Chủ tịch nước thuyết trình trước các học giả quốc tế
Phát biểu trước các học giả tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ quan điểm về khung cảnh châu Á – Thái bình dương và quan hệ Việt – Mỹ trong bối cảnh đó.
Hình chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang trên trang nhất của CSIS.
Ngày 25/7 (giờ địa phương), Chủ tịch Trương Tấn Sang có bài phát biểu được đánh giá có tính “lịch sử” tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược (CSIS). Đây là lần đầu tiên một vị chủ tịch nước Việt Nam phát biểu tại diễn đàn nghiên cứu nổi tiếng thế giới này.
Bài phát biểu quan trọng của chủ tịch nước khẳng định rằng trong thế kỷ 21, châu Á – Thái bình dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất và đóng vai trò đầu tầu trong liên kết kinh tế thế giới, tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển và phồn vinh cho toàn thế giới, và việc các nước lớn đặt trọng tâm chính sách vào khu vực này là điều tất yếu.
Việc có phát triển được những tiềm năng của khu vực được hay không phụ thuộc vào việc đảm bảo hòa bình và an ninh, chủ tịch nước cho biết, và nêu cao vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong vấn đề này.
“ASEAN có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác ở châu Á. Chính vì vậy mà các nước đều thừa nhận vai trò trung tâm của Hiệp hội ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình”, chủ tịch Trương Tấn Sang nói. .
Video đang HOT
“Trong vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, ASEAN kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, thực hiện đầy đủ DOC, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Việc ASEAN và Trung Quốc mới đây đạt được nhất trí về khởi động tham vấn chính thức nhằm hướng tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là dấu hiệu tích cực ban đầu và cần tiếp tục được thúc đẩy”, ông phát biểu trước cử tọa bao gồm các chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế.
Khi được hỏi về vấn đề áp dụng các luật pháp và quy định quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, ông Sang khẳng định quan điểm phản đối đòi hỏi vô lý của Trung Quốc.
“Quan điểm của Việt Nam là kiên định phản đối đường 9 đoạn mà Trung Quốc đưa ra bởi nó không có cơ sở nào về pháp lý và thực tiễn”, ông Sang nói.
“Chúng tôi biết rằng CSIS là cơ quan nghiên cứu cấp cao”, chủ tịch nước Việt Nam nói và đặt ra câu hỏi hài hước tiếp theo. “Liệu các bạn có thể tìm giúp cơ sở pháp lý cho đường 9 đoạn đó không, chứ chúng tôi không thể tìm thấy”.
Cử tọa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng câu hỏi của ông Sang.
“Việt Nam kiên định phản đối đòi hỏi đường 9 đoạn của Trung Quốc”, ông nói thêm.
Đề cập việc Philippines đầu năm nay đã kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài của Liên hợp quốc về luật biển, liên quan vấn đề chủ quyền các đảo và bãi cạn trên Biển Đông, ông Sang nói rằng Philippines với tư cách là thành viên Liên hợp quốc hoàn toàn có thể thực hiện các quyền mà họ mong muốn.
Trong phiên hỏi đáp với các học giả của CSIS, chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn thảo luận về mối quan hệ đối tác toàn diện mà Việt Nam và Mỹ vừa đạt được trong chuyến thăm Mỹ của ông; về môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam; về vai trò của người Mỹ gốc Việt trong mối quan hệ hai nước; về môi trường chiến lược ở châu Á Thái bình dương khi Mỹ thực hiện chính sách tái cân bằng về châu Á.
Theo VNE
Vì Biển Đông, người Philippines yêu Mỹ hơn Trung Quốc
Hình ảnh của Trung Quốc đã trở nên tiêu cực đối với rất nhiều người dân ở đất nước Philippines vì cuộc tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông hiện nay. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho biết, cứ 5 người Philippines thì có đến 2 người nói rằng, họ coi nước láng giềng khổng lồ của mình là kẻ thù của đất nước.
Người dân Philippines biểu tình phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Theo kết quả cuộc điều tra dư luận toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố ngày hôm qua (18/7), 39% người dân Philippines coi Trung Quốc là "kẻ thù" trong khi 35% người Philippines chẳng coi nước láng giềng to lớn của mình là bạn hay thù. Chỉ có 22% người dân Philippines xem Trung Quốc là "đối tác".
Là một trong số các nước đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc, người Philippines cho rằng, cuộc tranh chấp ở Biển Đông là "một vấn đề lớn" đối với đất nước của họ.
Khoảng 90% người dân Philippines đánh giá cuộc tranh chấp ở Biển Đông gây đau đầu cho nước họ. Hầu hết người dân Nhật Bản (82%), Hàn Quốc (77%) và Indonesia (62%) cũng nghĩ rằng, căng thẳng vì tranh chấp với Trung Quốc là "một vấn đề lớn".
Trong khi hình ảnh của Trung Quốc xấu đi thì hình ảnh của Mỹ trong mắt người dân Philippines lại được cải thiện hơn rất nhiều. Mỹ hiện giờ đang xây dựng được một hình ảnh tích cực hơn so với Trung Quốc.
Theo cuộc điều tra của Pew, cứ 10 người thì có gần 9 người Philippines (khoảng 85%) có thiện cảm với Mỹ. Hầu hết người dân Philippines cũng đều nghĩ rằng, Mỹ là đồng minh của họ. Chỉ có 3% người coi Mỹ là kẻ thù và 13% người được hỏi chẳng coi Mỹ là bạn hay kẻ thù gì.
Đánh giá tích cực về hình ảnh của Mỹ ở Philippines là cao nhất trong khu vực Châu Á và đứng thứ 4 toàn cầu. Mỹ được xem là đồng minh bởi 90% dân Israel, 88% người dân El Salvador và 84% người Senegal.
Về mặt sức mạnh và quyền lực, khoảng 22% người Philippines nói rằng, Trung Quốc hiện đã hoặc sẽ là siêu cường hàng đầu của thế giới nhưng hầu hết vẫn nghĩ Mỹ đã và sẽ tiếp tục là cường quốc số 1 trên toàn cầu.
"67% người Nhật, 67% người Philippines và 61% người Hàn Quốc coi Mỹ là cường quốc kinh tế hàng đầu", cuộc điều tra của Pew cho biết.
Hơn nữa, ngày càng có nhiều người Châu Á, trong đó có cả Philippines, cảm thấy bất ổn, lo lắng trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
"Gần như tất cả người Nhật Bản (96%) và Hàn Quốc (91%) cũng như đa số người dân Australian (71%) và Philippines (68%) nghĩ việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự là điều không tốt đối với đất nước của họ", kết quả cuộc điều tra dư luận cho hay.
Theo VnMedia
Đo sức mạnh quân sự toàn cầu đầu thế kỷ XXI Mới đây, một số viện nghiên cứu về các vấn đề quân sự trên thế giới như "Viện nghiên cứu các vấn đề hòa bình Stockholm (SIPRI)", "Trung tâm nghiên cứu" trực thuộc Quốc hội Mỹ", "Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (ISS)", Hãng thông tấn "Vũ khí Nga", Viện "Denheg" của Nga và nhiều viện nghiên cứu khác...