Chủ tịch nước: Tập trung xét xử nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành Tòa án chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm về kinh tế, tham nhũng…
Sáng 9/1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tòa án năm 2018.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tòa án năm 2018.
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, trong năm 2017, công tác giải quyết xét xử các loại vụ án và xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án có nhiều chuyển biến mang tính thực chất cả về tiến độ và chất lượng; nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Ngành Tòa án đã xử lý dứt điểm một số vụ án xét xử oan người không có tội từ những năm trước, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Từ ngày 1/10/2016 đến ngày 30/9/2017, các Tòa án đã giải quyết được 438.625 vụ việc trong tổng số 491.384 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 89,3%). So với cùng kỳ năm trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 28.232 vụ (tăng 6,1%); vụ việc đã giải quyết tăng 33.549 vụ (tăng 8,3%); tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,3%, đáp ứng được yêu cầu Quốc hội đề ra.
Công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính cũng có nhiều tiến bộ. Ngành Tòa án đã chú trọng tổ chức tốt đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính và hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự; tỷ lệ hòa giải thành trong năm qua đạt 53,3%. Việc nâng cao tỷ lệ hòa giải thành đã góp phần tăng sự đồng thuận trong xã hội, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án và đảm bảo vụ án được giải quyết dứt điểm vì không có kháng cáo, kháng nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự tích cực, chủ động, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của các tòa án trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, nhất là trong việc đề ra và thực hiện có hiệu quả các giải pháp đột phá và khẩu hiệu hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”, hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác mà Quốc hội đề ra.
Video đang HOT
Ngành Tòa án đã tập trung nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xét xử, giải quyết các loại án; thực hiện việc công khai các bản án nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Thẩm phán, bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của tòa án. Trong quá trình xét xử, các tòa án đã thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc độc lập xét xử và nguyên tắc suy đoán vô tội; các phán quyết của tòa án bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Trong năm qua, không có trường hợp nào xét xử oan người vô tội; các vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng được tập trung chỉ đạo giải quyết, xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương ngành Tòa án đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng với tinh thần cầu thị đối với các trường hợp xét xử từ nhiều năm trước nhưng có đơn kêu oan và đã minh oan cho một số trường hợp, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tòa án được thực hiện theo hướng cơ cấu lại và nâng cao trách nhiệm đội ngũ công chức có chức danh tư pháp, nhất là người đứng đầu; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh; kỷ cương, kỷ luật công vụ được tăng cường.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành Tòa án tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; Chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm về kinh tế, tham nhũng. Ngành Tòa án cần tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tư pháp địa phương, bảo đảm việc áp dụng đúng và thống nhất các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử, chú trọng làm tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, không để xảy ra các vụ xử oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Trong đó tập trung xét xử nghiêm minh các vụ án hình sự, nhất là các vụ kinh tế, tham nhũng, bảo đảm thu hồi tài sản Nhà nước bị chiếm đoạt; hình phạt mà tòa án áp dụng đối với các bị cáo phải tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân các cấp chú trọng công tác cải cách hành chính, nhất là công tác đổi mới thủ tục hành chính – tư pháp trong các hoạt động của Tòa án, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác tòa án nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Ngành Tòa án đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống tố tụng điện tử thông minh – hệ thống cốt lõi để xây dựng tòa án điện tử, bảo đảm hoạt động của tòa án được công khai, người dân dễ tiếp cận và giám sát, các vụ việc phải được thụ lý và giải quyết nhanh chóng.
“Chú trọng xây dựng hình ảnh tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý ngành Tòa án tiếp tục chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng tòa án nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh; quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, nhất là đối với đội ngũ công chức có chức danh tư pháp; chủ động sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tòa án; sớm tổ chức triển khai thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng theo đúng tinh thần là một trong những đơn vị làm “thí điểm” được Ban Bí thư Trung ương Đảng giao thực hiện; nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các giải pháp đổi mới căn bản chế độ tiền lương và chế độ đãi ngộ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tòa án nhân dân các cấp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở, trang bị phương tiện làm việc cho các tòa án, nhất là ưu tiên sớm hoàn thành xây dựng đối với các Tòa án cấp huyện mới chia tách chưa có trụ sở, đang phải đi thuê và triển khai thực hiện các quy định mới về mô hình phòng xét xử; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin… để nâng cao chất lượng các mặt công tác của tòa án nhân dân các cấp./.
TTXVN
Theo Dantri
Chủ tịch nước: Tinh thần tương thân tương ái là đạo lý quý báu của dân tộc!
Đánh dấu 20 năm phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", tối 7/1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật "Sức mạnh nhân đạo" với chủ đề "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" - Xuân Mậu Tuất 2018.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu dự chương trình.
Tới dự chương trình có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch danh dự Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Cùng tham dự có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại biểu khách quốc tế thuộc các hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, cơ quan ngoại giao nước ngoài, cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trao tặng bảng vàng danh dự "Sức mạnh nhân đạo" cho các cụm thi đua khu vực trên cả nước tặng suất quà Tết; các doanh nghiệp, tổ chức trong nước, quốc tế trao quà tặng ủng hộ cho chương trình "Sức mạnh nhân đạo".
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, thực hiện chính sách xã hội, nhân đạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là truyền thống nhân ái cao đẹp, đạo lý "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách" từ bao đời nay của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta, người sáng lập và là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong suốt 23 năm, kể từ khi thành lập Hội đến khi Người qua đời, đã dạy: "Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng, triển khai sâu rộng các phong trào, cuộc vận động, thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của người nghèo, nhân dân các vùng bị thiên tai, thảm họa, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em mồ côi và những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Điển hình là cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", dự án "Ngân hàng bò", phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" với hàng triệu người có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp thiết thực cả về vật chất và tinh thần.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương những kết quả, thành tích mà các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; trân trọng cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã có những nghĩa cử cao đẹp, luôn đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo.
Nhấn mạnh tinh thần tương thân, tương ái, yêu thương, giúp đỡ con người là truyền thống tốt đẹp, là đạo lý quý báu của dân tộc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo. Cùng với đó, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Luật Hoạt động chữ thập đỏ, tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ các cấp thực hiện tốt bảy hoạt động chữ thập đỏ được quy định trong luật; phát huy vai trò của Hội trong việc tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chương trình vì mục tiêu nhân đạo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần tiếp tục đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp, đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo, tất cả vì người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lòng nhân ái, vận động nguồn lực, tổ chức sâu rộng các phong trào, các cuộc vận động trợ giúp thiết thực những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, đóng góp tích cực vào các hoạt động của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Nhân dịp năm mới 2018, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công đến toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ cả nước, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, cùng toàn thể người dân cả nước.
Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được khởi xướng từ năm 1999. Trong những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ hàng triệu suất quà cho người nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội được vui xuân, đón Tết. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trở thành cầu nối giữa chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, các đối tượng chính sách khác, là nơi gửi gắm niềm tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân muốn chung tay chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, phần nào giúp xoa dịu đi nỗi đau da cam, nỗi đau của những người khốn khó. Phong trào đã ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được nhiều kết quả thiết thực, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội, nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự tham gia của ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động và trao tặng gần 10 triệu suất quà Tết, với tổng trị giá 3.464 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" - Xuân Mậu Tuất 2018 với mục tiêu vận động ít nhất hai triệu suất quà Tết để trao tặng các gia đình nghèo, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Nhân dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo 1400 mở đầu số nhắn tin 1409 với cú pháp TET (từ ngày 27/12/2017 - 24/2/2018). Mỗi tin nhắn đóng góp 20.000 đồng cho người nghèo dịp Tết Mậu Tuất 2018./.
Đức Dũng
TTXVN
Những con số trong đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh Ngày 8.1, TAND TP.HCM đưa vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 đồng phạm ra xét xử về tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Hữu Nhân - Hoài Thanh (Zing)