Chủ tịch Quốc hội: Băn khoăn lớn nhất là sách giáo khoa
“Làm nhiều bộ sách chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng, tình trạng “chạy” sau này của các đơn vị biên soạn sách giáo khoa để bộ sách của mình được sử dụng. Như vậy thì lãng phí, có đáng không?” – Ý kiến này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi diễn ra hôm nay (12-3).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp
Sách giáo khoa tiếp tục là nội dung có nhiều ý kiến tranh luận tại phiên họp này. Băn khoăn về sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: “Nghị quyết 88 nêu rõ định hướng “thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa. Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Nghị quyết 29 của Trung ương thì không nói cụ thể như vậy”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: “Không thể phê phán ban soạn thảo và Chính phủ thoát ly Nghị quyết, định hướng nhưng làm thế nào phải phù hợp thực tế. Làm nhiều bộ sách chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng, tình trạng “chạy” sau này của các đơn vị biên soạn sách giáo khoa để bộ sách của mình được sử dụng. Như vậy thì lãng phí, có đáng không?”.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày tại phiên họp, hiện nay, quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88 của Quốc hội khoá 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Video đang HOT
Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình giáo dục và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Dự thảo luật cũng quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, sách giáo khoa.
Cũng bàn về sách giáo khoa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thẳng thắn nêu nhận xét: “Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa nhưng dự luật đến nay vẫn chưa thể hiện trách nhiệm của Bộ GD-ĐT với việc làm bộ sách “chuẩn” cũng như việc tổ chức quản lý sử dụng để đảm bảo bình đẳng, công bằng với các chủ thể biên soạn sách giáo khoa khác.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận của UBTVQH tại phiên họp hôm nay để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa trước khi thảo luận các nội dung lớn của dự thảo Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 4-4 tới.
Theo dự thảo Luật, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Dự thảo Luật cũng đã quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Chính phủ phải trình UBTVQH trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc thí điểm đó ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 104).
ANH PHƯƠNG
Theo SGGP
Lãnh đạo Quốc hội tâm đắc với kiến trúc tòa nhà "bánh chưng bánh dày"
Sáng 12-3, bàn về tầm quan trọng của việc lập Hội đồng kiến trúc quốc gia - một nội dung của dự án Luật Kiến trúc - trong khuôn khổ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến trúc của Nhà Quốc hội với hình tượng "bánh chưng bánh dày" đã được các vị lãnh đạo Quốc hội đề cập đến.
Nhà Quốc hội tọa lạc trên đường Độc Lập, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội
Báo cáo về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc thành lập Hội đồng kiến trúc quốc gia là cần thiết, với tư cách là cơ quan tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên xung quanh vấn đề này vẫn còn 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định về cơ quan này trong luật. Lý do là, dù chỉ là cơ quan tư vấn theo vụ việc cho Thủ tướng nhưng Hội đồng tư vấn lại có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng. Dự thảo Luật đã quy định Hội đồng này chỉ được thành lập khi cần thiết, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ là phù hợp, bảo đảm tính linh hoạt, không làm phát sinh thêm bộ máy, gây tốn kém, lãng phí. Theo kinh nghiệm ở một số quốc gia thì mô hình Kiến trúc sư trưởng đang dần được thay thế bằng mô hình Hội đồng hoặc Ủy ban. Do đó, nên luật hóa về Hội đồng Kiến trúc quốc gia. Tương tự, cần có quy định về Hội đồng kiến trúc cấp tỉnh tại địa phương.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa quy định này vào luật vì việc thành lập các tổ chức tư vấn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, do đó việc tồn tại Hội đồng này có thể làm phát sinh thêm thủ tục hành chính; mặt khác, việc không thành lập Hội đồng sẽ giúp tăng cường vai trò, trách nhiệm tham mưu của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực kiến trúc.
Cơ quan thẩm tra nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và đưa quy định này vào Điều 16 dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ sự tán thành việc quy định về Hội đồng kiến trúc quốc gia trong luật. "Cách thể hiện tại Điều 16 cũng khá "mềm mại", để nhà nước linh hoạt lập hội đồng khi có những công trình quan trọng, cần thiết phải nghe tư vấn. Chính Nhà Quốc hội hiện nay, trong quá trình thiết kế, xây dựng cũng có một hội đồng tư vấn cấp quốc gia để cùng góp ý, tham gia phản biện, bảo vệ các quan điểm thiết kế về việc mang hồn Việt vào trong một công trình rất hiện đại", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, khối tròn nằm giữa tòa nhà có ý nghĩa trong văn hóa Việt. Việc sử dụng rất nhiều kính trong suốt phía mặt ngoài tòa nhà có dụng ý là để Nhà Quốc hội gần dân hơn. Tòa nhà, dù là một khối vuông vức nhưng đã được xử lý bằng giải pháp kiến trúc cho thanh thoát hơn nhờ ý kiến từ Hội đồng tư vấn...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng giải thích, Nhà Quốc hội chính là sự thể hiện mô hình "bánh chưng bánh dày", phần đế nhà là bánh chưng vuông, phần phòng họp Diên Hồng phía trên chính là bánh dày tròn. Theo Chủ tịch Quốc hội, tòa nhà gần như được "bọc" kính trong suốt vừa để thể hiện cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước nhưng cũng là cơ quan dân cử, để gần dân hơn, đồng thời thể hiện ý nghĩa công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội.
ANH PHƯƠNG
Theo SGGP
Xem xét quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng trong ngành công an Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc sáng nay 11/3 sẽ thảo luận và thống nhất một số nội dung quan trọng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ngày 21/2/2019. Ảnh: Trọng Đức -...