Chủ tịch Quốc hội hội đàm với Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội Belarus
Belarus coi thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Belarus, chiều 12/12, theo giờ địa phương, tại Thủ đô Minsk, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội (Hạ viện) Cộng hòa Belarus Vladimir Andreichenko.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội đàm với Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội (Hạ viện) Cộng hòa Belarus Vladimir Andreichenko.
Chủ tịch Hạ viện Vladimir Andreichenko chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn thăm chính thức Belarus và nhấn mạnh chuyến thăm đặc biệt ý nghĩa bởi đây là Đoàn đại biểu Quốc hội nước ngoài đầu tiên của Viện đại biểu Quốc hội Belarus khóa mới (bầu cử vào ngày 17/11/2019).
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm nước Cộng hòa Belarus tươi đẹp, thanh bình và giàu lòng mến khách; cảm ơn Viện Đại biểu Quốc hội Belarus đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo.
Nhấn mạnh tình hữu nghị và sự ủng hộ, hợp tác trong nhiều năm qua luôn được hai nước dành cho nhau, Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội Belarus cho biết, nhân dân Belarus luôn mong muốn dành những tình cảm nồng ấm đối với đất nước và nhân dân Việt Nam, bày tỏ tin tưởng chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, tìm hiểu về tình hình kinh tế- xã hội Belarus sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Belarus.
Belarus coi thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Belarus trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngài Vladimir Andreichenko cho rằng, hai nước còn nhiều dư địa hợp tác, có nhiều quan điểm giống nhau trong nhiều vấn đề quốc tế, đều ủng hộ việc tăng cường hơn nữa vai trò của Liên hợp quốc, ủng hộ các xu thế hòa bình, ổn định và phát triển. Hai nền kinh tế của hai đất nước không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.
Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội Cộng hòa Belarus thông báo vào tháng 1/2020 sắp tới, Hạ viện Belarus sẽ thành lập nhóm nghị sĩ hữu nghị hợp tác với Việt Nam; đồng thời cho biết hai bên cần tiếp tục hợp tác trao đổi để tìm hình thức hợp tác mới.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, hai bên cần tập trung ưu tiên thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong những lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và Belarus có nhu cầu như hàng dệt may, đồ gỗ, thủy hải sản, dược phẩm, máy tính; Belarus có thế mạnh về phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ô tô, máy kéo, ô tô tải, hóa chất… Theo Chủ tịch Quốc hội, hai bên có thể liên doanh, xây dựng các nhà máy sản xuất các mặt hàng của nhau tại hai nước. Về hợp tác quốc phòng, an ninh, hai nước đang hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn và đề nghị Belarus tiếp tục dành các học bổng ưu đãi, giảm học phí và mở rộng chuyên ngành đào tạo cho phía Việt Nam, nhất là các chuyên ngành thế mạnh của Belarus như tác chiến điện tử, công nghệ thông tin, vô tuyến điện tử, tự động hóa… Phía Việt Nam sẵn sàng tiếp tục nhận quân nhân Belarus sang học tiếng Việt và tham gia khóa quốc tế tại Học viện Quốc phòng Việt Nam.
Video đang HOT
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục duy trì các hình thức hợp tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ; trao đổi thông tin về những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của mỗi nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, chống khủng bố, di cư trái phép…
Hai nhà lãnh đạo đánh giá, hợp tác hai nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch hai nước đã có những bước phát triển tích cực; ủng hộ tăng cường trao đổi giao lưu văn hóa giữa hai bên thông qua việc luân phiên tổ chức Những ngày văn hóa tại Việt Nam và Belarus.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo; mong muốn Belarus xem xét khả năng miễn học phí và cấp học bổng trong thời gian 1 năm học dự bị tiếng cho các sinh viên Việt Nam theo học tại các cơ sở đào tạo ở Belarus như đã được thực hiện trước đây.
Nhấn mạnh hợp tác nghị viện là một trong những kênh hợp tác hiệu quả trong quan hệ Việt Nam – Belarus, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Belarus không ngừng được củng cố và phát triển trong những năm qua.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên duy trì trao đổi Đoàn cấp cao và Đoàn Ủy ban chuyên môn; tạo điều kiện cho hai Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác lập pháp; thường xuyên tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) để trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Hai Bên tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao, các ủy ban, nhóm Nghị sĩ hữu nghị và nghị sĩ nhằm thêm hiểu biết và tin cậy lẫn nhau làm cơ sở phát triển quan hệ sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Hiện Belarus là một trong những nước có cơ chế đối thoại với AIPA. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng mời Chủ tịch Viện Đại biểu Quốc hội Cộng hòa Belarus và các đại biểu Viện Đại biểu Belarus thu xếp sớm thăm Việt Nam và dự Đại hội đồng AIPA-41 tại Việt Nam sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm 2020 tại thành phố biển xinh đẹp Hạ Long.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn nhân dịp này doanh nghiệp Belarus sẽ cùng sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam về những ngành nghề, hàng hóa mà hai bên có nhu cầu trao đổi thương mại.
Nhấn mạnh hai Quốc hội đóng vai trò tích cực hơn nữa để bổ trợ cho những hợp tác này, ông Vladimir Andreichenko đưa ra ý kiến cho rằng hai bên có thể thúc đẩy sự tham gia của các đại biểu Quốc hội/nghị sĩ vào các hoạt động của Ủy ban liên chính phủ giữa Việt Nam và Belarus vì khi các đại biểu Quốc hội tiếp cận, tham gia thì không chỉ có thêm thông tin mà còn có thể đưa ra những đề xuất, sáng kiến tăng cường hơn nữa hợp tác hai nước, mục tiêu là nâng kim ngạch thương mại song phương lên 500 triệu USD/năm.
Để đạt mục tiêu này, hai bên cần phát huy hơn nữa các sáng kiến trong khuôn khổ ASEAN, Liên minh kinh tế Á-Âu, nhất là khi sắp vào năm 2020 Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN, Belarus đảm nhận Chủ tịch luân phiên liên minh kinh tế Á-Âu. Hai bên cùng nhau nỗ lực phát huy những tiềm năng hợp tác sẽ tạo ra cơ hội lớn để gia tăng kim ngạch thương mại song phương.
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ngài Vladimir Andreichenko cho biết, Belarus sẽ thúc đẩy để hướng tới thành lập liên doanh chế biến chè, cà phê tại Việt Nam phù hợp với khẩu vị người dân Belarus; mong muốn dự thảo kế hoạch hợp tác 2020-2021 giữa thành phố Minsk và Hà Nội sớm được ký kết văn bản hợp tác này giữa hai thành phố.
Giữa hai nước luôn mong muốn quan tâm hơn về đất nước con người của nhau. Chính vì vậy cần tăng cường hợp tác văn hóa, bao gồm huy động các Ủy ban liên quan của Quốc hội hai nước để thúc đẩy hợp tác văn hóa, nhân văn.
Chủ tịch Hạ viện Belarus cho rằng, thời đại ngày nay là thời đại kinh tế tri thức dựa vào con người, chính vì vậy hợp tác giáo dục rất quan trọng. Tuy nhiên hiện nay tại Belarus có khoảng 70 sinh viên Việt Nam trong khi đó Belarus hiện thu hút sinh viên từ trên 100 quốc gia đến học tập.
Trước đây và hiện nay Belarus vẫn duy trì đào tạo nghề chuyên nghiệp tốt (kỹ sư xây dựng, kỹ sư cơ khí…), do đó Belarus sẵn sàng hợp tác hỗ trợ Việt Nam đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực này, hoặc cử chuyên gia xây dựng, cơ khí sang Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực này./.
Theo Lê Tuyết/VOV
Chủ tịch Quốc hội tiếp các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài
Chiều 9/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2019 - 2022.
Phát biểu tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao đã được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm và nhấn mạnh, đây là vinh dự to lớn đồng thời là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã giao phó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội cho biết, kể từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực tới nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn 119 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá ngành Ngoại giao nói chung, trong đó Bộ Ngoại giao thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích, có những đóng góp tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nghị viện đã phối hợp chặt chẽ hơn, nhịp nhàng hơn, cùng đóng góp chung vào những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian tới, công tác đối ngoại Quốc hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của Quốc hội nước ta tại các diễn đàn nghị viện thế giới và khu vực, trọng tâm là chuẩn bị tốt nhất để Quốc hội Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nhiệm kỳ 2019-2020 (Chủ tịch AIPA 41), tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA - 41 vào năm 2020. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Ngoại giao, các Đại sứ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại, các cơ quan của Quốc hội tổ chức tốt các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm kỳ công tác của các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao vào đúng giai đoạn có ý nghĩa quan trọng của đất nước. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra. Đất nước đã chuyển sang giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng với nhiều cơ hội phát triển mới. Cùng với những thuận lợi là những thách thức trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển bền vững, bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực cũng đang đứng trước những biến chuyển sâu sắc và khó lường.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian tới, nhiều trọng trách đang được đặt ra đối với ngành Ngoại giao, trong đó có việc đưa quan hệ của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Nhân dịp các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện cần chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, đánh giá, dự báo để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong nước xử lý các vấn đề liên quan; chú trọng nâng cao chất lượng ngoại giao phục vụ kinh tế, ngoại giao phục vụ phát triển, tìm kiếm, kết nối, giới thiệu cơ hội phát triển, nguồn đầu tư nước ngoài cho đất nước, nhất là cho các địa phương còn khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ban Đối ngoại Trung ương và các cơ quan hữu quan đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đối ngoại của Đảng, của Quốc hội, đối ngoại nhân dân với các nước; tích cực tham mưu, làm cầu nối để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nước ta tăng cường quan hệ hợp tác với Nghị viện/Quốc hội các nước.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác ngoại giao văn hóa, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đối với nước sở tại. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao cần chú ý việc nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của nước bạn trong xây dựng, quản lý Nhà nước để từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp thu được các kinh nghiệm tốt, phù hợp với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc xây dựng cộng đồng người Việt Nam vững mạnh ở nước ngoài cũng là để góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Theo Chủ tịch Quốc hội, đất nước càng hội nhập sâu rộng, công dân, kiều bào và doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài càng cần đến sự hỗ trợ của cơ quan đại diện ngoại giao. Vì thế, cơ quan đại diện ngoại giao phải thực sự là chỗ dựa vững chắc cho bà con; phối hợp với chính quyền nước sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong quá trình sinh sống, làm việc, học tập...
Chúc các Đại sứ, Trưởng Cơ quan ngoại giao có một nhiệm kỳ thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ của nước ta với bạn bè, đối tác, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao nỗ lực phấn đấu, nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, xây dựng Cơ quan đại diện ngoại giao đoàn kết, vững mạnh.
Thay mặt các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Quốc hội đã luôn dành sự quan tâm đối với công tác đối ngoại của đất nước nói chung và các cán bộ, nhân viên ngoại giao đang làm việc ở nước ngoài, nhất là ở các địa bàn còn nhiều khó khăn. Đại sứ Phạm Sao Mai khẳng định, các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trong đó chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội với Nghị viện các nước.
Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội: Các địa phương VN sẵn sàng hợp tác với các địa phương Lào Tiếp tục chuyến thăm CHDCND Lào, ngày 28.9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội VN đã thăm làm việc tại tỉnh Viêng Chăn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Vientiane Khamphan Sitthidumpha . Ảnh: Chinhphu.vn Chủ tịch Quốc hội đã gặp Bí thư, Tỉnh...