Chủ tịch Quốc hội “chấm điểm” chất vấn
Phần trả lời chất vấn của 3 Bộ trưởng, 1 Phó Thủ tướng và Viện trưởng VKSND tối cao đều được ghi nhận tích cực. “Điểm cộng”, “điềm trừ” cho tỷ mỉ song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn rất rộng tay với… “điểm thưởng”.
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát dài, “lấn” thời lượng của Bộ trưởng khác, theo giải thích của Chủ tịch Quốc hội, vì các nội dung đề cập đều quan trọng, có tác động lớn đến đa số người dân cả nước mà không ít lần ông Hùng phải cắt ngang, tạm dừng yêu cầu ông Phát trả lời thẳng vào câu hỏi.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời tất cả các câu hỏi đặt ra, nói cụ thể, thấu đáo từng câu một. Ông Hùng cũng ghi nhận một số câu trả lời có kèm theo lời hứa về việc tổ chức, chỉ đạo, thực hiện tới đây, trên cương vị bộ trưởng. “Nếu làm được tốt việc đó, chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy cho phát triển nông nghiệp, đời sống nông dân và mặt trận nông thôn trong thời gian tới”.
Với những mặt “chưa ổn”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT sau phiên chất vấn tiến hành các giải pháp cần thiết để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết cho được quan hệ lợi ích giữa nhà sản xuất, người lưu thông và người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Theo ông Hùng, ba quan hệ, lợi ích này hiện chưa được hài hòa. Nhà sản xuất là người nông dân cũng thiệt, người tiêu dùng cũng thiệt mà không biết lợi ích đó, khoản tiền đó, lang thang ở trên đường và sẽ đến những đâu.
Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh gặp nhiều “trắc trở” trong thời gian đăng đàn của mình khi chủ tọa liên tục phải nhắc, phải lặp lại ý câu hỏi của đại biểu để yêu cầu Bộ trưởng đi vào trọng tâm. Qua nội dung tranh luận về việc ngành văn hóa, thể thao, du lịch đã có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước hay chưa, Chủ tịch Quốc hội khái quát, các đại biểu đang đặt ra nhiều lo lắng cho lĩnh vực này, đặc biệt là vấn đề văn hóa, vấn đề đạo đức xã hội.
Dù vậy, đánh giá chung phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận “tinh thần tiếp thu của Bộ trưởng rất cụ thể”, “các câu hỏi đã được giải đáp khá rõ”, “Bộ trưởng cũng đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết những tồn tại, bất cấp trong ngành”…
Video đang HOT
“Bộ trưởng đã dùng rất nhiều khái niệm như khắc phục, hạn chế, tương lai huy hoàng để tỏ rõ quyết tâm tìm cách ngăn chặn, quản lý, thanh kiểm tra… để xây dựng nền văn hóa nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển nành du lịch, thúc đẩy thể thao tiến bộ. Chúng ta cũng tin tưởng ở Bộ trưởng” – ông Hùng nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng “phê” Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khi chưa thẳng thắn khẳng định chuyện có đuổi kịp, vượt các nước trong khu vực có ít tiềm năng mà du lịch lại phát triển, được xếp hạng hơn nhiều Việt Nam. Ông Hùng kiên quyết: “5 năm tới chưa được thì 10 năm tới phải chắc chắn là đuổi kịp các nước mạnh, vượt các nước kém. Chuyện từ nay đến 2015, 2020 phải tạo được quyết tâm ấy, có chiến lược ấy”.
Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyềnđược Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá chung là “đã báo cáo trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước một cách rất mạch lạc, rõ ràng”. Với những câu hỏi rất cụ thể, đặt ra những vấn đề rất bức xúc của các đại biểu Quốc hội tại diễn đàn, bà Chuyền đã thẳng thắn trả lời, không né tránh.
Giữa nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận tinh thần tích cực của nữ Bộ trưởng khi hứa sẽ giải quyết với những điều kiện thuận lợi nhất cho những người có công mà giấy tờ gốc bị thất lạc.
Ông Hùng chỉ “nhắc” Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chú ý thêm vấn đề đào tạo nghề, hợp tác nước ngoài để đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài phải đảm bảo thực hiện được luật pháp của Việt Nam, bảo vệ được người Việt và thực hiện luật pháp của bạn. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu quản lý các công ty cho chặt hơn, “rút giấy phép ngay những anh làm ăn bậy bạ làm mất hình ảnh người Việt Nam”.
Phần trả lời chất vấn của Viện trưởng VKSND Nguyễn Hòa Bìnhđược đánh giá là ngắn gọn nhất, “gói ghém” trong phần sau buổi sáng hôm qua, 14/6. Nhiều lần, Chủ tịch Quốc hội xác nhận: “Viện trưởng nói thế là rõ”.
Phiên chất vấn với ông Nguyễn Hòa Bình được khái quát là một cuộc thảo luận rất phong phú, sôi nổi, làm kín cả mặt trận tư pháp, từ điều tra cho đến thực hiện công tố, giám sát cho đến xét xử cho đến công tác thi hành án. Bên cạnh những “điểm cộng” về việc trả lời rõ ràng, Viện trưởng VKSND tối cao đôi chỗ bị “trừ điểm” vì… nói hơi dài. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng vẫn “xuê xoa” cho điểm với lý do “nói kỹ cũng tốt, vì kỹ nên câu trả lời rất rõ và đi vào cụ thể từng vấn đề”.
Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu trực tiếp với người đứng đầu ngành kiểm sát là xây dựng giám sát đội ngũ làm công tác tư pháp để đảm bảo lực lượng này có năng lực, được đào tạo, có phẩm chất vững vàng trước mọi cám dỗ; thực hiện cho được các chỉ tiêu Quốc hội giao.
Cuối cùng, phần đăng đàn của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc(được “ưu ái” dành trọn cả buổi chiều ngày 14/6), Chủ tịch Quốc hội khái quát, có đến 14 ý kiến được trao đi đổi lại và cũng có tranh luận về những ý kiến đặt ra.
“Có thể nói những ý kiến, câu hỏi đặt ra đã được Phó Thủ tướng trả lời rất là cặn kẽ (ông Hùng nhấn mạnh việc dùng từ “rất”). Hơi dài một tý nhưng rất cặn kẽ đối với tất cả vấn đề mà Quốc hội đặt ra và cũng rất thẳng thắn” – ông Hùng nhận xét.
Với một số vấn đề còn buông lửng, chưa được đào sâu, đề cập, Chủ tịch Quốc hội lý giải do “lĩnh vực hoạt động của Chính phủ rất rộng”, “chưa thật có thời gian để cùng truy hỏi hết được”.
Theo Dantri
Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông ra khỏi danh sách chất vấn
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các đại biểu đã chọn 3 Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, L Đ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn kỳ này.
Đây là 4 trong số 5 vị trong danh sách chất vấn Đoàn thư ký kỳ họp đưa ra trước đó để xin ý kiến các đại biểu. Bộ trưởng Thông tin - Truyền Thông Nguyễn Bắc Son là vị thứ 5 được gợi ý chất vấn các đại biểu đã thống nhất chưa "duyệt" đăng đàn tại kỳ họp này.
Tổng hợp ý kiến các đại biểu chiều qua, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình là 2 vị trưởng ngành nhận ít phiếu yêu cầu chất vấn của các đại biểu Quốc hội nhất trong danh sách 5 người Đoàn thư ký đưa ra. Sau khi cân nhắc, để đảm bảo tiêu chí nội dung chất vấn hài hòa giữa các vấn đề kinh tế, xã hội, nội chính... Viện trưởng VKSND tối cao được chọn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát và Phạm Thị Hải Chuyền đã được chọn trả lời chất vấn kỳ này (ảnh: Việt Hưng).
Theo nội dung Đoàn thư ký xin ý kiến trước đó, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát sẽ giải trình 3 nhóm vấn đề, gồm biện pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với giải quyết việc làm, tăng xuất khẩu nông sản; cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; và công tác quản lý nhà nước về vấn đề giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để hạn chế tiêu cực và thúc đẩy sản xuất.
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền sẽ giải trình các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011 - 2015; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.
Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh sẽ trả lời chất vấn về tăng cường quản lý nhà nước để tạo sự chuyển biến về văn hóa, tạo động lực phát triển đất nước, khắc phục những tồn tại về sự "xuống cấp" đạo đức, văn hóa trong xã hội; biện pháp khắc phục những hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch; lễ hội tràn lan gây lãng phí...
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ phải làm rõ thực trạng công tác thực hành quyền công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp trong thời gian qua; biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tố...
Phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ chiều thứ 4 (12/6) đến hết ngày thứ 6 (14/6) tới.
Theo Dantri
4 Bộ trưởng được đề xuất trả lời chất vấn tuần tới Đoàn thư ký kỳ họp vừa gửi tới các đại biểu danh sách các bộ trưởng được đề xuất trả lời chất vấn. Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son. Danh sách cụ thể Đoàn Thư ký chuyển tới đại biểu, ngoài 4 Bộ trưởng...