Chủ tịch huyện tuyển dụng sai hàng loạt công chức làm lãnh đạo HĐND tỉnh
Liên quan đến sai phạm trong tuyển dụng công chức cấp huyện, cấp xã tại huyện Hoằng Hóa, 4 tháng sau khi Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thu hồi các quyết định tuyển dụng, quyết định tiếp nhận, quyết định điều động, bổ nhiệm… sai quy định, UBND huyện Hoằng Hóa vẫn chưa thực hiện việc này.
Chưa thu hồi vì chờ xin ý kiến Chủ tịch tỉnh
Ngày 15.12, ông Lê Văn Nhuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết, nguyên nhân đến thời điểm hiện tại huyện vẫn chưa thu hồi các quyết định tuyển dụng, tiếp nhận sai quy định như Sở Nội vụ đã chỉ ra là do đang chờ xin ý kiến của Chủ tịch tỉnh.
“Việc thu hồi quyết định rồi làm lại quy trình là một bài toán khó. Huyện đang xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh. Dù Sở Nội vụ kết luận như vậy,nhưng sau thu hồi phải làm những gì, làm lại như thế nào thì phải chờ hướng dẫn. Chủ tịch tỉnh phải có ý kiến, không thể thu hồi hết các quyết định rồi để những người này làm nhân viên được vì lỗi không phải của họ mà lỗi từ tổ chức” – ông Nhuần nói.
UBND huyện Hoằng Hóa – nơi xảy ra sai phạm trong công tác tuyển dụng công chức.
Cũng theo ông Nhuần, vì đây là việc nhạy cảm nên huyện cũng chỉ xin ý kiến trực tiếp bằng miệng chứ không bằng bất cứ văn bản nào.
Liên quan đến nội dung tuyển dụng công chức qua thi tuyển, chuyên ngành Môi trường và chuyên ngành Xã hội học, mỗi chuyên ngành, UBND huyện Hoằng Hóa đăng ký 1 người thế nhưng người thi đỗ lại không được tuyển dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa giải thích: “Khi thi xong, sắp xếp nhân sự lại thì thấy vừa đủ, huyện không có nhu cầu nữa. Việc này là sơ suất của người làm tham mưu, lẽ ra không tuyển nhân sự ở vị trí đó nữa thì phải báo cáo tỉnh nhưng lại không báo cáo”.
Video đang HOT
Phó Chủ tịch huyện Lê Văn Nhuần cũng cho biết, người ký sai nguyên tắc để tuyển dụng 5 công chức không qua thi tuyển và tiếp nhận một công chức cấp xã thành công chức cấp huyện là ông Phạm Bá Oai – nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa. Ông Oai, sau việc ký sai nguyên tắc hàng loạt cán bộ như vậy, hiện đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Khuyết điểm thuộc trách nhiệm Chủ tịch huyện, Trưởng phòng Nội vụ
Kết luận của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ ra 9 hợp đồng dài hạn làm công việc chuyên môn tại các phòng, ban. Tuy nhiên, do các văn bản pháp luật về cán bộ, công chức hiện hành không có quy định về việc hợp đồng để làm công việc chuyên môn trong cơ quan quản lý nhà nước nên việc sử dụng các lao động hợp đồng nêu trên là không có căn cứ pháp lý.
Sở Nội vụ cũng chỉ rõ, công văn số 2843 của Bộ Nội vụ ngày 29.7.2014 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan tổ chức hàng chính nhà nước.
Từ những kết luận trên, UBND huyện Hoằng Hóa buộc phải ra quyết định chấm dứt hợp đồng đối với các ông, bà gồm: Lê Xuân Tùng, Phòng kinh tế – hạ tầng; Hoàng Văn Bằng, Lê Thị Thúy An đều ở phòng LĐTB Phạm Thị Hằng, Đinh Thị Ngọc, Lê Xuân Nhất, Trịnh Trung Kiên đều ở Phòng TNMT; Nguyễn Thị Bằng, Văn phòng; Nguyễn Thị Ánh, phòng y tế. Thời giam chấm dứt hợp đồng chậm nhất vào ngày 31.12.
Liên quan đến những sai phạm trên, ngày 7.12, UBND huyện Hoằng Hóa đã có báo cáo thực hiện kết luận thanh tra cùa Sở nội vụ gửi Chủ tịch UBND tỉnh với nội dung: Khuyết điểm nêu trên thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện, Trưởng phòng Nội vụ, thành viên Hội đồng tuyển dụng cấp xã và công chức có liên quan thuộc UBND huyện giai đoạn 1.2011 đến tháng 7.2015.
Cũng tại văn bản này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa Lê Văn Nhuần cho rằng, chưa đến mức độ phải có hình thức xử lý kỷ luật nhưng đã kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Theo Bình Minh (Dân trí)
13 thạc sĩ được tuyển thẳng ở Tiền Giang sắp mất việc
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa đề nghị tỉnh Tiền Giang hủy bỏ quyết định tiếp nhận 13 thạc sĩ không qua thi tuyển theo chính sách thu hút của tỉnh. Các trường hợp tuyển dụng không qua thi tuyển, tỉnh Tiền Giang không có văn bản gửi xin ý kiến Bộ Nội vụ.
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa công bố kết luận thanh tra về quản lý biên chế công chức, tuyển dụng công chức, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý, số lượng cấp phó... trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn 2014-2016.
Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ rõ những vi phạm trong tuyển dụng công chức tại tỉnh Tiền Giang
Về tuyển dụng công chức, Thanh tra Bộ Nội vụ đánh giá, tỉnh Tiền Giang cơ bản thực hiện theo quy định pháp luật, qua đó tuyển dụng được 152 công chức (65 trường hợp quan thi tuyển; 87 trường hợp tiếp nhận không qua thi) vào làm việc tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, bổ sung vào những vị trí, biên chế còn thiếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng cho rằng, việc tuyển dụng qua thi tuyển công chức trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn tồn tại nhiều vấn đề. Cụ thể, Sở Nội vụ tỉnh Tiền Giang ban hành văn bản điều chỉnh, bổ sung một số nội dung không có trong kế hoạch tuyển dụng của tỉnh; Một số cơ quan, đơn vị khi nhận được quyết định tuyển dụng, không ban hành phân công công tác...
Về việc tuyển dụng không qua thi tuyển, Thanh tra Bộ Nội vụ đánh giá, UBND tỉnh Tiền Giang tiếp nhận không qua thi tuyển 13 trường hợp theo chính sách thu hút của tỉnh là không đúng đối tượng quy định tại Điều 19 Nghị định 24 của Chính phủ. Các trường hợp kể trên có trình độ thạc sĩ về tỉnh Tiền Giang công tác từ năm 2014-2016.
Các trường hợp tuyển dụng không qua thi tuyển, tỉnh Tiền Giang cũng không có văn bản gửi xin ý kiến Bộ Nội vụ trước khi ban hành quyết định tuyển dụng. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang cũng không thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch đối với các trường hợp thuộc đối tượng theo chính sách thu hút và giao cho các sở ngành. Một số trường hợp được sát hạch không có tài liệu thể hiện việc đã tiến hành sát hạch trình độ, năng lực.
Thanh tra Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ, 6 trường hợp được tuyển dụng khi chưa đủ 5 năm có trình độ đại học là thực hiện không đúng quy định trong thông tư 13 của Bộ Nội vụ. UBND tỉnh Tiền Giang cũng không có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ sau khi tiếp nhận các trường hợp là viên chức đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là thực hiện không đúng quy định.
Về bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ rõ, tỉnh Tiền Giang còn bổ nhiệm công chức lãnh đạo thiếu tiêu chuẩn (chủ yếu thiếu trình độ lý luận chính trí, quản lý hành chính nhà nước, 4 trường hợp không có trình độ đại học).
Về số lượng cấp phó, Thanh tra Bộ Nội vụ chỉ rõ, một số đơn vị của tỉnh Tiền Giang sử dụng vượt quá số lượng phó giám đốc sở và tương đương theo quy định. Cụ thể, năm 2016, 3 sở có số lượng cấp phó vượt 1 người. Một số đơn vị sử dụng vượt quá số lượng cấp phó nhưng vẫn chưa tổ chức, sắp xếp lại.
Để khắc phục những tồn tại trên, Thanh tra Bộ Nội vụ kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang rà soát những trường hợp đã được tuyển dụng không qua thi; thực hiện đúng quy định về tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt; hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với các trường hợp không thực hiện đúng quy định.
Thanh tra Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch tỉnh Tiền Giang miễn nhiệm chức danh lãnh đạo đối với công chức không đáp ứng trình độ đại học. Có kế hoạch cử công chức chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ quản lý chính trị, quản lý nhà nước... đi đào tạo, bồi dưỡng.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Nội vụ còn đề nghị tỉnh Tiền Giang xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc tham mưu, không đúng quy định pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm, số lượng cấp phó, nâng lương trước hạn và hợp đồng lao động công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu phát hiện vi phạm, tiêu cực xem xét xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Theo Quang Phong (Dân Trí)
Trạm thu phí BOT "quá lãi" nên... bỏ hoang giữa quốc lộ?! Trạm thu phí BOT Tào Xuyên (Thanh Hóa) đã tạm dừng thu phí gần 4 tháng nay, nhiều công trình, hạng mục tại đây đang bỏ hoang giữa quốc lộ. Đây là trạm thu phí BOT một thời được coi là "đắt nhất Việt Nam" và phải di dời đi vị trí, đồng thời rút ngắn thời gian thu phí vì "quá lãi"....