Chủ tịch nước: Giữ vững ổn định chính trị địa bàn biên giới, hải đảo
Ngày 31/1, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức Hội nghị 15 năm tổng kết tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng cho các xã biên giới (1999-2014).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự hội nghị và phát biểu chỉ đạo.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các tỉnh Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thanh Hóa đã có phát biểu tham luận, đánh giá cao kết quả tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực biên giới của Bộ đội Biên phòng.
Từ năm 1999 đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã lựa chọn, tăng cường hàng trăm lượt cán bộ cho các xã biên giới, đặc biệt khó khăn thuộc 32 tỉnh, thành phố.
Đội ngũ cán bộ tăng xã đã trực tiếp tham gia cấp ủy, chính quyền xã, đề xuất nhiều giải pháp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xóa được 572 thôn bản trắng đảng viên, phát triển được 17.228 đảng viên.
Qua đề xuất của cán bộ Bộ đội biên phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phát hiện lựa chọn bồi dưỡng được 2.975 lượt cán bộ cấp xã, thôn…
Về kinh tế-xã hội, cán bộ biên phòng đã tích cực tham gia giúp dân xóa đói giảm nghèo, đặc biệt từ năm 2008-2011 đã vận động xây dựng được 6.901 căn nhà, 272 công trình dân sinh trị giá gần 300 tỷ đồng, góp phần thay đổi đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới. Nhiều đồng chí đã trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học ở địa bàn biên giới.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ tăng cường cũng tích cực làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tuyên truyền các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo; thực hiện phong trào “quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự ở khu vực biên giới.”
Qua 15 năm triển khai, công tác tăng cường cán bộ biên phòng về xã gặp một số vướng mắc khi chưa có cơ chế quy định thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là chế độ sinh hoạt đảng, quản lý hành chính.
Do cán bộ tăng cường xã không có trong tổ chức biên chế của Bộ đội Biên phòng nên khi sử dụng với số lượng nhiều sẽ gặp khó khăn trong lựa chọn cán bộ có chất lượng tốt và ảnh hưởng đến quân số thực hiện nhiệm vụ khác.
Biểu dương những kết quả đạt được sau 15 năm tăng cường cán bộ cho các xã biên giới của Bộ đội biên phòng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh hiện nay và trong những năm tới, tình hình quốc tế và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch bằng nhiều âm mưu thủ đoạn tiếp tục chống phá cách mạng. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng biển đảo đặt ra nhiều vấn đề mới phải giải quyết, đòi hỏi sự tham gia của toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh những thành tựu đạt được rất đáng ghi nhận ở địa bàn biên giới, hải đảo hiện nay, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới, vùng biển… đang tiềm ẩn tạo ra những bất ổn, ảnh hưởng đến việc ổn định phát triển của đất nước.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang nhưng hết sức nặng nề do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, tiếp tục có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng vùng với thực hiện tốt nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, cần phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội địa bàn biên giới, coi đây là nhiệm vụ chính trị vừa cơ bản lâu dài, vừa cấp bách.
Chủ tịch nước đề nghị, từng đơn vị, từng cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng phải tích cực giúp các địa phương xây dựng cơ sở chính trị, kinh tế vững mạnh toàn diện; tập trung tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời tuyên truyền làm thất bại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị địa bàn biên giới, hải đảo.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm 15 năm tăng cường cán bộ Bộ đội biên phòng cho các xã biên giới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, cấp ủy, lãnh đạo các cấp Bộ đội biên phòng cần tiếp tục thực hiện và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương bố trí, tạo điều kiện cho các cán bộ biên phòng tăng cường cho các xã phát huy, hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
Chủ tịch nước căn dặn, các cán bộ tăng cường cho các xã cần tăng cường phẩm chất, năng lực công tác, nhất là kiến thức về xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, vận động quần chúng, giữ gìn, phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ,” thực sự là tấm gương về tinh thần khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo trong công tác, là chỗ dựa cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương vùng biên giới, hải đảo; góp phần xây dựng địa bàn biên giới, hải đảo, ngày càng giàu mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Theo Hương Giang
TTXVN/Vietnam
Chủ tịch nước: "Không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm"
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo TAND các cấp trong quá trình xét xử phải đảm bảo yêu cầu cao nhất là ra bản án, quyết định đúng pháp luật, mang lại công lý cho mọi người, không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm.
Phát biểu chỉ đạo triển khai công tác năm 2015 của TAND các cấp sáng 19/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, cho rằng năm 2014 ngành tòa án đã nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; nổi bật là tỷ lệ giải quyết các loại vụ án đạt cao (92,8%), án để quá hạn luật định, bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán đều giảm so với năm 2013; chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa được nâng lên. "Nét mới là nhiều vụ án tham nhũng lớn, xã hội hết sức quan tâm, được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Trong quá trình xét xử, khi phát hiện tội phạm mới đã tiến hành khởi tố tại tòa hoặc xem xét lại tội danh một số hành vi phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Ngành tòa án cũng tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra, giám đốc một số vụ án hình sự có đơn kêu oan, nhìn chung được dư luận đồng tình ủng hộ, hoan nghênh"- Chủ tịch nước đánh giá.
Chủ tịch Trương Tấn Sang chỉ đạo ngành tòa án phải bảo đảm ra bản án, quyết định đúng pháp luật, mang lại công lý cho mọi người, không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước cho rằng bên cạnh những kết quả quan trọng, thành tích đạt được, trong năm 2014, tòa án các cấp vẫn còn một số khuyết điểm, hạn chế như: Còn một số chỉ tiêu công tác chưa đạt yêu cầu các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan vẫn còn nhiều, chưa khắc phục triệt để án quá hạn luật định do lỗi chủ quan của thẩm phán; vẫn còn một số bản án quyết định không rõ ràng, gây khó khăn cho việc thực hiện.
"Một số cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp, trình độ năng lực còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có trường hợp bị xử lý kỷ luật. Việc thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm so với yêu cầu... Những hạn chế này làm ảnh hưởng tới chất lượng công tác của ngành tòa án. Tôi đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, phân tích làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để nghiêm túc rút kinh nghiệm và sớm đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới"- Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước yêu cầu năm 2015 toàn ngành phải làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. "Trong quá trình xét xử, yêu cầu cao nhất là bảo đảm ra bản án, quyết định đúng pháp luật, mang lại công lý cho mọi người, không được để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm"- Chủ tịch nước giao nhiệm vụ.
Không có trường hợp nào kết án oan người không có tội
Theo báo cáo của TAND Tối cao, từ ngày 1/10/2013 đến 30/9/2014, các tòa án đã giải quyết 385.356 vụ án các loại trong tổng số 415.038 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,8%); số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không có tội.
Trong số 2.161 trường hợp tòa án trả yêu cầu điều tra bổ sung, có 90% đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật và được VKSND chấp nhận, một số trường hợp VKSND không chấp nhận do còn có quan điểm khác nhau, dẫn tới có vụ án toà án tuyên bố bị cáo không phạm tội hoặc phải chuyển tội danh khác so với truy tố của VKS. Quá trình giải quyết các vụ án, khi phát hiện căn cứ cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội, tòa án đã yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố thêm bị can; đồng thời khi phát hiện có sự buông lỏng, sơ hở trong công tác quản lý là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các tòa án đã kiến nghị với các cơ quan có liên quan để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý. Các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án về tham nhũng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương cũng như cả nước.
Điển hình là vụ án Vũ Việt Hùng - nguyên Giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông cùng các đồng phạm phạm tội "Nhận hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng các đồng phạm phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; vụ án Nguyễn Thanh Huyền - nguyên Phó tổng giám đốc Vifon cùng các đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản" và "Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"; vụ án Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản" và "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng các bị cáo khác phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Trốn thuế", "Kinh doanh trái phép"; vụ án Nguyễn Hùng Dũng cùng các đồng phạm phạm tội "Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý" ở Quảng Ninh...
Đối với việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tiếp tục được các hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo đúng hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Các bị cáo được tòa án cho hưởng án treo là những bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, nhất thời phạm tội hoặc bị rủ rê, lôi kéo, có nhiều tình tiết giảm nhẹ (bị cáo hoặc gia đình bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả).
Tỷ lệ các bị cáo được tòa án cho hưởng án treo là 18,7%, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước, quan trọng hơn là 99,5% các trường hợp cho hưởng án treo đảm bảo đúng căn cứ pháp luật, không bị tòa án cấp phúc thẩm giám đốc thẩm hủy, sửa án. Đối với các vụ án về kinh tế, tham nhũng, các tòa án đều đảm bảo xét xử nghiêm khắc, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được tòa án cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ 18,8%, giảm hơn 8,2% so với năm 2013, chỉ có 1/129 trường hợp cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng bị sửa án do áp dụng không đúng quy định của pháp luật...
Thế Kha
Theo Dantri
Quê nhà nghẹn ngào đón liệt sỹ phi công Lê Hồng Quân Hàng trăm người dân Nghệ An đã đội gió, đội rét để chia sẻ đau thương với gia đình và đón liệt sỹ Lê Hồng Quân trở về. Chiều ngày 31/1, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường nên thị xã Cửa Lò (Nghệ An) có mưa, nhiệt độ giảm đột ngột, trời trở lạnh. Thế nhưng, từ 1h chiều,...