Chủ tịch Quốc hội: Hơn 400 con lai ở Cần Thơ phải được đi học ngay
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu hơn 400 trẻ em diện con lai không sớm được đến trường, các lãnh đạo Cần Thơ phải chịu trách nhiệm.
Ngày 27.9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã đi tiếp xúc cử tri huyện Phong Điền.
Tại đây, nhiều ý kiến của cử tri về vấn đề phòng chống tham nhũng, sử dụng vốn BOT trong giao thông, các vấn đề về sản xuất nông nghiệp; đáng chú ý là tình trạng con lai chưa được đến trường.
Cử tri Lê Quốc Khải phản ánh, tình trạng trẻ em có yếu tố nước ngoài (con lai) về quê ngoại sống trên địa bàn nhiều. Các cháu không đủ giấy tờ nên không làm được thủ tục thường trú, tạm trú tại địa phương dẫn đến không đủ điều kiện đến trường.
“Đề nghị quốc hội chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền liên hệ các nước liên quan để các cháu có giấy khai sinh, là cơ sở làm các giấy tờ tuy thân, được đi học như tất cả mọi trẻ em khác”, ông Khải nói.
Theo đại tá Trần Ngọc Hạnh – Giám đốc Công an TP.Cần Thơ, trên địa bàn hiện có 1.306 trẻ em có yếu tố nước ngoài, diện con lai. Do hoàn cảnh gia đình mà các cháu được mẹ đem về cho ông bà ngoài nuôi.
“UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Giáo dục và Công an TP hướng dẫn các quận, huyện làm giấy khai sinh cho trẻ có yêu tố nước ngoài. Từ đó làm các giấy tờ tùy thân để trẻ được đi học vì đó là quyền của trẻ”, đại tá Hạnh nói và cho biết hiện còn 402 trẻ là con lai chưa được đến trường.
Trả lời ý kiến cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cách đây một năm đã nói với Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đề nghị có một cuộc khảo sát tại Đồng bằng sông Cửu Long về tình trạng trẻ em con lai không được đến trường vì không có giấy khai sinh, không hộ khẩu và lập tức được chấn chỉnh ngay.
Video đang HOT
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong lần tiếp xúc cử tri Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long.
“Trẻ em không có tội gì cả nhưng vì là con lai, giờ về nước không có giấy tờ tuy thân. Hiến pháp nêu rõ chúng ta được quyền tự do đi lại, học hành, đó là quyền thiết thân. Luật Quốc tịch nước mình cho hai quốc tịch mà”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định và yêu cầu lãnh đạo TP.Cần Thơ chỉ đạo rà soát về vấn đề này và phải tạo điều kiện cho hơn 400 trẻ em diện con lai được đi học ngay.
Theo bà Ngân, đây là chủ trương của Quốc hội. Trẻ em, con lai phải được đến trường học tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt.
“Tiếp xúc cử tri lần sau mà tôi còn nghe nói về vấn đề này nữa là anh Hạnh (Giám đốc Công an TP.Cần Thơ) chịu trách nhiệm nhé”, Chủ tịch quốc hội nói và xác định ông Hạnh chịu trách nhiệm về giấy tờ; ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ và ông Phạm Gia Túc (Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ) chịu trách nhiệm về các cháu không được đi học…
Theo Cửu Long – Hữu Công (VnExpress)
Phải truy tới cùng người nhận tiền bảo kê chạy chức của thanh tra giao thông
Cách thức nhận hối lộ của băng nhóm thanh tra giao thông này cũng rất đơn giản là thông qua hai đối tượng chuyên làm cò. Hai đối tượng này nhận tiền của các chủ doanh nghiệp rồi mang về hầu dâng cho băng nhóm ấy.
Tòa án Nhân dân TP.Cần Thơ đưa nhóm thanh tra giao thông bảo kê nhận hối lộ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải ra xét xử. Mới đầu, phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 3 ngày (21 - 23.6).
Tuy nhiên, đến chiều 22.6, phiên toà đã hoãn vì lời khai của các bị cáo về số tiền nhận hối lộ có sự chênh lệch so với với số tiền nhận hối lộ của các bị cáo trong cáo trạng.
Tháng 1.2016, Cơ quan Công an TP.Cần Thơ nhận nhiều đơn tố giác của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải về hành vi ép đưa hối lộ của nhóm thanh tra giao thông này.Câu chuyện sẽ không có gì đáng bàn nếu không có lời khai dùng tiền hối lộ để mua chức vụ của các bị can cứ "nhẹ như không".
Các bị cáo tại tòa
Cầm đầu băng nhóm ấy có thể kể đến: Dương Minh Tâm - nguyên Phó Chánh Thanh tra giao thông Cần Thơ, Đoàn Vũ Duy - nguyên Đội trưởng đội Thanh tra giao thông quận Bình Thủy, Võ Hoàng Anh - nguyên Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Ninh Kiều, Nguyễn Trần Lưu - nguyên Đội trưởng đội Thanh tra giao thông quận Thốt Nốt, Lý Hoàng Minh - nguyên Đội phó Thanh tra giao thông Cần Thơ...
Cách thức nhận hối lộ của băng nhóm này cũng rất đơn giản là thông qua hai đối tượng chuyên làm cò. Hai đối tượng này nhận tiền của các chủ doanh nghiệp rồi mang về hầu dâng cho băng nhóm ấy.
Nếu có doanh nghiệp nào không chịu chung chi, băng nhóm này sẽ cho người theo dõi rồi tìm cách xử phạt, ép đến "nôn" ra tiền thì mới thôi. Tổng số tiền mà băng nhóm này nhận từ các doanh nghiệp là khoảng 4 tỷ đồng, riêng Đoàn Vũ Duy "ăn" tàn bạo nhất với số tiền là 2,8 tỷ...
Tháng 6.2016, Cơ quan Điều tra khởi tố bị can và bắt tạm giam Đoàn Vũ Duy, Võ Hoàng Anh, Lý Hoàng Minh và "cò" Nguyễn Văn Cần. Từ lời khai của các đối tượng trên, Cơ quan điều tra bắt tiếp các đối tượng còn lại.
Tại tòa, Dương Minh Tâm khai chi 370 triệu để mua chức Phó Chánh Thanh tra giao thông Cần Thơ. Võ Hoàng Anh cũng khai nhận đã chi 350 triệu để được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Ninh Kiều.
Bị cáo Dương Minh Tâm thời điểm bị công an bắt
Tất nhiên có khai chi tiền sẽ khai luôn từng chi cho ai, chi ở đâu. Nhưng đa phần đều là khẩu thuyết vô bằng, vì có ai mang tiền đi hối lộ cho cấp trên nhằm mong được đề bạt mà giữ lại bằng chứng đâu. Nên khai thì khai còn khai xong mọi chuyện sẽ ra sao lại là câu chuyện khác.
Thật ra câu chuyện phải chung chi tiền để được đề bạt không phải là câu chuyện mới, bất cứ thời điểm nào cũng dễ dàng nghe thấy. Thậm chí, là ngay trong bạn bè hay người thân của mình cũng đã hiện hữu một câu chuyện như vậy.
Từ xin việc cho đến chạy vào biên chế, chạy ghế, chạy chức vụ... Không phải một nữ Đại biểu Quốc hội bị miễn nhiệm để truy tố cũng đã từng khai phải chi bao nhiêu tiền để có được vị trí đó hay sao.
Vấn đề nguy hại nhất là ở chỗ, họ dùng tiền để đi hối lộ nhằm mong một vị trí cao hơn. Ở vị trí cao hơn họ sẽ dễ dàng tác oai tác quái, sẽ dễ dàng nhận được nhiều tiền hơn và cũng dễ dàng thoái thác trách nhiệm hơn nếu không may vướng vào một vụ lùm xùm tố cáo nào đó.
Hoặc cũng có thể, họ sẽ chẳng bao giờ bị tố cáo cả, vì họ to quá thì có ai dám tố cáo. Cho dẫu có tố cáo thì cũng như những tố cáo đang lan truyền trên mạng internet ấy thôi. Một dạng tố cáo để dân biết nhiều hơn là tố cáo nhằm mục đích hy vọng vào xử lý, hy vọng vào việc làm trong sạch bộ máy.
Đúng là "lấy mỡ nó rán nó miễn sao cuối cùng mình béo ụ là được".
Nhưng sẽ có tương lai như thế nào nếu những câu chuyện như thế này không được điều tra xác minh đến nơi đến chốn, những câu chuyện dùng tiền hối lộ mua quan bán chức không được xác tín là đúng hay sai.
Cái phi pháp cứ kéo dài từ hôm này qua hôm khác, từ năm này qua năm khác trở thành điều bình thường. Cái bình thường kéo dài trở thành một thói quen, cái thói quen kéo dài trở thành điều ai cũng thấy là đúng cả.
Để rồi từ đó, tự chúng ta kéo sập lại cánh cửa tương lai, để rồi mớ bòng bong ấy ngày càng như sợi dây thòng lọng thít chặt lại sự phát triển. Mà sự phát triển ấy dường như ngày càng chênh vênh, mơ hồ đi.
Cho nên, phải truy tới cùng những đối tượng nhận tiền bảo kê chạy chức của các thanh tra giao thông trên.
Theo Danviet
Thủ tướng thị sát ảnh hưởng biến đổi khí hậu miền Tây Chiều 26/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vùng Đông băng sông Cưu Long bằng trực thăng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát vùng ĐBSCL bằng trực thăng. Ảnh: TTXVN Cất cánh từ TP Cần Thơ, "thủ phủ" vùng Đồng bằng sông Cửu Long và bay dọc khu vực ven biển, tới tận mũi Cà Mau, chuyến thị sát nhằm...