Chủ tịch Quốc hội kêu gọi cả nước ủng hộ đồng bào miền Trung
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi đồng bào cả nước tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, giúp người dân các tỉnh miền Trung bị bão lũ sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi đồng bào cả nước tiếp tục ủng hộ bà con lũ lụt miền Trung. (Ảnh: Việt Hưng)
Chủ tịch Quốc hội đề cập, kỳ họp thứ 2 diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra. Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào vùng bị nạn.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như tinh thần chủ động và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu Quốc hội vào lăng viếng Bác Hồ trước khi khai mạc kỳ họp (ảnh: Việt Hưng).
“Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh ý nghĩa kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá mới đứng trước đòi hỏi rất cao về việc thực hiện nhiệm vụ quyết sách những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, Chủ tịch Quốc hội phân tích, 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, năm bắt đầu kế hoạch 5 năm 2016 – 2020.
Video đang HOT
Đất nước đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Quốc hội phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tập trung vào ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đi qua quảng trường Ba Đình, trở lại Quốc hội để bắt đầu buổi làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 2. (Ảnh: Việt Hưng)
Tại kỳ họp này, chương trình làm luật của Quốc hội rất nặng. Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 4 luật, 1 Nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác, trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng, điều chỉnh những lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm như: Luật về hội, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015…
Về lĩnh vực kinh tế, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm cũng là thời gian để Quốc hội xem xét, đánh giá công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; xem xét các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và một số báo cáo chuyên đề khác.
Về công tác giám sát, Quốc hội xem xét “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và xem xét, thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, nghe báo cáo kiến nghị cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nêu cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, thực hiện trách nhiệm với cử tri.
Theo Dantri
Chủ tịch Quốc hội lội nước tới thăm hỏi nhân dân vùng lũ Hà Tĩnh
Ngày 19/10, tại Hà Tĩnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà và động viên nhân dân vùng lũ huyện Hương Khê và Vũ Quang. Đây là hai huyện vùng rốn lũ của tỉnh Hà Tĩnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đi thị sát tại xã Đức Hưng, huyện Vũ Quang vẫn đang ngập trong lũ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Đến thăm một số gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại xã Hòa Hải, huyện Hương Khê và xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan chú trọng công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân hiện nay. Chủ tịch Quốc hội mong rằng, trong lúc khó khăn, mỗi nhà, mỗi người dân vùng thiên tai tiếp tục cố gắng để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất; khẳng định Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng vũ trang... luôn sát cánh cùng nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời ghi nhận, đánh giá cao nhưng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, các cấp, ngành tỉnh Hà Tĩnh trong công tác chuẩn bị, ứng phó với mưa lũ, nên mặc dù là hai huyện ngập nước nhiều nhất, là vùng rốn lũ của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng Hương Khê và Vũ Quang không có thiệt hại về người. Cùng với đó, công tác khắc phục hậu quả cũng được triển khai tích cực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra tại địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn công tác đã đi xuồng, lội nước vào tận nơi bị nước lũ chia cắt để thăm hỏi, động viên đồng bào. Nhiều người dân đã rất xúc động. Thay mặt nhân dân địa phương, ông Lê Quang Đáng, thương binh 3/4, thôn Hương Thọ, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm, động viên, chia sẻ với nhân dân địa phương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm hỏi, tặng quà gia đình giáo dân Giáo xứ Trị Bản, huyện Hương Khê. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Ông Lê Quang Đáng cho biết: "Đức Hương là rốn lũ của huyện Vũ Quang. Cùng với việc người dân được thông tin về tình hình bão lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã làm tốt công tác chuẩn bị từ trước nên vùng rốn lũ không bị thiệt hại về người."
Cựu thanh niên xung phong Trần Thị Mỹ (thôn Hương Thọ, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang) nói: "Chúng tôi rất cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến người dân. Lũ đang rút, chúng tôi sẽ tích cực vệ sinh, khôi phục lại cây trồng, vật nuôi."
Ông Lê Văn Lượng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, cho biết từ những trận mưa lũ trước đây, nhân dân xã Đức Hương đã có kinh nghiệm và rất chủ động trong công tác phòng, chống bão, lũ. Nhiều hộ xây dựng những căn chòi trên cọc, hoặc làm nhà nổi trên thùng phuy để tránh trú và giữ gìn tài sản khi có lũ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên vẫn còn nhiều hộ trong xã chưa làm được nhà/chòi chống lũ. Bởi thế, khi lũ về, những gia đình này gặp rất nhiều khó khăn trong phòng chống bão lũ.
Tuy nhiên, với truyền thống đoàn kết, đùm bọc nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, những hộ có điều kiện luôn sẵn sàng đoàn kết, tương trợ giúp đỡ bà con lối xóm. Nhiều nhà tự giác nấu cơm, mì tôm, chèo xuồng cung cấp tận nơi cho những nhà bị nước lũ cô lập. Nhờ vậy, trong lúc các nguồn hỗ trợ chưa kịp triển khai đến cơ sở, hầu như không có người dân nào phải chịu cảnh đói.
Chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại mà đồng bào đang phải gánh chịu, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức quyên góp và ngay trong Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV khai mạc vào ngày 20/10, Quốc hội sẽ tiếp tục quyên góp để ủng hộ đồng bào vùng lũ, trong đó có đồng bào ở Hà Tĩnh.
Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, Quân khu 4 đã điều động lực lượng chủ lực gồm trên 1.000 cán bộ, chiến sỹ, trên 1.500 bộ đội địa phương, đông đảo dân quân tự vệ, lực lượng quân y địa phương cùng nhân dân các địa bàn tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ và kết quả đạt được tương đối tốt. Với địa bàn chia cắt, Quân khu 4 đã vận chuyển hơn 4 tấn lương thực cho bà con. Tại Đức Hương, dự kiến ngày 20/10, nước sẽ dần rút hết, Quân khu sẽ điều lực lượng vào giúp bà con ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
Đợt mưa lũ vừa qua tại Hà Tĩnh đã làm 6 người chết; 108 xã, phường với 30.111 hộ bị ngập, có nơi ngập sâu 2-3 mét, cùng với đó là những thiệt hại về nông nghiệp, giao thông, thủy lợi....
Trong chuyến công tác tại 2 huyện vùng lũ lụt của tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đã chuyển tặng nhiều phần quà là những nhu yếu phẩm thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất. Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác đã đi thăm dự án hệ thống kênh mương công trình thủy lợi Ngàn Trươi-Cẩm Trang đang được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tưới tiêu cho các huyện phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh./.
Theo TTXVN/Vietnam
Bộ Nông nghiệp cử Thứ trưởng đi họp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng có mặt Sáng 5/10, UB Thường vụ Quốc hội xem xét kết quả giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới. Một Thứ trưởng NN&PTNT có mặt dự họp nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, Bộ Nông nghiệp là đối tượng giám sát nên Bộ trưởng cần tới dự họp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đã nhiều lần...