Chủ tịch Hội Nông dân xã “xử lý” con số 0 này như thế nào?
Nhờ cách làm sáng tạo, anh Lăng Văn Trọng – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Tân Văn(Lâm Hà, Lâm Đồng) đã đưa phong trào của Hội ND xã đi lên từ con số 0.
Từ vị trí chót bảng
Trong chuyến đi tác nghiệp tại huyện Lâm Hà, PV Báo NTNN đã được bà Nguyễn Thị Hồng Anh – Chủ tịch Hội ND huyện giới thiệu về một tấm gương điển hình trong công tác hội tại địa phương.
“Anh Lăng Văn Trọng – Chủ tịch Hội ND xã Tân Văn là một người công tác tốt, có nhiều cách làm hay để đưa phong trào của Hội tại địa phương đi lên. Khi anh mới nhận nhiệm vụ, công tác của Hội ND xã Tân Văn chỉ đứng áp cuối trong “bảng xếp hạng”, thế nhưng sau 2 năm làm việc, chúng tôi đánh giá đơn vị này đã đi đầu trong phong trào xây dựng, đổi mới Hội” – bà Hồng Anh chia sẻ.
Những lớp tập huấn, tọa đàm được đơn vị kết hợp với Hội ND huyện thực hiện nhằm nâng cao trình độ đội ngũ lãnh đạo trong Hội. H.T
Trò chuyện với anh Trọng, chúng tôi được biết anh là người dân tộc Thổ và vào làm việc tại Hội ND xã Tân Văn từ năm 2014. Anh Trọng cho biết, anh tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế phát triển nông thôn – Đại học Kinh tế TP.HCM năm 2002, tuy nhiên anh không về Lâm Đồng mà ở lại TP.HCM làm việc khoảng 7 năm.
Đến năm 2013, anh mới chuyển về Lâm Đồng phụ giúp cha mẹ làm kinh tế gia đình. Trong quá trình làm việc tại nhà, với kiến thức và sự gương mẫu, anh được giới thiệu làm công an thường trực tại xã. 4 tháng sau anh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội ND và sau đó là Chủ tịch Hội ND xã Tân Văn năm 2015.
“Khi bắt đầu vào Hội và làm việc, tôi đã gặp muôn vàn khó khăn. Hầu hết các chi hội trưởng đều là những người đã lớn tuổi, phong trào hoạt động kém, không có chất lượng và chỉ mang tính chất đối phó. Bên cạnh đó, các chi hội trưởng đều không có phụ cấp nên việc giữ chân họ rất khó khăn. Tôi đã cùng các đồng chí trong Hội đề ra những phương án, cách làm khắc phục tình trạng trên” – anh Trọng nhớ lại khoảng thời gian khó khăn.
Những cách làm hay
Video đang HOT
Ngay từ khi bước chân vào Hội, anh Trọng đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm của Hội cũng như của bản thân để đưa phong trào Hội lên cao, tránh tình trạng đứng cuối trong “bảng xếp hạng” như hiện tại.
“Phong trào Hội ND khi đó có rất nhiều vấn đề cần cải tổ. Chỉ có thay đổi cách làm thì các hoạt động của Hội mới có thể phát huy hiệu quả chứ không phải là đối phó, cho có nữa” – anh Lăng Văn Trọng khẳng định.
Theo anh Trọng, điều khó khăn nhất là những chi hội trưởng đều là người có tuổi, ứng dụng công nghệ thông tin yếu, lại không có phụ cấp. Anh Trọng đã đề xuất thực hiện việc chi hội trưởng làm khuyến nông viên, từ đó họ sẽ có một khoản phụ cấp để thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả hơn.
Hơn thế nữa, anh Trọng đã không ngừng chú trọng đến việc bổ sung những nhân sự mới, trẻ trung, năng động và có trình độ vào đội ngũ… Cũng từ việc anh thực hiện khắt khe hơn việc xếp loại các chi hội, nên đã có rất nhiều Chi hội phản đối khi anh xếp 9/16 chi hội đạt loại 2 (loại trung bình).
Chủ tịch Hội ND xã tân Văn cho rằng: “Theo họ, nếu xếp loại như vậy sẽ ảnh hưởng đến chi bộ, tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên quyết định như vậy. Từ đó, tôi cũng đề nghị các chi bộ bám sát các chi hội triển khai các phong trào, công tác mà Hội đưa ra nhằm đưa Hội ND xã tân Văn đi lên”.
Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, anh Trọng đã tâm huyết đồng hành cùng người nông dân xây dựng được 7 tổ hợp tác tại xã. Trong đó có 5 tổ hợp tác dâu tằm và 2 tổ hợp tác cà phê.
Theo anh, tập quán độc canh cây lúa nước của người dân địa phương đã được thay đổi vào là việc sản xuất dâu tằm, cà phê, những mô hình nông nghiệp hay, hiệu quả được Hội giới thiệu đến người dân giúp phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Hồng Anh nhận định: “Đồng chí Lăng Văn Trọng là người được Ban chấp hành Hội ND huyện đánh giá cao. Đồng chí rất tâm huyết và quyết liệt trong công việc, thường xuyên có những cách làm đặc biệt để đưa công tác hội đi lên. Nhờ sự quyết tâm của cá nhân cũng như tập thể Hội ND xã Tân Văn mà đến nay đơn vị đã trở thành điểm sáng, dẫn đầu trong công tác hội tại địa phương, giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.
Theo Danviet
Kiếm tiền tỷ mỗi năm từ vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi"
Ông Nguyễn Văn Tất không chỉ là những người gieo màu xanh cây trái, làm cho vùng đất Ia Piơr trở nên trù phú mà còn là Chủ tịch Hội Nông dân xã năng động, nhiệt tình với công tác Hội và phong trào nông dân...Với hơn 20ha vườn cây ăn trái, điều, cao su...mỗi năm gia đình ông Tất có thu nhập cả tỷ đồng.
Đi xây dựng vùng đất mới
Sau 20 năm đặt chân đến xã Ia Piơr, huyện Chư Prông (Gia Lai), ông Nguyễn Văn Tất đã từng bước biến vùng đất trống rộng gần 20ha một thời là nơi "chó ăn đá gà ăn sỏi" thành những vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ thoát nghèo, gia đình ông còn được biết đến là hộ sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Dù ngôi nhà chính nằm ở làng Piơr 1 nhưng mọi sinh hoạt của gia đình ông Tất lại tập trung tại căn nhà gạch dựng tạm ngoài rẫy. Bao quanh căn nhà ấy là bạt ngàn các loại cây ăn trái, điều và cao su. Ông Tất lý giải việc "cắm chốt" tại căn nhà này không chỉ để tiện cho việc chăm sóc vườn cây mà còn bởi đây là nơi gia đình ông đã gắn bó kể từ ngày vào Ia Piơr lập nghiệp.
Những năm gần đây, giá mủ giảm, ông Tất đã thu hẹp vườn cao su chuyển sang trồng cây ăn trái, trong đó có trồng na (mãng cầu) cho thu nhập cao. ảnh: Hồng Thương
Nhấp chén trà nóng hổi, ông Tất nhớ lại: "Quê tôi ở tỉnh Hải Dương. Năm 1997, tôi quyết định đưa vợ và 3 đứa con vào Ia Piơr lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Khi vào đến nơi, gia đình được Nhà nước cấp 400m2 đất ở, 1 căn nhà gỗ, 5 sào đất canh tác và 6 tháng gạo. Tuy nhiên, con cái đông, lại phải bắt đầu cuộc sống mới với số tiền chưa đến 2 triệu đồng nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng tôi phải đi bắt cua, cá ở các con suối gần nhà, đồng thời mượn đất để trồng lúa nhằm giải quyết cái đói trước mắt".
Khó khăn là vậy nhưng với sự cố gắng không ngừng, cuộc sống của gia đình ông Tất cũng dần được cải thiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, 5 sào đất sản xuất của gia đình ông đã được phủ xanh bởi các loại cây trồng ngắn ngày như: Bắp, mì, đậu.
Khi đã có thu nhập, ông Tất lại mạnh dạn mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất. Do đó, thu nhập của gia đình ngày càng tăng, có thời điểm đạt trên 300 triệu đồng/năm. "Trồng các loại cây này không những hợp với thời tiết và thổ nhưỡng ở đây mà còn nhanh cho thu nhập. Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình tích lũy được một số vốn kha khá"- ông Nguyễn Văn Tất vui vẻ cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2008, ông Tất lại mua thêm đất đầu tư trồng cao su, điều. Đồng thời, ông Tất đào ao nuôi cá, mua máy cày, máy ủi để phục vụ nhu cầu sản xuất của gia đình và làm thuê cho các hộ dân trong làng.
Nhờ đó, thu nhập của gia đình tăng lên, mỗi năm đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 500 triệu đồng. Đầu năm 2015, ông đầu tư 1 tỷ đồng để chuyển đổi 6ha trồng cao su và đậu, bắp, mì sang trồng các loại cây ăn quả như: Na, mít, ổi, xoài, chanh...
"Thủ lĩnh" nhiệt tình, trách nhiệm
Không chỉ nổ lực vươn lên làm giàu, đi đầu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, ông
Nguyễn Văn Tất còn là một Chủ tịch Hội Nông dân xã rất nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội và phong trào nông dân.
Diện tích canh tác rộng, công việc nhiều, nhưng dù bận rộn với việc nương rẫy, ông Nguyễn Văn Tất luôn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, nhất là những loại cây trồng mới nhằm phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập cho các hộ gia đình cán bộ, hội viên.
Trong việc tổ chức, triển khai sản xuất, khai thác tiềm năng đất đai, ông Nguyễn Văn Tất là người hăng hái nhưng thận trọng. Ông thường xuyên tìm hiểu thị trường tiêu thụ các loại nông sản, hoa trái để định hướng cho hội viên hướng sản xuất hợp lý, từ đó nhằm nâng cao thu nhập.
Trong sản xuất, gia đình ông Tất còn giúp nhiều cán bộ, hội viên mua cây giống trả chậm không tính lãi để phát triển sản xuất. Bà Vũ Thị Thoa (thôn Kỳ Phong, xã Ia Piơr) cho biết: "Nhờ được ông Tất giúp mua trả chậm một số mặt hàng cây-con giống và phối hợp giúp vay vốn từ ngân hàng, Quỹ hội mà tôi và nhiều hội viên có cơ hội đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu".
Với nỗ lực của mình, ông Tất nhiều năm liền được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, xã; được chính quyền huyện, xã và cấp trên biểu dương vì đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Chư Prông luôn đánh giá cao đóng góp của ông Nguyễn Văn Tất đối với kết quả công tác Hội và phong trào nông dân ở địa phương qua từng năm, từng nhiệm kỳ. Theo đó, ông Tất là một cán bộ Hội năng động, nhiệt tình trong công tác.
Nhờ có ông Tất tích cực tuyên truyền, vận động mà phong trào thi đua được hội viên hưởng ứng nhiệt tình và đạt kết quả thiết thực. Không những thế, ông Tất luôn vượt khó trong lao động sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất...
Theo Danviet
Công nhân lái máy múc đụng cả chục viên đạn cối Những viên đạn cối được một số công nhân lái máy múc phát hiện khi đang tiến hành san gạt đất để trồng hoa trong khu nhà kính của Công ty Hasfarm Phúc Thọ (Lâm Hà, Lâm Đồng). Chiều 17.1, ông Nguyễn Phương - Đội trưởng Đội bảo vệ Công ty Hasfarm Lâm Hà cho biết, một số công nhân san gạt đất...