Chủ tịch Quốc hội: Không để luật ban hành xong, cả nước ngồi chờ hướng dẫn
Ông Vương Đình Huệ nói “không thuyết phục” nếu Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi phải chờ tới giữa năm 2023 mới áp dụng vì chưa kịp có văn bản hướng dẫn.
Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ thi hành từ ngày 1/7/2023, tức hơn một năm sau thời gian dự kiến được Quốc hội thông qua (kỳ họp tháng 5/2022), với lý do chính là không chuẩn bị kịp các văn bản hướng dẫn.
Tại phiên họp tổ sáng nay (25/10), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan không nên để tình trạng “luật ban hành xong cả thị trường, cả nước phải ngồi chờ văn bản hướng dẫn thi hành”, nhất là trong thời gian tới vừa phải phòng, chống dịch vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế.
“Chắc chắn không có đại biểu nào chấp nhận lý do này. Tôi đề nghị hiệu lực thi hành Luật là 1/1/2023″, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói. Theo ông, việc một luật mới được thực thi ngay có thể thúc đẩy thị trường, cũng là một giải pháp thiết thực cho việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Hoàng Phong
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã ban hành 20 năm nên việc sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ các quy định không còn phù hợp. Với dư địa phát triển còn rất lớn, thị trường bảo hiểm, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu được tháo gỡ sẽ góp phần thúc đẩy cả thị trường vốn.
Mặt khác, bảo hiểm là loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. “Chủ trương, mong muốn của chúng ta là tốc độ tăng trưởng của các loại hình dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và đặc biệt chú trọng vào các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Video đang HOT
Về tổng thể, với quá trình chuẩn bị vừa qua, trên cơ sở thảo luận của Quốc hội, ông Huệ tin rằng dự thảo luật trình tại kỳ họp tới sẽ đáp ứng tối đa yêu cầu đặt ra. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số nội dung cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng.
Trong bảo hiểm phi nhân thọ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp do đặc thù đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh khiến lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp chịu thiệt hại lớn. Nhưng hiện nay, khắc phục điều này chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động thiện nguyện của xã hội, việc bù đắp qua bảo hiểm còn rất ít, thậm chí mới đang thí điểm.
Để tính toán được phí bảo hiểm trong các lĩnh vực này rất khó nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không thể không làm. “Về lâu dài, phải hướng đến việc bù đắp thiệt hại bằng bảo hiểm để người nông dân yên tâm hơn, có bệ đỡ để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thêm như chiến lược tài chính toàn diện để thể chế hóa bảo hiểm vi mô. Loại hình bảo hiểm này phải đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người yếu thế, do đó cần đánh giá cả việc thực hiện hình thức bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị xã hội thực hiện thời gian qua.
Các quy định về hợp đồng bảo hiểm, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm. Đồng thời, liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải đánh giá kỹ kết quả đề án cơ cấu lại, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quản trị của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mà cần nâng chuẩn hoạt động, không chấp nhận các doanh nghiệp kinh doanh dưới chuẩn.
Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn Hà Nội) cho rằng cần có sự phân biệt giữa bảo hiểm có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội) với bảo hiểm có tính chất kinh doanh, bởi khi kinh doanh là có cạnh tranh. Người mua bảo hiểm có quyền được hướng dẫn những rủi ro tổn thất, còn doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải làm hết trách nhiệm, các biện pháp để đề phòng tổn thất.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, thực tế trong lúc đàm phán mua bảo hiểm, người mua chưa được giải thích rõ quyền và lợi ích dẫn đến khi mua xong phát hiện bên bán bảo hiểm không cung cấp đủ quyền và lợi ích của người mua.
Là người từng mua bảo hiểm, ông Thuận cho rằng nhiều trường hợp dễ bị nhầm, tưởng làm cho mình có lợi nhưng thực chất lại không rõ ràng. “Cần quy định cụ thể để người mua bảo hiểm được biết quyền lợi đầy đủ. Hợp đồng rất dày, nhưng quyền lợi đặt ở vị trí phía dưới nên nhiều khi người mua không biết hết được quyền của mình”, đại biểu Trần Đức Thuận cho biết.
Cần chương trình tổng thể giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, chiều ngày 7/10 tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc và gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề và gây thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp ở mọi quy mô, lĩnh vực nói riêng. Để có thể từng bước giúp nền kinh tế phục hồi và các doanh nghiệp được tái vận hành, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, không ai khác, chính doanh nghiệp biết họ cần gì, muốn được hỗ trợ như thế nào để có thể nhanh chóng phục hồi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
"Đã tới lúc cần một chương trình tổng thể và doanh nghiệp cùng VCCI cần đưa ra những đề xuất cũng mang tính tổng thể để Quốc hội, Chính phủ xem xét các chính sách, chiến lược giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và phát triển. Có thể đặt ra những vấn đề như: huy động chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ ra sao; triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội như thế nào và cần trợ lực gì giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và tăng trưởng...", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh mục đích tri ân những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân 13/10, cuộc gặp mặt lần này cũng sẽ tổng hợp, ghi nhận những ý kiến, đề xuất và hiến kế của các doanh nghiệp, các hiệp hội và địa phương để bàn giải pháp giúp doanh nghiệp thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Đây cũng là cơ hội để VCCI, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp gửi tới Chủ tịch Quốc hội những ý tưởng, sáng kiến và đề xuất các giải pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và phục hồi ngay sau đại dịch; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho hay, vừa là động lực, vừa là sản phẩm của công cuộc đổi mới, trong thời gian qua, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh nêu trên, tính một cách tương đối, cả nước hiện có khoảng từ 7 - 8 triệu doanh nhân.
Đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội. Điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng; triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội có vai trò và đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ; từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, với các tên tuổi như: Vietcombank, BIDV, Viettel, VinGroup, Trường Hải, FPT, Vinamilk....
Việt Nam cũng đã có 6 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú thế giới năm 2021 của Tạp chí Forbes. Với quy mô xuất khẩu năm 2020 đạt 281 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 544 tỷ USD, Việt Nam đã vươn lên vị trí 22 và 26 trên thế giới về quy mô xuất khẩu và quy mô thương mại quốc tế. Theo báo cáo tháng 6/2021 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 98,8 tỷ USD, đứng thứ 26 thế giới.
Ông Nguyễn Tấn Công cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay. Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, giới doanh nhân Việt Nam có thể tự hào vì đã có đóng góp quan trọng trong xây dựng cơ đồ, vị thế mới của đất nước".
Theo ông Công, trong mối tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam còn khá nhỏ bé và hạn chế. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới trên 95% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp; tính liên kết chưa cao. Còn một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân hạn chế về văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín chung của giới doanh nhân.
Để thực hiện được sứ mệnh Bác Hồ đã trao cho giới doanh nhân 76 năm trước vào ngày 13/10/1945 là: "Xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng" cũng như, để thực hiện mục tiêu, khát vọng của dân tộc đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, trong thời gian tới, trước hết là trong nhiệm kỳ tới 2021-2026, VCCI và giới doanh nhân Việt Nam có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện.
Theo đó, giới doanh nhân sẽ cần phải có tư duy, tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược và các giải pháp mới, đặc biệt, cần bắt tay ngay vào xây dựng các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hoá kinh doanh với bản sắc riêng của giới doanh nhân Việt Nam và lấy đó làm nền tảng đoàn kết cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và sức mạnh mới của giới doanh nhân Việt Nam.
Ông Công nhấn mạnh: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", với niềm tự hào Ngày Doanh nhân Việt Nam, với tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, động viên kịp thời của Quốc hội, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bộ, ngành, giới doanh nhân Việt Nam tin tưởng và khẳng định, sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, duy trì ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh. Từ đó, đóng góp vào thắng lợi của nước ta trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Đề xuất 7 bước rà soát hộ nghèo, cận nghèo Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025. Theo dự thảo, có 2 phương pháp rà soát, xác định hộ...