Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC
Sáng 10/11, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh. Tham dự Hội nghị có đại diện của hơn 1.500 tập đoàn hàng đầu khu vực.
Quang cảnh hội nghị các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp APEC. Nguồn: THX/TTXVN
Đây là sự kiện quan trọng nhất của cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương và được tổ chức thường niên trong Tuần lễ Cấp cao APEC, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp và nêu các khuyến nghị lên các Lãnh đạo cấp cao APEC.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được mời tham dự và phát biểu với tư cách khách mời đặc biệt tại phiên họp của Hội nghị về chủ đề “Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, cơ sở hạ tầng và chính sách”.
Phát biểu định hướng tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước những cơ hội mới, to lớn với việc hình thành Cộng đồng ASEAN và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các liên kết Đông Bắc Á, Liên minh Thái Bình Dương…
Chủ tịch nước nêu bật những nỗ lực và đóng góp của ASEAN trong việc khởi xướng và thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối trong khuôn khổ APEC và ở châu Á-Thái Bình Dương. Nổi bật là việc các thành viên ASEAN đã đề xuất “Các Mục tiêu Bogo” năm 1994 tại Indonesia, ý tưởng hình thành “Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương” tại Hà Nội năm 2006, sáng kiến “Phát triển bền vững và kết nối khu vực” tại Singapore năm 2009, và “Kế hoạch dài hạn APEC về phát triển cơ sở hạ tầng và đầu tư” thông qua tại Bali, Indonesia năm 2013.
Video đang HOT
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian từ nay đến năm 2020 là giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, năng động của Đông Nam Á với việc Cộng đồng ASEAN hình thành, tạo nên một thị trường chung, không gian kinh tế thống nhất của cả khu vực. Hầu hết các cam kết tự do hóa thương mại, đầu tư và dịch vụ trong các thoả thuận thương mại tự do của ASEAN với các đối tác hàng đầu sẽ được hoàn tất, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mở rộng và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do của ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ….
Đánh giá cao vai trò tiên phong của các doanh nghiệp trong liên kết và kết nối khu vực, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp cùng nỗ lực tham gia thực hiện Khuôn khổ và Lộ trình kết nối APEC được thông qua tại các Hội nghị Cấp cao ở Bali và Bắc Kinh, đặc biệt trong việc huy động vốn đầu tư và thông qua các mô hình quan hệ đối tác công-tư (PPP).
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực kết nối cho các nền kinh tế thành viên đang phát triển, nhất là trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai.
Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ các thành viên ASEAN trong triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, các dự án tiểu vùng về cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển của ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong.
Trao đổi với các doanh nghiệp về những quan tâm của Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ kết nối khu vực là một nội hàm then chốt của đổi mới sâu rộng và hội nhập quốc tế toàn diện mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai. Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt về nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực.
Chủ tịch nước nhấn mạnh các ưu tiên hiện nay của Việt Nam là xây dựng các tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây của Tiểu vùng sông Mekong mở rộng và khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, Hành lang kinh tế phía Nam và Hành lang kinh tế Bắc-Nam, cơ sở hạ tầng cảng biển, các khu, điểm du lịch, các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu…
Các doanh nghiệp đều bày tỏ đánh giá cao những kết quả tích cực của Việt Nam trong nỗ lực đổi mới sâu rộng, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế. Các doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng rằng, với nỗ lực tham gia các liên kết kinh tế ở khu vực, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp và khẳng định sẽ tăng cường các hoạt động kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam để cùng đón bắt những cơ hội, tiềm năng hợp tác mới.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất một số khuyến nghị với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về các biện pháp chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam.
Với chủ đề “Tầm nhìn mới đối với châu Á – Thái Bình Dương: Sáng tạo, kết nối, liên kết và thịnh vượng”, Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2014 đã diễn ra trong hai ngày 9 và 10/11 và do Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế của Trung Quốc tổ chức.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề lớn đang đặt ra đối với các nền kinh tế thành viên APEC và các doanh nghiệp khu vực, như hệ thống thương mại đa phương, đổi mới, xây dựng nền kinh tế sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng, bảo đảm tương lai của tài chính toàn cầu, tăng cường kết nối, nhất là về đầu tư và phát triển hạ tầng cơ sở, hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương….
Hơn 10 nhà Lãnh đạo APEC được mời tham dự các phiên thảo luận của Hội nghị với tư cách khách mời đặc biệt.
Theo TTXVN/Vietnam
Indonesia mua 11 trực thăng chống ngầm AS-565
Ngày 5-11, một quan chức Airbus Helicopters cho biết, chính phủ Indonesia có kế hoạch sẽ mua 11 chiếc máy bay trực thăng Airbus AS-565 MBe Panther để tăng cường khả năng tác chiến chống ngầm (ASW).
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Triển lãm "Indo Defence Expo 2014" ở Jakarta, giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Airbus Helicopters Philippe Monteux cho rằng: "Trực thăng AS-565 Panther hiện đã trở thành một trong những dòng trực thăng chống ngầm, hạng nhẹ tốt nhất trên thế giới".
Vị đại diện khu vực của Airbus Helicopters cho biết, tập đoàn sẽ bàn giao số máy bay trực thăng AS-565 Mbe Panther này cho hải quân Indonesia trong thời gian 3 năm.
Theo một thỏa thuận công nghiệp chiến lược với Airbus Helicopters, nhà sản xuất máy bay quốc doanh PT Dirgantara Indonesia sẽ trang bị cho số máy bay trực thăng này các trang thiết bị hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ trước khi bàn giao chúng cho hải quân Indonesia.
Máy bay trực thăng Airbus AS-565 Panther
Các trang thiết bị này sẽ bao gồm Sonar chủ động tầm xa chìm trang bị trên trực thăng (HELRAS) và hệ thống phóng ngư lôi, giúp trực thăng hoạt động hiệu quả từ cả trên đất liền và trên boong tàu.
"Giải pháp hiện đại và đáng tin cậy này đáp ứng được tiêu chuẩn hàng hải của Indonesia và các nước khác ở châu Á và Thái Bình Dương nhờ vào sự hợp tác của chúng tôi với tập đoàn PT Dirgantara Indonesia và các nhà cung cấp hệ thống tốt nhất trong ngành công nghiệp này", ông Philippe Monteux nói.
Trước đó, quân đội Indonesia đã được biên chế nhiều loại máy bay trực thăng của Airbus, bao gồm trực thăng huấn luyện hạng nhẹ Colibri EC120; trực thăng tấn công hạng nhẹ Fennec và BO-105; trực thăng chống ngầm Panther; và trực thăng vận tải AS-330 Puma và AS-332 Super Puma. Ngoài ra, không quân nước này cũng sẽ sớm tiếp nhận loại trực thăng tìm kiếm, cứu nạn EC-725.
Theo An Ninh Thủ Đô
Nhức nhối nạn buôn người Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, buôn người hiện vẫn là một vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới với hàng triệu người bị mua bán mỗi năm. Cảnh sát Mỹ phát hiện một container chứa nạn nhân buôn người từ châu Á qua Mexico để vào Mỹ Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 3-11 đã...