Chủ tịch Quốc hội: “Đà Nẵng không tụt hậu mà đang chững lại”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận định như vậy tại buổi làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, diễn ra sáng 17.12.
Sáng 17.12, phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, TP.Đa Năng đã phát huy truyền thống, đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân, khai thác các tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo, tranh thủ các nguồn lực, nỗ lực, quyết tâm trong xây dựng thành phố và đã có những bước phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, qua theo dõi tình hình của thành phố trong nửa nhiệm kỳ qua, đặc biệt trong năm 2018, tôi rất vui mừng nhận thấy thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá trên các lĩnh vực, đồng thời tập trung lãnh đạo xử lý, khắc phục một số sai phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành…, khẩn trương chấn chỉnh các mặt còn hạn chế, yếu kém và đề ra nhiều chủ trương lớn, bước đầu đem lại hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX. Ảnh: Đình Thiên
Bà cũng nói thêm, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, đẩy mạnh thu hút đầu tư; triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, động lực đúng tiến độ; tập trung thu hồi đất phục vụ công cộng, mở các lối xuống biển,…. Những việc làm trên đã tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và cử tri toàn thành phố. Bộ Chính trị đánh giá rất cao những kết quả trên của Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho hay, nhiều mục tiêu quan trọng mà Trung ương đã đặt ra, thành phố vẫn chưa thực hiện xong hoặc kết quả thực hiện không như mong đợi. Ví dụ như: xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế – xã hội lớn của miền Trung, một đô thị có bản sắc riêng, mang tầm vóc quốc tế, vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kêt, phát triển vùng,… vẫn chưa thực sự nổi bật, còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu. Xuất phát điểm của thành phố là thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ (với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm 1,55% so với cả nước).
Kỳ họp thứ 9 HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX có 47/48 Đại biểu HĐND tham dự. Ảnh: Đình Thiên
Video đang HOT
“Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần suy giảm, ngày càng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp của một đô thị lớn đang phát triển. Dư địa phát triển, nhất là quỹ đất sạch dành cho việc thu hút đầu tư không còn nhiều, thu ngân sách còn chưa nhiều so với một số địa phương khác, tích lũy đầu tư còn hạn chế. Hiện Đà Nẵng không thể nói là tụt hậu mà đang chững lại”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quy hoạch, định hướng phát triển thành phố trước đây đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, thành phố cần phải nghiên cứu điều chỉnh. Định hướng thời gian tới của thành phố là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, xong tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực này đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Để giải quyết các hạn chế trên, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đà Nẵng phải có chiến lược tổng thể nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển, có mô hình phát triển mới với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để không bị tụt hậu, mà thực sự bứt phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực.
“Tôi đề nghị cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành và các vị đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng cần tập trung vào một số nội dung. Trong đó, thành phố cần phải tập trung vào 3 trụ cột chính là: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; thực hiện rà soát lại quy hoạch và quy hoạch phát triển không gian đô thị; chú ý phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, xã hội; tập trung xây dựng chính quyền điện tử…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Danviet
Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng về cải cách tư pháp.
Sáng 10/12, tại Tòa nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên họp thứ 29 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự kiến tháng 10/2019 Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ nhất đối với dự án Luật. Tháng 5/2020, Quốc hội thảo luận lần thứ hai và thông qua dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Tăng cường hòa giải, đối thoại
Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Tờ trình đề nghị xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng: Hòa giải, đối thoại đã trở thành nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
"Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, "hai bên cùng thắng", hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai. Hòa giải thành, đối thoại thành, giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng về cải cách tư pháp", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, việc xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm đạt được các mục đích: Xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính.
Cơ chế hòa giải, đối thoại này độc lập, song song với các cơ chế hiện có; không mâu thuẫn, không triệt tiêu, không thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại khác trong tố tụng cũng như ngoài tố tụng hiện có; tăng cường phương thức tiếp cận công lý, nâng cao quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính; giảm số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết; giảm tải áp lực công việc cho Tòa án, khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Tòa án.
Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng cơ chế hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; tăng tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành; rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, vai trò của hòa giải rất quan trọng, việc không phải xử tại tòa mà tiến hành hòa giải sẽ tránh lãng phí. Ủy ban Tư pháp cũng đã có báo cáo thẩm tra và hoan nghênh ý tưởng của Tòa án nhân dân Tối cao. Trong quá trình soạn thảo, Tòa án nhân dân Tối cao tiếp tục tiếp thu để chỉnh sửa và trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Lê Thị Nga phát biểu tại kỳ họp. Ảnh Viết Tôn
"Việc đánh giá thực trạng trong việc hòa giải cần có đánh giá thống nhất. Để có Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cần đánh giá tác động sâu rộng bởi hiện có rất nhiều loại hòa giải ở cơ sở, cho nên cần xem xét để tránh chồng chéo", bà Lê Thị Nga phát biểu.
Giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính thông qua hòa giải, đối thoại
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính của các Tòa án chiếm tỷ lệ thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn (tỷ lệ hòa giải thành khoảng trên 40% nhưng chủ yếu là hòa giải thuận tình ly hôn; tỷ lệ đối thoại thành chỉ đạt gần 8% trong tổng số vụ án đã giải quyết). Việc hòa giải tiến hành theo Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt được một số kết quả nhất định đối với những mâu thuẫn, vi phạm pháp luật nhỏ ở cấp cơ sở.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể phân loại thành hai nhóm là: Hòa giải, đối thoại trong tố tụng và hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng. Về hòa giải, đối thoại trong tố tụng: Được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Về hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng: Pháp luật hiện hành còn quy định một số cơ chế hòa giải ngoài tố tụng như: Hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012; hòa giải thương mại theo quy định của Luật Thương mại và Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24-02-2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại; hòa giải tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; hòa giải theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; hòa giải theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp chưa được hòa giải hoặc hòa giải không kịp thời dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Về hòa giải thương mại theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ, thì đến nay mới chỉ có 2 Trung tâm trọng tài thương mại được cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại. Về hòa giải tranh chấp lao động, số vụ được Hòa giải viên lao động thụ lý rất thấp.
Chỉ ra những hạn chế của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: Cơ chế hòa giải ngoài tố tụng được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng chất lượng hòa giải còn hạn chế; phần lớn là những tranh chấp, xích mích nhỏ; kết quả hòa giải không có giá trị bắt buộc nên hiệu lực thi hành không cao.
Cơ chế hòa giải, đối thoại trong tố tụng có giá trị pháp lý và được thi hành bằng con đường thi hành án nhưng chủ thể tiến hành hòa giải, đối thoại là Thẩm phán - người sẽ tiến hành xét xử (nếu hòa giải, đối thoại không thành), bị hạn chế bởi các quy định pháp luật về sự vô tư, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật, phải chấp hành quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán nên khó linh hoạt để đưa ra những lời khuyên có tình, có lý giúp các bên tranh chấp cảm thông, chia sẻ, nhượng bộ và thỏa thuận cách giải quyết. Với áp lực công việc rất lớn nên việc đầu tư thời gian, công sức của các Thẩm phán cho công tác hòa giải, đối thoại cũng hạn chế.
Đối với các khiếu kiện hành chính, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia đối thoại. Trong bối cảnh các khiếu kiện hành chính ngày càng nhiều, phức tạp, xảy ra trên các lĩnh vực khác nhau, việc tổ chức đối thoại gặp nhiều khó khăn, kết quả đối thoại thành không nhiều.
Những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục tăng mạnh tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và tăng trưởng của nền kinh tế; tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; số lượng các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều. Tòa án luôn trong tình trạng quá tải; nhiều vụ án dân sự, hành chính phải xét xử qua nhiều cấp trong nhiều năm; bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Tòa án.
Với thực trạng pháp luật và tình hình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua hòa giải, đối thoại như trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu, xây dựng một cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự kiến tháng 10/2019 Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ nhất đối với dự án Luật. Tháng 5/2020, Quốc hội thảo luận lần thứ hai và thông qua dự thảo Luật.
Viết Tôn/Báo Tin tức
Theo Tintuc
Hà Nội báo cáo Đảng đoàn Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị Chiều 8/12, tại Hà Nội, với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có cuộc làm việc với Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban...