Chủ tịch nước: Sẽ tăng thêm tàu lớn cho CSB và Kiểm ngư
“Trung Quốc đang ngày càng có những hành động gây hấn, nguy hiểm. Các tàu của họ luôn mở bạt che súng, bật ra đa và chĩa nòng pháo về hướng tàu của ta”.
Ngày 3/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên lực lượng cảnh sát biển và cán bộ, công nhân nhà máy đóng tàu Sông Thu (Tổng Công ty Sông Thu – Bộ Quốc Phòng) đang đóng tại thành phố Đà Nẵng.
Tại khu vực cầu cảng, Chủ tịch nước đã lên thăm hai tàu CSB 2013 và CSB 2015 vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền từ Hoàng Sa trở về.
Đoàn công tác Trung ương kiểm tra nơi đóng “soái hạm” trang bị cho lực lượng cảnh sát biển.
Thượng tá Trần Quang Tuấn, Phó chỉ huy trưởng Cảnh sát biển vùng 2, cho biết, từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép (từ ngày 1/5) trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc đã có nhiều hành động gây hấn, đe dọa an ninh ổn định trong khu vực.
“Trên thực địa, Trung Quốc huy động một lượng lớn các loại tàu và phương tiện khác để bảo vệ giàn khoan. Hiện có 118 – 120 tàu của Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực này. Ngoài các tàu hải cảnh, ngư chính, Trung Quốc còn sử dụng hai tàu hộ vệ tên lửa, hai tàu quét mìn và hai tàu tuần tiểu mang tên lửa”, Thượng tá Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, để ngăn cản lực lượng chấp pháp của ta tiếp cận giàn khoan, Trung Quốc bố trí ba lớp tàu bảo vệ. Không chỉ ngăn cản tàu cảnh sát biển, kiểm ngư, các tàu này còn đâm húc, tấn công cả tàu gỗ của ngư dân Việt Nam ra đánh bắt, khai thác thủy sản.
Video đang HOT
“Trung Quốc ngày càng có những hành động gây hấn, nguy hiểm. Các tàu của họ luôn mở bạt che súng, bật ra đa và chĩa nòng pháo về hướng tàu của ta”, Thượng tá Trần Quang Tuấn báo cáo với Chủ tịch nước. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, mặc dù thường xuyên bị các tàu của Trung Quốc đe dọa, tấn công nhưng lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư vẫn bình tĩnh, cơ động tránh né.
Trong thời gian qua, hai lực lượng này đã mở 150 đợt “đột kích” tiến sát giàn khoan Hải Dương 981 để phát loa tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan. “Lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam đã thực hiện đúng theo Công ước quốc tế về Luật Biển, Luật Hàng hải… nhưng phía Trung Quốc vẫn bất chấp, ra sức ngăn cản. Mỗi mũi tiến công của ta đều bị tàu Trung Quốc đâm húc, gây hư hỏng cho các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển”, ông Tuấn nói.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà cho đại diện cảnh sát biển.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi lời khen ngợi các chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
“Trước tình hình Trung Quốc xâm phạm sâu vào vùng biển nước ta hai tháng qua, lực lượng chủ công để bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn là: cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân. Trong khi phía họ đưa ra những tàu chiến, máy bay quân sự để đe dọa, uy hiếp. Mặc dù tàu của mình nhỏ hơn, công suất yếu hơn, tốc độ chậm hơn… nhưng chắc chắn một điều rằng lòng dũng cảm của ta lớn hơn”, Chủ tịch nước phát biểu, đồng thời khẳng định, trong thời gian tới sẽ tăng cường cho hai lực lượng này những tàu lớn, hiện đại, đủ sức đương đầu với các khó khăn, thử thách trên biển.
Khi đến thăm “soái hạm” của lực lượng cảnh sát biển CSB – 8002 đang được Tổng Công ty Sông Thu đóng, Chủ tịch nước yêu cầu đơn vị này phải khẩn trương hoàn thành để bổ sung vào đội tàu thực thi pháp luật trên biển.
Đại tá Hà Sơn Hải, Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu, cho hay, con tàu có trọng tải 2.400 tấn đóng theo công nghệ của Tập đoàn đóng tàu Damen Hà Lan được áp dụng những công nghệ, thiết bị đi biển hiện đại nhất. “Cần có thêm những con tàu có lượng giãn nước lớn mới đủ sức bảo vệ chủ quyền”, ông Hải nói.
Trong thời gian qua, đơn vị này cũng đã sửa chữa cho hàng chục lượt tàu cảnh sát biển và kiểm ngư bị Trung Quốc đâm hư hỏng.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tặng quà cho đại diện cảnh sát biển và Công ty đóng tàu Sông Thu.
Trong sáng cùng ngày, đoàn công tác Trung ương cũng đến thăm và làm việc tại Bộ Tư lệnh vùng 3 Hải quân.
Theo Khampha
Thế giới chỉ trích Trung Quốc âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò
Một tờ báo Pháp cho rằng, Bắc Kinh sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, âm mưu, phớt lờ luật pháp quốc tế để thúc đẩy các yêu sách của mình.
Tấm bản đồ khổ dọc được Nhà xuất bản bản đồ tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc phát hành hồi tuần trước tiếp tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Giới chức nhiều nước và các học giả đều cho rằng, việc thay đổi tấm bản đồ từ khổ ngang sang khổ dọc thể hiện yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc đang trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á, chứng tỏ tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh ngày càng lớn.
Bản đồ khổ dọc thể hiện 10 đoạn "nuốt" gần trọn Biển Đông do Trung Quốc phát hành (Ảnh: Tân Hoa xã)
Bộ trưởng Truyền thông Australia, ông Malcolm Turnbull, một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền Canberra, người được xem là "phó tướng" quan trọng của Thủ tướng Australia Tony Abbott, ngày 1/7 đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc "dùng sức mạnh cơ bắp với một hoặc vài nước láng giềng, thậm chí tất cả các nước láng giềng ở những thời điểm khác nhau".
Ông Turnbull cho rằng chính sách của Trung Quốc "hoàn toàn phản tác dụng" và "ảnh hưởng tiêu cực" đối với an ninh khu vực. Những lời chỉ trích của Bộ trưởng Turnbull được dư luận chú ý bởi trước đây giới quan sát đánh giá Australia rất ít can thiệp vào xung đột trên biển Đông, vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Trong khi đó, tấm bản đồ 10 đoạn vừa được Trung Quốc công bố tiếp tục khiến giới chức Ấn Độ "nổi giận". Phản ứng về bản đồ mới của Trung Quốc, thủ hiến bang Arunachal Pradesh, ông Nabam Tuki, đã lên án Trung Quốc đang có mưu đồ bành trướng lãnh thổ. Ông Tuki kiến nghị chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi lập kênh phản đối Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh đàm phán để tìm giải pháp.
Theo tờ Diplomat của Nhật Bản, tân Thủ tướng Modi, nhà lãnh đạo có thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chắc chắn sẽ không thể chấp nhận việc Trung Quốc ngang nhiên đưa bang Arunachal Pradesh vào bản đồ mới của nước này, bất chấp việc 2 bên đang cố gắng cải thiện quan hệ thông qua hợp tác kinh tế và đầu tư.
Theo chuyên gia Gerad Gayou của Quỹ tư vấn chính sách quốc tế Heritage Foundation, có trụ sở tại Mỹ, việc phát hành bản đồ 10 đoạn không phải là thủ đoạn gì mới của Trung Quốc, song là một động thái cho thấy Trung Quốc đang gia tăng những tuyên bố bất hợp lý về cái gọi là chủ quyền của nước này tại Biển Đông.
Ông Gayou nhấn mạnh, Bắc Kinh đã bỏ ngoài tai mọi lời chỉ trích để theo đuổi chính sách bành trướng lãnh thổ. Chuyên gia Mỹ cho rằng, tấm bản đồ Trung Quốc mới xuất bản không chỉ là tín hiệu cứng rắn đối với ASEAN và Mỹ, nó còn được Bắc Kinh coi như một công cụ hỗ trợ cho nước này trong những cuộc đối đầu về lãnh thổ trong tương lai.
Trong bài báo được đăng tải trên tờ Thế giới của Pháp số ra ngày 1/7, nhà báo Brice Pedroletti nhấn mạnh rằng, Trung Quốc từng tuyên bố rằng nước này đang "trỗi dậy một cách hòa bình" nhưng thực ra không phải vậy. Để đạt được giấc mộng hão huyền về một cường quốc biển, Bắc Kinh sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, âm mưu, phớt lờ luật pháp quốc tế, sử dụng ưu thế quân sự chèn ép nước nhỏ nhằm thúc đẩy các yêu sách của mình.
Có vẻ như Trung Quốc vẫn không vì những chỉ trích ngoại giao mà kiềm chế các hành động gây hấn trên Biển Đông. Bản đồ đường 10 đoạn là bằng chứng mới nhất cho thấy sự liều lĩnh của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Trước những động thái mang tính chất khiêu khích này, nhiều quốc gia trong khu vực và cộng đồng thế giới đã bày tỏ quan điểm rằng, phải dùng đến luật pháp để giải quyết các tranh chấp và ngăn chặn ngay những âm mưu, thủ đoạn mới của Trung Quốc./.
Theo VOV
Thủ tướng: Không chấp nhận bị đe dọa, lệ thuộc Cử tri TP Hải Phòng và tỉnh Hà Tĩnh bức xúc trước việc làm bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, đồng thời đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Trong ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại TP Hải Phòng...