Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy
Sáng 7/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Enzo Moavero Milanesi.
Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt chào mừng Bộ trưởng Enzo Moavero Milanesi thăm chính thức Việt Nam; đồng thời hài lòng nhận thấy sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy thời gian qua trên tất cả các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, thương mại – đầu tư, văn hóa – giáo dục, khoa học- công nghệ, an ninh – quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (23/3/1973 – 23/3/2018) và 5 năm triển khai quan hệ Đối tác chiến lược (2013 -2018) với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy Enzo Moavero Milanesi đang ở thăm và làm việc tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn, nhất là trong lĩnh vực thương mại – đầu tư; Italy có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, đặc biệt về cơ khí chế tạo và công nghệ cao, phát triển hạ tầng – giao thông, năng lượng. Đây là những lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu hợp tác.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 5 tỷ USD. Tháng 6/2019 tới đây, Italy và Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức “Đối thoại cấp cao về quan hệ kinh tế Italia – ASEAN” lần thứ 3 tại Hà Nội với sự quy tụ của nhiều doanh nghiệp lớn từ Italy và ASEAN. Đánh giá cao sáng kiến này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là cơ hội để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Italy và các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam – đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN.
Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp. Đánh giá thời gian qua quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam là thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Italy là thành viên Liên minh châu Âu (EU). Với tư cách là một trong những thành viên sáng lập EU, Italy cam kết hỗ trợ Việt Nam từ quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -Liên minh châu Âu (EVFTA); bày tỏ mong muốn EVFTA sẽ sớm được ký kết và phê chuẩn, sẽ là động lực thúc đẩy kim ngạch thương mại – đầu tư giữa EU nói chung và giữa Italia với Việt Nam tăng cao.
Cảm ơn Bộ trưởng đã có những chia sẻ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp trong tháng Năm này, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét thông qua một số luật liên quan đến lao động, liên quan đến cam kết trong EVFTA; bày tỏ mong muốn Italy tiếp tục có tiếng nói ủng hộ để Nghị viện châu Âu đưa hồ sơ EVFTA thành ưu tiên trong chương trình nghị sự ngay đầu nhiệm kỳ mới.
Nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Việt Nam lần này nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại hai nước, Bộ trưởng Enzo Moavero Milanesi đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực; nêu rõ hai nước mặc dù cách xa nhau về khoảng cách địa lý nhưng với sự phát triển về khoa học công nghệ hiện nay, khoảng cách này được rút ngắn rất nhiều. Hai nước cũng đã chia sẻ nhiều quan điểm chung về chính sách đối ngoại, kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng…
Ghi nhận sự tăng trưởng của trao đổi thương mại hai chiều, sự gia tăng của các doanh nghiệp Italy đến đầu tư tại Việt Nam, Bộ trưởng Enzo Moavero Milanesi nhấn mạnh, hai nước có nhiều điểm tương đồng, trong đó vào thế kỷ XIX, thế kỷ XX, hai nước đã nỗ lực đấu tranh giành độc lập tự do của mình. Đây là những nền tảng góp phần làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác hai nước.
Bộ trưởng chia sẻ, Italy có thể tăng cường hợp tác với Việt Nam trong sản xuất công nghiệp, cơ khí, tự động chính xác – là những lĩnh vực các doanh nghiệp Italy có thế mạnh. Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp Italy có đặc thù phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Theo Bộ trưởng, đây là một lợi thế bởi các doanh nghiệp nhỏ có sự năng động, chủ động cao trong sáng tạo, cũng như hợp tác với các doanh nghiệp khác. Khả năng sáng tạo của doanh nghiệp Italy là rất lớn, do đó Italy sẵn sàng chia sẻ sự hiểu biết, tri thức trong quản lý hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ với Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Italy đã dành ODA cho Việt Nam; cho biết các dự án hợp tác phát triển của Italy đã và đang đáp ứng thiết thực các mục tiêu ưu tiên phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác, mở rộng sang các lĩnh vực khác mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu; Italy thực hiện hiệu quả Chương trình chuyển đổi nợ cho Việt Nam, tài trợ cho các dự án bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường…
Video đang HOT
Nhân dịp này, qua Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italy, Chủ tịch Quốc hội gửi lời hỏi thăm và lời mời tới Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Italy thăm chính thức Việt Nam trong thời gian tới.
Hoàng Thị Hoa (TTXVN)
Theo TIntuc
Bản sắc văn hoá trong kiến trúc, từ ví dụ toà nhà Quốc hội
Nhà Quốc hội chính là sự thể hiện mô hình "bánh chưng bánh dày", phần đế nhà là bánh chưng vuông, phần phòng họp Diên Hồng phía trên chính là bánh dày tròn...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Nhà Quốc hội chính là sự thể hiện mô hình "bánh chưng bánh dày", phần đế nhà là bánh chưng vuông, phần phòng họp Diên Hồng phía trên chính là bánh dày tròn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lý giải như trên khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc, sáng 12/3.
Được quan tâm nhiều trong phiên thảo luận là quy định bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong kiến trúc và hội đồng kiến trúc quốc gia.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, thảo luận tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội nhiều đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Thường trực uỷ ban thẩm tra luật đồng tình việc bổ sung quy định đó. Tuy nhiên, luật không thể mô tả cụ thể nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc cũng như bản sắc văn hóa trong kiến trúc của từng dân tộc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú.
Do đó, dự thảo luật mới nhất chỉ bổ sung một điều khái quát về bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc, bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật; phong tục tập quán sinh hoạt của địa phương; phương pháp kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu xây dựng.
Đồng thời, quy định các địa phương có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với từng vùng, miền, địa phương do mình quản lý.
Cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng thống nhất bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc vào các nội dung có liên quan trong dự thảo luật như nguyên tắc hoạt động kiến trúc, yêu cầu quản lý kiến trúc...
Về hội đồng kiến trúc quốc gia, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng báo cáo, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc lập cơ quan này là cần thiết, với tư cách là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên vẫn còn hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định về cơ quan này trong luật. Lý do là, dù chỉ là cơ quan tư vấn theo vụ việc cho Thủ tướng nhưng hội đồng tư vấn lại có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng. Dự thảo luật đã quy định Hội đồng này chỉ được thành lập khi cần thiết, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ là phù hợp, bảo đảm tính linh hoạt, không làm phát sinh thêm bộ máy, gây tốn kém, lãng phí.
Theo kinh nghiệm ở một số quốc gia thì mô hình Kiến trúc sư trưởng đang dần được thay thế bằng mô hình hội đồng hoặc ủy ban. Do đó, nên luật hóa về hội đồng kiến trúc quốc gia. Tương tự, cần có quy định về hội đồng kiến trúc cấp tỉnh tại địa phương.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa quy định này vào luật vì việc thành lập các tổ chức tư vấn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, do đó việc tồn tại hội đồng này có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính. Mặt khác, việc không thành lập hội đồng sẽ giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực kiến trúc.
Cơ quan thẩm tra nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và đã đưa quy định này vào điều 16 dự thảo luật.
Tán thành việc quy định về hội đồng kiến trúc quốc gia trong luật, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét, cách thể hiện tại điều 16 cũng khá "mềm mại", để nhà nước linh hoạt lập hội đồng khi có những công trình quan trọng, cần thiết phải nghe tư vấn.
Phó chủ tịch Quốc hội cũng dẫn chứng, chính Nhà Quốc hội hiện nay, trong quá trình thiết kế, xây dựng cũng có một hội đồng tư vấn cấp quốc gia để cùng góp ý, tham gia phản biện, bảo vệ các quan điểm thiết kế về việc mang hồn Việt vào trong một công trình rất hiện đại.
"Khối tròn nằm giữa toà nhà có ý nghĩa trong văn hoá Việt. Còn việc sử dụng rất nhiều kính trong suốt phía mặt ngoài toà nhà có dụng ý là để nhà Quốc hội gần dân hơn. Rồi toà nhà, dù là một khối vuông vức nhưng phải làm sao cho thanh thoát hơn thì đều cần ý kiến từ hội đồng tư vấn này cả..., Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Thể hiện sự đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giải thích, nhà Quốc hội chính là sự thể hiện mô hình "bánh chưng bánh dày", phần đế nhà là bánh chưng vuông, phần phòng họp Diên Hồng phía trên chính là bánh dày tròn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, toà nhà gần như được "bọc" kính trong suốt vừa để thể hiện cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước nhưng cũng là cơ quan dân cử, để gần dân hơn, cũng để thể hiện ý nghĩa công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, Thường vụ đồng tình có quy định về bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam trong luật, hạn chế kiến trúc ngoại lai, phản cảm, nhưng cần làm rõ hơn nội hàm.
Thường vụ cũng đồng tình quy định hội đồng kiến trúc, thành lập khi cần và làm việc kiêm nhiệm, ông Hiển "chốt".
Theo VNEconomy
Tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp Phiên thứ 31 Văn phòng Quốc hội cho biết, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV dự kiến sẽ diễn ra trong 02 ngày (21-22), tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ khai mạc phiên họp và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành...