Chủ tịch Quốc hội: “Bầu Chủ tịch nước là sự kiện quan trọng”
Sáng nay (20.11), sau gần một tháng làm việc, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã bế mạc. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu phiên bế mạc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh quochoi.vn).
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, được nhân dân và cử tri đánh giá cao. Bên cạnh đó, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự thành viên Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật”, bà Ngân cho biết.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 09 luật và cho ý kiến về 06 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước. Qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế – xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra, GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.
Chủ tịch Quốc hội: Hôm nay, Bế mạc kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đúng vào ngày Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, thay mặt Quốc hội, tôi thân ái gửi tới các cô giáo, thầy giáo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành giáo dục niềm tin và lời chúc mừng chân thành, tốt đẹp nhất. Mong rằng, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm khắc phục hạn chế, khó khăn, thực hiện có hiệu quả chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục – đào tạo của nước nhà.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề va chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đên hêt ky hop thư 4. Qua đó cho thấy, các nghị quyết đã được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện và mang lại những kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát tối cao, các Bộ, ngành trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đánh giá cao trách nhiệm của các vị đại biểu, các cơ quan của Quốc hội trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.
Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. “Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Video đang HOT
Kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; việc thảo luận, tranh luận và giải trình tạo không khí làm việc sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân, cử tri…
Theo Danviet
Lần đầu tiên Quốc hội xem xét bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước
Chiều 18/10, chủ trì cuộc họp báo thông tin về chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước...
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (dự kiến khai mạc ngày 22/10, bế mạc ngày 21/11 với 24 ngày làm việc) vừa là kỳ họp cuối năm cũng là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên có nhiều vấn đề cần xem xét.
Quốc hội dành thời gian cho xây dựng pháp luật là 9,5 ngày, dự kiến thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án luật khác.
Hoạt động giám sát chuyên đề và quyết định các vấn đề quan trọng chiếm thời lượng 10 ngày.
Công tác nhân sự có thời lượng khoảng 1,5 ngày. Cụ thể, ông Hạnh Phúc cho biết, công tác nhân sự được tiến hành ngay từ ngày đầu của kỳ họp với việc Quốc hội nghe tờ trình giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Sau khi bầu xong (1 ngày sau đó), Chủ tịch nước sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức.
Liền sau đó, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng TT-TT với ông Trương Minh Tuấn và bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng TT-TT mới.
"Đây là lần đầu tiên Ban chấp hành TƯ Đảng giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước" - Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Về khả năng Chủ tịch nước sẽ chủ trì họp báo theo thông lệ, sau khi nhậm chức, ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, tới nay, có 2 lần các Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo sau khi được bầu để thông tin về chương trình hành động của mình. Văn phòng Quốc hội sẽ trao đổi về việc này, còn có tổ chức họp báo hay không là quyền của Chủ tịch nước.
Đại biểu Quốc hội không liên hoan, gặp gỡ Bộ, ngành trong kỳ họp
Do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đề cập việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Trừ 2 đối tượng Chủ tịch nước và Bộ Trưởng TT-TT không được lấy phiếu kỳ này vì chưa đủ thời gian đảm nhiệm chức vụ theo quy định, danh sách các chức danh được lấy phiếu là 48 người.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có lời nhắc nhở, yêu cầu các đại biểu không tham gia liên hoan, gặp gỡ các Bộ, ngành. Điều này, theo ông Phúc là thể hiện hiện sự quyết tâm nêu gương theo quy định cán bộ, Đảng viên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương.
"Khi đang họp mà dự tiệc tùng, liên hoan, gặp gỡ thì rất phản cảm. Việc này làm vào thời điểm lấy phiếu thì càng phù hợp" - ông Hạnh Phúc nhận định.
Ông cũng giải thích thêm, lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội là cho cả kỳ họp chứ không chỉ cho đến khi hết phiên lấy phiếu tín nhiệm là xong.
Còn lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành trước phiên chất vấn tại kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội giải thích, vì phiên chất vấn thường chỉ chất vấn một số thành viên Chính phủ được đề cập trong các Nghị quyết chuyên đề về chất vấn của Quốc hội. Nhìn vào phiên chất vấn để đánh giá, so sánh giữa các thành viên Chính phủ như vậy sẽ không đảm bảo công bằng. Vậy nên, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trước phiên chất vấn là để đảm bảo sự công bằng trong đánh giá giữa các chức danh được lấy phiếu.
Ông Phúc phân tích: "Việc lấy phiếu tín nhiệm tại thời điểm này có căn cứ là từ sự đánh giá suốt 3 năm qua rồi, cán bộ lãnh đạo ai thế nào cũng đủ bộc lộ rồi. Báo cáo của từng người được lấy phiếu cũng đã được gửi sớm tới các đại biểu để nghiên cứu cho kỹ lưỡng".
Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ngoài công tác xây dựng luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét nhiều báo cáo về kinh tế xã hội, ngân sách như báo cáo về kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2022).
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về công tác giám sát, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Quốc hội cũng sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu kỳ họp đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
P.Thảo
Theo Dantri
'Quốc hội bỏ phiếu khắt khe, số phiếu tín nhiệm cao của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng là kết quả mĩ mãn' 'Tới 90,1% số phiếu tín nhiệm cao với Chủ tịch Quốc hội và 81,03% số phiếu tín nhiệm cao với Thủ tướng là kết quả mĩ mãn', đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đánh giá. Chiều nay, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn...