Chủ tịch Quốc hội: ‘9 triệu đồng chưa phải thu nhập cao’
Trong khi tranh cãi về khởi điểm chịu thuế 7 hay 9 triệu của Chính phủ và Ủy ban Tài chính Quốc hội còn chưa ngã ngũ thì Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cả hai mức này mới chỉ đủ sống trong điều kiện hiện nay.
Chính phủ chiều 12/9 vẫn trình phương án nâng khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu đồng, giảm trừ gia cảnh 3,6 triệu đồng. Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách tiếp tục giữ quan điểm cho rằng đề xuất khởi điểm chịu thuế của Chính phủ là quá cao, không phù hợp với quan điểm động viên, điều tiết thu nhập của các cá nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần so sánh con số 7-9 triệu đồng với mức lương tối thiểu 1.050.000 đồng một tháng để biết khởi điểm chịu thuế cao hay thấp. Theo ông, lương tối thiểu chính là mức thu nhập để đảm bảo có điều kiện sống. “Mức chúng tôi đưa ra đã trên 6 lần”, ông nhấn mạnh để bảo vệ quan điểm mức đóng thuế từ 7 triệu là hợp lý.
Ông cũng lấy ví dụ lương của một kỹ sư mới ra trường, cán bộ bậc đại học của Văn phòng Quốc hội để chứng minh, nếu nhân hệ số 2,34 với mức lương tối thiểu thì mỗi tháng cũng chỉ có 2,7-2,8 triệu đồng mỗi tháng. Thêm 2% phụ cấp, thì con số này vẫn thấp so với mức Chính phủ đưa ra 3,6 triệu. “Chúng tôi đồng tình nâng mức khởi điểm chịu thuế nhưng nâng lên như Chính phủ thì sợ nhanh quá. Chúng ta sẽ phải bỏ ra 10.000 tỷ để thực hiện chính sách, trong khi còn bao nhiêu vấn đề xã hội phải giải quyết”, ông nói.
Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn chứng, hiện có 51 triệu người có thu nhập nhưng có 12 triệu người phải kê khai và con số đến ngưỡng phải nộp thuế chỉ có 3,8 triệu. “Vậy 3,8/51 triệu người tương đương khoảng gần 10%, có nghĩa những người này ở nhóm cao, còn tất nhiên, nếu so với Trung Quốc, Mỹ thì chúng ta không so được”, ông Hiển thẳng thắn.
Mặc dù đồng tình với lập luận của Ủy ban Tài chính ngân sách rằng mỗi công dân phải có trách nhiệm nộp thuế nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần tính toán mức 7, 9 triệu đồng đã đủ sống chưa. “Trong hoàn cảnh kinh tế như hiện nay, mức 7 hay 9 triệu đã gọi là thu nhập cao chưa? Tôi áng cỡ Chính phủ đưa ra 9 triệu là chưa cao, chỉ đủ sống thôi. Bởi vậy nên bỏ một vài bậc giữa đi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chính phủ bảo lưu quan điểm về thuế thu nhập cá nhân. Ảnh: Hoàng Hà.
Càng về giữa phiên, tranh luận về mức khởi điểm chịu thuế càng thêm nẩy lửa. Tạm thời chưa bình luận về mức thu nhập 7 hay 9 triệu đồng là cao, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội – cho rằng phải thẳng thắn thừa nhận từ nay đến năm 2015, Việt Nam chưa thể công bố được mức sống tối thiểu. Bà đưa ra những dẫn chứng kể từ khi áp dụng Luật thuế TNCN từ năm 2009. “Từ năm 2009, chúng ta liên tục gặp khó khăn, năm nay mới bắt đầu lạm phát một con số. Như vậy, khi CPI tăng cao thì thu nhập thực tế của người dân bị giảm sút, lương hoàn toàn giảm sút theo thực tế. Lương có tăng lên thì không đủ sức bù đắp lạm phát”, bà Trương Thị Mai phân tích.
Bà Mai nói thêm: “Trong điều kiện này thì căn cứ để quy định mức thuế TNCN này sẽ như thế nào. Đề nghị Chính phủ và Ủy ban Tài chính Ngân sách cùng tính toán lại”.
Video đang HOT
Ủng hộ quan điểm của Chính phủ, ông Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhìn nhận, số chịu thuế chiếm 10% người có thu nhập và “không thể gọi như thế là ít”. Bởi các con số ở đây khi đánh giá cần dựa trên nền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam phát triển chưa bền vững và mới thoát khỏi các nước có thu nhập thấp do đó, nhu cầu tối thiểu của người dân càng ngày càng tăng.
Đa số các đại biểu phản bác đề xuất giới hạn chỉ giảm trừ gia cảnh cho tối đa 2 người phụ thuộc. Theo ông Hằng, không nên cứng nhắc chỉ cho phép 2 người phụ thuộc như vậy vì khi nuôi dưỡng ai thì cũng phải giảm trừ cho người đấy. Phó chủ tịch Kim Ngân cũng đặt vấn đề này để tránh chuyện “nuôi bố mẹ thì thôi nuôi con, nuôi con thì thôi nuôi bố mẹ”. Sau cùng, cuối phiên họp, Ủy ban Thường vụ đã đi đến thống nhất không giới hạn số lượng người phụ thuộc khi tính giảm trừ gia cảnh.
Kiên quyết bảo lưu quan điểm, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển thẳng thắn: “Cần xác định rõ đây là thuế thu nhập cao hay đây là Thuế TNCN. Chúng tôi đồng tình nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập lên nhưng nâng lên cao đến 9 triệu như Chính phủ đề xuất thì sợ nhanh quá”. Người đứng đầu Ủy ban Tài chính Ngân sách khẳng định lo ngại việc này sẽ khiến ngân sách bị ảnh hưởng nhiều trong khi đất nước còn nhiều vấn đề xã hội phải giải quyết.
Ngược lại, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thì không đặt nặng lo ngại như ông Hiển. “Nếu Chính phủ cảm thấy nâng được mức khởi điểm lên 9 triệu mà không ảnh hưởng đến ngân sách thì tôi hoan nghênh. Chúng ta có nhiều việc để tiết kiệm, nhiều cách để huy động, hàng trăm nghìn tỷ đồng chúng ta cũng có thể huy động được do đó không nên lấy chuyện này ra để hẹp hòi tính toán”, ông Nguyễn Văn Hiện phát biểu.
Sau những tranh cãi gay gắt về hai phương án tính mức khởi điểm chịu thuế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định tạm thời chưa chốt 7 hay 9 triệu đồng. “Tuy nhiên, tôi thấy cần phải tính toán thêm mức 7 hay 9 triệu đồng, mức nào là hợp lý. Quan trọng nhất là phải nâng mức khởi điểm lên để cho Luật này sống được 3 năm”, ông Nguyễn Sinh Hùng phát biểu.
Khép lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Cả cơ quan soạn thảo Luật lẫn cơ quan thẩm tra đều trên tinh thần nhiệm vụ được giao. Đa số nghiêng về phương án của Chính phủ – tính mức khởi điểm chịu thuế từ 9 triệu đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ chưa chốt phương án nào và sẽ cùng với 2 bên xác định lại”, bà Kim Ngân kết luận.
Theo tờ trình Chính phủ tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ sửa đổi 3 nội dung chính là mức giảm trừ gia cảnh phạm vi, đối tượng chịu thuế và kỳ tính thuế, quyết toán thuế
Với nội dung thứ nhất, Chính phủ vẫn đề xuất sửa đổi theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng mỗi tháng hiện nay lên 9 và và 3,6 triệu đồng. Bộ Tài chính cho biết mức giảm trừ gia cảnh hiện nay được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu và bằng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người tại thời điểm Luật có hiệu lực năm 2009. So với các nước trong khu vực1 , mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam tuy có tỷ lệ cao hơn (bằng khoảng 1,7 lần GDP bình quân đầu người năm 2011) nhưng do thu nhập bình quân đầu ở Việt Nam còn thấp nên mức giảm trừ gia cảnh về số tuyệt đối còn thấp.
Từ năm 2009, do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống người nộp thuế. Vì vậy, Chính phủ đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh để thực hiện việc giảm tỷ lệ động viên thuế, phí trên GDP theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, đảm bảo tính ổn định của chính sách cho giai đoạn sau năm 2014 và để có sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đối với người nộp thuế trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.
Cùng với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định “mở” quyền chủ động điều chỉnh nếu giá cả thị trường biến động trên 20%. Bộ Tài chính cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh này cũng tương đương khoảng 2,5 lần GDP dự tính tại thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.
Bộ dự kiến với mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh này, mức điều tiết thuế được giảm ở tất cả các bậc và dự kiến Luật có hiệu lực từ 01/7/2013 thì dự kiến số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.
Theo VNE
Khởi điểm chịu thuế 9 triệu là không cao và "không có gì ghê gớm"
Trước tranh luận gay gắt của Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính ngân sách (UB TCNS) tại phiên thảo luận luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) chiều nay 12.9, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn cho rằng, mức đề xuất của Bộ Tài chính là không cao và "không có gì là ghê gớm".
Bộ đưa lên, Ủy ban "ép" xuống
Giải trình tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, lần sửa luật này đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu và GTGC cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu lên 3,6 triệu. Căn cứ là năm 2009 khi luật bắt đầu có hiệu lực thì CPI dưới một con số, đến năm 2011 CPI là 18,3%.
Ngoài ra, để có được con số 9 triệu, theo bà Mai, thực tiễn mấy năm qua trên cơ sở biến động và khó khăn của nền kinh tế, năm 2009 và 2011 QH có nghị quyết miễn thuế TNCN 5 tháng. Năm 2012 trước bối cảnh kinh tế khó khăn, QH cũng ban hành nghị quyết 29 miễn thuế TNCN bậc 1 - tức là 4 triệu (GTGC cá nhân người nộp thuế) cộng với khoản đánh thuế thu nhập là 5 triệu thuế suất 5% thành mức 9 triệu đồng.
Cũng theo bà Mai, Bộ Tài chính thấy mức sống của người dân VN nếu tính theo bình quân GDP đầu người thì thu nhập bình quân của VN bằng 1,7 GDP bình quân đầu người, đề xuất 9 triệu đến năm 2014 cũng bằng 2,5 GDP bình quân đầu người. So với các nước, GDP bình quân đầu người của VN rất thấp. "Với mức giảm trừ này thì thu nhập vẫn còn thấp hơn các nước cho đến 2014, xem xét các quan điểm, nguyên tắc nên Chính phủ đề xuất mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu cho người nộp thuế và 3,6 triệu cho người phụ thuộc", bà Mai nói.
Đề xuất của UB TCNS về việc giảm mức thu nhập khởi điểm chịu thuế và mức chiết trừ gia cảnh đã đi ngược lại nguyện vọng của người dân - Ảnh: Diệp Đức Minh
Đại diện cho cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB TCNS Phùng Quốc Hiển cho biết, 6/8 ý kiến của Ủy ban này phản đối mức GTGC như trên và nhất trí kéo xuống 7 triệu đồng và 2,8 triệu đồng. Nguyên nhân hạ xuống do ủy ban này lo ngại ngân sách bị giảm nguồn thu, luật Thuế TNCN sẽ quay trở lại với Pháp lệnh thuế thu nhập cao.
Giải thích con số trên, theo ông Hiển trước tiên cần phải so sánh với con số 1.050.000 đồng - mức lương tối thiểu. Bởi đây chính là mức thu nhập để đảm bảo có điều kiện sống.
"Mức chúng tôi đưa ra đã trên 6 lần", ông nhấn mạnh. Ủy ban này dẫn chứng, hiện có 51 triệu người có thu nhập nhưng có 12 triệu người phải kê khai và con số đến ngưỡng phải nộp thuế chỉ có 3,8 triệu. "Vậy 3,8/51 triệu người tương đương khoảng gần 10%, có nghĩa những người này ở nhóm cao, còn tất nhiên, nếu so với Trung Quốc, Mỹ thì chúng ta không so được", ông Hiển nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Hiển quan điểm của QH khóa 12 khi làm luật này đời sống nhân dân được nâng lên, đối tượng nộp thuế sẽ nâng lên, nhiều hơn, thuế TNCN đúng bản chất của nó chứ nếu nâng lên mức Chính phủ đề nghị thì bản chất thuế TNCN không còn. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, là đồng ý nâng mức giảm trừ gia cảnh lên, nhưng nâng mức hợp lý thôi chứ không nhanh như Chính phủ đề xuất.
"Khi đưa ra chúng tôi tính toán, trong điều kiện hiện nay, số thu ngân sách càng về sau càng cực kỳ khó khăn. Đến 2018 tất cả hàng rào thuế quan giảm xuống, thu từ đất đai, dầu mỏ cũng giảm do cạn kiệt, trong khi quan điểm chiến lược thuế thì phải làm sao tăng cường thuế trực thu, nếu cứ theo đề xuất này chiến lược thuế sẽ hết sức khó khăn, không đảm bảo được thu ngân sách", ông Hiển lo ngại.
"Sao không giãn, bỏ bớt bậc thuế"
Trước tranh luận gay gắt của hai bên, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nêu: "Lập luận của anh Hiển đúng rồi, mỗi công dân đều có nghĩa vụ nộp thuế, nếu công dân có thu nhập, giả sử 10 triệu thì nộp 1 triệu, để mọi người dân đều hiểu mình phải có nghĩa vụ nộp thuế, nhưng họ đều có quyền đòi hỏi".
Tuy nhiên, ông phân tích: "Nước ta còn nghèo, đang áp dụng câu chuyện chỉ những người có thu nhập cao mới phải nộp thuế, luật hiện hành đã kết hợp quan điểm mọi người đều phải nộp thuế hết khi đến ngưỡng thu nhập nào đó".
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: "Trong hoàn cảnh nền kinh tế hiện nay thu nhập dân cư thì 7 triệu hay 9 triệu đã gọi là thu nhập cao chưa. Nếu mức này là đủ sống, có tái tạo, có nuôi được người phụ thuộc, con cái, bố mẹ và vẫn còn cao thì hạ xuống. Cần phân tích cụ thể đời sống kinh tế, giá cả, điều kiện làm việc bây giờ (ăn, học hành, tích lũy, chữa bệnh, sinh hoạt tinh thần, mua nhà, nuôi con, nuôi bố mẹ nữa chứ) thì mức đề xuất nào phù hợp".
Nhìn vào đề xuất của Bộ Tài chính, Chủ tịch thẳng thắn nêu quan điểm riêng: "Tôi áng áng thấy cỡ Bộ Tài chính đưa ra cũng được, chưa cao, đã có gì ghê gớm. Mức này cũng chỉ đủ sống thôi, hơn nữa mình đang định đưa lương tối thiểu lên 1,5 triệu đồng".
Tuy nhiên, điểm mấu chốt nhất theo Chủ tịch cần phải giãn bậc thuế, cắt bớt 7 bậc hiện đang quá dày.
"Tại sao không hạ bớt 7 bậc đi, tại sao để quá nhiều bậc. Bỏ bớt bậc đi, giãn bậc này ra, tại sao không bỏ? Đoạn đầu có thể chặt một tí, nhưng đoạn sau giãn ra để thu của người thu nhập cao nhiều hơn, người thu nhập thấp hơn thì dày hơn", ông đề xuất.
Theo TNO
Rộ tin iPhone 5 có giá khởi điểm tới... 800 USD Thật khó tin nếu con số trên trở thành sự thật vào mùa thu này. Tin đồn xung quanh iPhone 5 xuất hiện mỗi ngày nhưng hiếm người dám chắc chắn về tính xác thực của chúng. Mới đây nhất, trên Twitter đang nổi lên thông tin rằng, iPhone 5 có giá khởi điểm lên tới 800 USD (khoảng 16,8 triệu đồng), cao...