Chủ tịch huyện Hoàng Sa nói gì khi TQ ngang ngược lập Tây Sa…?
Trước việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” tại “thành phố Tam Sa”, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) đã lên tiếng về tuyên bố phi lý này.
Tối nay (19/4), trước việc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “khu Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) – Võ Ngọc Đồng đã lên tiếng về tuyên bố phi lý này.
Theo đó, Chủ tịch huyện Hoàng Sa khẳng định, chính quyền địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng, trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, UBND huyện Hoàng Sa kiên quyết phản đối việc Trung Quốc ban hành quyết định thành lập cái gọi là khu Tây Sa và Nam Sa thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa.
Lập trường này đối với cái gọi là thành phố Tam Sa cũng đã được nêu rõ tại Nghị quyết số 26/2012/NQ-HĐND ngày 04/7/2012 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng và các tuyên bố của UBND huyện Hoàng Sa trong suốt thời gian qua.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên khai phá, chiếm hữu và xác lập chủ quyền một cách liên tục, hoà bình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hành động nêu trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các thỏa thuận giữa hai nước và khu vực, làm phức tạp tình hình ở khu vực Biển Đông và tổn hại đến các nỗ lực hợp tác giữa các nước.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của TP.Đà Nẵng (Việt Nam) đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Ảnh: CSIS
“UBND huyện Hoàng Sa kịch liệt phản đối và yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ ngay lập tức quyết định sai trái trên, chấm dứt ngay các hoạt động bất hợp pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”, Chủ tịch huyện Hoàng Sa yêu cầu.
Trước đó, vào sáng nay (19/4), trước sự việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:
“Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.
Đình Thiên
Người phát ngôn BNG Trung Quốc trắng trợn bịa đặt: Tàu cá VN đâm tàu Hải cảnh TQ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn đổi trắng thay đen sự thật vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trong tuyên bố mới đây.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 3/4, khi phóng viên đặt câu hỏi liên quan tới việc tàu cá Việt Nam bị chìm sau va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết:
"Vào sáng 2/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc trong cuộc tuần tra định kỳ phát hiện tàu cá Việt Nam đánh bắt cá bất hợp pháp ở ngoài khơi quần đảo Tây Sa (thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - PV) và ngay lập tức kêu gọi con tàu rời đi.
Tàu cá Việt Nam từ chối rời đi và bất ngờ chuyển hướng về phía tàu Trung Quốc. Mặc dù tàu hải cảnh của Trung Quốc đã cố hết sức để tránh, nhưng vẫn bị tàu cá Việt Nam đâm vào mũi tàu. Tàu cá Việt Nam sau đó bị ngập nước và chìm.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngay lập tức thực hiện chiến dịch giải cứu và cả 8 ngư dân Việt Nam đã được giải cứu mà không có bất cứ thương tích nào. Tàu hải cảnh Trung Quốc sau đó đã để ngư dân Việt Nam rời đi sau khi hoàn thành thủ tục điều tra và thu thập bằng chứng cần thiết".
Phát ngôn của bà Hoa là sự bịa đặt trắng trợn, vốn song hành các tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc về Biển Đông trước đây.
Trên thực tế, vào khoảng 3h ngày 2/4, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Trên tàu khi đó có 8 thuyền viên.
Sau khi bị đâm chìm, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm.
Tàu QNg 90617 TS bị đâm chìm ở Hoàng Sa. (Ảnh: Ngư dân chụp)
Sáng cùng ngày, nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ.
Lúc này, các tàu cá tiếp tục bị tàu Trung Quốc truy đuổi, 2 tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS sau đó cũng bị bắt, lai dắt vào đảo Phú Lâm.
Đến khoảng 18h ngày 2/4, Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929 TS, QNg 90045 TS và thả 2 tàu cá này cùng 8 ngư dân của tàu chìm về.
Đây thực chất mới là diễn biến của vụ việc chứ không phải "sự thật", mà do bà Hoa thêu dệt trong phát ngôn của mình.
Không chỉ dừng lại ở đó, trong tuyên bố sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng cáo buộc "tàu đánh cá Việt Nam có thời điểm thường xuyên xâm phạm vùng lãnh hải và nội thủy của 'quần đảo Tây Sa' của Trung Quốc để đánh bắt cá".
Cái mà Trung Quốc gọi là "quần đảo Tây Sa" thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố chủ quyền với quần đảo này để biện minh cho các hành động phi pháp của mình tại đây nhưng chưa từng đưa ra bất cứ bằng chứng thuyết phục nào cho các tuyên bố đó.
Video: 6 ngư dân kêu cứu ở Hoàng Sa
Bà Hoa còn ngang nhiên khẳng định "tàu cá Việt Nam phớt lờ và thậm chí có hành động nguy hiểm để chống lại việc thực thi pháp luật của Trung Quốc".
"Phía Trung Quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc với Việt Nam về vấn đề này, yêu cầu Việt Nam thông báo với ngư dân của mình và điều chỉnh hoạt động đánh cá của họ để đảm bảo không tái phạm việc xâm phạm vùng biển liên quan tới quần đảo Tây Sa của Trung Quốc hoặc thực hiện các hành động nguy hiểm chống lại lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc", bà Hoa nói.
Đây là sự dối trá không thể chấp nhận bởi các ngư dân Việt Nam hoàn toàn đánh bắt cá hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và cũng không hề có hành động nguy hiểm đối đầu với Trung Quốc như bà Hoa vu cáo.
Đáp trả hành động vô lối của Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/4 đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 3/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh:
"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho quan hệ hai nước cũng như việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông".
SONG HY
Chuẩn bị tiếp nhận hệ thống lưới điện trên đảo Thổ Chu Đoàn công tác của EVN SPC vừa có chuyến khảo sát thực tế, chuẩn bị cho việc triển khai tiếp nhận lưới điện trên đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang). Quần đảo Thổ Châu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) được coi là xã đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc với 8 hòn đảo lớn nhỏ như những chấm...