Chủ tịch Quốc hội: Lùi luật Giáo dục, lấy ý kiến nhân dân việc thi tốt nghiệp phổ thông
Chốt lại phiên thảo luận về dự luật Giáo dục (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu giao Chính phủ lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện dự luật, nhất là sau khi xảy ra vụ tiêu cực trong thi cử tại một số địa phương, người dân rất quan tâm vấn đề này. Dự luật được lùi chương trình thông qua trong năm nay sang kỳ họp Quốc hội thứ 7 (tháng 5 năm sau).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án luật
Với đề xuất về việc lùi thời gian xem xét thông qua dự luật để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến thêm tại một kỳ họp khác của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh bày tỏ sự đồng tình.
Bà Thuý Anh cũng tán thành hướng cân nhắc thêm phương án để các trường đại học có thêm một kỳ thi, để tự tuyển lựa sinh viên cho trường mình. Việc tổ chức kỳ thì đại học riêng là để giữ được truyền thống nghiêm túc của các kỳ thi đại học như trước đây.
“Đồng tình với việc dành thêm thời gian để ban soạn thảo hoàn chỉnh dự luật và truyền thông về những đổi mới của dự án luật. Để khi luật được thông qua có sự đồng thuận cao trong xã hội và đi vào thực tế đời sống” – bà Thuý Anh nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng phân tích, 2 phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và không thi đã được nêu ra.
“Trước đây ta tổ chức thi cả 2 kỳ mà đều tốt cả, người đào tạo ra đều tốt cả. Mà khi đó, kinh tế đất nước đâu đã phát triển, khó khăn lắm chứ, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn… mà vẫn thi được. Giờ đã có đầy đủ điều kiện mà lại hay trục trặc. Cải cách mà hết năm này sang năm khác, thi cử, giáo dục cứ luôn thay đổi, gia đình, học sinh, phụ huynh đều mệt mỏi” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng muốn ban soạn thảo luật nghiên cứu thật kỹ xây dựng được hệ thống chính sách giáo dục ổn định vì giáo dục mà thay đổi thường xuyên, năm nào cũng có “xoay”, từ sách giáo khoa tới thi cử… là không nên. Ông Lưu cho biết, thời ông đi học, sách học xong đến em thứ 5 vẫn tiếp tục dùng lại quyển sách của anh mà vẫn tốt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm, dự luật này vẫn đưa ra cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội thứ 6 (tháng 10 năm nay), sau đó Quốc hội giao cho Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi nhân dân để hoàn thiện và lùi lại thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5 năm sau.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Đây là vấn đề lớn, tác động, ảnh hưởng đến từng nhà nên làm dự luật cần thấu đáo và lấy kiến rộng rãi nhân dân giống như làm Luật Đất đai trước đây được thông qua quy trình 3 kỳ họp”.
Video đang HOT
Theo Chủ tịch Quốc hội, thành tựu của nền giáo dục trong nhiều năm qua là rất lớn nhưng xây dựng luật về giáo dục cứ phải thông qua 3 kỳ họp cho chắc, kỹ lượng.
“Đổi mới là cần thiết nhưng đừng để người dân năm nào cũng phải lo lắng năm nay thay đổi sách, chương trình, cách thức thi THPT… như thế nào” – Chủ tịch Quốc hội kết luận.
Trước những ý kiến nêu ra, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ hứa tiếp thu ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện luật và xin được cho ý kiến và thông qua luật kỳ họp Quốc hội thứ 7.
“Việc tiếp thu, hoàn chỉnh luật sẽ làm nghiêm túc. Ngay cả thi THPT tới đây Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức một hội nghị lớn để xin ý kiến góp ý”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu trước UB Thường vụ Quốc hội
Phát biểu thêm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, quyết định lùi luật Giáo dục là sáng suốt.
“Chúng tôi cũng mong muốn vậy vì ban đầu luật chuẩn bị theo hướng sửa đổi bổ sung một số điều, nay lại chuyển thành luật sửa đổi toàn diện. Luật này vô cùng quan trọng, mọi người dân đều quan tâm mà hiện có một số vấn đề nếu chỉ xử lý trước mắt, không tính lâu dài thì không căn cơ mà muốn sửa cho lâu dài thì phải nghiên cứu lỹ, thấu đáo” – ông Đam nhận định.
Phó Thủ tướng phân tích, các nguyên lý của giáo dục như phổ cập giáo dục phổ thông thế nào, thi cử ra sao cần phải xác định chiến lược lâu dài nhưng có lộ trình trước mắt để thực hiện từng bước. Có nhiều biểu hiện của nền giáo dục hiện nay chưa đúng với nguyên lý giáo dục phổ thông, ví dụ như việc ở một số thành phố lớn, vấn đề thi đầu cấp như thi vào cấp 2, 3 rất căng thẳng… Đó là những vấn đề cần chính sửa, theo Phó Thủ tướng.
P.Thảo
Theo Dantri
Tổng Thư ký QH "tiết lộ" những thay đổi đặc biệt của phiên chất vấn
Trả lời báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng hình thức chất vấn mới, với thời gian không đổi nhưng dự kiến số người được chất vấn có thể tăng lên gần gấp đôi.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21.5 (ảnh VPQH).
Thưa ông, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội đổi mới theo cách thức nào?
- Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội sẽ đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể người hỏi có 1 phút và người trả lời là 3 phút. Hình thức này vừa qua được thí điểm tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với việc chất vấn hai vị Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ -PV). Kết quả của việc thí điểm này có thể nói là tốt thể hiện qua mấy điểm.
Thứ nhất, người hỏi chỉ có 1 phút nên phải chọn lọc nội dung rất ngắn gọn, rất rõ ý. Thứ hai, chính vì người hỏi gọn nên người trả lời cũng rất nhanh, tập trung trả lời, đi thẳng vào vấn đề chứ không kiểu lòng vòng. Khi áp dụng cách thức này với thời lượng phiên chất vấn như trước đây (3 ngày) sẽ có thêm cơ hội cho nhiều đại biểu Quốc hội được chất vấn hơn, như vậy số người chất vấn cũng sẽ tăng lên, có thể sẽ tăng lên gần gấp đôi so với các kỳ chất vấn trước.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (ảnh VPQH).
Với khoảng thời gian 3 phút buộc người trả lời phải nghiên cứu thấu đáo, kỹ càng về những nội dung trong lĩnh vực mình phụ trách để khi đại biểu Quốc hội hỏi sẽ trả lời ngay được. Còn như người trả lời chất vấn không nắm chắc vấn đề sẽ gặp khó khăn.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua được thí điểm theo hình thức đại biểu hỏi, Bộ trưởng trả lời ngay. Lần này Quốc hội chất vấn có điểm khác một chút, sẽ 3 người hỏi, mỗi người có 1 phút, sau đó Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời, như vậy đỡ áp lực hơn, có thời gian suy nghĩ. Tôi tin rằng với hình thức thay đổi như vậy phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây của Quốc hội sẽ rất sôi nổi.
Việc đăng đàn trả lời chất vấn cũng là cơ hội để Bộ trưởng, trưởng ngành "ghi điểm" trước khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào cuối năm thưa ông?
- Điều này cũng chỉ là một phần, việc lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá cả nửa nhiệm kỳ đã qua. Phải xem những thay đổi của ngành, lĩnh vực đó chứ không phải chỉ căn cứ vào việc chất vấn và trả lời chất vấn. Việc chất vấn mỗi kỳ họp Quốc hội cũng có có bốn vị Bộ trưởng, trưởng ngành.
Trước khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm có cuộc giám sát việc Chính phủ thực hiện lời hứa, thực hiện Nghị quyết về chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ tới nay để xem việc gì làm được, việc gì chưa làm được, nguyên nhân tại sao chưa giải quyết xong. Đó chính là cơ sở để các đại biểu Quốc hội, Quốc hội đánh giá các thành viên Chính phủ xem ai thực hiện tốt, ai chưa tốt khi lấy phiếu tín nhiệm.
Ngoài phiên họp Quốc hội, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi tiến hành chất vấn cần phải có cách lựa chọn thế nào để những vị "tư lệnh" ngành chưa từng đăng đàn sẽ có cơ hội thưa ông?
- Tại các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chúng tôi cũng cố gắng bố trí làm sao để tất cả các Bộ trưởng được đăng đàn. Tuy nhiên trước khi tiến hành phiên chất vấn (cả phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội) có việc phát phiếu để xin ý kiến, khi thấy nội dung nào nổi lên được đại biểu và cử tri quan tâm thì chọn "tư lệnh" lĩnh vực đó để chất vấn. Chính vì thế có trường hợp từng đăng đàn 1-2 lần nhưng trong lĩnh vực do người đó phụ trách vẫn có những vấn đề bức xúc, được đại biểu và cử tri quan tâm nên vẫn tiếp tục đăng đàn làm rõ.
Ngoài việc chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng tiến hành giải trình về vấn đề nổi cộm. Việc giải trình tại các Ủy ban thường rất sâu theo từng vấn đề, ví dụ, liên quan đến vấn đề phong hàm giáo sư, phó giáo sư, khi vấn đề được dư luận quan tâm, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tiến hành phiên giải trình.
Tại phiên chất vấn của kỳ họp này, sau khi các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời xong, Thủ tướng hay Phó Thủ tướng sẽ bổ sung thêm và trả lời các câu hỏi đại biểu Quốc hội đặt ra thưa ông?
- Từ trước tới nay, thông thường tại phiên họp Quốc hội giữa năm, Thủ tướng giao cho một đồng chí Phó Thủ tướng trả lời chất vấn về các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, khi thấy cần thiết Thủ tướng vẫn đăng đàn. Việc Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng nào trả lời là quyền của Thủ tướng, ví dụ như kỳ họp này Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng trả lời các nội dung đại biểu Quốc hội đặt ra, còn Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo công tác của Chính phủ trong những tháng đầu năm 2018.
Xin cảm ơn ông (!)
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV có thời gian ngắn hơn so với nhiều kỳ họp gần đây (20 ngày, không kể ngày nghỉ, các kỳ họp trước thường hơn 1 tháng -PV) là do nội dung ít. Một số luật bị rút ra do chưa chuẩn bị kịp, do một số nội dung khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy chất lượng chưa đảm bảo, chưa đủ điều kiện đã bị trả lại.
Theo Danviet
Cải tiến cách chất vấn "hỏi nhanh đáp gọn" để giảm áp lực trên ghế nóng Bàn về thể thức tiến hành phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 6/2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo, không thực hiện phương thức Bộ trưởng trả lời ngay mỗi câu hỏi trong 3 phút nhưng giữ quy định mỗi đại biểu chỉ có 1 phút, hỏi 1 câu, sau 3 câu hỏi...