Chủ tịch Quốc hội nói về vụ ông Trịnh Xuân Thanh
“Ai liên quan đến việc đưa Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang cũng sẽ bị xử lý” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời những thắc mắc của cử tri về vụ ông Trịnh Xuân Thanh ngày 4-8. Ảnh: NHẪN NAM
Chiều 4-8, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu QH thuộc Đoàn đại biểu QH TP Cần Thơ đã tiếp xúc với hơn 300 cử tri là cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Thành ủy Cần Thơ quản lý. Vấn đề tổ chức cán bộ mà cụ thể là liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đã được nhiều cử tri đặt ra tại buổi tiếp xúc này.
Thiếu tướng Vũ Cao Quân (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ) đặt ngay vấn đề về trách nhiệm của những người đã đưa ông Thanh về Hậu Giang. Cùng quan điểm, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ cũ) cũng cho rằng chuyện của ông Thanh liên quan đến vấn đề tổ chức. “Cái này phải xem lại (vấn đề tổ chức cán bộ – NV). Như anh Quân nói, sau này người dân hơi giảm niềm tin. Tôi 50 tuổi Đảng, nghe chuyện này cũng thấy nó kỳ kỳ, đảo lộn hết cả trật tự” – ông Sơn bày tỏ.
Thiếu tướng Lê Xã Hội (nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 9) cũng đề nghị: “Ông nào ký giấy cho ông Thanh về Hậu Giang thì phải xử lý. Hậu Giang có lỗi là xin ông Thanh về. Nhưng người quản lý cán bộ thì phải biết ông Thanh có vấn đề gì để nói địa phương không thể xin được chứ”.
Video đang HOT
Trả lời các ý kiến cử tri liên quan đến ông Thanh, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch QH, khẳng định ông Thanh không phải do Trung ương đưa về Hậu Giang, không nằm trong danh sách cán bộ luân chuyển. Cạnh đó, bà Ngân cũng cho rằng có vai trò của Ban Tổ chức Trung ương, vì phải có người ký duyệt thì ông Thanh mới về Hậu Giang được. Vấn đề này, theo bà Ngân, Tổng Bí thư đã chỉ đạo và Bộ Chính trị cũng đang cho kiểm tra, làm rõ. “Hiện nay đang làm các bước tiếp theo và Tổng Bí thư chỉ đạo sẽ làm tới nơi. Ai liên quan đến việc đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Hậu Giang cũng sẽ bị xử lý” – bà Ngân cho hay.
Một vấn đề khác là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam – nơi ông Thanh làm việc trước đây được phong tặng anh hùng lao động trong khi làm ăn thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng. Bà Ngân cho biết vụ này Ban Thi đua Khen thưởng (TĐKT) nói trách nhiệm ở Bộ Công Thương nhưng cũng không tránh được trách nhiệm. Theo bà Ngân, sự vụ này đang làm, chưa kết luận trách nhiệm thuộc về ai.
“Công tác TĐKT đúng là còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đúng với nguyên tắc công thưởng, tội trừng. Tôi thấy QH cũng cần giám sát hoạt động TĐKT xem có “chạy” TĐKT hay không, vì lâu nay QH chưa giám sát hoạt động này”.
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cùng các đại biểu QH đơn vị 9 (Đoàn đại biểu QH TP.HCM) đã tiếp xúc cử tri ở huyện Hóc Môn. Tại đây, nhiều cử tri Hóc Môn cũng bày tỏ bức xúc về vấn nạn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Cử tri Lưu Anh Minh (phường Tân Thới Nhì) đề nghị phải tăng hình phạt đối với vi phạm này, phải xử lý hình sự, bởi đây không phải là hành vi giết một người mà là đầu độc nhiều người cũng như đầu độc thế hệ về sau.
Trao đổi với cử tri, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định đây là những vấn đề rất lớn, vì vậy trong kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV, QH đã quyết định đưa vấn đề này vào chương trình giám sát tối cao của QH năm 2017.
Bí thư cũng thông tin trước đây có ba ngành là NN&PTNT, Công Thương và Y tế cùng quản vấn đề này nên công tác quản lý không được đảm bảo. Được sự đồng ý của Thủ tướng, sắp tới TP.HCM sẽ sớm thành lập cơ quan đầu mối, quy ba nhánh trên về làm một, quản lý mọi khâu này từ sản xuất đến thị trường, làm sao đưa thực phẩm sạch vào bữa ăn của người dân.
Theo Nhẫn Nam – Lê Thoa ( Pháp luật TPHCM)
Chủ tịch QH: Ông Võ Kim Cự có trách nhiệm trả lời về Formosa
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sẽ trao đổi với ông Võ Kim Cự về việc ông né tránh trả lời về Formosa vì đại biểu QH nắm được vụ việc thì có trách nhiệm trả lời báo chí, nhất là ông từng là lãnh đạo Hà Tĩnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội sẽ giám sát sự cố Formosa làm chết hải sản ở 4 tỉnh Miền Trung.
Sáng nay 23-7, trong buổi ra mắt báo chí với vai trò tân Chủ tịch Quốc hội (QH) khóa XIV, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự cảm ơn của QH đến với báo chí đã đưa tin kịp thời những thông tin về chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV cũng như hoạt động của QH nhiều năm qua.
"Nếu không có báo chí thì không hiểu rằng hoạt động, cố gắng của QH sẽ đến được với nhân dân và được nhân dân giám sát lại QH như thế nào. Có thể khẳng định vai trò của báo chí là rất quan trọng trong đời sống xã hội, nhất là hoạt động của QH" - bà Ngân nói.
Liên quan đến hoạt động báo chí trong nghị trường, báo chí đặt vấn đề nhiều đại biểu QH (ĐBQH) đã né tránh câu hỏi của báo chí về vấn đề Formosa làm chết hải sản ở 4 tỉnh Miền Trung, trong đó có ĐBQH khóa XIV Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói thẳng: "Về vai trò ĐBQH là cần phải trả lời báo chí đối với những vấn nóng bỏng, liên quan đến hoạt động của QH. Song do có ĐBQH khó tiếp xúc, hay thiếu thông tin về vấn đề Formosa nên có thể không trả lời và đây cũng là quyền của ĐBQH. Còn như chúng tôi nắm rõ cặn kẽ vụ việc nên phải thể trả lời để báo chí và nhân dân rõ. Còn cụ thể ông Võ Kim Cự tránh báo chí phỏng vấn là quyền của ĐB nhưng tôi sẽ gặp ông Cự để nói rõ ĐBQH mà biết thông tin thì cũng có trách nhiệm trả lời, đặc biệt ông Cự từng là lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thì càng phải cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí còn hơn mập mờ tránh né".
Cũng vấn đề né tránh báo chí của một số ĐBQH, bà Ngân cũng nhắn nhủ: "ĐBQH giơ tay từ chối báo chí mà hình ảnh này đưa lên mạng, đưa lên báo thì mất hình ảnh ĐBQH. Trong sinh hoạt QH, chúng tôi sẽ đề nghị ĐBQH cung cấp một số thông tin trung thực, chính xác khách quan, kịp thời về hoạt động của QH. Tuy nhiên, ĐBQH cũng có quyền phát biểu theo đúng cảm nhận của mình về các vấn đề".
Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về việc QH có giám sát Formosa và làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm và ưu ái cho thuê đất tới 70 năm cho doanh nghiệp này, Chủ tịch QH khẳng định: "QH sẽ có giám sát và thực chất đang giao Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH giám sát việc thực thi pháp luật đối với Formosa và Formosa tuân thủ pháp luật đến đâu chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào giám sát của Chính phủ. QH trực tiếp giám sát sẽ có đánh giá, tiếng nói chính xác về vụ việc. Trong giám sát sẽ làm rõ trách nhiệm của ai. Giám sát nhiều, hàng chục trang nhưng không nêu rõ tên ai chịu trách nhiệm thì ĐBQH và nhân dân sẽ không nghe".
Về đề xuất của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng ủng hộ là thành lập uỷ ban lâm thời điều tra vụ việc Formosa, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Hiện chưa có chủ trương thành lập uỷ ban lâm thời điều tra Formosa nhưng chúng ta đã huy động cả trăm nhà khoa học, chuyên gia điều tra và xác định thiệt hại, nguyên nhân và tổ chức gây ra đã cúi đầu nhận tội và cam kết đù bù. Chính phủ làm chặt chẽ và không thể nhanh hơn được và hiện Chính phủ đã theo sát vụ việc này, Bộ Chính trị cũng họp nhiều phiên nghe báo cáo và chỉ đạo chặt chẽ để có kết quả vừa qua. Nên hiện tại chưa cần thiết lập Uỷ ban lâm thời".
Luật Biểu tình chậm là cần cân đối lợi ích Trả lời việc quyền biểu tình của công dân đã được hiến định nhưng Luật Biểu tình vẫn được lùi vô thời hạn? QH khoá XIV có trả món nợ cho nhân dân trong nhiệm kỳ không?, Chủ tịch QH chi sẻ Luật Biểu tình liên quan đến quyền của công dân, con người và Hiến pháp cũng định hướng bảo đảm quyền phải minh bạch rõ ràng vì thế luật phải vừa bảo đảm quyền công dân và phù hợp với tình hình đất nước, đảm bảo lợi ích hài hoà, không nặng nhẹ bên nào. "Việc thực hiện quyền biểu tình phải theo luật và không được làm rối loạn đất nước, điều này cũng không phải ai cũng mong muốn. Vì vậy, QH sẽ xem xét, bàn thảo thấu đáo khi có tờ trình dự thảo luật của Chính phủ"- bà Ngân nói.
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Khoảnh khắc ấn tượng của nữ Chủ tịch Quốc hội Bà Nguyễn Thị Kim Ngân thể hiện hình ảnh một lãnh đạo sắc sảo, cương nghị nhưng cũng giản dị , gần gũi trong các hoạt động xã hội. Sau lễ tuyên thệ nhậm chức sáng 22/7, bà Nguyễn Thị Kim Ngân trở thành Chủ tịch Quốc hội khóa 14. Bà Kim Ngân lần đầu tiên đảm đương vị trí Chủ tịch Quốc...