Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ đạo rao bán “vịt trời”
Dù hàng chục lô đất không phải thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín nhưng Chủ tịch HĐQT Tống Phước Hoàng Hưng đã chỉ đạo nhân viên, cấu kết với Tổng Giám đốc và nhân viên rao bán để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của người dân.
Điều đáng nói, để có đủ tiền mua lô đất hàng tỷ đồng, người dân đã sử dụng cả gia tài dành dụm được và phải cắm sổ đỏ, nhà cửa vay mượn thêm… Cái giá mà vị Chủ tịch HĐQT phải trả là mức án 20 năm tù.
Từ bán đất đấu giá do Nhà nước sở hữu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Tín (gọi tắt là Tập đoàn Khải Tín) được thành lập vào tháng 3/2020, dựa trên chuyển đổi từ Công ty TNHH đầu tư và phát triển Khải Tín, sau đây gọi là Công ty Khải Tín). Trụ sở tập đoàn Khải Tín đặt tại lô A3, Hoàng Quốc Việt, phường An Đông (TP Huế) với 32 ngành nghề kinh doanh; trong đó kinh doanh bất động sản là chủ yếu.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng thời gian từ tháng 5/2020 đến tháng 11/2021, Tống Phước Hoàng Hưng (SN 1985, trú 17 Nguyễn Phan Chánh, phường Vỹ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Chủ tịch Hội đồng quản trị; Phan Minh Thi (SN 1983, trú phường Thống Nhất, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) là Tổng giám đốc và Nguyễn Hà Tấn (SN 1971, trú 17 Nguyễn Phan Chánh, phường Vỹ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) là nhân viên đã lấy danh nghĩa Công ty Khải Tín, có hành vi đưa ra thông tin gian dối, không đúng sự thật rồi bán nhiều lô đất không thuộc quyền sử dụng của Công ty Khải Tín, chiếm đoạt tiền của người mua đất.
Các bị cáo là thành viên của Tập đoàn Khải Tín hầu tòa
Cụ thể, Tống Phước Hoàng Hải (SN 1982, trú phường Xuân Phú, TP Huế) là trưởng phòng khai thác Công ty Khải Tín báo cáo cho Tống Phước Hoàng Hưng và Phan Minh Thi biết việc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) có tổ chức bán đấu giá các lô đất tại Khu dân cư Vân Căn, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền. Hưng quyết định tham gia đấu giá nhằm mục đích bán kiếm lời. Để có tiền đóng chi phí đấu giá, Hưng đã đi vay số tiền 216 triệu đồng rồi đưa cho cho Hải để Hải chuyển vào tài khoản của Công ty cổ phần đấu giá hợp danh 2STC, nộp tiền đấu giá. Thi ký giấy ủy quyền cho Nguyễn Hà Tấn tham gia đấu giá đất do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Quảng Điền tổ chức.
Tại đây, Nguyễn Hà Tấn đấu giá trúng 3 lô đất ký hiệu 312, 314, 315. Theo quy chế đấu giá thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp tiền trúng đấu giá đất (tiền mua đất) vào ngân sách Nhà nước, nếu không nộp sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá. Sau khi trúng đấu giá, Hưng ký phê duyệt cho các phòng liên quan của Công ty Khải Tín đăng thông tin bán các lô đất này trên mạng xã hội và giao cho nhân viên môi giới tìm khách hàng.
Trong khi đó, ngày 24/2/2021, dù hết thời hạn nộp tiền vào ngân sách nhà nước nhưng Công ty Khải Tín không có tiền để nộp nên UBND huyện Quảng Điền hủy kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các lô đất 312, 314, 315. Sự việc này Thi đã báo cho Hưng nhưng Hưng vẫn chỉ đạo Thi tiếp tục đưa thông tin các lô đất này là của Công ty Khải Tín để nhân viên môi giới tiếp thị bán ra thị trường. Với phương thức thủ đoạn như trên, các đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân. Cụ thể, ông Trương Viết Hoàng (sinh năm 1984, trú phường Thủy Vân, TP Huế) ký giấy thỏa thuận đăng ký mua lô đất ký hiệu số 315 với Nguyễn Hà Tấn, giá hơn 775 triệu đồng.
Video đang HOT
Sau khi chuyển đủ số tiền, ông Hoàng nhiều lần đến liên hệ với công ty để được thực hiện công chứng chuyển nhượng lô đất nhưng Công ty Khải Tín không thực hiện. Tương tự, sau khi được nhân viên tư vấn, bà Phan Nhật Phương (sinh năm 1985, trú phường Phú Nhuận, TP Huế) ký với Công ty Khải Tín mua lô đất ký hiệu số 314 với giá 780 triệu đồng. Sau khi ký, bà Phương chuyển đủ tiền vào tài khoản Công ty Khải Tín nhưng Công ty Khải Tín không thực hiện được việc công chứng chuyển nhượng, không trả lại tiền nên bà Phương làm đơn tố cáo. Với thủ đoạn tương tự, Công ty Khải Tín lừa ký bán lô đất ký hiệu số 312 cho bà Văn Thị Mỹ với giá hơn 1 tỷ đồng…
… Đến bán khống nhiều lô đất “vàng”
Theo cơ quan điều tra, ông Trương Đình Hưng (sinh năm 1969, trú phường 11, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) là người có 23 lô đất tại số 67 Vạn Xuân, TP Huế (Thừa Thiên Huế) đang thế chấp để vay số tiền 20 tỷ đồng của ngân hàng. Ngày 15/11/2019, Phan Minh Thi là giám đốc Công ty Khải Tín – Quảng Bình ký với ông Trương Đình Hưng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các lô đất này với giá trị hơn 37 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng xong, do Công ty Khải Tín – Quảng Bình không có tiền trả cho ông Trương Đình Hưng theo thỏa thuận và ông Trương Đình Hưng đề nghị hủy hợp đồng. Lúc này, Tống Phước Hoàng Hưng đã giới thiệu cho ông Trương Đình Hưng vay của ông Cao Minh Tân số tiền 20 tỷ đồng trả cho ngân hàng để nhận lại 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp.
Sau khi ông Trương Đình Hưng vay được tiền, trả hết nợ và lấy 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về thì Phan Minh Thi và Tống Phước Hoàng Hưng yêu cầu ông Trương Đình Hưng ký hợp đồng thỏa thuận thế chấp 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này làm tài sản bảo đảm cho Công ty TNHH MTV Khang Kha – Quảng Bình (do bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung, vợ của Tống Phước Hoàng Hưng làm giám đốc) và Công ty TNHH Infnity World Quảng Bình (do Phan Minh Thi làm giám đốc) để vay 21,9 tỷ đồng. Số tiền này dùng để trả gốc và lãi cho khoản vay của ông Trương Đình Hưng với ông Cao Minh Tân và các bên thống nhất số tiền này là lần thanh toán đợt 1 đối với cả 23 lô đất theo giá trị từng lô.
Chủ tịch HĐQT Tống Phước Hoàng Hưng thời điểm bị cơ quan chức năng đọc lệnh bắt giữ
Mặc dù ông Trương Đình Hưng chỉ giao dịch chuyển nhượng 23 lô đất tại số 67 Vạn Xuân, TP Huế cho Công ty Khải Tín – Quảng Bình, nhưng ngay sau khi được bầu làm chủ tịch HĐQT Công ty Khải Tín Huế (ngày 25/3/2020), Tống Phước Hoàng Hưng đã chỉ đạo nhân viên công ty quảng cáo các lô đất nêu trên là: “Dự án Vạn Xuân compound do Công ty Khải Tín – Huế làm chủ đầu tư” để chuyển nhượng cho khách hàng. Mặc dù đã ký thỏa thuận với ông Trương Đình Hưng về thủ tục, các bước tiến hành khi mua bán, thu tiền 23 lô đất tại số 67 đường Vạn Xuân, TP Huế nhưng sau đó, Tống Phước Hoàng Hưng vẫn ký văn bản tại các cuộc họp để chỉ đạo cho Phan Minh Thi lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất giữa Công ty Khải Tín với người mua đất, trong đó có nội dung: “Ông Trương Đình Hưng là chủ sở hữu các lô đất tại số 67 Vạn Xuân, TP Huế đã ủy quyền cho Công ty Khải Tín – Huế do Phan Minh Thi làm Tổng giám đốc nhận tiền mua đất của khách hàng” mà không có sự đồng ý của ông Trương Đình Hưng để thu tiền của khách hàng.
Thông qua các hợp đồng chuyển nhượng này, Phan Minh Thi đã ký hợp đồng bán 23 lô đất nêu trên. Trong đó, Tập đoàn Khải Tín đã nhận tiền của người mua, giải chấp tại ngân hàng, trả tiền cho ông Trương Đình Hưng số tiền còn lại của các lô đất (sau khi đã trừ phần thanh toán đợt 1) và ông Hưng cùng người mua đã làm xong thủ tục sang tên, chuyển quyền sử dụng đất 11 lô với tổng giá trị hơn 19,4 tỷ đồng. Tập đoàn Khải Tín đã trả phần giá trị còn lại của 11 lô đất này cho ông Trương Đình Hưng là hơn 8,3 tỷ đồng. Các lô đất còn lại Phan Minh Thi và Tống Phước Hoàng Hưng đã lập hợp đồng chuyển nhượng và thu của 13 khách hàng số tiền hơn 17,8 tỷ đồng nhưng không trả cho ông Trương Đình Hưng và ngân hàng mà đã chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân.
Hàng loạt khách hàng sau khi vay mượn tiền đặt cọc tiền mua đất của Tập đoàn Khải Tín bỗng dưng trở thành nạn nhân, “con nợ”. Điển hình, ông N.P.V.P (trú TP Huế) nộp hơn 1,8 tỷ đồng mua Lô B2 nhưng không được thực hiện công chứng chuyển nhượng. Hay ông T.H.T.N (trú phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà) nộp 1,9 tỷ đồng tiền mua lô B6 nhưng vẫn thực hiện ký công chứng chuyển nhượng. Tương tự, ông N.Đ.D (trú đường Phạm Thị Liên, TP Huế) nộp 1,9 tỷ đồng mua Lô B18 nhưng vẫn không được giao đất.
Điều đáng nói, nạn nhân sập bẫy của Tập đoàn Khải Tín không chỉ ở tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn cả ngoại tỉnh. Ông Trần Hữu Th. (SN 1971, trú phường Bách Khoa, TP Hà Nội) ký hợp đồng nhận chuyển nhượng các lô số 193, 194 và 195 tại địa chỉ 67 Vạn Xuân, TP Huế với số tiền 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi ông Th. chuyển đủ số tiền 6,5 tỷ đồng nhưng chỉ được Tống Phước Hoàng Hưng và Phan Minh Thi giao 2 giấy CNQSD đất đối với 2 lô đất số 193, 194 để ký công chứng chuyển nhượng với ông Trương Đình Hưng, riêng lô số 195 do Tống Phước Hoàng Hưng và Phan Minh Thi không trả tiền cho ông Trương Đình Hưng số tiền 600 triệu đồng và trả cho ngân hàng số tiền gần 1,3 tỷ đồng theo các hợp đồng thỏa thuận nêu trên nên ông Th. phải tự trả cho ông Trương Đình Hưng và cho ngân hàng các khoản tiền để hoàn thành việc nhận chuyển nhượng lô đất này.
Cơ quan điều tra đã xác định, Tống Phước Hoàng Hưng và Phan Minh Thi đã lừa bán lô đất số 195 cho ông Th. để chiếm đoạt số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng loạt bị hại khác cũng sập bẫy khi bị Tống Phước Hoàng Hưng Hưng và Phan Minh Thi lừa bán đất ảo. Một nạn nhân trú tại TP Huế bức xúc, nói: “Khi thấy Tập đoàn Khải Tín quảng cáo rầm rộ trên các trang web là sắp ra mắt dự án cao cấp Compound Vạn Xuân, kèm theo đó là các dịch vụ như: mua sắm, phòng tập gym, bể bơi, nhà hàng… nên tôi đã giấu chồng đi vay số tiền 1,9 tỷ đồng để làm hợp đồng đặt cọc trước 50% để mua căn hộ nhằm mục đích để bán lại kiếm lời. Không ngờ, 3 năm nay, tháng nào, tôi cũng xoay sở đủ cách để có một khoản tiền trả lãi vay”.
Chưa dừng lại ở đó, Tống Phước Hoàng Hưng còn đưa ra thông tin giả mạo về tỷ lệ được thu tiền đặt cọc khi môi giới bán các căn hộ cho Công ty IMG Huế để thu tiền của người mua sau đó chiếm đoạt. Theo đó, Công ty IMG Huế ký với Công ty cổ phần Khải Tín – Huế nội dung cho phép Tập đoàn Khải Tín tiếp thị và cung cấp thông tin cho khách hàng có dự định mua các căn Shophouse tại Khu đô thị An Cựu city do Công ty IMG Huế làm chủ đầu tư. Trong hợp đồng cũng nêu rõ, Công ty IMG Huế ủy quyền cho Công ty Khải Tín được thu hộ khoản tiền đặt cọc đối với một căn shophouse tại Khu đô thị An Cựu city của một khách hàng là 100 triệu đồng và phải nộp lại cho Công ty IMG Huế trong 2 ngày làm việc.
Tống Phước Hoàng Hưng trong vai trò chủ tịch HĐQT Công ty Khải Tín đã đưa ra thông tin là: “Công ty IMG Huế cho phép Công ty Khải Tín thu tiền đặt cọc tương ứng với 30% giá trị của căn nhà”. Cứ nghĩ thông tin này là thật nên ông T.H.A (trú phường Phú Nhuận, TP Huế) đã trực tiếp ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng để mua 1 căn Shophouse có giá trị 11,9 tỷ đồng. Sau đó, ông A. chuyển cho Phan Minh Thi số tiền gần 3,6 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, Hưng và Thi không chuyển cho Công ty IMG Huế mà sử dụng cá nhân và chi các hoạt động khác của Tập đoàn Khải Tín.
Như vậy, với tổng số tiền lừa đảo chiếm đoạt hơn 23 tỷ đồng, Tống Phước Hoàng Hưng chiếm đoạt gần 10,6 tỷ đồng để sử dụng tiêu xài cá nhân; Phan Minh Thi chiếm đoạt hơn 4,2 tỷ đồng và gần 9 tỷ đồng còn lại được các đối tượng sử dụng để chi hoạt động nội bộ quản lý doanh nghiệp, trả lương nhân viên, quảng cáo và các hoạt động khác. Với những hành vi nghiêm trọng mà các bị cáo gây ra, sau 3 ngày nghị án kéo dài, ngày 19/1, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên phạt Tống Phước Hoàng Hưng 20 năm tù; Phan Minh Thi 15 năm tù; Nguyễn Hà Tấn 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, các bị cáo còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển, tàng trữ trái phép lâm sản
Ngày 30/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang tiếp tục điều tra làm rõ một số lượng lớn gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, các trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế đã kiểm tra đột xuất cơ sở đồ gỗ Đức Thanh do ông Trần Đức Thanh (SN 1975, trú thôn Tây Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) làm chủ sở hữu, phát hiện 15 phách gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh tiếp tục phát hiện 36 phách gỗ chưa xác định được khối lượng, chủng loại nằm tại khu vực hồ cá thuộc thôn Tây Thành (xã Quảng Thành). Qua điều tra, toàn bộ 51 phách gỗ này đều do ông Trần Đức Thanh làm chủ sở hữu. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, số gỗ này đều không có hồ sơ lâm sản hợp pháp.
Toàn bộ số gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp của ông Trần Đức Thanh vừa bị Công an phát hiện.
Tại huyện miền núi Nam Đông, Công an huyện và đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh cũng phát hiện một số đối tượng liên quan đến hành vi vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái phép. Cụ thể, ngày 20/12, Công an huyện Nam Đông bắt giữ 2 đối tượng là Lê Hữu Hòa (SN 1981) và Ngô Văn Chung (SN 1983, đều trú phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) về hành vi vận chuyển lâm sản trái phép. Thời điểm đó, Hòa lái xe ôtô tải BKS 75C-089.64 chở Chung đến địa bàn huyện Nam Đông để mua lâm sản. Sau đó, Chung xuống xe ôtô đứng tại khu vực đường lên xuống cao tốc La Sơn - Túy Loan để Hòa chạy xe ôtô một mình vào thôn Xuân Phú, xã Hương Phú (huyện Nam Đông) chở 11 phách gỗ dạ chồn.
Khi đối tượng Hòa đang vận chuyển số gỗ trên đến đoạn đường Km13 thuộc cao tốc La Sơn - Túy Loan thì bị Công an huyện Nam Đông phát hiện bắt quả tang hành vi vận chuyển lâm sản trái phép.
Qua điều tra mở rộng, Công an huyện Nam Đông đã phối hợp với Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Công an thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) tạm giữ tại nhà Ngô Văn Chung 21 phách gỗ kiền; tạm giữ tại nhà Ngô Văn Lanh (SN 1960, trú phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) 60 phách gỗ gồm: kiền, dạ chồn, chò, gội, sến; tạm giữ tại nhà Ngô Viết Tùng (SN 1972, trú phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy) 25 phách gỗ chũa. Tổng số tang vật thu giữ gồm 117 phách gỗ quý các loại với khối lượng khoảng gần 8m 3.
Đáng lưu ý, toàn bộ số gỗ này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Cũng theo một nguồn tin riêng cho biết, mới đây, một đường dây vận chuyển gỗ lậu khác vừa được Công an triệt phá và vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.
Theo lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, tại một số địa bàn, tuy có nhiều chuyển biến trong công tác bảo vệ rừng nhưng tình trạng phát phá, xâm lấn đất rừng, đặc biệt là xâm lấn đất rừng tự nhiên, khai thác lâm sản nhỏ lẻ trái pháp luật vẫn còn diễn ra, nhất là tại các khu vực còn nhiều tài nguyên rừng, khu rừng đặc dụng, khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho biết, trong năm 2023, trên địa bàn xảy ra 13 vụ vi phạm chặt phá rừng, xâm lấn rừng lấy đất sản xuất với diện tích hơn 1,4 ha. Hạt kiểm lâm tổ chức nhiều đợt tuần tra, truy quét ngăn chặn khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2023, Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông đã tổ chức và phối hợp với các đơn vị bắt giữ 21 vụ khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tịch thu 12,934m 3 gỗ các loại, 3 máy cưa xăng; xử phạt vi phạm hành chính 12 vụ, 18 đối tượng và khởi tố 1 vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản".
Thông thường cuối năm, hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thường diễn biến phức tạp. Các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trái phép lợi dụng sự lơ là của đơn vị chức năng và chính quyền địa phương, các chủ rừng để tăng cường hoạt động, nhất là ở các địa phương còn giàu tài nguyên rừng. Trước tình hình này, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp cơ quan chức năng, Công an địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, kiểm tra rà soát thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ để quản lý lâm sản hợp pháp.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng liên ngành của huyện (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) phối hợp với chính quyền cơ sở, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR tại cơ sở. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ dân, cộng đồng dân cư thôn, bản trên địa bàn...; hỗ trợ các chủ rừng tăng cường kiểm tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng trái phép; mua bán lâm sản, động vật hoang dã, khai thác lâm sản trái pháp luật.
Ông Hoàng Văn Chúc - Hạt trưởng HKL huyện Nam Đông cho biết, trước thực tế như kể trên, đơn vị đã xây dựng kế hoạch truy quét tại những khu vực trọng điểm, tổ chức thực hiện chốt chặn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát lâm sản tại các vùng trọng điểm, các vùng giáp ranh với các địa phương khác cũng như các địa bàn trọng điểm có nguy cơ xâm hại đến rừng.
Trong năm 2023, lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh đã bắt giữ và xử lý 238 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 106,29m3 gỗ các loại và 264 cá thể động vật hoang dã (trong đó 30 cá thể loài nguy cấp, quý, hiếm và 234 cá thể loài thông thường). Ngoài ra, HKL huyện Phú Lộc đã khởi tố 2 vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn huyện về tội "Hủy hoại rừng" theo quy định tại Điều 243 của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hiện đã chuyển Công an huyện Phú Lộc tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mâu thuẫn gia đình, chồng dùng dao phay "nói chuyện" với vợ Khuya 21/8, do mâu thuẫn cá nhân trong gia đình, Lê Đức Từ (SN 1963) đã dùng dao phay chém nhiều nhát, trong đó có nhát chém vào phần đầu của bà Trần Thị Thành (SN 1966) - là vợ của Từ, dẫn đến thương tích rất nặng. Trưa 21/8, nguồn tin của PV Báo CAND cho biết, sau hơn 10h nỗ lực...