Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Cấm xe máy là ý kiến cá nhân, HN chưa quyết
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, việc cấm, hạn chế xe máy chỉ là ý kiến của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, TP chưa có quyết định về việc này
Sáng nay, bên lề phiên họp bất thường (kỳ họp thứ 8), HĐND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã trả lời báo giới một số câu hỏi liên quan đến việc Hà Nội đang nghiên cứu cấm xe máy vào giờ cao điểm trên một số các tuyến phố khu vực nội đô.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, giải pháp giảm ùn tắc giao thông Hà Nội đã được UBND TP trình ra HĐND vào tháng 7.2018, lộ trình đã rõ là đến năm 2030.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
“Vừa qua có một số ý kiến cá nhân, trong đó có ý kiến của Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội chứ chính thức TP chưa đưa ra quyết định về việc này”, ông Chung nói.
Lãnh đạo TP.Hà Nội cho rằng, hiện nay đối với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như thu nhập của người dân Việt Nam, chúng ta đang sử dụng phương tiện xe máy rất lớn.
Trên địa bàn TP hiện nay xấp xỉ 6 triệu xe máy nên việc giải quyết cấm hay hạn chế xe máy ở từng khu vực phải được nghiên cứu đánh giá rất kỹ lưỡng, phương án này phải được công bố công khai, tạo được sự đông thuận của người dân. Đặc biệt việc này cần dựa trên cơ sở TP phải phát triển, đáp ứng được điều kiện về phương tiện công cộng hiện đại.
Bên cạnh đó, phải tuyên truyền để người dân Hà Nội có thói quen khi di chuyển trong vòng 1-1,5km thì nên đi bộ. “Trong thời gian tới TP sẽ đánh giá lại toàn bộ và công khai với người dân”, ông Chung nhấn mạnh.
Trước đó, trao đổi với báo giới, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin, Hà Nội đang lựa chọn tuyến đường để thí điểm dừng hoạt động xe máy, có thể là đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.
Video đang HOT
Xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu của người dân Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, TP sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên một số tuyến. Sở đang lựa chọn, như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sau khi đưa vào thực hiện có thể lựa chọn 1 trong 2 tuyến để dừng hoạt động xe máy là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi – Hà Đông. 2 tuyến này khi phát triển vận tải hành khách công cộng tốt thì có thể dừng lại.
Khi cấm hoặc dừng hoạt động xe máy trên tuyến, khu vực nào thì vẫn phải đảm bảo sinh hoạt bình thường việc đi lại của nhân dân ở những khu vực được kết nối một cách thuận lợi. Trong quá trình hoàn thiện, đề án sẽ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của người dân.
Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, những năm qua, với đồng bộ các giải pháp từ hạ tầng tới chính sách, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đã giảm đáng kể. Từ 124 điểm đen ùn tắc vào năm 2010, giảm xuống còn 44 điểm năm 2015, và năm 2017 còn 41 điểm.
Tuy vậy, ùn tắc ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, nguyên nhân do hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của phương tiện cá nhân, bên cạnh việc giải quyết được các điểm ùn tắc cũ lại phát sinh các điểm ùn tắc mới.
“Ùn tắc giao thông là vấn đề thời đại, không phải chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước kinh tế, hạ tầng phát triển tốt vẫn ùn tắc. Tại Hà Nội, sức ép ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, có ý kiến nói là như một thảm họa, nếu không làm gì thì có lỗi với nhân dân. Do đó, TP đã xây dựng Đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Vấn đề quản lí phương tiện cá nhân bao gồm tất cả các loại phương tiện, xe máy chỉ là một trong những phương tiện hạn chế” – ông Viện nói.
Theo Danviet
Đề xuất cấm xe máy: Tắc nghẽn giao thông vì tư duy quản lý
Xe máy không phải là yếu tố gây tắc nghẽn giao thông Hà Nội, mà tư duy của các nhà quản lý giao thông mới là điểm nghẽn lớn nhất.
Dư luận thủ đô sục sôi ngay sau khi Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện trao đổi với báo chí: Hà Nội sẽ thí điểm việc dừng xe máy trên một số tuyến. Sở đang tham mưu lựa chọn, như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau khi đưa vào thực hiện, có thể lựa chọn 1 trong 2 tuyến để dừng hoạt động xe máy là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông.
Để tăng thêm sức nặng cho phương án mà Sở GTVT Hà Nội sắp tham mưu, ông Viện quả quyết: "Chúng tôi có nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc)". Thực ra, vấn đề ông Viện đưa ra không có gì là mới mẻ, ngay cả sinh viên các trường đại học giao thông cũng đã được dạy. Hạn chế phương tiện cá nhân để giảm ùn tắc giao thông nội đô là đúng, đây là điều không phải Hà Nội mà tất cả các thành phố lớn trên thế giới đều đã từng làm. Nhưng trước đó họ tập trung xây dựng hệ thống phương tiện công cộng đáp ứng được yêu cầu đi lại của nhân dân.
Đường Nguyễn Trãi - Hà Đông thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Bản thân người dân cũng hiểu xe máy tuy thuận tiện nhưng có quá nhiều thì không chỉ gây ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Nhưng lâm vào cảnh "méo mó có hơn không", xe máy vẫn là giải pháp tốt hơn đi bộ rất nhiều khi mà phương tiện công cộng của thủ đô chưa thể đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Khi giao thông công cộng Hà Nội đi lại an toàn, thuận tiện, giá vé hợp lý thì dẫu không cấm xe máy người dân cũng tự giảm bớt.
Bài cùng chuyên mục
Chiều dài giọt mắm Việt
Nói đến chuyện giao thông Bắc Kinh, ông Viện quên mất 2 điểm khác biệt. Đầu tiên là khí hậu Bắc Kinh lạnh hơn rất nhiều so với Hà Nội, nên người dân ít sử dụng xe máy là điều dễ hiểu. Điều quan trọng hơn là vận tải công cộng Bắc Kinh đã đáp ứng 60% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi con số đó ở Hà Nội là 8% và chính Sở GTVT Hà Nội trong nhiều hội thảo cho biết đến 2030 may ra vận tải công cộng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20-25%. Vậy cấm xe máy thì nhân dân sẽ chuyển sang đi bộ chăng? Đơn giản vì không phải ai cũng đủ tiền đi taxi, grab, xe ôm...
Lại nói về 2 tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi - Hà Đông mà Sở GTVT Hà Nội định thí điểm cấm xe máy. Ông Viện dẫn chứng tuyến BRT Hà Đông - Giảng Võ được đầu tư rất tốt, có khả năng vận chuyển lớn, tốc độ nhanh, nhưng do phương tiện cá nhân quá nhiều nên chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Lê Văn Lương là tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn và hay bị ùn tắc.
Đến đây người ta mới vỡ lở ra một điều: Sở GTVT Hà Nội đang áp dụng điển tích thời Xuân Thu "vây Ngụy, cứu Triệu". Nhớ lại, năm 353 trước Công Nguyên, đại tướng nước Ngụy là Bàng Quyên đem quân đánh nước Triệu. Vua Triệu phải cầu cứu nước Tề. Tôn Tẫn hiến kế cho vua Tề, sai đại tướng Điền Kỵ đem đại quân bao vây thành Đại Lương - là kinh đô nước Ngụy, buộc Bàng Quyên thoái quân về giải cứu Đại Lương.
Bài cùng chuyên mục
Có khiêm tốn khi giao định mức "đánh" tham nhũng?
Đó là binh pháp, còn thực tế nếu cấm đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi, nhiều chuyên giao giao thông cho rằng nó chỉ giúp cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thêm được số ít hành khách có điểm đi - đến gần với các ga. Không lẽ, sau khi đi tàu, muốn đến các điểm khác người dân lại đi xe ôm hoặc taxi?
Giải bài toán giao thông đô thị theo kiểu cắt lát, cấm đường này chỉ tổ tắc đường thêm đường khác mà thôi. Trước hết, phải nói là ông Viện và các cộng sự đang làm ngược bài toán giao thông đô thị. Khi chưa làm tốt phương án giải cứu khu vực nội đô lại lo đi nối thông ngoại thành với nội đô bằng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, tăng thêm áp lực cho các quận trung tâm.
Thêm nữa, áp dụng kế sách "vây Ngụy, cứu Triệu" của ông Viện và Sở GTVT Hà Nội để giải bài toán giao thông đô thị như đã nói trên là "cái chết đã được báo trước". Đúng như GS Nguyễn Ngọc Chu khẳng định: "Nếu cấm đường Nguyễn Trãi thì đường Lê Văn Lương thêm tắc. Ngược lại, cấm đường Lê Văn Lương thì đường Nguyễn Trãi thêm ùn tắc. Cấm mua xe máy thì dân sẽ dồn tiền mua ô tô. Đã tắc lại càng thêm tắc".
Nhiều con đường Hà Nội đang tắc nghẽn. Hà Nội không phải không có tiền, thậm chí đã đổ rất nhiều tiền cho khá nhiều thử nghiệm không giống ai: Ngăn bớt các ngã tư, phân cách mềm - phân cách cứng, vân vân và vân vân... Nhưng điểm tắc lớn nhất lại nằm ở tư duy những người quản lý giao thông, họ không có chiến lược đồng bộ, dài hạn và trình tự thực hiện hợp lý. Đơn giản như việc xuất ngoại học hỏi các nước tiên tiến, nếu không cử người có đủ trình độ tham gia, cứ rập khuôn máy móc đem về, đôi khi lại "gậy ông đập lưng ông".
Đừng đổ oan cho xe máy. Xe máy không phải là yếu tố gây nên tình trạng tắc nghẽn giao thông Hà Nội. Tư duy của các nhà quản lý giao thông mới là điểm nghẽn lớn nhất của giao thông Hà Nội hiện nay, phải thông được điểm này mới thông được các con đường, góc phố khác.
Theo Danviet
Vụ 256 giáo viên sắp mất việc: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói gì? Liên quan đến sự việc 256 giáo viên trên địa bàn huyện Sóc Sơn có nguy cơ mất việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hiện thành phố mới chỉ có chủ trương để tuyển và đang xây dựng tiêu chuẩn. Nhưng không có chuyện số giáo viên đang làm có thâm niên 20 hay 27 năm mất...