Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Thấm nhuần đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn’
Trong trái tim mỗi người Việt Nam luôn khắc ghi sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, thương-bệnh binh…
Nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài viết với tiêu đề: “Thấm nhuần đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng”. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:
“Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, đất nước gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn quan tâm thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Chủ tịch nước tặng quà một thương binh tại Trung tâm điều dưỡng huyện Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: VOV.
Trong Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”, Người căn dặn: “Thương binh là những người hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”([1]).
Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Người, ngày 27.7.1947 – Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước ta càng đặc biệt quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ tháng 7.1955, Ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
Ngày Thương binh-Liệt sĩ là sự kiện chính trị- xã hội quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kính cẩn tưởng nhớ, tri ân các bậc cách mạng tiền bối, anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh; biết ơn các thương binh đã cống hiến một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; quan tâm giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
Các thế hệ người Việt Nam mãi mãi khắc ghi những chiến công hào hùng, sự hy sinh oanh liệt, cống hiến to lớn của đồng bào, chiến sĩ cả nước vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
Để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, trong suốt 70 năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”.
Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công.
Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả với nhiều hình thức phù hợp, như các chương trình, chuyên mục “Đi tìm đồng đội”, “Trở về từ ký ức” của Đài Truyền hình Việt Nam; “Giải đáp chính sách”, “Thông tin liệt sĩ” của Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng; “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thông tin về mộ liệt sĩ” của Báo Quân đội Nhân dân và nhiều chuyên mục về người có công với cách mạng trên các phương tiện truyền thông khác.
Qua đó, đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về công lao to lớn của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; xác định rõ trách nhiệm và các hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng to lớn trong xã hội để chăm lo tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công.
Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi người có công từ ngân sách Nhà nước, các nguồn lực, hình thức thực hiện chính sách ưu đãi ngày càng phong phú, đa dạng, có hiệu quả thiết thực. Hoạt động chăm sóc người có công ngày càng phát triển, có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng.
Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng được đẩy mạnh; các chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Áo ấm tặng thương binh, bệnh binh nặng”, “Áo lụa tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng”… được duy trì, phát triển rộng khắp ở các địa phương; việc hỗ trợ nhà ở cho người có công và giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng được chú trọng.
Bên cạnh việc chăm sóc, tri ân người có công với cách mạng và thân nhân, công tác tu bổ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh, đền thờ liệt sĩ, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ được nỗ lực thực hiện. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ – những người anh hùng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã trở thành di tích lịch sử, công trình văn hóa, biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc truyền thống yêu nước, cách mạng, thu hút đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm viếng, tưởng niệm, như Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược-Củ Chi, Khu Tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Lam Hạ… Đã tìm kiếm, quy tập hàng vạn hài cốt liệt sĩ trong nước và ở các nước bạn Lào, Campuchia.
Việc đầu tư, nâng cấp các trung tâm giám định ADN được chú trọng, góp phần đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Những việc làm đầy tình nghĩa đó đã góp phần làm vơi đi nỗi đau của các gia đình liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người vợ và con em liệt sĩ đang ngày đêm khắc khoải đợi chờ.
Nhiều chế độ ưu đãi đối với người có công trong lĩnh vực y tế, giáo dục… cũng được triển khai thực hiện tốt. Vào các dịp lễ, tết, ngày 27.7 hằng năm, ngoài quà tặng của Chủ tịch nước, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân ngày càng tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công.
Video đang HOT
Nhờ các giải pháp tích cực, đến nay, cả nước có 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với ý chí và nghị lực rất đáng khâm phục, đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đi đầu trên trận tuyến chống đói nghèo, lạc hậu, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Để phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong 70 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu đãi người có công, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công và các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng tuyên truyền những kết quả, thành tích nổi bật trong công tác người có công, nhất là trong việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công; kết quả chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; việc khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự cường của thương binh, bệnh binh, người có công…
Qua đó, thống nhất nhận thức thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình chính sách có nhiều khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo. Đẩy nhanh việc tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh…
Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020 đạt chỉ tiêu hộ người có công được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở theo quy định và có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, đặc biệt chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Kịp thời giải quyết những hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói, giảm nghèo… Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, tích cực đóng góp giúp đỡ các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, các cấp, các ngành cần tổ chức các hoạt động thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả với quy mô, hình thức phù hợp gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” bằng những việc làm cụ thể, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với người có công, góp phần tô đậm nét đẹp văn hóa Việt Nam, làm giàu thêm truyền thống nhân văn của dân tộc ta.
Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam, là nguồn lực tinh thần quý báu tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng./.
—
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 5, tr. 175.
Theo PV (VOV)
Nhiều phần quà đến với gia đình chính sách, có công trên mảnh "đất thiêng" Quảng Trị
Ngày 20/7, tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, giải đua xe đạp "Về Trường Sơn 2017" - tranh Cúp Báo Quân đội nhân dân bước vào chặng đua thứ 6, cũng là chặng cuối cùng bế mạc giải. Giải đua xe đạp hướng đến Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017).
Trước khi bước vào chặng đua cuối, Ban tổ chức giải đã cử hành trọng thể lễ dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, mùa Hè năm 1972.
Ban tổ chức giải đua xe đạp dâng hoa...
... và dâng hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Tri
Trước đó, cán bộ, phóng viên Văn phòng đại diện Báo Dân trí Bắc miền Trung, do Nhà báo Duy Thảo (Trưởng đại diện Văn phòng) dẫn đầu đã đến dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại 2 Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9.
Cán bộ và phóng viên VPĐD Báo Dân trí tại Bắc miền Trung dâng hương tri ân liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơ
Nhà báo Duy Thảo, Trưởng văn phòng đại diện Báo Dân trí tại Bắc miền Trung dâng hương lên phần mộ tri ân các liệt sĩ
Phát biểu tại lễ bế mạc giải đua xe đạp, ông Mai Thức - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, Quảng Trị là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, anh hùng, bất khuất trong những năm kháng chiến, mảnh đất chứng kiến sự chia cắt đất nước suốt 21 năm.
Trên mảnh đất này đã thấm đẫm máu xương của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh để góp phần đem đến sự thống nhất đất nước hôm nay. Trong đó, 2 nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và Đường 9 là nơi an nghỉ của hơn 2 vạn liệt sĩ và Thành Cổ Quảng Trị được xem là "nấm mồ chung" của hàng vạn liệt sĩ.
Ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại lễ bế mạc giải đua xe đạp về Trường Sơn
Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đang nỗ lực phấn đấu, xây dựng Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, ấm no.
Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo tốt cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Ngoài việc tổ chức giải đua xe đạp tri ân liệt sĩ, Ban tổ chức cũng đã dành tặng nhiều phần quà cho các gia đình chính sách, thương binh, gia đình có công và xây dựng các công trình phúc lợi tại các địa phương.
Các VĐV tranh đua quyết liệt từng giây, từng phút
Bế mạc giải đua xe đạp "Về Trường Sơn 2017" - tranh Cúp Báo Quân đội nhân dân
Chặng đua thứ 6 vòng quanh Thành Cổ Quảng Trị diễn ra với tổng chiều dài hơn 53 km, cũng là chặng đua cuối cùng kết thúc Cuộc đua xe đạp "Về Trường Sơn 2017 - Cúp Báo Quân đội Nhân dân".
Giải đua xe đạp do báo Quân đội nhân dân, Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội phối hợp tổ chức.
Chuẩn bị về đích
Cuộc đua xe đạp "Về Trường Sơn - 2017", tranh Cup Báo Quân đội nhân dân có tất cả 74 vận động viên đến từ 12 đội trong nước và 2 đội khách mời là Lào và Thái Lan.
Đây không chỉ là một hoạt động thể thao thuần túy nhằm rèn luyện sức khỏe, mà còn thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tri ân những đóng góp của các thế hệ cha anh, các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau 6 ngày tranh tài quyết liệt, với 6 chặng đua xuất phát từ TP Hà Nội (15/7) đoàn đã về đến Thành cổ Quảng Trị (20/7), với tổng chiều dài hơn 700 km. Theo đánh giá của Ban tổ chức, 12 đội tuyển trong nước và 2 đội từ nước ngoài đã thi đấu trung thực, quyết liệt, với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức cuộc đua trao tặng nhà tình nghĩa tới các gia đình chính sách
Ban tổ chức tặng 20 suất quà tới các gia đình chính sách trên địa bàn
Nhà báo Duy Thảo và đại diện Báo QĐND trao quà cho các em học sinh
Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao tặng 2 căn nhà tình nghĩa (trị giá 70 triệu đồng/căn) và 20 suất quà tới các gia đình chính sách, cùng 25 suất học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn.
Thừa ủy quyền Nhà báo Phạm Huy Hoàn - Tổng Biên tập Báo Dân trí - Giám đốc Qũy Khuyến học Việt Nam; Trưởng Văn phòng đại diện Báo Dân trí tại Bắc miền Trung - Nhà báo Duy Thảo đã trao các phần quà tới các em học sinh.
Kết thúc chặng đua thứ 6, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho tay đua Huỳnh Thanh Tùng (Đội Quân khu 7), giải Nhì cho VĐV Nguyễn Minh Luận (đội Vĩnh Long) và giải Ba cho VĐV Loic Deriac (Đội Bike Life Đồng Nai).
Ban tổ chức cũng trao giải Nhất chung cuộc cho VĐV Nguyễn Cường Khang (Đội trẻ TP Hồ Chí Minh), giải Nhì cho VĐV Nguyễn Tấn Hoài (Đội Dược Domesco Đồng Tháp) và giải Ba cho VĐV Lê Nguyệt Minh (Đội Anh văn Hội Việt Mỹ TP Hồ Chí Minh).
Ban tổ chức trao giải chung cuộc cá nhân cho các VĐV
Về giải đồng đội, giải Nhất thuộc về đội Bảo vệ thực vật An Giang, giải Nhì thuộc về đội trẻ TP Hồ Chí Minh, giải Ba thuộc về đội Đồng Nai.
... và 3 giải đồng đội cho các đơn vị
Kết thúc 6 chặng đua, VĐV Nguyễn Cường Khang giành được chiếc áo vàng chung cuộc, áo xanh được Ban tổ chức trao cho VĐV Lê Nguyệt Minh.
Ngoài các giải nói trên, VĐV Huỳnh Thanh Tùng (Quân khu 7) cũng giành được giải ấn tượng từ BTC và VĐV Nguyễn Cường Khang giành thêm chiếc áo trắng.
Đăng Đức
Theo Dantri
"Ngày bố ra chiến trường, tôi lũn cũn đi theo hát 'chồng đi vợ khóc'" "Ngày bố đi chiến trường, tôi mới 5 tuổi, em thứ hai lẫm chẫm tập đi, em út còn ẵm ngửa. Chia tay bố mà tôi cứ lũn cũn theo lũ trẻ trong làng nghêu ngao: "ba lô con cóc - chồng đi vợ khóc - ở nhà hết thóc - lấy gì nuôi con"..." - Đại tá Nghiêm Xuân Khao có cha...