hằng ( Thực hiện)
Theo Dantri
Chiếc ghế của ông Lý Quang Diệu
Ông là nghị sĩ lâu năm nhất phụng sự nghị viện (kể từ năm 1955), ông là thủ tướng, người lập quốc và định hình ra Singapore rực rỡ ngày nay.
Thủ tướng sẽ dự lễ truy điệu ông Lý Quang Diệu
Chiếc ghế trống với bó hoa trắng nhỏ tưởng nhớ là lời nhắc nhở sâu sắc về khoảng trống lớn trong nghị viện Singapore khi ông qua đời.
Chiếc ghế ông Lý Quang Diệu thường ngồi ở hàng đầu trong quốc hội đảo quốc, đã trống rỗng. Ông sẽ không bao giờ ngồi đó nữa.
Khi nguyên phó thủ tướng Wong Kan Seng đến tòa nhà quốc hội, ông đã chọn chiếc ghế kế bên và lặng lẽ chấm nước mắt. Sau đó, ông nói rằng, đó là một trong những ngày buồn nhất của cuộc đời ông. Còn ông Goh Chok Tong, người vẫn ngồi bên còn lại của ông Lý Quang Diệu lúc sinh thời, đã cố nhìn sang trái. "Nhưng ông không có ở đó", ông Goh Chok Tong nói.
Nghị viện mà ông Lý Quang Diệu phụng sự 60 năm qua, đã tổ chức lễ tưởng niệm ông. Các nghị sĩ nam mặc sơ mi trắng, cà vạt sẫm màu và dải băng đen, nghị sĩ nữ váy đen và áo khoác, cài hoa trắng trên ngực.
Các nghị sĩ đã bày tỏ tri ân trước những đóng góp và vai trò của ông trong việc dẫn dắt một Singapore bé nhỏ, nghèo nàn thành một đảo quốc phồn thịnh, đa sắc tộc.
Chủ tịch Quốc hội Halimah Yacob mở đầu buổi tưởng niệm, khi nêu lên quá trình ông Lý Quang Diệu tham gia vào hội đồng lập pháp thời thuộc địa tới nghị viện của một Singapore độc lập thế nào. Ông đã dẫn dắt đảo quốc 31 năm (tới năm 1990) ở cương vị thủ tướng, tiếp tục ở lại nội các tới năm 2011 và tiếp tục là đại biểu cho khu vực cử tro Tanjong Pagar tới khi ông qua đời hôm thứ hai ở tuổi 91.
Ông Lý Quang Diệu là nghị sĩ lâu năm nhất phụng sự nghị viện Singapore
Bà Halimah nhớ lại phát biểu của ông năm 1999, khi các nghị sĩ chuyển từ tòa nhà quốc hội cũ sang tòa nhà hiện tại. Nhấn mạnh rằng, quốc hội là đấu trường cho những cuộc tranh luận các ý tưởng về chính sách, khi ấy, ông Lý Quang Diệu nói: "Đừng gây ra lỗi lầm, trong căn phòng này, chúng ta đang gìn giữ tương lai đất nước và con người Singapore".
Ngồi ghế quan không để vinh thân
Nghị sĩ Ng Eng Hen thì nhớ tới một cột mốc - lời kêu gọi của ông Lý Quang Diệu với người dân nhanh chóng thích nghi thực tế quân đội Anh rút quân năm 1968 làm hao hụt 1/5 GDP của Singapore: "Thích nghi và điều chỉnh, không rên rỉ hay bó tay. Thế giới không nợ chúng ta cuộc sống và chúng ta không thể sống bằng chiếc bát ăn xin".
Nghị sĩ Low Thia Khiang của đảng Công nhân Singapore mô tả, ông Lý Quang Diệu là người "có trí tuệ xuất sắc và dũng cảm" trong việc thúc đẩy đảo quốc tiếp cận với thế giới, giành được sự tôn trọng từ các cường quốc.
Sinh thời, vị thủ tướng họ Lý đã từng răn dạy các quan chức về sứ mệnh của cái ghế, rằng ngồi lên đó là để phụng sự đất nước chứ không phải leo lên đó để vinh thân.
Ứng viên nghị sĩ Chia Yong Yong ngồi trên xe lăn xúc động nói rằng, nếu bà không sinh ra ở Singapore thì "là một người khuyết tật sinh ra trong gia đình nghèo, không có bất kỳ quan hệ nào, tôi sẽ không thể đến trường, không có nghề nghiệp và phụng sự cộng đồng như ngày nay".
Với những lời cất lên từ trái tim và thay lời rất nhiều người dân chờ đợi bên ngoài tòa nhà quốc hội, bà Chia nói: "Người con của Singapore, người cha của Singapore, xin hãy tha thứ vì tôi không biết dùng lời lẽ giá trị nào để tri ân ông. Và hôm nay, tất cả những gì tôi có thể nói với ông, với vị thủ tướng đầu tiên của tôi, là những gì tôi chưa từng có cơ hội nói với ông: Cảm ơn ông, ông Lý".
Ông Ng Eng Hen nhớ lại năm 2013, khi ông Lý Quang Diệu từ chối yêu cầu của bác sĩ để tham dự một phiên họp quốc hội vào dịp ông 90 tuổi. "Bởi ông đã hứa làm điều này. Ở tuổi 90, già yếu và mệt mỏi, ông Lý đã giữ lời có mặt nơi đây".
Các nghị sĩ có mặt trong buổi tưởng niệm nhớ lại lời ông khi họ chuyển tới tòa nhà mới ngày 6/9/1999. Khi ấy, ông nói: "Tầm quan trọng của tòa nhà này sẽ không phụ thuộc vào kích cỡ hay vẻ tráng lệ của nó. Nó phụ thuộc vào chất lượng làm việc của những người đại diện cho nhân dân ở trong đó".
Linh cữu ông Lý Quang Diệu được đặt ở tiền sảnh tòa nhà quốc hội, ngay chỗ cầu thang đi lên chứ không phải trong hội trường lớn. Linh cữu ông ở nơi này cho tới đêm 28/3 trước khi được hỏa táng sau lễ quốc tang.
Theo Thái An/Straitstimes, CNA
Việt Nam nêu thông điệp về giải quyết tranh chấp Biển Đông tại IPU-132 Phát biểu trước thời khắc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng đánh cồng khai mạc Đại hội đồng liên minh Nghị viện tối 28/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ thông điệp Việt Nam gửi tới Đại hội tinh thần hoà bình, trách nhiệm, phản đối vũ lực, trong đó có cả vấn đề giải quyết tranh chấp...