Chủ tịch nước: “Không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo TAND các cấp trong quá trình xét xử phải đảm bảo yêu cầu cao nhất là ra bản án, quyết định đúng pháp luật, mang lại công lý cho mọi người, không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Phát biểu chỉ đạo triển khai công tác năm 2015 của TAND các cấp sáng 19/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, cho rằng năm 2014 ngành tòa án đã nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; nổi bật là tỷ lệ giải quyết các loại vụ án đạt cao (92,8%), án để quá hạn luật định, bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán đều giảm so với năm 2013; chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa được nâng lên. “Nét mới là nhiều vụ án tham nhũng lớn, xã hội hết sức quan tâm, được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Trong quá trình xét xử, khi phát hiện tội phạm mới đã tiến hành khởi tố tại tòa hoặc xem xét lại tội danh một số hành vi phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Ngành tòa án cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra, giám đốc một số vụ án hình sự có đơn kêu oan, nhìn chung được dư luận đồng tình ủng hộ, hoan nghênh”- Chủ tịch nước đánh giá.
Chủ tịch Trương Tấn Sang chỉ đạo ngành tòa án phải bảo đảm ra bản án, quyết định đúng pháp luật, mang lại công lý cho mọi người, không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước cho rằng bên cạnh những kết quả quan trọng, thành tích đạt được, trong năm 2014, tòa án các cấp vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế như: Còn một số chỉ tiêu công tác chưa đạt yêu cầu các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn nhiều, chưa khắc phục triệt để án quá hạn luật định do lỗi chủ quan của thẩm phán; vẫn còn một số bản án quyết định không rõ ràng, gây khó khăn cho việc thực hiện.
“Một số cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, trình độ năng lực còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có trường hợp bị xử lý kỷ luật. Việc thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm so với yêu cầu… Những hạn chế này làm ảnh hưởng tới chất lượng công tác của ngành tòa án. Tôi đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, phân tích làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để nghiêm túc rút kinh nghiệm và sớm đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước yêu cầu năm 2015 toàn ngành phải làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. “Trong quá trình xét xử, yêu cầu cao nhất là bảo đảm ra bản án, quyết định đúng pháp luật, mang lại công lý cho mọi người, không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm”- Chủ tịch nước giao nhiệm vụ.
Video đang HOT
Không có trường hợp nào kết án oan người không có tội
Theo báo cáo của TAND Tối cao, từ ngày 1/10/2013 đến 30/9/2014, các tòa án đã giải quyết 385.356 vụ án các loại trong tổng số 415.038 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,8%); số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không có tội.
Trong số 2.161 trường hợp tòa án trả yêu cầu điều tra bổ sung, có 90% đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật và được VKSND chấp nhận, một số trường hợp VKSND không chấp nhận do còn có quan điểm khác nhau, dẫn tới có vụ án toà án tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc phải chuyển tội danh khác so với truy tố của VKS. Quá trình giải quyết các vụ án, khi phát hiện căn cứ cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội, tòa án đã yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố thêm bị can; đồng thời khi phát hiện có sự buông lỏng, sơ hở trong công tác quản lý là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các tòa án đã kiến nghị với các cơ quan có liên quan để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý. Các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước.
Điển hình là vụ án Vũ Việt Hùng – nguyên Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk – Đắk Nông cùng các đồng phạm phạm tội “Nhận hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; vụ án Nguyễn Thanh Huyền – nguyên Phó tổng giám đốc Vifon cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; vụ án Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo khác phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Trốn thuế”, “Kinh doanh trái phép”; vụ án Nguyễn Hùng Dũng cùng các đồng phạm phạm tội “Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý” ở Quảng Ninh…
Đối với việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tiếp tục được các hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Các bị cáo được tòa án cho hưởng án treo là những bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, nhất thời phạm tội hoặc bị rủ rê, lôi kéo, có nhiều tình tiết giảm nhẹ (bị cáo hoặc gia đình bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả).
Tỷ lệ các bị cáo được tòa án cho hưởng án treo là 18,7%, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, quan trọng hơn là 99,5% các trường hợp cho hưởng án treo đảm bảo đúng căn cứ pháp luật, không bị tòa án cấp phúc thẩm giám đốc thẩm hủy, sửa án. Đối với các vụ án về kinh tế, tham nhũng, các tòa án đều đảm bảo xét xử nghiêm khắc, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được tòa án cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ 18,8%, giảm hơn 8,2% so với năm 2013, chỉ có 1/129 trường hợp cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng bị sửa án do áp dụng không đúng quy định của pháp luật…
Thế Kha
Theo Dantri
Sinh viên đại học được hoãn nghĩa vụ quân sự đến khi tốt nghiệp
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/1, đa số ý kiến ủng hộ chủ trương cho phép sinh viên đang học đại học được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng sau khi ra trường phải thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội - nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật Nghĩa vụ quâ sự (sửa đổi) thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 - 25 tuổi chứ không kéo dài tới tuổi 27. Việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm sự bình đẳng. Việc kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ cho đối tượng tạm hoãn là sinh viên đang học đại học để gọi vào phục vụ tại ngũ sau khi tốt nghiệp vừa khó khả thi, vừa không bảo đảm công bằng xã hội.
"Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh tán thành với đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân thống nhất từ 18 - 25 tuổi như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành"- ông Khoa nói.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, nếu kéo dài tuổi nhập ngũ đến 27 tuổi thì sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH phải gọi 100% đi nghĩa vụ quân sự mới có giá trị.
Đáng chú ý, vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ với sinh viên chính quy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng nếu giữ như quy định hiện hành thì đối tượng tạm hoãn quá rộng, không khắc phục được những vướng mắc bất cập hiện nay. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước và tình hình thực tiễn, cơ quan này đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn vì số lượng ngày càng tăng như hiện nay, cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc phù hợp.
GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ thái độ không đồng tình với quy định không tạm hoãn nghĩa vụ đối với sinh viên hệ chính quy. Theo ông Thi, khi các em đã có giấy gọi nhập học rồi thì trong thời gian học phải hoãn nghĩa vụ quân sự, không nên để xảy ra tình trạng các em đang học vẫn bị gọi, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, đào tạo. "Nếu quy định sinh viên học chính quy có thể tự bỏ chi phí tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế nghĩa vụ quân sự, rất có thể tạo kẽ hở để sinh viên tìm cách trốn nhập ngũ. Mặt khác nếu không kéo dài tuổi gọi nghĩa vụ quân sự với sinh viên hệ chính quy sẽ gây khó khăn cho các em, bên cạnh đó không cẩn thận sinh viên sẽ kéo dài thời gian lưu ban (tối đa 3 năm) đề trốn nghĩa vụ quân sự"- ông Thi lưu ý cơ quan soạn thảo.
Từ phân tích trên, ông Thi đề nghị nên hoãn gọi nghĩa vụ quân sự đối với người trúng tuyển đại học chính quy; khi tốt nghiệp đại học sẽ tiếp tục tham gia lực lượng quân đội, để góp phần đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.
Ý kiến của ông Đào Trọng Thi nhận được nhiều ý kiến tán đồng. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước lưu ý sau khi học xong đại học những sinh viên này phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những thanh niên đã thi đỗ đại học có thể "tạm hoãn nhưng không phải miễn nghĩa vụ quân sự".
Sau khi nghe các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Kim Khoa bày tỏ quan điểm: Nếu kéo dài tuổi nhập ngũ đến 27 tuổi thì sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học phải gọi 100% đi nghĩa vụ quân sự mới có giá trị. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ sinh viên tham gia nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam hiện nay đạt tỷ lệ rất ít (khoảng 0,5%), nên việc kéo dài đến 27 tuổi dễ khiến gia tăng sự mất công bằng xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính vì thế ông Khoa cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ đối với vấn đề này.
Đồng tình với chủ trương tạm hoãn đối với sinh viên đang học đại học nhưng ông Khoa cho rằng có thể thiết kế quy định mở để cho những người tình nguyện nhập ngũ. Bên cạnh đó có thể sử dụng hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế khác để thanh niên thực hiện, giúp tạo điều kiện cho người tốt nghiệp ra trường là có thể đi làm ngay.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá đề xuất cho phép sinh viên có thể tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khả thi và không đảm bảo công bằng giữa những thanh niên sống trong gia đình có tiền và không có tiền. Ông Thanh cũng đồng tình với việc cho phép sinh viên đang học được hoãn nghĩa vụ quân sự và khi học xong sẽ thực hiện nghĩa vụ này.
Thế Kha
Theo Dantri
Đà Nẵng sẽ có đường hoa xuân đặc sắc đón Xuân Ất Mùi Đường hoa Xuân Bạch Đằng - Đà Nẵng 2015 với chủ đề "Đà Nẵng - Rực rỡ Sắc Xuân" sẽ được mở cửa đón khách từ ngày 9/2/2015 - 23/2/2015, nhằm ngày 21 tháng Chạp đến mồng 6 tết Ất Mùi để phục vụ người dân. Ngày 18/1, theo tin từ văn phòng TP.Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố đã thống nhất chủ...